luận văn thạc sĩ MÔ TÍP TRANG TRÍ TRONG KIẾN TRÚC - ĐIÊU KHẮC CHĂM




  BỘ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO       BỘ VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ DU LỊCH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------
VÕ NHƯ DIỆU



MÔ TÍP TRANG TRÍ
TRONG NGHỆ THUẬT
KIẾN TRÚC - ĐIÊU KHẮC
CHĂM

LUẬN VĂN THẠC SĨ MỸ THUẬT








TP,HỒ CHÍ MINH NĂM 2010

  BỘ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO      BỘ VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ DU LỊCH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT TP. HỒ CHÍ MINH
-----------------------------------------------------------------
VÕ NHƯ DIỆU

MÔ TÍP TRANG TRÍ
TRONG NGHỆ THUẬT
KIẾN TRÚC - ĐIÊU KHẮC
CHĂM

CHUYÊN NGHÀNH MỸ THUẬT TẠO HÌNH
MÃ SỐ: 60 21 25
LUẬN VĂN THẠC SĨ MỸ THUẬT

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. TS. PHAN QUỐC ANH
2. TS. NGUYỄN XUÂN TIÊN



TP, HỒ CHÍ MINH NĂM 2010


Lời cam đoan
Tôi xin cam đoan đề tài luận văn có tên: “Môtíp trang trí trong kiến trúc và điêu khắc Chăm” là một đề tài do bản thần tôi tâm huyết và dựng nên. Đây là một công trình nghiên cứu trong tầm của một luận văn thạc sĩ nghệ thuật chuyên ngành, tôi được hội đồng khoa học thuộc khoa sau đại học trường Đại học thành phố Hồ Chí Minh thông qua và cho phép thực hiện. Trong luận văn này chủ yếu là nghiên cứu, chụp ảnh, vẽ lại tại các khu đền tháp, bảo tàng và một số tài liệu (có trích dẫn) để hoàn thành luận văn này.
Những vấn đề liên quan về lịch sử, văn hóa Chăm có nhiều đoạn trích dẫn vì tôi không dám viết sai sự thật. Nhưng những hình vẽ để phục vụ cho nghiên cứu khi viết luận văn là do bản thân tôi hoàn toàn tự nghiên cứu. Nếu có sai sót, thiếu chân thật tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Tôi xin cam kết luận văn này là công trình do bản thân tôi nghiên cứu bên cạnh sự giúp đỡ của các thầy hướng dẫn.
                                               Thành phố Hồ Chí Minh tháng 10/2010
                                                                            Tác giả


                                                                        Võ Như Diệu

Lời cảm ơn!
Hoàn thành được luận văn này là một công trình do sự nỗ lực hết sức của bản thân bên cạnh sự hướng dẫn nhiệt tình của các giáo sư, tiến sĩ trong hội đồng khoa học của khoa sau đại học thuộc trường Đại học thành phố Hồ Chí Minh.
Xin chân thành cảm ơn sự tận tình hướng dẫn trực tiếp của thầy Phan Quốc Anh (tiến sĩ Lịch sử Văn hóa-Nghệ thuật)- thầy Nguyễn Xuân Tiên (tiến sĩ nghệ thuật-nhà điêu khắc). Cảm ơn thầy Trịnh Dũng (tiến sĩ nghệ thuật).
Xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ. Cảm ơn ban quản lý khu đền tháp Mỹ Sơn, Chiên Đàn, Khương Mỹ, Pôklong Garai, Pôrômê, Pô Nagar và bảo tàng Chăm Đà Nẵng đã giúp đỡ tạo điều kiện cho tôi được nghiên cứu tài liệu hoàn thành luận văn này.
                                                                                               Tác giả



MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
Trong giai đoạn xây dựng, phát triển và hội nhập hiện nay, văn hóa nghệ thuật đóng một vai trò quan trọng bởi “Văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển”. Bên cạnh sự  phát triển, hòa nhập, hội nhập là sự mất mát, mai một của một số các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Vì vậy, việc nghiên cứu, tìm về bản sắc văn hóa nghệ thuật của các dân tộc đã trở thành vấn đề quan trọng và cấp bách.
Nhiều năm trở lại đây, nhà nước ta, Unesco và nhiều tổ chức trên thế giới đã có một sự quan tâm đúng mức đến những vấn đề về bảo tồn, gìn giữ và phát huy    những giá trị văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc trên thế giới. Mọi nỗ lực bản thân và nhiều người tập trung vào tìm hiểu, nghiên cứu những giá trị cơ bản nhất về văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng người Chăm ở Việt Nam để làm sáng tỏ vấn đề về những giá trị đáng nâng niu và gìn giữ.
Vị trí, vai trò của nghệ thuật kiến trúc-điêu khắc Chăm ở Việt Nam, Đông Nam á và thế giới. “…Từ những thế kỷ đầu công nguyên, sử sách Trung Quốc đã công nhận người Chăm là bậc thầy về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gạch. Nếu tính cả hai khu kiến trúc lớn là Mỹ Sơn và Đồng Dương thì suốt dải đất  miền Trung từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận có tất cả 19 khu tháp với 40 công trình kiến trúc lớn nhỏ hiện còn, có niên đại từ thế kỷ IX đến XVI. . .[9- tr.115]. Chính vì lẽ đó cho nên việc nghiên cứu môtip trang trí chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Chămpa. Bởi những môtip trang trí thường gắn liền với kiến trúc và điêu khắc. Những môtip này góp phần làm đẹp, tôn tạo và thể hiện phong cách từng thời kỳ của nền nghệ thuật Chăm.
Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của Chăm xưa đang bị mai một và quên lãng, việc nghiên cứu, tìm hiểu để đánh giá, quảng bá, giới thiệu, và bảo tồn các giá trị nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm là bức thiết. Là một họa sĩ, giảng viên giảng dạy mĩ thuật và đang công tác, cư trú tại Quảng Nam-Một vùng đất có hai di sản văn hóa thế giới (Đô thị cỏ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn, trong đó có đến 4 di tích Chăm, nhiều dấu tích, di chỉ về văn hóa Sa Huỳnh, Champa qua nhiều thời kỳ). Với lòng yêu nghệ thuật Chăm nói chung và nghệ thuật trang trí trong kiến trúc, điêu khắc Chăm nói riêng, tôi chọn đề tài “Môtíp trang trí trong nghệ thuật kiến trúc - điêu khắc Chăm” làm đề tài nghiên cứu.
Như vậy việc tìm hiểu, nghiên cứu những giá trị của một nền nghệ thuật Chămpa đã tồn tại và phát triển trên lãnh thổ Việt Nam (chủ yếu từ Quảng Nam, Bình Định cho đến Ninh Thuận). Từ đó có cơ hội khẳng định, đánh giá nghệ thuật của những công trình nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc còn tồn tại với thời gian.
Bên cạnh đó có thêm cơ hội cho các bạn bè yêu mến nền nghệ thuật Chăm được nghiên cứu, sẽ chia và cùng hiểu thêm về nền nghệ thuật này.
Khi đi vào nghiên cứu đề tài này, bản thân cũng đã suy nghĩ nhiều về tầm quan trọng của nó, của sự tác động từ những giá trị nghệ thuật mà nó mang lại. So trên mặt bằng chuyên môn chung thì nó sẽ có tính cấp thiết trong công tác bảo tồn, gìn giữ, nghiên cứu và phát triển trên nền tảng cái đã có. Tìm ra những nét tương đồng trong hành trình giao thoa giữa các nền văn minh trên thế giới vào Việt Nam. Chứng minh sự lan tỏa của nghệ thuật trang trí Chăm trên thế giới đến Việt Nam và các nước lân cận. Phát huy cao tính ứng dụng của môtíp trang trí trong kiến trúc và điêu khắc Chăm vào sáng tạo nghệ thuật điêu khắc và hội họa.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Nghiên cứu nghệ thuật Chăm có nhiều bài viết và sách giới thiệu. Theo Ngô Văn Doanh: “Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm đã làm hấp dẫn và say mê nhiều nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Từ trước đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu nghệ thuật và khoa học về kiến trúc điêu khắc Chăm được công bố. Trong số những người có nhiều cống hiến trên lĩnh vực này, phải kể đến hai nhà khảo cứu người Pháp là L.Finot và H.Parmentier. Hai ông không chỉ là những người sớm quan tâm đến nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm, mà còn để lại những sưu tập, những công trình khảo cứu có giá trị.”…
Các tác giả chủ yếu đi vào nghiên cứu các mảng lớn như lịch sử, văn hóa, xã hội. . .ví dụ như cuốn Điêu khắc Chăm NXB Thông tấn của tác giả Nguyễn Thế Thục. Tác giả giới thiệu bằng hình ảnh các hiện vật, phong cách sáng tạo qua các thời kỳ, tuy nhiên trong cuốn sách này vẫn mang tính giới thiệu chung về các hình tượng điêu khắc của các thời kỳ là chính yếu. Tác giả Ngô Văn Doanh trong cuốn Thánh địa Mỹ Sơn-NXB Trẻ. Trong cuốn này tác giả đã phân tích, nghiên cứu và giới thiệu chi tiết về Thánh địa Mĩ Sơn từ những hiện vật còn lại đặc biệt là những bản dịch từ các bia ký. Tác giả Phillippe Stern về Nghệ thuật Chàm (xứ Trung Kỳ cũ) và tiến trình phát triển của nó (L’Art du Champa Ancien Annam et son e’volution) (bản dịch) thực sự là một sự nghiên cứu ghi chép tỉ mỉ về các hiện vật từ kiến trúc cho đến các lại hình điêu khắc. Trong cuốn này đặc biệt cho ta sự nhận dạng về các phong cách, các giai đoạn chuyển tiếp, phát triển và tàn lụi của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm. Đặc biệt là cuốn văn hóa Chămpa của tác giả Ngô Văn Doanh có giới thiệu về đặc điểm các giai đoạn, phân kỳ những giai đoạn hình thành, phát triển cho đến suy vong. Trong phần kiến trúc và điêu khắc Chăm, tác giả đã đi vào phân tích các đặc điểm và giá trị nghệ thuật của nó. Những nghiên cứu của các tác giả như đã nêu trên rất cần thiết cho những người yêu nghệ thuật Chăm có điều kiện nghiên cứu tuy nhiên các tác giả cũng chỉ mô tả nét chung của nghệ thuật kiến trúc hay điêu khắc chứ không đi vào mảng trang trí trong kiến trúc và điêu khắc.
Vì vậy trong đề tài nghiên cứu này, tôi lựa chọn nghiên cứu những môtíp trang trí trong kiến trúc và điêu khắc Chăm. Đề tài sẽ khai thác giá trị nghệ thuật độc đáo trong từng chi tiết trang trí, cái mà không thể thiếu để tạo linh hồn cho đá, cho gạch và làm mềm đi sự thô rắn của nó. Từ đó tìm ra những giá trị thẩm mĩ riêng của nó theo sự khám phá dựa trên nền tảng của mĩ thuật học…
Hiện nay trên lãnh thổ Việt Nam, có cộng đồng người Chăm sinh sống, làm việc và sáng tạo nghệ thuật, tập trung chủ yếu ở Ninh Phước, Phước Dân, Tỉnh Ninh Thuận với nghề gốm và dệt vải thổ cẩm. Tuy nhiên ai cũng biết rằng vương triều Champa đã để lại cho nhân loại nhiều công trình kiến trúc độc đáo và nhiều tác phẩm điêu khắc đi kèm, tôn vinh cho vẻ đẹp kiến trúc đó…
Dẫu không nhiều nhưng cũng thật ấn tượng, đặc sắc và hoành tráng bởi tính nghệ thuật của nó, tuy nhiên để nhấn mạnh tầm quan trọng của giá trị nghệ thuật Chăm là một vấn đề mà những người làm nghệ thuật chúng ta quan tâm, đây là một trong những vấn đề mà lịch sử của nó phải được công nhận.
Thời gian là yếu tố có thể làm mai một đi quá khứ của một nền nghệ thuật nào đó, chính vì vậy mà chúng ta cần tìm hiểu, nghiên cứu để làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến nghệ thuật trang trí trên kiến trúc và điêu khắc trong tổng thể của các công trình nghệ thuật Chăm. Dẫu trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu sẽ có nhiều vấn đề khúc ẩn, tuy nhiên cũng cần khai phá thêm những gì còn tiềm ẩn trong những công trình này, cùng nhau nâng niu, bảo tồn, gìn giữ và phát triển hơn nữa.
Trên cơ sở đó tôi tâm huyết chọn đề tài và hướng nghiên cứu này để tìm ra ngôn ngữ nghệ thuật thông qua nghệ thuật trang trí trong kiến trúc và điêu khắc Chăm.
3. Mục đích nghiên cứu
3.1. Nghiên cứu nền nghệ thuật Chăm nói chung và nghệ thuật trang trí trong kiến trúc và điêu khắc nói riêng, nhằm góp phần làm sáng tỏ hơn một số vấn đề về những giá trị nghệ thuật, lịch sử hình thành và phát triển.
3.2. Khám phá những nét đẹp trong từng môtíp trang trí trong kiến trúc và điêu khắc. Thông qua đó chứng minh và lý giải một số vấn đề về giá trị nghệ thuật trong kiến trúc và điêu khắc Chăm. Góp phần xây dựng, gìn giữ, bảo tồn những giá trị nghệ thuật mà các chuyên gia trên thế giới và trong nước đang quan tâm.
3.4. Thông qua đó có cơ hội đánh giá, giới thiệu, quảng bá nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm đến với những người yêu mến nền nghệ thuật này.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng
Đề tài chủ yếu tập trung nghiên cứu về các loại hình trang trí trong kiến trúc và điêu khắc (trên gạch, trên đá, trên các phù điêu, đài thờ, bệ thờ, đồ thờ và một số tác phẩm điêu khắc),
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Các di tích Chăm từ Đà Nẵng đến Bình Thuận.
Khai thác những giá trị về nghệ thuật trang trí trong kiến trúc và điêu khắc Chăm, trên các chất liệu như đá, gạch, gỗ để từ đó tìm ra những giá trị thẩm mĩ lâu đời mà các nghệ nhân Chăm để lại.
5. Phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp luận: Phương pháp nghiên cứu đề tài được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng những quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp của nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ V (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
5.2. Phương pháp cụ thể: Nghiên cứu chủ yếu theo phương pháp mỹ thuật học (khai thác chất liệu và đặc trưng tiêu biểu) và phương pháp tiếp cận liên ngành trong văn hóa học, nghệ thuật học, lịch sử, tôn giáo học.
Nghiên cứu theo thông sử, tìm hiểu sự ra đời và phát triển của từng thời kỳ hình thành các phong cách và các vị trí quan trọng trong tổng thể một nền nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc.
Dựa trên nền tảng của mĩ thuật học để phân tích, chứng minh và tìm ra nét đẹp trang trí từ những công trình nghệ thuật còn lại. Ghi chép tỉ mỉ bằng nhiều cách như ghi chép chì, bút sắt, scan và chụp ảnh những nguồn tư liệu có liên quan để phục vụ công tác nghiên cứu.
Trên nền tảng thực tế của một số công trình nghệ thuật còn lại, khai thác tư liệu, tập hợp thông tin từ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và sách báo chuyên ngành kiến trúc, chuyên ngành mĩ thuật và mĩ thuật học.
5.3. Thao tác khoa học: Ghi chép và chụp ảnh các tác phẩm tại các di tích có liên quan đến đề tài như:
Bảo tàng Chăm Đà Nẵng
Khu đền tháp và nhà trưng bày Mỹ Sơn
Tháp Bằng An, Chiên Đàn, Khương Mỹ
Tháp bà Ponagar
Poklong Garai, Pôrômê
Điền dã, đi thực tế tại Ninh Thuận và một số địa phương để tìm hiểu về con người và sinh hoạt của cộng đồng người Chăm tại Ninh Thuận. Nghiên cứu, khám phá và phân tích dựa vào các hiện vật tại các bảo tàng, các di tích đền tháp của Chăm. Qua đó rút ra các giá trị nghệ thuật đặc trưng trong từng môtíp trang trí.
6. Đóng góp về mặt khoa học nghệ thuật
- Đề tài hoàn thành sẽ mang lại một số khám phá mới về nghệ thuật trang trí của nghệ thuật Chăm.
- Bổ sung thêm những khám phá, đánh giá và đóng góp vào kho tàng nghệ thuật Chăm nói chung, nghệ thuật trang trí trong kiến trúc-điêu khắc Chăm nói riêng. Có thể vận dụng bổ sung nguồn tư liệu vào việc giảng dạy trang trí trong các trường chuyên và không chuyên dạy mĩ thuật.
7. Bố cục của đề tài.
Ngoài phần mở đầu (7 trang), phần kết luận (2 trang), chú thích (1 trang), tài liệu tham khảo (2 trang), phần phụ lục (8 trang), luận án gồm các chương sau:
Chương I: Tổng quan về văn hóa chăm và quá trình hình thành nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm (15 trang)
Chương II: Nghệ thuật trang trí trong kiến trúc và điêu khắc Chăm (30)
Chương III: Ý tưởng xây dựng tác phẩm mĩ thuật trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm(15 trang).







