Chất liệu quê hương trong ca từ âm nhạc Phan Quốc Anh

02/01/2015 
(NTO) Bài ca Mười sáu tháng tư, Ninh Thuận quê mình, Đêm hội Raglai, Phan Rang phố thị của tôi, Phan Rang lời nắng gió, Phan Rang thành phố tuổi xuân, Hoa nắng, Biển trưa hè, Phan Rang niềm thương nhớ, Nắng Phan Rang mưa Đà Lạt là tên 10 bài hát hay về Ninh Thuận được nhiều người mến mộ.



Nhạc sĩ Phan Quốc Anh. Ảnh: Sơn Ngọc
Cả 10 bài hát này của chung một tác giả. Chất liệu quê hương được người nhạc sĩ ấy đưa vào trong các nhạc phẩm của mình như một cách để ông đặt bệ phóng cho bài ca, để nó được thăng hoa, bay cao xa để rồi neo đậu vững chắc trong lòng mọi người. Bởi thế, ông được nhiều người thương mến đặt cho danh hiệu “Nhạc sĩ của quê hương”. Ông là Phan Quốc Anh - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh.
Không khó để nhận ra quê hương và con người Ninh Thuận chính là chất liệu đẹp và nổi bật nhất trong các sáng tác của người nhạc sĩ tài hoa này. Qua khảo sát, không một bài hát nào trong số 10 giai phẩm nêu trên mà lại không xuất hiện tên những địa danh nổi tiếng của quê hương Ninh Thuận. Bằng chứng là có 25 lần tên thành phố “Phan Rang”, 11 lần tên quê hương “Ninh Thuận” được xuất hiện trong lời bài ca của ông. Bên cạnh đó, một số địa danh gắn liền với những cảnh đẹp thiên phú, với nền văn hóa độc đáo hay với truyền thống cách mạng anh hùng như Bác Ái, Ninh Chử, Cà Ná, Vĩnh Hy, sông Dinh, Yên Ninh, Đầm Nại, bến Khánh Hội cũng được nhạc sĩ đưa vào ca từ như một lời giới thiệu chân tình, khéo léo và đầy tự hào về quê hương mình, để một khi bài hát đã chạm được đến trái tim thính giả rồi thì họ không bao giờ quên được những địa danh này.
Lúc nào cũng vậy, có cảm giác như người nhạc sĩ lấy quê hương làm hơi thở, làm huyết mạch giữ cho “cơ thể” nhạc phẩm của mình mang đầy sức sống, ấm nóng và rạo rực trong lòng bao người yêu quê. Với ông, Ninh Thuận là nơi để gửi gắm lòng mình, tâm hồn mình. Bởi vậy, ông luôn viết về quê hương với những điều gần gũi nhất, giản dị nhất, những điều hằn sâu trong tâm khảm, gắn liền với hơi thở cuộc sống đời thường. Hình ảnh “biển”, “nắng”, “gió”, “đồi cát”, “giàn nho tím”, “cánh đồng muối”, “cánh đồng bông”, “sân ga”, “cây xương rồng”, “quán cà phê cóc”… lặp đi lặp lại trong loạt sáng tác trên như một minh chứng cho tấm lòng luôn đau đáu về hồn quê. Những bài ca như được chắp thêm đôi cánh của tình yêu quê hương xứ sở, vì thế mà du dương, bay bổng, làm mê say cả người hát và người nghe.
Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập tới thành công của nhạc sĩ trong việc xây dựng được cả một trường nghĩa về văn hóa dân tộc thiểu số trong lời ca. Hình ảnh “cô gái Chăm”, “làng Chăm”, “Tháp Chàm”, “câu dân ca Chăm”, “khèn bầu”, “trống ghi năng”, “rượu cần”, “điệu múa Shiva”, “đàn đá mã la”, “tiếng đàn chapi”, “tiếng đàn Kanhi”, “đêm hội mới Raglai”, “tiếng sarakhen”, “tháp cổ”… đều là những hình ảnh tiêu biểu, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Raglai, dân tộc Chăm tỉnh ta. Những hình ảnh này được nhắc tới nhiều lần trong các sáng tác về quê hương của nhạc sĩ như một sự ưu ái đặc biệt. Điều này có nguyên do xuất phát từ chính tình yêu, sự gắn bó, sợi dây duyên khăng khít của tác giả với quá trình học tập, công tác nghiên cứu về văn hóa Chăm, văn hóa dân tộc Raglai bấy lâu.
Ngoài Phan Quốc Anh, nhiều tác giả cũng đóng góp sức mình cho âm nhạc quê hương bằng những bài hát mang đậm tình quê như Ngô Minh Sơn với nhạc phẩm Phan Rang miền yêu dấu, Đăng Nguyên với bài hát Tình khúc Phan Rang hay tác giả trẻ Nguyên Chấn Phong với Phan Rang gió nắng…Tình yêu, nỗi nhớ và niềm tự hào quê hương là những điều lắng đọng lại trong các ca khúc trên, tựa như một khối vàng ròng: đầy giá trị, vẹn nguyên và sáng lấp lánh.
Nếu ví các giai phẩm về quê hương và con người Ninh Thuận của Nhạc sĩ Phan Quốc Anh là một vườn hoa đẹp thì mỗi một bài hát kia là một bông hoa mang hương sắc riêng biệt, không dễ lẫn lộn. Nhưng mỗi sáng tác, dẫu có thể có làn điệu bổng trầm, nhịp điệu nhanh chậm khác nhau, song tựu chung thì chất liệu quê hương Ninh Thuận trong lời ca luôn là khối nam châm thâu hút mọi sự thương yêu, chú ý của cộng đồng, làm nên vẻ đẹp xuyên suốt, có sức ngân vang và sáng tỏa cùng không gian, thời gian.
ĐXH
văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn