Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu văn hóa hiện nay, những
công trình nghiên cứu liên quan đến biến đổi văn hóa đã nhận được nhiều sự quan
tâm của các nhà nghiên cứu. Thực tế cho thấy, biến đổi văn hóa đang diễn ra rất
đa dạng trong nhiều bối cảnh, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Việc xác định rõ
nội hàm, các yếu tố tác động, biểu hiện, dự báo xu hướng biến đổi… là vấn đề
cần được quan tâm, triển khai thực hiện.
Nguyễn Thị Hồng Tâm
1. Biến đổi của văn hóa
nói chung
Dưới góc độ nghiên cứu văn hóa dân gian, nhân học văn hóa, văn hóa
học, một số tác giả đã phân tích những mặt đạt được và chưa đạt được của văn
hóa Việt Nam trong trong bối cảnh đất nước những năm đầu TK XXI. Tác giả Lê
Hồng Lý và cộng sự đã đề cập đến những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam (1),
điểm qua bối cảnh chung tình hình thế giới hiện nay với sự phát triển kinh tế,
chính trị, xã hội, đặc biệt là sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông
tin, điều này đã tác động mạnh mẽ đến các xu hướng biến đổi văn hóa trên thế
giới. Từ đó dự đoán xu thế phát triển, biến đổi văn hóa Việt Nam ở thập niên
tiếp.
Liên quan
đến những xu hướng biến đổi trong văn hóa và lối sống ở Việt Nam, các nghiên
cứu của tác giả Mai Văn Hai, Phạm Việt Dũng (2) chỉ ra sự biến đổi trên phương
diện văn hóa, lối sống với mọi biểu hiện đa dạng, sinh động, đồng thời làm rõ
những nguyên nhân, yếu tố ảnh hưởng đến biến đổi đó. Những biểu hiện dễ thấy
nhất trong văn hóa, lối sống ở Việt Nam thể hiện trên 5 lĩnh vực: sự biến đổi
của mỗi cá nhân gắn liền với sự biến đổi của gia đình; sự biến đổi về cơ cấu
lứa tuổi trong chu trình đời người; sự thay đổi trong quan hệ hàng xóm, láng
giềng; sự biến đổi trong văn hóa tiêu dùng; xu hướng thay đổi giá trị, triết lý
sống của cá nhân và các nhóm xã hội. Nguyên nhân của những biến đổi đó gồm: tác
động của kinh tế thị trường, văn minh công nghiệp, sự thay đổi của môi trường
nhất thể hóa cá nhân, chuyển đổi từ cơ cấu xã hội truyền thống sang cơ cấu xã
hội hiện đại đa dạng hơn.
Quan tâm
đến xu hướng biến đổi mạnh mẽ của nông thôn dưới tác động tổng hợp của nhiều
nhân tố khác nhau, tác giả Nguyễn Thị Phương Châm, Nguyễn Thị Minh Hằng đã
nghiên cứu xu hướng biến đổi trong đời sống văn hóa ở nông thôn và đô thị
Việt Nam (3). Các tác giả đã phân tích được rõ nét bối cảnh văn hóa nông thôn,
bối cảnh kinh tế, xã hội đô thị Việt Nam, từ đó chỉ ra những biểu hiện, xu
hướng biến đổi. Cụ thể, nó được thể hiện qua lối sống, tôn giáo tín ngưỡng, văn
hóa nghệ thuật. Những sự biến đổi đó diễn ra rất đa dạng, đa chiều, đa cấp độ,
đa hình thức theo xu hướng chung: dân tộc hóa, quốc tế hóa, hiện đại hóa, đa
dạng hóa, chính trị hóa, đời thường hóa và cá nhân hóa.
Tác giả Đỗ
Lan Phương (4) dựa trên cơ sở tiếp cận hệ thống, phương pháp phân tích văn hóa
học, nhân học xã hội và nhiều phương pháp khác đã chỉ ra những nhân tố tác động
đến sự biến đổi văn hóa Việt Nam trên 6 phương diện: phát triển kinh tế xã hội,
phục hưng văn hóa truyền thống, hoạt động tôn giáo, phát triển truyền thông đại
chúng, giao lưu văn hóa quốc tế. Từ đó tìm ra nguyên nhân của sự biến đổi văn
hóa Việt Nam trong giai đoạn này. Công trình nghiên cứu này là nền tảng, định
hướng cho những nghiên cứu tiếp theo về vấn đề biến đổi văn hóa trong từng lĩnh
vực cụ thể.
Đối với xu
hướng biến đổi trong lễ hội, tác giả Trần Hữu Sơn (5) cho rằng, lễ hội hiện nay
có xu hướng biến đổi mạnh mẽ, lễ hội cổ truyền đang bị tác động bởi nhiều yếu
tố kinh tế xã hội đương đại, bên cạnh đó, còn xuất hiện các sự kiện, festival
hiện đại. Tác giả đã chỉ ra những biến đổi của lễ hội truyền thống như: thời
gian, không gian, chủ thể… Lễ hội cổ truyền chỉ là khái niệm tương đối vì hầu
hết các thành tố, thậm chí cả chức năng của lễ hội cũng có những thay đổi nhất
định.
Về chủ thể
trong quá trình tiếp biến văn hóa, tác giả Nguyễn Thế An (6) đã phân tích vai
trò của thanh niên trong việc xây dựng đời sống văn hóa, đặc biệt trong bối
cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế như hiện nay. Thanh niên đóng vai trò là
chủ thể quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân
tộc. Tuy nhiên, đây cũng là đối tượng dễ bị tác động bởi văn hóa ngoại lai, do
đó cần rèn luyện bản lĩnh, lối sống lành mạnh.
2.
Biến đổi văn hóa trong bối cảnh hội nhập, đổi mới kinh tế
Tiếp cận
biến đổi văn hóa dưới sự ảnh hưởng của công cuộc đổi mới đất nước, tác giả
Nguyễn Văn Dân (7) đã chỉ ra rằng: sau hai mươi năm đổi mới và hội nhập, văn
hóa Việt Nam đã có những biến đổi sâu sắc theo hướng nâng cao, trở nên phong
phú, cởi mở hơn. Trong đời sống văn hóa, tác giả đã phân tích sự đổi mới trên
một số mặt quan trọng như: đổi mới văn hóa về khía cạnh chính trị, pháp lý;
tiếp thu các giá trị văn hóa thế giới; đổi mới trong quan niệm sống, lối sống;
phục hồi, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đổi mới trong tự do sáng
tác. Từ đó tác giả bàn về vấn đề nảy sinh trong đổi mới văn hóa.
Trong bối
cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, các quốc gia trên thế giới không ngừng
giao lưu, gia tăng sự hội nhập kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Từ bối cảnh
này, tác giả Huỳnh Công Bá đã giới thiệu về văn hóa Việt Nam trải dài theo tiến
trình lịch sử đất nước (8). Theo tác giả, bên cạnh những giá trị văn hóa truyền
thống của dân tộc, Việt Nam còn trải qua quá trình giao lưu và tiếp biến những
giá trị văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa, phương Tây...
Cùng cách
tiếp cận, tác giả Nguyễn Hòa đã phân tích vấn đề tiếp biến văn hóa trong quá
trình hội nhập, giao lưu văn hóa (9). Tác giả nhấn mạnh tới sự chọn lọc dựa
trên tinh thần tự giác, bởi, nếu tiếp nhận trên sự tự phát, cảm tính
sẽ rất dễ làm biến dạng văn hóa theo xu hướng phi
truyền thống. Vì vậy, các cơ quan chức năng về văn
hóa cần quan tâm đến tình trạng này, để quá trình tiếp biến văn hóa diễn ra một
cách lành mạnh, có ý nghĩa đối với xã hội và con người.
3.
Những vấn đề biến đổi văn hóa trong các khu vực kinh tế và các địa phương
Tác giả
Lương Văn Hy đã tập trung nghiên cứu quá trình biến đổi về chính trị, xã hội,
đời sống văn hóa của làng Sơn Dương, Phú Thọ trong thời kỳ đổi mới (10). Tác
giả cho rằng, nguyên nhân của sự thay đổi đó là cải cách kinh tế. Cùng quan
điểm với Lương Văn Hy, tác giả Nguyễn Thị Phương Châm đã đưa ra một mô hình
phân tích về sự biến đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay thông qua nghiên cứu
trường hợp 3 làng Đồng Kỵ, Trang Liệt, Đình Bảng thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc
Ninh (11). Tác giả tập trung phân tích 4 lĩnh vực: không gian, cảnh quan làng;
di tích, tín ngưỡng, lễ hội; phong tục tập quán; sự tiếp cận thông tin, các
loại hình giải trí, từ đó chỉ ra các xu hướng cơ bản, nổi bật trong quá trình
biến đổi văn hóa ở các làng quê. Đó là xu hướng phục hồi văn hóa truyền thống,
tái cơ cấu để những yếu tố văn hóa này thích nghi, phát triển tốt trong xã hội
hiện đại; xu hướng về nguồn, tìm đến các giá trị văn hóa tâm linh; xu hướng tái
cấu trúc văn hóa; xu hướng hội nhập các yếu tố văn hóa mới… Những xu hướng này
đã khiến các giá trị truyền thống bị biến đổi, rạn vỡ, hình thành nên các giá
trị mới đáp ứng nhu cầu đa dạng của dân làng.
Trong bối
cảnh văn hóa nông thôn, bối cảnh kinh tế, xã hội đô thị Việt Nam thập niên đầu
TK XXI, tác giả Nguyễn Thị Phương Châm, Nguyễn Thị Minh Hằng đã khái quát hóa 3
đặc điểm nổi bật: Những chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển
văn hóa nông nghiệp và nông thôn; xu thế hội nhập quốc tế, thể hiện qua việc
Việt Nam chủ động và tích cực tham gia hội nhập quốc tế, tham gia các tổ chức
quốc tế, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, nâng
cao vị thế, tạo diện mạo mới cho tình hình chính trị xã hội của đất nước; cơ
cấu xã hội nông thôn có 2 sự chuyển đổi lớn: từ nền kinh tế bao cấp sang nền
kinh tế thị trường và từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp (12). Hai
tác giả đã chỉ ra được những biểu hiện của biến đổi văn hóa ở nông thôn và đô
thị Việt Nam, từ đó chỉ rõ những nhân tố gây nên sự biến đổi, nhấn mạnh đến chủ
trương, chính sách của nhà nước trong việc xây dựng, phát triển nông thôn mới
được thực hiện từ những năm 80 TK XX.
Bên cạnh
đó, các nghiên cứu khác còn cho thấy, cộng đồng nông nghiệp - nông thôn chuyển
thành các cộng đồng mang tính đô thị do áp lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện
đại hóa ở các địa phương. Trong đó, tác giả Nguyễn Văn Quyết (13) đã tiến
hành khảo sát các biến đổi đời sống văn hóa của 3 cộng đồng dân cư nông nghiệp.
Tác giả đã tiến hành phân tích sự biến đổi kinh tế, xã hội từ nông thôn sang đô
thị, biến đổi trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa… Đồng
thời, tác giả cũng chỉ ra các điều kiện, yếu tố tác động đến quá trình biến đổi
đời sống văn hóa, trong đó, đặc biệt chú ý đến các yếu tố kinh tế, chính trị,
xã hội, sự giao lưu, tiếp biến văn hóa... Công trình đã khái quát lên một bức
tranh phát triển đời sống văn hóa của những cộng đồng dân cư có khu công nghiệp
tập trung, với tất cả những lợi thế, hạn chế, thời cơ và thách thức, từ đó đề
ra một số giải pháp mang tính lý luận và thực tiễn.
Ở Việt Nam,
hoạt động kinh doanh du lịch, liên quan đến biến đổi văn hóa cũng được quan
tâm, trong đó, Đặng Thị Phương Anh (14) tập trung nghiên cứu 4 vấn đề: nội
dung, đặc điểm, bản chất và xu thế của toàn cầu hóa; toàn cầu hóa về văn hóa;
vai trò của văn hóa trong nền kinh tế thế giới; vai trò của văn hóa trong kinh
doanh du lịch ở Việt Nam, từ đó chỉ ra xu thế khai thác các giá trị văn hóa
trong kinh doanh du lịch ở Việt Nam nhằm tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang
đậm bản sắc dân tộc. Sự phát triển của các loại hình du lịch văn hóa, cũng như
thiết lập các chuẩn mực văn hóa trong kinh doanh, quản lý du lịch cần được thực
hiện trong mối quan hệ gắn bó với sự phát triển chung của toàn ngành cũng như
đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đồng thời,
trên cơ sở phân tích mối quan hệ giữa tiếp biến văn hóa đối với phát triển du
lịch quốc tế, tác giả Lê Anh Tuấn và Nguyễn Thị Hồng Tâm (15) đã phân tích và
làm rõ nhận thức, phản ứng của giới trẻ đối với các yếu tố văn hóa của khách du
lịch nước ngoài; ghi nhận sự đánh giá của giới trẻ về biến đổi văn hóa truyền
thống, đặc biệt là sự biến đổi về hành vi của bản thân họ trong bối cảnh phát
triển du lịch quốc tế hiện nay.
4.
Nghiên cứu về sự biến đổi văn hóa trong khu vực văn hóa các dân tộc
Về biến
đổi văn hóa dưới sự ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn
cầu hóa, Lê Sỹ Giáo đã nghiên cứu về sự biến đổi văn hóa của một bộ phận cư dân
(16). Tác giả khẳng định: trong các giá trị văn hóa truyền thống thể hiện bản
sắc tộc người thì các giá trị văn hóa vật chất là tiêu biểu nhất. Tuy nhiên,
cùng với quá trình toàn cầu hóa thì các đặc trưng văn hóa thể hiện qua các dạng
thức vật chất có thể dần bị cào bằng. Ở Việt Nam đích nhắm tới của các cộng
đồng thiểu số là các giá trị văn hóa của người Kinh. Theo đó, các giá trị văn
hóa tộc người tồn tại đã hàng nghìn năm đang có sự biến đổi với tốc độ ngày
càng nhanh chóng hơn. Từ đó tác giả đã chỉ ra những biến đổi cụ thể trong đời
sống văn hóa của các tộc người nói ngôn ngữ Thái - Tày vùng ven sông Hồng trong
bối cảnh toàn cầu hóa.
Theo hướng
khác, tác giả Ngô Đức Thịnh lại đề cập đến một chiều cạnh của sự biến đổi văn
hóa ở cộng đồng các dân tộc thiểu số (17) trên cơ sở nêu và phân tích một số
đặc trưng cơ bản, các giá trị, vai trò của luật tục, phong tục trong đời sống
các dân tộc thiểu số, tác giả trình bày sự biến đổi của luật tục và tính thích
ứng của nó với xã hội hiện đại. Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam tuy còn ở trình
độ phát triển xã hội thấp hơn so với người Kinh nhưng cũng nằm trong xu hướng
phát triển chung của xã hội. Cả luật tục, phong tục đều không còn nguyên vẹn,
một phần do sự thay đổi của hoàn cảnh xã hội, do con người vô ý để rơi rụng,
hoặc chủ động loại bỏ do coi đó là lạc hậu, phản tiến bộ…; một phần do có sự
thâm nhập của những phong tục và luật lệ mới. Phạm vi ảnh hưởng của luật tục
cũng thu hẹp dần, có sự kết hợp giữa luật tục, luật pháp của Nhà nước. Luật tục
đã từng đóng vai trò rất quan trọng trong quản lý nông thôn cổ truyền, nên sự
kết hợp giữa luật pháp và luật tục là một đòi hỏi tất yếu khách quan.
5.
Các nghiên cứu liên quan đến kinh nghiệm của các nước trên thế giới
Với hướng
tiếp cận này, tác giả Hoàng Minh Lợi đã nghiên cứu sự biến đổi văn hóa Nhật Bản
trong điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, giao lưu văn hóa, phát triển khoa
học kỹ thuật (18), chỉ ra những điều mà đất nước ta chưa làm được và đưa ra
những gợi ý hữu ích đối với Việt Nam.