Chương I

TỔNG QUAN VỀ VĂN HÓA CHĂM VÀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC-ĐIÊU KHẮC CHĂM
Nghệ thuật Chăm nói chung và nghệ thuật kiến trúc, tạo hình Chăm nói riêng đã để lại cho chúng ta một di sản rất to lớn và đặc sắc. Nó đẹp từ tổng thể đến chi tiết, từ những nét chạm trổ ấm áp trên những bức tường gạch cho đến những hoa văn sắc sảo trên đá xanh, sa thạch. Tất cả tạo nên một bản giao hưởng về nghệ thuật thật hoành tráng.
Để nghiên cứu về nghệ thuật trang trí trong kiến trúc-điêu khắc Chăm, trước hết cần tìm hiểu sơ lược vài nét về lịch sử dân tộc Chăm.
Người Chăm là một thành phần dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất, có bản sắc riêng. Những di sản văn hóa của người Chăm đang được các nhà khảo cổ, sử học, văn hóa trong nước và trên thế giới nghiên cứu.
Thành phần dân tộc Chăm hiện nay đang sống nhiều nhất ở các vùng Ninh Hải, Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Những công trình kiến trúc Chăm hiện nay còn lại nhiều ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận...ở mỗi nơi có từng niên đại và đặc điểm riêng riêng.
Suốt 10 thế kỷ hình thành, phát triển, chiến tranh, thịnh và suy. Dân tộc Chăm đã để lại những công trình kiến trúc, những tác phẩm nghệ thuật đầy bí ẩn, hấp dẫn, lạ mắt...
Dù ảnh hưởng không ít Ấn độ giáo nhưng những kiến trúc, điêu khắc của Chămpa vẫn biểu lộ những sắc thái riêng từ phong cách Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương đến phong cách Chánh Lộ, Tháp Mẫu, Phố Hài...Bani-Islam. Tất cả có ảnh hưởng đến việc sáng tạo nghệ thuật trong điêu khắc như tượng với các thần, vũ nữ, cả sư… hoặc trong kiến trúc như các tháp như Mỹ Sơn, Bằng An, Chiên Đàn, Khương Mỹ ở Quảng Nam. Tháp Mẫm ở Bình Định, Tháp bà Pô Naga ở Khánh Hòa hay Poklong Garai, Pôrômê ở Ninh Thuận. Nhìn chung những yếu tố về lịch sử, con người, tác động của xã hội và tôn giáo dẫn đến sự phong phú trong phong cách sáng tác nghệ thuật của Chăm, mỗi thời kỳ, có phong cách và bản sắc tôn giáo riêng, thầm kín và huyền bí...
Nếu như tại tháp Mỹ Sơn thờ thần SiVa và thần SiVa lại được đồng hóa với một vị vua cụ thể của Chăm. Thì tháp bà Nha Trang thờ thần “Mẹ xứ sở” Pô naGar. Các tháp sau này được xây dựng như tháp Poklông Garai, Pôrômê tại Phan Rang. Đi theo truyền thuyết “Thần thánh hóa”. Trong các lễ hội Katê - Chabur...tổ chức hàng năm, cho ta thấy rõ một quá trình duy trì nền văn hóa của dân tộc Chăm khá bền vững.
1. Tổng quan về văn hóa Chăm
1.1. Sơ lược lịch sử Chăm
Vào cuối thế kỷ II sau công nguyên, vì không chịu được sự cai trị hà khắc và tàn bạo của quan lại Trung hoa. Nhân dân huyện Tượng Lâm nổi lên giết huyện lệnh, giành lấy chủ quyền và thành lập quốc gia độc lập, dưới sự lãnh đạo của Khu Liên được nhân dân tôn lên làm vua. Địa bàn hoạt động chính là Quảng Nam và Bình Trị Thiên ngày nay, với thời gian gần sáu thế kỷ được thư tịch cổ Trung Hoa gọi là nước Lâm Ấp.
Khu Liên lên làm vua được mấy chục năm rồi nhường ngôi cho cháu ngoại là Phạm Hùng trị vì cho đến cuối thế kỷ III. Sau đó con của Phạm Hùng là Phạm Dật nối ngôi cha. Khi Phạm Dật chết, tướng của ông là Phạm Văn cướp lấy ngôi vua trị vì được 12 năm(337 - 349) rồi nhường ngôi cho con là Phạm Phật...Phật cũng làm vua được 12 năm (349 - 361) thì Phạm Tu Đạt (hay Phạm Hồ Đạt) lên thay vào cuối thế kỷ IV đến đầu thế kỷ V.
Trong triều đại này đất nước Champa phát triển mạnh, kinh đô được xây dựng tại Trà Kiệu hay Simhapura (thành phố Sư tử). Suốt thời gian dài từ(749 - 875), khi dân tộc Cau miền Nam vương quốc chiếm ưu thế từ vương quyền Champa và kinh đô có lần được dời từ Trà Kiệu vào Virapura (thành phố Hùng Tráng) ở miền Pandaranga (Phan Rang)...
Đến khi một thánh địa khác của Chăm ra đời đó là thánh địa Pô-NaGar ở Phan Rang thờ “Vị nữ thần của vương quốc CHAMPA”. Nên vào đầu thế kỷ IX thuộc triều vua Harivar man I và tại Mỹ Sơn “Pho tượng thần Isanabhadresvara vì sự vinh quang trên mặt đất”...
Mặc dầu truyền bá vào vương quốc Chăm từ nhiều thế kỷ trước, nhưng vào cuối thế kỷ IX, đạo Phật đại thừa mới thực sự chiếm ưu thế tuyệt đối trong vương quyền Chăm. Lúc này vua Indravarman II dời đô từ Nam ra Bắc và đặt tên cho kinh đô ở Đồng Dương là Indrapura(nghĩa là thành phố Sấm sét). Cho đến đầu thế kỷ X về sau, khi đạo Phật mất dần sự ảnh hưởng, trả lại uy thế cho Siva, trong vương quyền Chăm. Đó là tôn giáo chính thống của người Chăm.
Mãi đến đời vua Harivarman II, kinh đô dời từ Trà kiệu vào Bình Định ở miền Vigiaya thành Đồ Bàn (1074 - 1081).Vua này sinh ra từ 2 thị tộc lớn nhất vương quốc, mẹ thuộc thị tộc Cau và cha thuộc thị tộc Dừa. Mãi đến 1081-1086 thì em ruột vua Harivarman II lại làm vua (1139 - 1145) là vua Giaya Indravarman III. Từ (1145 - 1149) xảy ra nhiều cuộc chiến tranh giữa Khơme và Champa. Quân đội Khơme đã mấy lần chiếm được kinh đô Chăm, nhiều vị vua đã bị mất tích hoặc sống lưu vong và cuối cùng là Jaya Indravarman I lên ngôi vua, khôi phục kinh đô Đồ Bàn(Vijaya) tại Bình Định vào năm 1149, dẹp loạn 1155. Trong năm 1170 xảy ra nhiền cuộc chiến tranh, mãi đến 1220 thì Jaya Paramas Varavarman II lên ngôi vua mới khôi phục nền độc lập của đất nước. Sau thế kỷ XII đến thế kỷ XV thì thánh địa của Chăm được dời vào miền nam Phan Rang, lúc này vương quyền Chăm cũng có phần suy yếu...
1.2. Đôi nét về người Chăm
Người Chăm hay còn gọi là người Chiêm, Hời, Chàm…là một trong 5 dân tộc thuộc nhóm ngữ hệ Mã Lai - Đa Đảo (Malayo - Polinesien) sinh sống ở miền Trung - Tây nguyên (Chăm, Raglai, Churu, Giarai, Êđê). Trong các công trình nghiên cứu về dân tộc học từ xưa đến nay, còn tồn tại những ý kiến khác nhau về nguồn gốc người Chăm cũng như các dân tộc trong ngữ hệ Mã Lai - Đa Đảo ở Việt Nam: Hoặc là người di cư từ thế giới Đảo Đông Nam Á đến, hoặc là người di cư từ các quần đảo nam Trung Quốc xuống vùng đất liền Đông Dương rồi từ đó di cư ra Hải đảo Đông Nam Á. Một số nhà khoa học Liên Xô (cũ) cho rằng người dân Nam Đảo có nguồn gốc từ dân Bách Việt và họ xuống phía nam bằng hai con đường, đường thứ nhất qua Philipin, Inđônêxia tới tận châu Đại Dương, một bộ phận trở lại lục địa vào Malaca và Việt Nam.
Sau khi các nhà khảo cổ học tìm thấy những di chỉ khảo cổ Sa Huỳnh đầu thế kỷ 20 với niên đại cách nay từ 4000 năm đến 2000 năm, các nhà khoa học giả thiết rằng chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh có thể là tổ tiên của người Chăm. Những tác giả trong công trình “Văn hóa Chăm” đã dành một chương nói về văn hóa Sa Huỳnh và gọi đó là Văn hoá tiền Chăm.
Từ những năm đầu thế kỷ XX, G. Maspero, trong công trình “Vương quốc Chàm” đã có những nhận xét về nguồn gốc người Chăm như sau: “Có lẽ nguồn gốc người Chàm là người Malayo - Polinesien…Vì thế cho nên nhân dạng người Chàm do những du khách đầu tiên Trung Hoa miêu tả là: da đen, mắt sâu, mũi hếch, tóc quăn…”[46, tr.9]
Giáo sư Trần Quốc Vượng có viết: “Văn hoá Chăm vẫn còn đây, sống động ở Ninh Thuận…những dòng họ Ôn, Ma, Trà, Chế…với những con người da đồng hun, mũi cao, mắt sâu, tóc xoăn, những huyền tích, những lễ hội Katê…
Theo các thư tịch cổ Trung Hoa, các nhà khoa học hiện nay đều cho rằng vương quốc của người Chăm được hình thành từ năm 192 [42, tr.7]. Trải qua quá trình lịch sử hơn một thiên niên kỷ rưỡi tồn tại (từ 192 đến 1471), với các tên gọi Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chăm, nhà nước Chăm đã trải qua rất nhiều biến động thăng trầm, ảnh hưởng lớn đến diễn trình lịch sử văn hoá Chăm.
Khái quát về văn hóa Chăm
Trước khi tiếp xúc với nền văn minh Ấn Độ, người Chăm đã có một nền văn hoá bản địa nằm trong cơ tầng văn hoá Đông Nam Á, một nền văn hoá “phi Hoa, phi Ấn” mang nặng dấu ấn của tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước, chứa đựng trong mình đầy đủ những loại hình tín ngưỡng dân gian của các dân tộc Đông Nam Á. Mặc dù từ gần 2 thiên niên kỷ nay, người Chăm tiếp nhận nhiều tôn giáo, nhưng chính những yếu tố tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước đã bản địa hoá rất nhiều yếu tố văn hoá tôn giáo. Còn, xã hội của người Chăm từ xưa đến nay, là một xã hội mang dấu ấn của chế độ mẫu hệ. Chính những đặc trưng của văn hoá truyền thống bản địa đã ảnh hưởng không nhỏ đối với những nghi lễ vòng đời của người Chăm
“Với một bề dày về lịch sử, văn hóa của dân tộc Chăm là một trong những di sản văn hóa đồ sộ, phong phú trong kho tàng văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam, là một mảng màu làm nên sự đa dạng, sinh động trên bức tranh toàn cảnh của bản sắc văn hóa Việt Nam. Với nhiều tầng văn hóa tích tụ, bồi đắp trong quá trình lịch sử dài lâu, văn hóa Chăm cho đến nay vẫn luôn là đối tượng hấp dẫn của các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước. . .” [9-Tr.16]
Trên dải đất nhỏ hẹp kéo dài giữa biển và núi, từ đồng bằng Bắc bộ cho đến Nam bộ đã tồn tại một nền văn hóa mà lịch sử của nó song song với lịch sử của các vương quốc Khmer(Cao Miên). Nền văn hóa này có chữ Phạn rất phát triển, tôn giáo chủ yếu mang tính hỗn hợp từ các tôn giáo như Ấn Độ, đạo Siva và nhất là đạo Phật và đặc biệt là tục thờ cúng “Linga”. Từ thế kỷ thứ X người Chăm chiến đấu với người Khmer, cuộc xung đột kéo dài liên tục gần như suốt thế kỷ XVII đến XVIII. Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến nền văn hóa bản địa của Chămpa.
Văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ và Campuchia đều có ảnh hưởng đến văn hóa Chăm. Ban đầu văn hóa Chăm gắn với văn hóa và truyền thống tôn giáo Trung Quốc, nhưng từ thế kỷ thứ 4 vương quốc Phù Nam ở Campuchia và miền Nam Việt Nam ngày nay đã truyền bá văn minh Ấn Độ vào xã hội Chăm. Tiếng Phạn trở thành ngôn ngữ học thuật, và Ấn giáo, đặc biệt là Si-va giáo, trở thành quốc giáo. Từ thế kỷ thứ 10, các thương nhân Ả Rập đã mang tôn giáo và văn hóa đạo Hồi vào khu vực. Chăm có vai trò trung chuyển quan trọng trên con đường hồ tiêu từ vịnh Pec-xich tới miền Nam Trung quốc và sau này là con đường thương mại trên biển của người Ả Rập, xuất phát từ bán đảo Đông Dương-nơi xuất khẩu trầm hương. Mặc dù giữa Chăm và đế quốc Khmer luôn có chiến tranh, nhưng thương mại và văn hóa vẫn được giao lưu về cả hai phía. Hoàng gia của hai vương quốc cũng thường xuyên lấy lẫn nhau. Chăm còn có quan hệ thương mại và văn hóa với các đế quốc hùng mạnh trên biển như Srivijaya và sau này với Majapahit trên bán đảo Mã Lai.
2. Sự ra đời của các công trình kiến trúc Chăm
2.1. Kiến trúc tại Quảng Nam
- Thành Trà Kiệu (Simhapura thành phố Sư tử)
Di tích Trà Kiệu thuộc làng Trà Kiệu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 45 km về phía Tây Nam. Di tích nằm trên một dãy đồng bằng, là cửa của một thung lũng rộng hình tam giác, các ngọn núi: Chóp Xôi, Núi Chúa, Núi Đất… nối liền nhau tạo nên hai bức tường thành tự nhiên bảo vệ hai cạnh phía Tây Bắc và Tây Nam của thung lũng. Trong thung lũng, làng mạc đông đúc dân cư, ruộng đồng tươi tốt. Vượt qua một dãy núi thấp phía Tây Nam là đến thung lũng Mỹ Sơn, thánh địa nổi tiếng của vương quốc Chăm. Các học giả Pháp C.Paris và C.Lemire bắt đầu chú ý nghiên cứu và sưu tầm những tác phẩm điêu khắc tại Trà Kiệu từ những năm cuối thế kỷ XIX. L.Finot và H.Parmentier đã khảo sát dấu vết tường thành và các kiến trúc vào những năm đầu thế kỷ XX. Năm 1927 - 1928, J.Y.Claeys đã tổ chức khai quật với quy mô khá lớn. Toàn bộ nền móng của các nhóm tháp phía Bắc trong thành nội đã được phát hiện, cùng với hàng chục điểm thám sát khác trong thành. Nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá đã được tìm thấy. Với kết quả khai quật đó, J.Y.Claeys chứng minh được thành Trà Kiệu chính là kinh đô Simhapura của vương quốc Champa (được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ IV dưới triều vua Bhadravarman). Đây là trung tâm chính trị quan trọng của vương quốc Champa trong nhiều thế kỷ. Đến đầu thế kỷ XI, khi vùng đất phía Bắc bị đe dọa, người Chăm phải dời kinh đô vào vùng Vijaya.Phần lớn những tác phẩm điêu khắc được phát hiện vào những năm đầu thế kỷ XX (hình thành nên phong cách Trà Kiệu nổi tiếng từ giữa đến cuối thế kỷ X) được trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Champa tại Đà Nẵng, gồm nhiều tượng thờ, đài thờ, các vật trang trí kiến trúc… Trong đó phải kể đến đài thờ Linga-Yoni mà phần đế đài thờ được chạm trổ 4 mặt, nội dung những cảnh chạm liên quan đến đạo Vishnu và đài thờ Vũ nữ Trà Kiệu. Ngoài tượng người, tượng động vật đóng một vai trò quan trọng trong nghệ thuật Chăm gồm chim thần Garuda, Naga, Voi, Sư tử… được bố trí hài hoà trong tổng thể kiến trúc.Từ năm 1985 đến 1990 các nhà khảo cổ học Việt Nam tiếp tục thám sát và khai quật tại Trà Kiệu. Kết quả cho thấy, ngoài gạch ngói của các công trình kiến trúc Chăm, trong di tích còn có nhiều đồ gốm dân dụng, đồ tế lễ của người Chăm cổ, trong đó có nhiều mảnh gốm giống như gốm Sa Huỳnh và những chiếc vò hình quả trứng rất thô thiển, từ năm 1992 đến nay, di tích Trà Kiệu đã được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khảo cổ Anh, Nhật, Việt Nam.
- Khu đền tháp Mỹ Sơn
Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo thiêng liêng nhất của cả vương quốc Chăm, hình thành và tồn tại suốt 9 thế kỷ, từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII. Đây là di tích duy nhất còn lại trong khu vực Đông Nam Á có thời gian phát triển lâu như vậy và đóng vai trò quan trọng trong di sản kiến trúc dân tộc Chăm. Trước khi chịu ảnh hưởng sự tàn phá của các cuộc chiến tranh, khu đền tháp Mỹ Sơn có tổng cộng 71 di tích. Tất cả nằm gọn trong thung lũng, có khe nước chảy giữa các khu đền tháp và chia thành 13 nhóm.
Thế kỷ thứ II sau công nguyên, người Chăm lập nhà nước độc lập lấy tên là Lâm Ấp. Đến cuối thế kỷ IV, vua Bhadravarman I đã chọn thung lũng Mỹ Sơn làm nơi dựng đền thờ thần Siva. Sỡ dĩ nhà vua chọn thung lũng này vì theo quan niệm của Ấn Độ giáo khu vực này đạt được sự thâm nghiêm và có tính hiểm trở. Ngôi đền đầu tiên được dựng bằng gỗ có tên là Bhadresvara thờ dưới biểu tượng bộ sinh thực khí Linga - biểu hiện cổ nhất của sự kết hợp vương quyền và thần quyền ở Đông Nam Á.
Thế kỷ VI, khoảng từ năm 529 - 577, ngôi đền này không may bị tiêu hủy. Vua Sambhuvarman xây dựng lại bằng gạch nung và ghép thêm tên mình vào tên cũ thành Sambhubhadresvara. Từ đó về sau, vị vua nào lên ngôi cũng đều cho xây dựng Mỹ Sơn những đền tháp mới hoặc tu bổ các ngôi đền cũ vì thời gian hoặc thiên tai, chiến tranh. Mỹ Sơn dần phát triển thành Thánh đường Quốc gia của cả vương quốc.
Thế kỷ VII năm 653, Prakasadharma lên ngôi đã xây nhiều đền thờ, cúng nhiều đất đai và của cải cho các vị thần.
Thế kỷ VII, IX từ năm 749 - 875, vùng thánh địa PoNagar ở Nha Trang được tôn sùng thờ nữ thần mẹ của Vương quốc. Khu đền tháp Mỹ Sơn ít được chú ý hơn. Đến cuối thế kỷ IX, đạo Phật (đã du nhập từ nhiều thế kỷ trước) được coi là Quốc giáo. Năm 875, do sùng Phật, vua Indravarman II đặt lại kinh đô ở vùng Quảng Nam và cho xây một Phật Viện ở Đồng Dương, cách Trà Kiệu 20km. Đây chính là thánh địa lớn thứ 3 của Vương quốc Chămpa.
Thế kỷ X thì Siva giáo được phục hưng. Đền tháp Mỹ Sơn được phục hồi, các đền tháp cũ được tu bổ và hàng loạt thánh đường mới được xây dựng. Như vậy, khu đền tháp Mỹ Sơn chỉ mất vai trò trong một vài thập kỷ cuối thế kỷ 9 - đầu thế kỷ 10.
- Tháp Bằng An
Cách thành phố Đà Nẵng khoảng 27 km về phía Nam, nằm trên đường 14, xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tháp Bằng An đứng sừng sững một mình thuộc làng Bằng An, bao xung quanh là đồng ruộng và nhà dân đông đúc. Theo nội dung tấm bia tìm thấy tại Bằng An, vua Bhadravarman II cho xây dựng một đền thờ tên là Linga Paramesvara (thượng đế tuyệt đỉnh - một tên hiệu của thần Siva). Theo các nhà nghiên cứu thì tấm bia này được xây dựng vào khoảng năm 875 đến 977 CN. Bằng An là ngôi tháp duy nhất có mặt bằng hình bát giác còn tồn tại đến nay (tháp Chánh lộ ở Quảng ngãi cũng có mặt bằng hình bát giác, nhưng đã sụp đổ từ lâu, không thể biết được hình dạng bên trên của nó). Chiều cao hiện nay của tháp hơn 20m, đế tháp khá cao, thân tháp là một hình trụ bát giác, mỗi cạnh tường dài 4m. Phần tiền sảnh khá dài, cửa ra vào ở hướng Đông, hai bên tiền sảnh có 2 cửa ra vào phụ. Tường tháp bằng phẳng, không có cửa giả, không có trụ áp tường và hoa văn trang trí. Ở phần chân tường có các đường gờ kỷ hà loe dần ra tiếp xúc với phần đế tháp, trên đỉnh tường cũng được xây những đường gờ kỷ hà loe dần ra đỡ lấy vòm mái hình chóp, gồm 8 mái cong thu nhỏ dần và nhọn ở trên đỉnh. Trên các đường gờ dọc theo mái tháp còn để lại dấu vết của những vật trang trí kiến trúc bằng sa thạch. Chóp tháp đã bị rơi mất. Trước đây phần tiền sảnh bị hư hại nặng, được Công chánh Pháp trùng tu vào năm 1940, hai cửa phụ ra vào ở hai bên tiền sảnh bị biến thành 2 cửa sổ. Bên ngoài tháp hiện nay còn 2 pho tượng Gajasimha bằng sa thạch, chiếc vòng lục lạc của Gajasimha Bằng An giống như vòng lục lạc của Gajasimha Chánh Lộ và Chiên Đàn, bộ lông gáy được cách điệu, các móng chân được thể hiện rõ, chiếc vòi ngắn và cong lên. Dựa vào 2 pho tượng Gajasimha thuộc phong cách Chánh Lộ và mặt bằng của tháp Bằng An có hình bát giác như tháp Chánh Lộ. J.Boisselie đã định niên đại tháp Bằng An ngang với Chánh Lộ (thế kỷ XI). Một số nhà nghiên cứu khác cho rằng kiểu thân tháp có hình trụ bát giác giống như những chiếc cột lớn bằng gạch hình bát giác ở di tích Đồng Dương và Pônaga, do đó niên đại của tháp khoảng cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X, còn 2 tượng Gajasimha được dựng vào thế kỷ sau, khi tháp vẫn còn là nơi thờ thần Siva. Nhìn từ bên ngoài, hình dáng của tháp Bằng An giống như một chiếc Linga khổng lồ, đó chính là Linga Paramesvara mà vua Bhadravarman II đã cho xây dựng vào cuối thế kỷ IX, có thể tháp đã được tu sửa đôi lần, nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu. Theo khảo tả và bản vẽ của H.Parmentier, trước đây trong khu vực này còn dấu vết nền móng của 2 kiến trúc phụ nhỏ, một ở phía Tây Nam, một ở phía Đông Bắc tháp chính, nhưng ngày nay dấu vết của hai kiến trúc phụ này đã bị biến mất vì lũ lụt.

- Tháp Chiên Đàn
Nhóm tháp Chiên Đàn thuộc xã Tam An, Huyện Phú Ninh, Tỉnh Quảng Nam; cách thành phố Đà Nẵng khoảng 60 km về phía Nam, cạnh quốc lộ 1A. Di tích gồm có 3 tháp xếp thành một hàng theo trục Bắc Nam, cửa ra vào ở hướng Đông, cả 3 tháp có hình dạng gần giống nhau, mặt bằng tháp hình vuông, mái tháp là những tầng thu nhỏ dần lên trên. Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như các vật trang trí trên đỉnh tháp, chân tháp bằng đá.
Tháp Bắc: là tháp nhỏ nhất trong nhóm. Phần đỉnh tháp đã bị sụp đổ hoàn toàn, cửa ra vào đổ mất phần tiền sảnh. Vòm cuốn trên cửa ra vào còn tương đối nguyên vẹn, các cửa giả bị hư hại nặng.
Tháp Giữa: là tháp lớn nhất trong nhóm, được bảo tồn tốt hơn 2 tháp kia. Đỉnh tháp còn lại một tầng, tiền sảnh và các cửa giả bị sụp mất phần chân. Chóp tháp bằng sa thạch rơi ngay sau tháp, gồm 2 thớt khá lớn ghép lại với nhau: thớt dưới là một hình bát giác, mỗi góc chạm nổi một lá đề, trên lá đề có mặt Kala, thớt trên tương tự thớt dưới nhưng nhỏ hơn và nhọn ở trên đỉnh, có chốt gắn vào lổ ở thớt dưới. Trên chóp tháp còn dấu vết những lỗ khoan nhỏ và những đầu đinh bằng đồng, dường như trước kia người ta đã gắn những mảnh kim loại quý vào đây.
Tháp Nam: nhỏ hơn tháp Giữa và lớn hơn tháp Bắc. Phần mái tháp đã bị sụp đổ hoàn toàn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, cũng như các nhóm 3 tháp khác (Khương Mỹ, Dương Long, Hưng Thạnh, Hòa Lai), tháp Nam Chiên đàn được xây dựng trước, tiếp theo là tháp Giữa, sau cùng là tháp Bắc.
Dưới chân 3 ngôi tháp này còn nhiều môtíp trang trí đế tháp bằng đá rất sinh động. Thể hiện dưới nhiều hình thức và nội dung khác nhau. Đặc biệt tại nhà trưng bày hiện vật được xây dựng gần đây đang lưu giữ nhiều hiện vật trong kiến trúc và điêu khắc có giá trị.
- Tháp Khương Mỹ
Di tích Khương Mỹ thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, gần Quốc lộ 1, cách thành phố Tam Kỳ 2 km về phía Nam. Di tích này hiện đang được cải tạo cảnh quan bên ngoài để khai thác du lịch. Bởi nhóm tháp này còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị.
Nhóm Khương Mỹ gồm có 3 tháp, xếp 1 hàng theo trục Bắc - Nam, cửa ra vào ở hướng Đông, là kiểu tháp Chămpa truyền thống với mặt bằng gần vuông, mái tháp gồm 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên cùng có chóp tháp bằng sa thạch.
Tháp Bắc: là tháp nhỏ nhất trong nhóm, có một cửa ra vào và 5 cửa giả (1 cửa giả ở phía Tây, ở tường phía Bắc và Nam mỗi bên có 2 cửa). Tiền sảnh tháp bị sụp đổ một phần. Vòm cuốn trên các cửa uốn hình vòng cung, trang trí hoa văn thảo mộc cách điệu, đầu lá uốn cong xoắn xít, lá xếp thành nhiều tầng, thu nhỏ dần lên trên, tâm của vòm cuốn là một tổ hợp cành lá uốn thành dạng lá đề. Trên mỗi mặt tường có 5 trụ áp tường, dọc các trụ ốp tường trang trí hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau, xen kẻ với các mảng tường trang trí hình thoi nối tiếp nhau từ chân đến đỉnh tường.
Tháp Giữa: lớn hơn tháp Bắc, được bảo tồn tương đối tốt. Cũng có một cửa ra vào và 5 cửa giả như tháp Bắc. Vòm cuốn trên cửa được tách làm 2 tầng, cấu tạo bởi các lớp hoa văn thảo mộc cách điệu, uốn cong ở đầu mút, lá có rãnh sâu, trên đỉnh của mỗi vòm cuốn là một tổ hợp cành lá uốn thành hình lá đề. Phần chân và đỉnh của các trụ đỡ vòm cuốn chạm 2 tầng hoa sen cách điệu - Trên mỗi mặt tường có 5 trụ ốp tường, chạm trổ hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau.
Tháp Nam: là tháp lớn nhất trong nhóm, được bảo tồn tương đối tốt. Cấu trúc gồm như hai tháp kia, nhưng trên mỗi mặt tường chỉ có 4 trụ ốp tường. Hoa văn trang trí trên các trụ ốp tường và các mảng tường là các giải hoa văn thảo mộc cuộn thành những hình chữ S nối tiếp nhau, xen kẽ với hoa văn hình thoi.
Theo P.Stern, tại Khương Mỹ, lần đầu tiên trong kiến trúc Chămpa xuất hiện một số môtíp trang trí của nghệ thuật Khmer: Kiểu cành lá uốn cong vểnh lên ở đầu mút, lá có rãnh sâu. Các hình thoi nối tiếp nhau được tạo thành bởi đường chéo và các đóa hoa cách điệu. Đó là kiểu hoa văn đặc trưng của nghệ thuật Khmer cuối thế kỷ IX - đầu thế kỷ X.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tháp Nam được xây dựng trước tiên, sau đó là tháp giữa và cuối cùng là tháp Bắc. Dưới chân tháp Nam có nhiều cách trang trí đế rất độc đáo, nơi đây ta sẽ bắt gặp sự đan xen độc đáo giữa môtíp trang trí trên đá và trên gạch bao gồm cả hoa lá, hình khỉ nhảy múa, khỉ khỏa thân rất phồn thực gây nên những yếu tố bất ngờ về nghệ thuật trang trí trong kiến trúc so với Chiên Đàn(Chiên Đàn và Khương Mỹ cách nhau bởi Thành Phố mới Tam Kỳ)
2.2. Kiến trúc tại Bình Định - Nha Trang
- Tháp Nhạn
Tháp được xây dựng uy nghi trên một khu đất tương đối bằng phẳng gần đỉnh núi Nhạn, bên bờ bắc sông Ðà Rằng, gần quốc lộ 1, thành phố Tuy Hoà. Nếu đi ô tô từ Bắc vào Nam hay ngược lại, khách có thể nhìn thấy ngôi tháp này.
Tháp Nhạn là nơi thờ phụng thần linh của người Chăm cổ từ thế kỷ thứ 2 trở về trước. Tháp có hình tứ giác với 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại so với tầng dưới, nhưng vẫn theo phong cách tầng dưới. Tháp cao gần 20m, mỗi cạnh chân tháp dài 11m. Trên mặt tường tháp không có hoa văn trang trí. Vòm cửa giữa hình cung nhọn có hình đầu quái vật trên đỉnh. Ðây là một chóp tháp được kết hợp hài hoà giữa hai hình tượng chóp nón cùng với hình tượng Linga, một vật mà người Chăm thường thờ ở các tháp, nên chóp tháp ở đây tạc theo hình tượng Linga nhưng chưa có dạng hoàn chỉnh như những Linga ở Ponagar hoặc Ðà Nẵng và Quảng Nam. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng nã pháo làm cho đỉnh tháp và 3 góc tháp bị đổ về phía cửa tháp ở hướng đông.
- Tháp Bà
PôNagar (hay PoNưgar) là một trong những thánh địa của vương quốc Chăm, hiện nay còn di tích ở thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa. Thánh địa Pô Nagar thờ vị nữ thần của vương quốc Chămpa - Bà mẹ xứ xở theo truyền thuyết của dân tộc Chăm. Thánh địa PôNagar thuộc thị tộc Cau (Kramukavamsa) cai trị miền Nam vương quốc Champa (miền Kauthara). Trong thời gian từ thế kỷ thứ VIII - IX, các vị vua Chăm đã bỏ nhiều công sức và của cải để xây dựng thánh địa PôNagar. Nhiều đền tháp được xây cất, nhiều kỳ bí được dựng lên trong vùng PôNagar.
Ðây là một khu đền tháp Chăm đặc biệt, là khu đền thờ duy nhất của vương quốc cổ Champa có cả một lịch sử hình thành, tồn tại, được sử dụng theo thời gian lâu dài và liên tục khoảng thế kỷ thứ VIII về sau... Hơn thế nữa, tháp Bà còn là khu đền thờ duy nhất của vương quốc cổ Chăm được người Việt tiếp tục sử dụng, gìn giữ và phát triển làm nơi thờ tự sau khi người Chăm dời việc thờ tự nữ thần Mẹ của mình về vùng đất Phan Rang phía Nam.
Tổng thể kiến trúc của Tháp Bà gồm ba tầng, đi từ dưới lên. Tầng thấp: ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng (nay không còn nữa). Từ đây có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa. Tầng giữa hiện chỉ còn hai dãy cột chính bằng gạch hình bát giác, mỗi bên năm cột, mỗi cột cao hơn ba mét, đường kính hơn một mét. Ở hai bên các dãy cột chính có 12 cột nhỏ, thấp hơn, tất cả nằm trên một nền bằng gạch cao hơn một mét. Từ tầng giữa này có một dãy bậc thang bằng gạch dốc hơn dẫn lên tầng trên cùng. Tầng trên cùng là nơi các tháp được xây dựng. Tháp thờ chính ở dãy trước khá lớn, cao khoảng 23m là Tháp Bà. Tháp chính thờ thần Po Nagar (Umar), vợ của thần Shiva được xây bốn tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá, ở bốn góc có bốn tháp nhỏ. Bên trong là tượng nữ thần (cao 2,6 m) tạc bằng đá hoa cương mầu đen ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Ðây là một kiệt tác về điêu khắc Chăm, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cưỡi bò thần Nandin và các tượng linh vật như chim thiên nga, dê, voi. Các tháp khác thờ thần Siva (một trong ba vị thần tối cao của Ấn Ðộ giáo), thần Sanhaka, thần Ganesa (theo truyền thuyết là con trai thần Siva)...
2.3. Kiến trúc tại Phan Rang – Ninh Thuận
-Tháp Pôklong Garai
Quần thể kiến trúc đền tháp Pô Klong Garai, là một trong những di tích văn hóa chăm được bảo tồn khá tốt và đã được trùng tu gần đây. Đây cũng là di tích kiến trúc đáng chú ý trong văn hóa Chăm. Theo một số tác giả, các đền tháp PôKlong Garai được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII. PôKlong Garai cách Phan Rang 5km về phía Tây, gần quốc lộ 20 đi Đà Lạt. Khu kiến trúc hiện còn một tháp lớn, một nhà nhỏ mái cong thuyền, một nhà nhỏ ở trước tháp lớn, một nhà nhỏ ở phía Nam.
Pôklong Garai được xem là trung tâm điểm rực rỡ nhất của nền văn minh Chăm, do vua Chế Mân chỉ đạo xây dựng từ cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV đạt đỉnh cao trong kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc của dân tộc Chăm. Tháp thờ vua Pôklong Garai (1151-1205), người đã có nhiều công lao to lớn đối với dân tộc Chăm ở vùng đất phía nam mới được khai khẩn, nhất là trên lĩnh vực thuỷ lợi. Hơn thế nữa dưới thời vua Pôklong Garai trị vì, đất nước Chăm được hưng thịnh, nhân dân được ấm no.Ở mỗi cạnh, mỗi tầng và mỗi mặt của từng tháp được trang trí bằng các hoạ tiết gốm, đá với đủ loại hình người, hình đuôi rồng, hình lá, hình bò thần…Tháp Pôklong Garai còn lại tương đối nguyên vẹn, quý và hiếm trên đất nước ta và trên thế giới về loại hình kiến trúc này và đã được Bộ Văn hoá công nhận di tích năm 1979.
-Tháp Pôrômê
Tháp Pôrômê tọa lạc trên một ngọn đồi cao thuộc thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thị xã Phan Rang - Tháp Chàm 15 km về phía nam. Tháp Pôrômê được xây dựng ở đất Chăm vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Công trình là một tổng thể gồm hai tháp: Tháp Chính thờ vua Pôrômê và tháp Phụ thờ hoàng hậu. Mặt chính của tháp quay về hướng Đông, trên cửa chính có các tầng hình vòng cung, dưới các hình vòng được trang trí bởi hình tượng thánh Siva và hình ngọn lửa, ở các cửa giả có hình các vị thần bằng đá trong tư thế ngồi, khuôn mặt các vị thần mang đậm nét bản địa. Tháp có 3 tầng tháp tuân theo mẫu cổ, mỗi tầng có 4 tháp góc. Trong mỗi hốc giả là hình ảnh một vị thần đang chắp tay trong tư thế cầu nguyện. Bên trong tháp chính có thờ hình tượng vua Pôrômê được tạo từ một linga có 8 tay. Bên góc lối đi vào tháp có tượng thần bò Nadin được tạc từ một phiến đá xanh đen. Công trình phụ ở phía sau tháp, là nơi thờ hoàng hậu. Khu mộ táng của vua Pôrômê rất gần với công trình phụ này.Đây là nơi chôn cất do chính vua Pôrômê chọn. Năm 1992, tháp Pôrômê đã được Bộ Văn hoá công nhận di tích.
-Tháp Hòa Lai
Tháp Hòa Lai thuộc địa phận thôn Ba Tháp, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Tháp được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 9, trước đây gồm có 3 tháp, nhưng còn lại 2 tháp là tháp Bắc và tháp Nam.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu phương Tây, khu tháp Hòa Lai hay còn gọi là Tam Tháp là một trong những cụm di tích Chăm cổ nhất và đẹp nhất hiện còn tồn tại. Tháp được xây dựng vào đầu thế kỷ IX, trước đây gồm 3 tháp trên một diện tích 200m2, rộng 125m, nhưng hiện nay tháp Trung tâm đã bị sụp đổ.
Tháp Bắc có 4 trụ bổ tường, mỗi trụ được trang trí rất đẹp, phía dưới các trụ còn thể hiện những mảng điêu khắc đẹp và hình tượng chim Garuda dang rộng cánh. Trên mỗi đầu các trụ bổ của các mái chìa có các diềm mũ để trang hoàng. Các cửa giả được trang trí với những vòng cung và những hình người được thể hiện trong tư thế ngồi. Hình thức trang trí ở tháp Nam đơn giản hơn, cũng có 4 trụ bổ tường với những đường nét bên dưới và những diềm mũ với các hoa văn trang trí ở mái chìa, các cửa giả được trang trí vòng cung lớn nhưng không tỉ mỉ như tháp Bắc. Tháp có 3 tầng mái, mỗi tầng có một hốc giả trang trí bởi các vòng cung. Các tháp này sau một thời gian dài bỏ phế, người Chăm đã không cúng bái. Nay tháp đang được trùng tu và bảo quản.
2.4. Kiến trúc tại Bình Thuận
-Tháp PôÐam (PôTằm)
Nhóm đền tháp Chăm PôÐam (PôTằm) tọa lạc dưới chân núi có tên là núi Ông Xiêm thuộc địa phận xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận nằm về hướng Tây Bắc, cách thành phố Phan Thiết khoảng 110 km. Tương tự như nhóm tháp Pôshanư cả về kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật kiến trúc, và có niên đại nửa cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX thuộc phong cách kiến trúc nghệ thuật Hòa Lai, một phong cách kiến trúc cổ trong lịch sử kiến trúc của Vương quốc Champa.
Nhóm đền tháp PôÐam bao gồm 6 tháp, hiện nay chỉ còn lại 3 tháp tương đối nguyên vẹn hình dạng, còn 3 tháp khác bị sụp đổ và chỉ còn lại phần đế. Các tháp trong nhóm chia thành hai khu riêng biệt mỗi khu 3 tháp theo hai trục song song. Trong đó nhóm phía Bắc là nhóm có niên đại từ thế kỷ VIII - IX và nhóm Nam có niên đại muộn hơn (thế kỷ XV). Nhóm tháp Bắc còn lưu giữ bệ thờ Linga - Yoni bằng đá xanh tượng trưng cho Thần Siva, với hình dáng và kết cấu giống như ở Pôshanư nhưng nhỏ hơn nhiều. Nhóm tháp Nam gồm 3 tháp khác với nhóm Bắc từ kỹ thuật xây dựng, trang trí nghệ thuật và nội dung thờ phụng (ở đây thờ 7 viên đá tượng trưng cho bia Kút). Theo các nhà nghiên cứu khoa học ở Bảo tàng Bình Thuận thì nhóm Bắc được xây dựng giữa thế kỷ XV để thờ Vua PôÐam (PôTằm) vị Vua Trị vì Vương quốc Chăm từ 1433 - 1460. Vị Vua này có tên là Pô KaThít, người Việt gọi là Trà Duyệt. Vị Vua có công giúp dân làm các hệ thống thủy lợi nổi tiếng trong vùng, hiện nay còn phát huy tác dụng ở vùng Tuy Phong, Bắc Bình.
Thông thường các tháp Chăm đều xây cửa chính trổ về hướng Ðông như một nguyên tắc bắt buộc, nhưng 6 tháp trong nhóm PôÐam tất cả các cửa chính đều quay về hướng Nam, trong lòng hẹp hơn, dài hơn. Ðây là trường hợp ngoại lệ đặc biệt không tuân thủ nguyên tắc cũ do có nhiều nguyên nhân về địa lý và tôn giao mà đến nay chưa có sự phân tích, giải nghĩa nào rõ ràng. Ðiều đặc biệt khác là cả 6 tháp trong nhóm PôÐam đều nhỏ và thấp hơn các tháp Chăm khác. Tháp cao nhất khoảng 7 - 8m, mỗi cạnh đáy khoảng 3 - 3,50m.
Kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật trang trí tập trung chủ yếu ở tháp Chính (tháp C nhóm Bắc) ở đây tuy thời gian đã làm tàn lụi phần đỉnh nhưng thân tháp còn nguyên vẹn những hình tượng, nghệ thuật trang trí đều và dày đặc trên thân, vòm cuốn, trụ áp tường. Những hình thù kỳ quái, những bông hoa xoắn xít nhau, hình tượng Makara, vị Thần canh giữ đền tháp là nét đặc trưng của phong cách Hòa Lai cổ.
Tháp PôÐam là nơi thực hiện nghi lễ, thờ cúng Vua Chăm hàng năm của người Chăm Phú Lạc và các vùng lân cận. Hiện những dòng tộc là hậu duệ của Vua còn lưu giữ 8 sắc phong do các Vua Triều Nguyễn từ Minh Mạng đến Khải Ðịnh phong tặng Vua PôÐam, chúng được cất giữ đặc biệt như báu vật của dòng tộc và trách nhiệm của hậu duệ Vua. Nhóm đền tháp PôÐam đã được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1996 .