Trong bối
cảnh hiện nay, biến đổi văn hóa là một vấn đề nghiên cứu được quan tâm triển
khai. Các xu hướng nghiên cứu rất đa dạng và phong phú, liên quan đến nhiều cấp
độ, nhiều lĩnh vực, với nhiều cách tiếp cận khác nhau, tuy nhiên, tựu chung
lại, vấn đề nghiên cứu này đều chỉ ra những quá trình, nguyên nhân, bối cảnh
biến đổi và biến đổi trong từng lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội. Trong thời
gian tới, có thể dự báo rằng những nghiên cứu về biến đổi văn hóa sẽ được tiếp
tục triển khai thực hiện, tuy nhiên sẽ được triển khai sâu và gắn với những vấn
đề, lĩnh vực cụ thể hơn, làm cơ sở cho các nhà quản lý có những chính sách
thiết thực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
_______________
1. Lê Hồng
Lý, Tổng
quan về xu hướng biến đổi văn hóa Việt Nam thập niên đầu TK XXI (2001-2010) và dự báo thập niên tiếp theo (2011-2020), Đề tài
khoa học cấp Bộ, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, 2010.
2. Mai Văn
Hai, Phạm Việt Dũng, Xu
hướng biến đổi trong văn hóa và lối sống ở Việt Nam, Tạp chí Thông
tin Khoa học Xã hội, số 2, 2010.
3, 12.
Nguyễn Thị Phương Châm, Trương Thị Minh Hằng, Những
xu hướng biến đổi văn hóa ở nông thôn và đô thị Việt Nam thập niên đầu TK XXI
(2001-2010), Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện nghiên
cứu Văn hóa, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, 2010.
4. Đỗ Lan
Phương, Những
nhân tố tác động đến biến đổi văn hóa Việt Nam thập niên đầu TK XXI (2001-2010), Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện nghiên cứu Văn hóa, Viện
Khoa học Xã hội Việt Nam, 2010.
5. Trần
Hữu Sơn, Các
xu hướng biến đổi lễ hội hiện nay,
baodulich.net.vn, 2013.
6. Nguyễn
Thế An, Vai
trò của thanh niên trong xây dựng đời sống văn hóa, netdepmoitruong.vn, 2013.
7. Nguyễn
Văn Dân, Con
người và văn hóa Việt Nam trong thời kì đổi mới và hội nhập, Nxb Khoa
học Xã hội, Hà Nội, 2011.
8. Huỳnh
Công Bá, Lịch
sử văn hóa Việt Nam, Nxb Thuận
Hóa, 2012.
9. Nguyễn
Hòa, Tiếp
biến văn hóa không được làm biến dạng văn hóa, nhandan.com.vn, 2001.
10. Lương
Văn Hy, Cách
mạng ở làng quê: truyền thống và biến đổi ở miền Bắc Việt Nam, University of Hawaii Press, Honolulu, 1992.
11. Nguyễn
Thị Phương Châm, Biến
đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay (Trường hợp làng Đồng Kỵ, Trang Liệt và
Đình Bảng thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), Nxb Văn
hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2009.
13. Nguyễn
Văn Quyết, Nghiên
cứu sự biến đổi văn hóa của các cộng đồng nông nghiệp - nông thôn trong quá
trình phát triển các khu công nghiệp, Luận án tiến sĩ Văn hóa học, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam,
2013.
14. Đặng
Thị Phương Anh, Ảnh
hưởng của toàn cầu hóa đến hoạt động kinh doanh du lịch ở Việt Nam, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2013.
15. Lê Anh
Tuấn, Nguyễn Thị Hồng Tâm, Nhận
thức của giới trẻ về tiếp biến văn hóa trong bối cảnh phát triển du lịch quốc
tế hiện nay, Tạp chí khoa học của Trường Đại học
Sư phạm TP.HCM, số 46, tháng 5 - 2013.
16. Lê Sỹ
Giáo, Biến
đổi văn hóa của cư dân Tày - Thái Việt Nam ven sông Hồng trong bối cảnh toàn
cầu hóa, laocai.gov.vn, 2013.
17. Ngô
Đức Thịnh, Luật
tục, phong tục truyền thống và sự biến đổi, trong Các
dân tộc thiểu số Việt Nam TK XX,
Nxb Chính
trị Quốc gia, 2001.
18. Hoàng
Minh Lợi, Sự
biến đổi và chính sách bảo tồn, phát triển của ẩm thực, trang phục, nhà cửa
truyền thống ở Nhật Bản - Kinh nghiệm đối với Việt Nam, cjs.inas.gov.vn, 2013.
Nguồn: Tạp chí
VHNT số 390, tháng 12-2016