*Tiểu kết:
Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm đã làm hấp dẫn và say mê nhiều nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Bởi vậy lịch sử, văn hóa, kiến trúc và con người Chăm là một kho tàng vô tận cho những nhà nghiên cứu, yêu thích nền văn hóa này.
Những công trình kiến trúc, bóng dáng còn lại của những khu đền tháp trong văn hóa Chăm khá đa dạng và phong phú, nhưng có lẽ tập trung nhiều vào nghệ thuật xây dựng các đền tháp. Và cũng vì lẽ đó, mà đến nay số lượng các tháp Chăm với cái còn, cái mất đã lưu dấu lại trong tổng thể các kiến trúc Chăm, dẫu không nhiều nhưng cũng đủ cho ta có cơ sở tìm hiểu và nghiên cứu.
Người Chăm gọi các đền tháp còn tồn tại là bimông, đó là nơi tiến hành những nghi thức thờ cúng tôn giáo và tín ngưỡng. Một số lăng mộ của các vua chúa, hoặc các lãnh chúa Chăm được gọi là kalan như Kalan Pô Dâm, kalan Pô Mư (ở Thuận Hải). Trong những bia ký Chăm được tìm thấy, cho biết các vua Chăm và giới quý tộc Chăm rất chú trọng đến việc xây cất các đền tháp thờ thần, thờ Phật. Như khu đền tháp Mỹ Sơn với nhiều tháp được xây dựng, làm nơi thờ cúng của quốc gia Chăm trong một thời gian dài. Cũng theo các bia ký ở Mỹ Sơn, các thánh đường thờ thần của người Chăm gọi là devakutida devalaya hoặc prasada (theo tiếng Phạn) còn các Phật điện là Vihara.
Những ghi chép trên các bi ký Chăm cho biết việc xây dựng các đền tháp Chăm đã được tiến hành trong nhiều thời gian khác nhau, kéo dài nhiều thế kỷ. Chính vì vậy, các tháp Chăm ở Việt Nam mang nhiều sắc thái và phong thái khác nhau. Những ghi chép còn lại cho đến nay, cho biết người Chăm tiến hành xây dựng các đền tháp ít ra vào khoảng thế kỷ thứ IV-V, nhưng rất tiếc các đền tháp Chăm hiện còn, được xây dựng sớm nhất là từ khoảng đầu thế kỷ IX nhưng tháp Damrây Krap trên đất Campuchia.
Nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc Chăm từ Quảng Nam, Bình Định cho đến Ninh Thuận với những công trình kiến trúc đa dạng phong phú. Mỗi nơi ẩn chứa nhiều mô típ trang trí, nhiều tác phẩm điêu khắc đa dạng với nhiều phong cách sáng tạo nghệ thuật khác nhau mà chúng ta cần nghiên cứu trong đề tài này.

Chương II
NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ
TRONG ĐIÊU KHẮC VÀ KIẾN TRÚC CHĂM

2.1. Nghệ thuật trang trí trong kiến trúc đền tháp Chăm
Đặc trưng nổi bật của kiến trúc Chăm là tháp Chàm, đó là một dạng công trình thuộc thể loại kiến trúc đền tháp Chăm, thuộc kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc Chăm. Tháp Chàm là một khối kiến trúc xây dựng bằng gạch nung màu đỏ sẫm lấy từ đất địa phương, phía trên mở rộng và thon vút hình bông hoa. Mặt bằng tháp đa số là hình vuông có không gian bên trong chật hẹp thường có cửa duy nhất mở về hướng Đông (hướng Mặt Trời mọc). Trần được cấu tạo vòm cuốn, trong lòng tháp đặt một bệ thờ thần bằng đá. Nghệ thuật chạm khắc, đẽo gọt công phu hình hoa lá, chim muông, vũ nữ, thần thánh thể hiện trên mặt tường ngoài của tháp. Các viên gạch liên kết với nhau rất rắn chắc, bền vững tới hàng chục thế kỷ. (trích nguồn từ http://phanquocanh.vnweblogs.com/post/5609/66535). . .
Hầu hết các Tháp và nhiều công trình kiến trúc Chăm được bao phủ bên ngoài là một lớp trang trí hoa văn dày đặc, phong phú nhiều kiểu dáng, như các tháp Hòa Lai, Khương mỹ và nhiều tháp ở Mỹ Sơn... Nơi đâu cũng thấy bóng dáng các loại hoa văn, các mẫu trang trí được chăm khắc trên thân tháp. Đó cũng chính là một đặc trưng trong nghệ thuật kiến trúc Chăm so với nhiều dân tộc ở Đông Dương và Đông Nam Á. Để có thể trang trí những hoa văn hết sức phong phú đó, các nghệ sĩ điêu khắc Chăm đã đục khắc thẳng lên chất liệu gạch tường tháp. Điều này có thể lý giải được, bởi ở một vài tháp như Hòa Lai, Pô nagar, hãy còn những công trình điêu khắc còn dang dở, còn đang phác họa, những nét chạm còn chưa xong.
Như đã trình bày ở trên thì nghệ thuật trang trí trong các kiến trúc đền tháp Chăm thuộc dải đất miền trung kéo dài từ Quảng Nam cho đến Ninh thuận hiện còn nhiều ngôi tháp với dáng vẻ chắc khỏe, hoành tráng và lộng lẫy. Bên trong những công trình ấy ẩn chứa bao nhiêu là môtíp trang trí. Từ trên đỉnh tháp, góc tháp, cửa ra vào cho đến các chi tiết trên cột, trên vòm cửa. . .đều là những kiệt tác.

2.1.1. Trang trí tổng thể tháp
-Trang trí trên đỉnh, mái
Hầu hết trên đỉnh, mái tháp đều có họa tiết trang trí với nhiều kiểu dáng và ý nghĩa khác nhau (Hình TT.TĐ1) chủ yếu là hướng thiên. Trong nghệ thuật kiến trúc, với một nền nghệ thuật như Chăm thì quan niệm về vũ trụ vô cùng quan trọng. Nhiều hiện vật ngày nay còn lại cho ta thấy sự hướng thiên, vươn lên trời với một cấu trúc theo dạng hình khối chóp. Như hình (Hình TT.TĐ1) thì hình tượng trang trí ở đỉnh tháp có dạng khối chóp với môtíp trang trí dạng hình hoa sen cách điệu. Nhìn vào hình vẽ ta có thể nhận thấy dạng cấu trúc lớn ở dưới và nhỏ, nhọn về phần trên, tạo cảm giác hướng thiên vững chải, nhẹ nhàng, thanh thoát và tăng thêm phần thẩm mĩ cho công trình kiến trúc của Chăm.
Tại Chiên Đàn, hiện còn lưu giữ nhiều kiểu trang trí đỉnh tháp như hình (Hình TT.TĐ2) Vẫn cấu trúc và kiểu dáng lớn dưới và nhọn dần về phía trên nhưng môtíp có vẻ phong phú hơn và một cấu trúc lạ mắt. Các môtíp trong (Hình TT.TĐ2) này được phân chia làm 3 tầng cơ bản. Tầng dưới được sắp xếp nhiều họa tiết hình búp sen giống nhau xếp nhắc lại không liên tục tạo nên sự hiền hòa dễ nhìn, tầng giữa nhỏ hơn so với tầng dưới và được sắp xếp các họa tiết trang trí theo lối xen kẽ và tạo ra nhiều lớp trang trí chồng lên nhau cũng chủ yếu là hình búp sen. Riêng tầng trên cùng có cấu trúc giống hình búp sen nhất và cũng sắp xếp hình dạng cánh sen nhắc lại liên tục hơn so với tầng dưới cùng. Nhìn chung từ trên xuống dưới môtíp trang trí đỉnh tháp bằng đá này khá phong phú về họa tiết so với họa tiết trang trí trên đỉnh tháp ở MỹSơn (Hình TT.TĐ1).
Độc đáo hơn vẫn là họa tiết trang trí đỉnh tháp (tại Chiên Đàn) hình (Hình TT.TĐ3). Dẫu chưa xác nhận phần trên môtíp này là môtíp gì(vì hiện vật hiện nay không còn nguyên vẹn) nhưng chúng ta cũng cũng cảm nhận được một kiểu thức mạnh mẽ hội tụ nhiều đường kỷ hà. So với (Hình TT.TĐ1&2) thì (Hình TT.TĐ3) có sự biến tấu độc đáo hơn bởi cách xây dựng bố cục nhiều tầng qui tụ những họa tiết theo kiểu sắp xếp xen kẽ. Ngay phần trang trí phía dưới chúng ta thấy môtíp cánh sen được thay đổi và xen vào đó là hình gương mặt các vị thần được cách điệu rất độc đáo. Nghĩa là cứ một môtíp cánh sen được xen kẽ bởi một cánh sen có hình mặt vị thần. Cho dù hiện vật phần trên không còn nguyên vẹn nhưng với cấu trúc phần dưới chúng ta cũng cảm nhận một phong cách thể hiện mạnh, khỏe nhưng rất hài hòa và dễ hòa lẫn với một không gian kiến trúc.
Khi tìm hiểu về nghệ thuật kiến trúc Chăm, chúng ta không thể không ngỡ ngàng bởi sự tỉ mỉ, kỳ công và điêu luyện bởi những môtíp trang trí được gắn trên đỉnh tháp, trên nóc tháp. Các loại môtíp này hầu như mang tính đối xứng, với các vật liệu chủ yếu là đất nung, vài nơi có sử dụng đá để tạo hình cho các môtíp này.
Các môtíp này có dạng hình một hoa lửa cách điệu, uốn lượn theo hướng vươn ra một phía và hướng cả môtíp lên trên bầu trời. Những môtíp này đã làm cho không gian kiến trúc trên nóc có vẻ mềm mại hơn, cảm giác nặng nề khi cả một khối kiến trúc nở ra đều được tan biến.
Tóm lại, cho dù thay đổi bao nhiêu cấu trúc và kiểu dáng, đơn giản(Hình TT.TĐ4) hay cầu kỳ, hầu hết các môtíp trang trí đỉnh tháp đều gợi cho ta một cảm giác về sự hướng thiên, vượt lên trên hết trong quan niệm về con người và sự vươn lên. Tuy nhiên những môtíp trang trí đỉnh tháp cũng với một mục đích chính là làm cho mọi khối kiến trúc của ngôi tháp trở nên mềm mại, thăng hoa và thần bí trong quan niệm của văn hóa tín ngưỡng.
-Trang trí trên thân tháp
+Trang trí góc tháp: Nói đến trang trí thân tháp không thể không đến những môtíp trang trí trên góc tháp. Trên góc các tháp ở mọi thời đại, mọi phong cách đều có các môtíp trang trí, điều này chứng tỏ sự sáng tạo không ngừng của người Chăm khi quan tâm đến nghệ thuật trang trí trong các quần thể kiến trúc. Đặc biệt nghệ thuật trang trí ở đây rất nhiều phong cách dẫu chỉ cùng một vật liệu là đá (chủ yếu) hay đất nung. Theo như (hình TT.TTG1) cách trang trí góc tháp trên thân tháp vô cùng phong phú với nhiều khiểu dáng khác nhau. Trong phong cách Mỹ Sơn, chúng ta cũng có thể nhận biết về sự đa dạng về hình khối. Với sự lồi lõm, nông sâu vừa phải. Thật uyển chuyển mềm mại với sự chuyển động về đường nét, có lúc rất vội vàng (môtíp a) nhưng rất đơn giản và khoan thai trong (môtíp c). Một hệ thống liên kết nhiều hình khối để tạo nên sự chuyển động không ngừng trong (môtip b) và cho người xem một sự bất ngờ (môtíp d) với sự chuyển động dường như cùng chiều của các họa tiết trong môtíp này. Thoạt nhìn chúng ta có thể cảm nhận và nhìn ra những nét tương đồng trong các môtíp, tuy nhiên càng nhìn lâu, nghiền ngẫm chúng ta sẽ thấy sự phong phú về kỹ thuật tạo hình nhắm làm rõ được chủ đề sáng tạo trong nghệ thuật điêu khắc. Về mặt tạo dáng thì môtíp a,b,c trong (hình TT.TTG1) có nét tương đồng hơn bởi sự đơn giản và hầu như đều bo tròn về phía trên. Nhưng môtíp d trong (hình TT.TTG1) thì hầu như nhọn hơn ở các đầu họa tiết, phải chăng đây là sự đặc tả để làm nói rõ hơn về một hình tượng đã được cách điệu nhằm mang lại sự gần gũi, thân thuộc trong thế giới tự nhiên.
Trong hình (hình TT.TTG2) ta có thể nhận ra nét tương đồng trong việc tạo dáng cho vật trang trí góc. Họa tiết trang trí góc tháp ở Mỹ Sơn và Poklong Garai tuy có khác nhau nhưng sự chuyển động của cấu trúc và nhiều cách xây dựng họa tiết mang tính tương đồng.
Tiếp theo ta so sánh họa tiết trang trí góc tháp trong hình (hình TT.TTG3) để tìm ra nét tương đồng và biến tấu phong cách thật tài tình của các nghệ nhân Chăm. So sánh họa tiết trang trí góc tại Mỹ Sơn và Phong Lệ ta sẽ thấy một Mỹ Sơn chuyển động dồn dập, dày đặc và liên tục trong khi một Phong Lệ thoáng hơn ít rối hơn, họa tiết có lúc hướng lên, có lúc hướng xuống để tạo nên sự hài hòa về mặt bố cục. Mặt dầu cấu trúc cả hai họa tiết này có nét tương đồng nhau và các mũi họa tiết đều hướng lên trên và ra ngoài.

Nếu xếp nhiều họa tiết trang trí góc tháp bên cạnh nhau từ Mỹ Sơn, Phong Lệ, Chánh Lộ, Pônagar, Poklong garai cho đến Pôrômê(hình TT.TTG4). Nơi đâu chúng ta cũng có thể cảm nhận sự thay đổi về cấu trúc, kiểu dáng trang trí. Có kiểu nhiều nhọn, hay không nhọn (như Poromê) nhưng cũng đều chung một mục đích là để trang trí vào những góc tháp với nhiệm vụ làm cho những ngôi đền tháp trở nên hài hòa, nhẹ nhàng và đầy chất lãng mạn.
Trong (hình TT.TTG5) minh họa cho ta thấy một trong những tầm quan trọng của các tai trang trí gắn ở góc tháp. Những tai tháp nhìn một mặt như hình bên được sắp xếp theo kiểu sợ khoảng trống. Những tai tháp nhìn hai mặt thì được gắn cách đều thoải mái trên các góc tháp. Chính các gờ tai trang trí góc tháp này đã tạo nên một kiểu dáng cho những đền tháp Chăm, nó đã thực sự là một môtíp trang trí đẹp, quan trọng trong việc tạo nên sự hài hòa, duyên dáng cho công trình kiến trúc.

+Trang trí thân tháp
Nghiên cứu vấn đề trang trí trên thân tháp (hình TT.TT1) là những môtíp thuộc kiểu thức của Kalan Mỹ Sơn E1, được chọn đặt tên cho phong cách giai đoạn này, là một trong những kiệt tác của kiến trúc Chăm, và rộng hơn là văn hóa Chăm, một trong những thành tựu hoàn mỹ nhất của nghệ thuật kiến trúc Đông Nam Á. Đây là một tháp may mắn được bảo tồn khá tốt trong khu vực Mỹ Sơn. Tháp có chóp nhọn là đỉnh bằng sa thạch. Tháp có nhiều cửa giả đối xứng nhau ở 2 bên tháp, và cả 2 bên tiền sảnh của tháp. Bên trong cửa giả có hình người đứng chắp tay với nét mặt dịu dàng, duyên dáng(hình TT.TT1), hai bên là hai trụ chống vòm cuốn có trang trí nhiều hoa văn dây lá.
Nổi bật hơn nữa là kiểu thức trang trí tường ở Kalan Mỹ Sơn A1(hình TT.TT2). Đây là kiểu thức trang trí với hệ thống các trụ áp tường tường kéo dài lên tận diềm mái, dáng trụ thon thả, có trang trí một cách vừa phải các hoa văn dây lá, hoa văn cuộn theo dạng hình chữ S. Những trụ này tạo cho tháp sự hài hoà cân đối, và một không gian hướng tới tầm cao nghệ thuật kiến trúc.
Với kiểu thức trang trí trong phong cách Mỹ Sơn A1, nghệ thuật kiến trúc Chăm thực sự đạt thêm một đỉnh cao mới nữa, ngoài sự trang nhã duyên dáng, tinh tế, trong kiến trúc còn là sự chú ý đến việc tạo ấn tượng cho một công trình mang tính tôn giáo vừa trang nghiêm vừa bay bổng. Bởi quan sát gần các chân tháp ta bắt gặp các hình phật chắp tay rất hiền hòa, bình yên trong những vòm cuốn nhỏ kiểu búp sen tỏa sáng. Nằm ẩn trong một rừng trang trí dạng dây leo cuộn xoắn nhau vươn lên cao tận diềm mái của tháp.
Theo Ngô Văn Doanh thì: “Phong cách Mỹ Sơn A1 là một thời kỳ mới trong nghệ thuật kiến trúc Chăm, vừa kế tục những truyền thống kiến trúc Chăm vừa đổi mới. Thay vào sự nặng nề rối rắm, trong phong cách Đồng Dương là sự tinh tế, thoáng đãng và trang nhã của phong cách Mỹ Sơn A1”.
Phong cách Mỹ Sơn A1 vẫn tiếp tục những truyền thống của kiến trúc Chăm, và đã lấy lại được từ Mỹ Sơn E1, từ Hòa Lai và cả Đồng Dương nữa những tinh hoa của nghệ thuật Chăm, nhưng được nâng cao lên một tầm cỡ. Thực chất nghệ thuật Mỹ Sơn A1, là sự phục hưng nghệ thuật của văn hoá Chăm. Cái mới được tạo ra từ Mỹ Sơn A1, là kết quả của sự sáng tạo của những nghệ sĩ Chăm, không ngừng tìm kiếm những đỉnh cao và những thành tựu mới.
Kiểu thức này hầu như có mặt ở nhiều đền tháp. Trong hình trang trí trích đoạn một kiểu thức trang trí áp tường tại Khương Mỹ (hình TT.TT3) nếu đem so với kiểu thức trang trí áp tường thuộc phong cách Mỹ Sơn A1 thì cả hai cùng một phong cách. Tại Khương Mỹ, hầu như các ngôi tháp từ tháp Bắc, tháp giữa cho đến tháp Nam cũng đầy những môtíp trang trí dạng dây leo từ chân tháp lên tít tận mái diềm tháp. Nhìn sự tồn tại kiêu hãnh của các ngôi tháp như Mỹ Sơn A1, Khương Mỹ… chúng  ta không thể không nói rằng các nghệ sĩ Chăm đã tạo nên những kiệt tác nghệ thuật.
-Trang trí đế tháp
Trang trí đế tháp cũng xuất hiện nhiều qua các thời kỳ từ Quảng Trị cho đến Bình Thuận. Chủ yếu là những môtíp tập trung kết hợp giữa tự nhiên như môtip có dạng hoa, búp sen, cánh sen bên trong có hình các tu sĩ chắp tay. Hầu như các môtíp này tập trung nhiều trong phong cách Mỹ Sơn, Đồng Dương và Hòa Lai. Trong (hình TT.ĐT1) phong cách Hòa Lai ta có thể bắt gặp cách thức trang trí với kiểu thức kết hợp gạch và đá. Điều này có thể tạo nên một sự hài hòa trong việc sử dụng chất liệu. Như trong hình vẽ thì khoảng từ 40cm đến 80cm là cách trang trí theo dạng phù điêu gắn vào từ bên ngoài và có khoảng cách rất xa. Ví dụ ta có thể nhận thấy hình voi đá nằm trong dạng hình vuông tạo nên một điểm nhấn cho các nhịp điệu tạo khối trong kiến trúc. Từ 80cm cho đến 1m là khoảng trang trí dành cho những họa tiết trang trí dạng hoa dây như hoa cúc đã cách điệu và xếp liền nhau tạo thành những ô nhịp nhưng có nhịp gần, nhịp xa, nhịp ngắn nhịp dài nhằm tạo nên sự phong phú và đa dạng về ô nhịp trang trí trong kiến trúc.
Tuy nhiên trong phong cách Mỹ Sơn thì ta lại thấy sự sắp xếp môtíp dạng búp sen sắp xếp theo dạng nhắc lại (hình TT.ĐT2). Đây là một lối tổ chức sắp xếp dành cho trang trí diềm. Với môtíp hình búp sen cách điệu sắp xếp thật nhịp nhàng, các nghệ nhân Chăm đã tài tình tạo nên một giai điệu trong việc trang trí của các công trình kiến trúc. So với (hình TT.ĐT1) thì cách trang trí chân tháp của Mỹ Sơn khác với Hòa Lai. Nếu lối trang trí ở Mỹ Sơn nhịp nhàng thì lối trang trí của Hòa Lai có sự phá cách và đơn giản hơn.
Tương tự như ở Mỹ Sơn, môtíp trang trí chân tháp ở Nha Trang (hình TT.ĐT3) lại phong phú hơn với các chi tiết trong từng môtíp búp sen. Một hình thức trang trí đối xứng ngay trong cấu trúc dạng búp sen cũng thể hiện một ý đồ trang trí lạ hơn. Trong bản thân môtíp búp sen cũng có sự chuyển động mang tính tạo dáng trong cấu trúc của nó. Phần giữa môtíp eo lại và nở tròn về phía trên theo cấu trúc thân quen của hình búp sen. Trong bản thân của khối trang trí này cũng có phần lồi, lõm, lớn, nhỏ. Đường thẳng được chuyển đổi thành đường cong, bên cạnh những góc vuông có sự thay đổi của các góc nhọn. Các mũi họa tiết hướng vào liền có các mũi họa tiết hướng ra. Đây là một sự thay đổi nhịp điệu, đường nét và hình khối nhằm tạo nên một sự hài hòa trong việc xây dựng các kiểu thức trang trí.
Khác với Mỹ Sơn hay Nha Trang, Chiên Đàn thuộc Quảng Nam có môtíp trang trí đế tháp khác hẵn. Ví dụ trong (hình TT.ĐT4) là phần trang trí đế tháp phía sau ngôi tháp giữa của khu đền tháp Chiên Đàn. Với chất liệu đá và một hình thức đối xứng tương đối, các nghệ sĩ Chăm đã kết hợp tài tình một cách thể hiện sinh động hình tượng voi đang châu đầu vào những hoa và lá sen. Đây là một cách trang trí phá cách, ít nhàm chán bởi tính sinh động trong tạo hình. Điều này tạo nên sự vững chãi và hài hòa cho ngôi tháp.
Tiếp nữa là một kiểu trang trí đế tháp với các hình vũ nữ, nhạc công thật sinh động. Môtíp này được trang trí phần lớn ở ngôi tháp phía Nam. Trong (hình TT.ĐT5) hiện trưng bày tại nhà trưng bày tháp Chiên Đàn, chắc chắn ta không thể không khâm phục tài hoa của các nghệ sĩ Chăm đã kết hợp hài hòa giữa yếu tố con người với tự nhiên trong những sinh hoạt của vương triều để tạo ra một môtíp trang trí sinh động cho đế tháp. Nhìn vào hình minh họa (hình TT.ĐT5) chúng ta phát hiện lối kết cấu bố cục và chiều hướng đẹp với các hình người nghiêng đầu về một phía, điều này các nghệ sĩ Chăm muốn khẳng định nhịp, chiều hướng trọng tâm của bố cục diềm. Tuy nhiên các động tác thì có thay đổi, không theo qui luật của dạng diềm nhắc lại, các nghệ sĩ đã phá thế trong lối xây dựng hình tượng nhân vật như một môtíp trang trí diềm thuần túy.
Đặc biệt hơn tại Khương Mỹ (Quảng Nam) như  (hình TT.ĐT6), ta thấy các môtíp trang trí xây dựng theo nhiều tầng, nhiều chất liệu khác nhau như đá và đất nung xen lẫn. Như (hình TT.ĐT6) thì một môtíp trang trí đế tháp với nhiều tầng xếp chồng lên nhau. Bên trên là họa tiết trang trí mang tính đối xứng với môtíp dạng hoa dây cách điệu đối xứng nhau qua hình tượng rắn thần Naga. Bên dưới là môtíp thường gặp trong nhiều phong cách và đặc biệt mang phong cách Mỹ Sơn. Môtíp trang trí dạng đối xứng tương đối, phần trên giống hình búp sen nổi lên với nhiều đường nét trang trí mang đậm phong cách Mỹ Sơn. Bên trong có hình tượng khỉ nhảy múa, những họa tiết ngoằn ngoèo xoắn tít nhưng rất trật tự với nhiều chiều hướng lúc ra lúc vào, lúc dày lúc thưa tạo nên nét hài hòa và sinh động cho đế tháp. Trong hai phần trên và dưới với cùng một gọc trang trí của đế tháp ta có thể nhận thấy sự tài tình của các nghệ nhân Chăm xưa đã rất tinh tế trong sáng tạo nghệ thuật.
Cũng tại Khương Mỹ, từ năm 2002 đến năm 2008 phát lộ nhiều hiện vật có họa tiết trang trí rất độc đáo. (Hình  TT.ĐT7) là một trong những kiểu thức trang trí độc đáo với sự chuyển tiếp hài hòa từ vật liệu đá sang gạch nung. Trong hình (hình TT.ĐT7) bên cho ta thấy kiểu trang trí đế tháp độc đáo với phần đen trắng là trang trí trên chất liệu đá, phần màu mỡ gà là phần trang trí trên gạch. Rõ ràng là hai chất liệu khác nhau nhưng cùng một kiểu thức trang trí, các nghệ nhân Chăm muốn chứng tỏ trình độ thể hiện sự sáng tạo trong nghệ thuật trang trí của mình. Ta xem phần họa tiết dạng dây leo nằm giữa các kiểu thức trang trí khác để thấy rõ sự tài tình khi chuyển từ trang trí trên đã sang trang trí trên gạch. Độc đáo là chúng ta không nhận thấy ở đây sự vụng về khi lắp hai chất liệu khác nhau, tất cả tạo nên sự chuyển động nhịp nhàng, sinh động và hài hòa. Bên dưới họa tiết diềm dạng dây leo là hình thú, chủ yếu là hình khỉ đang nhảy múa và biểu dương sức mạnh của mình. Các hình tượng này sắp xếp không theo sự sắp xếp nhắc lại một cách cứng nhắc mà chỉ giữ khoảng cách của nhịp điệu nhắc lại. Nhìn vào ta cảm nhận được một câu chuyện, những trường ca… về sự sống của các loài vật, con người và các vị thần có mối quan hệ với con người.
Tóm lại trang trí chân, đế tháp là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên một chỉnh thể trong việc tạo nên một dáng vẻ hài hòa, vững chắc và thẩm mĩ cho một công trình nghệ thuật kiến trúc.
Hầu hết các Tháp Chăm và nhiều công trình kiến trúc Chăm được bao phủ bên mặt ngoài là một lớp trang trí hoa văn dày đặc, phong phú nhiều kiểu dáng, như các tháp Hoà Lai và nhiều tháp ở Mỹ Sơn... Khó mà ghi chép, phân tích hết các loại hoa văn, các mẫu trang trí được chăm khắc trên thân tháp. Đó cũng chính là một đặc trưng trong nghệ thuật kiến trúc Chăm so với nhiều dân tộc ở Đông Dương và Đông Nam Á. Để có thể trang trí những hoa văn hết sức phong phú đó, các nghệ sĩ điêu khắc Chămpa đã đục khắc thẳng lên chất liệu gạch tường tháp. Điều này có thể lý giải được, bởi ở một vài tháp như Hòa Lai, Pônagar, hãy còn những công trình điêu khắc còn dang dở, còn đang phác họa, những nét chạm còn chưa xong. Chất gạch của tháp Chăm, quả thật là một chất liệu lý tưởng cho nghệ thuật điêu khắc không thua gì chất liệu thông dụng khác. Các nhà kiến trúc, các nghệ sĩ điêu khắc Chăm đã sớm làm chủ được chất liệu gạch, một khám phá mới mẻ và độc đáo của họ, đã để lại cho đời sau những công trình văn hoá tuyệt vời và quý giá với một màu sắc riêng, một sáng tạo lớn lao.



2.1.2. Trang trí các chi tiết kiến trúc
-Trang trí trên cột vách là một trong những dạng môtíp trang trí mang dấu ấn đặc trưng của nghệ thuật trang trí điêu khắc trên đá của nền nghệ thuật kiến trúc Chămpa. Trong (hình CT-KT01) ta có thể sự kỳ công và phong cách đa dạng về chi tiết tạo hình. Chủ yếu tập trung tại các dạng cột đá tại Hà Trung-Quảng Trị. Các họa tiết trong thời kỳ này đa dạng về hình mảng, lớn nhỏ-dài ngắn và uốn lượn theo dạng hình dây leo. Một dạng thức trang trí mà hầu như nhiều quốc gia trên thế giới sở hữu như Nga, Việt. . .trong kiểu thức a: ta nhận thấy các họa tiết dạng dây leo chyển động đều về phía đầu trụ và thay đổi mô típ. Tạo điểm nhấn cho môtíp trang trí trong các dạng cột trang trí. Trong kiểu thức b: ta bắt gặp sự phong phú, đa dạng về các mảng, hình trang trí, chiều hướng thay đổi trong khoảng 1,5m của cột đá. Ta bắt gặp các loại hình trang trí như dây leo cách điệu, được chia đều trong dạng cột lục giác. Tuy nhiên về phía trên thì lại có sự thay đổi về nhịp trang trí và các họa tiết trang trí có phần đơn giản hơn. Chủ yếu là các họa tiết hình chữ S đơn giản nằm trong từng diện khối nổi lên chạy đều. Đến các loại họa tiết hoa cách điệu dạng xoay chiều sắp xếp theo dạng bố cục sắp xếp xen kẽ. Rồi lại đến mảng họa tiết hình chữ S sắp xếp nhắc lại. Trong kiếu thức b ta thấy sự thay đổi nhịp và họa tiết thật phong phú và đa dạng. Trong kiểu thức c: Ta nhận thấy rất rõ tính cách điệu về các loại hoa lá, các môtíp được sắp xếp chuyển động theo dạng hình sóng nước. Nhịp chuyển tới thuận chiều được trả lại bởi sự uốn lượn của các họa tiết như những bông hoa cách điệu. Bên cạch sự chuyển động cầu kỳ ấy, ta lại bắt gặp một dạng môtíp chuyển động hài hòa với họa tiết đơn giản hình chữ S nối nhau theo kiểu nhắc lại. Thật là kỳ diệu bởi sự thay đổi nhịp điệu, kiểu dáng, chiều hướng, có lúc thoáng, đơn giản nhưng có lúc cũng rất chặt chẽ, dày đặc và tạo cho người ta một cảm giác về một không gian tức tối. Tưởng như khó thở nhưng rất hài hòa, chuyển động và rất môtíp.
Với kiểu thức d trong (hình CT-KT01) thể hiện phong cách Mỹ Sơn, một đặc trưng của phong cách muộn. Tại môtíp này ta nhận thấy sự chuyển động của toàn bộ cột đá, có đoạn eo lại rồi nở ra về phía dưới. Hai đầu trụ đá đều có họa tiết trang trí đối xứng với chủ đề hoa sen cách điệu, đây cũng là một trong những chủ đề trang trí mà chúng ta bắt gặp hầu như ở khắp các công trình kiến trúc của nghệ thuật kiến trúc Chăm.
Nếu như tại Hà Trung- Quảng Trị ta bắt gặp sự tỉ mỉ, công phu trong việc tạo hình trang trí, có những nơi tỏ ra quá dày đặc, rối rắm thì tại Mỹ Sơn- Quảng Nam ta lại thấy môtíp trang trí trên cột đá có sự thoáng đãng hơn về hình mảng, tinh tế hơn trong việc xác định trọng tâm chủ đề của trang trí. Những họa tiết được xác định là chủ đề trọng tâm như hoa sen được đặt đúng vị trí của nó để tạo điểm nhấn. Tất cả so sánh với môtíp trang trí trên trụ cửa Phú Hưng- Quảng Nam thì họa tiết trang trí phong phú hơn cả về cấu trúc bên ngoài lẫn chi tiết nhỏ. Phần trên nở phình ra nhưng phần dưới eo lại với hình rắn naga đối xứng nhau qua hình trọng tâm là một vị thần.
Trong (hình CT-KT02) thuộc phong cách Mĩ Sơn thế kỷ 11 đến 13. Như ở Mĩ Sơn D2 và B6 ta cũng có thể thấy rất rõ sự khác kiệt về phong cách tạo dựng môtíp trang trí cho cột bằng đá. Nếu như có một trục nằm ngang song song với mặt đất và cắt ngang phần giữa của trụ thì cả trên và dưới của trụ đều mang tính đối xứng. Các trụ này đều áp sát tường gạch và có dáng vẻ rất chắc chắn nhưng cũng khá uyển chuyển. Ngay trong thế kỷ 11-12 và 12-13 đã là một khoảng cách xa về phong cách trong cùng một quần thể kiến trúc. Ở trụ đá thế kỷ 11-12 thì môtíp sen cách điệu được lồng ghép và tạo dáng với nhiều chuyển động cong thì ở thế kỷ 12-13 môtíp sen cách điệu phối hợp với đường thẳng vững chãi và đơn giản hơn. Như vậy, chứng tỏ nghệ thuật kiến trúc và đặc biệt là môtíp trang trí trong kiến trúc, chủ yếu là điêu khắc trên đá của các quần thể kiến trúc Chăm cho ta thấy sự thay đổi, sáng tạo theo thời gian và biết lượt bỏ đi những chi tiết không cần thiết.
-Trang trí trên vòm cửa
Cửa vòm và cột vách là hai môtíp mà sự phát triển của chúng đã cho phép chúng ta vạch ra quá trình tiến lên của kiến trúc Chăm. Khi nói đến vòm cửa ta nghĩ ngay đến môtíp đường vòng cung tạo thành một kiểu thức trang trí. Trong nghệ thuật trang trí cửa vòm ta cần xác định 2 loại vòm cửa lớn và vòm cửa nhỏ. Vòm cửa lớn trang trí ở thân của ngôi tháp và vòm cửa nhỏ trang trí ở chân các cột, vách và các chân vách nói chung. Các môtíp trang trí cửa vòm nhỏ là những môtíp trang trí đơn giản, thường hay nhân bản giống nhau tạo thành môtíp. Trong (hình TT.VC1) ta có thể nhận thấy sự đối xứng trong việc xây dựng môtíp trang trí. Vòm được đặc trên hai trụ đá đối xứng nhau, các họa tiết uốn cong xoắn nhiều chiều, lớn hơn và nửa đường cong rộng hơn so với sự chuyển động bên trong và nhỏ hơn khi lặp lại ở trên của vòm cong.
Trang trí vòm cửa có thể chia làm theo từng phong cách: Phong cách cổ, chuyển tiếp từ phong cách cổ sang phong cách Hòa Lai, phong cách Đồng Dương, bước quá độ giữa phong cách Đồng Dương và phong cách Mỹ Sơn A1, phong cách Mỹ Sơn A1, chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định, rồi phong cách muộn.
Với phong cách cổ thì hầu như không còn hiện vật, tuy nhiên cái bệ và cái ngạch thấp bé tại Mĩ Sơn E1. (hình tu sĩ thổi sáo ở nhóm phía Bắc mặt chính của đài thờ mỹ Sơn E1.) Vòng cung của cái bệ và của cái ngạch là một vòng cung thấp bè, rộng. Trên các vòm cửa ở điện chính của cái bệ, đường gờ cuốn vào phía trong tận cùng bằng đầu một con rắn (naga) hoặc các động vật có cánh, đường tận cùng vềnh ra phía ngoài được xử lý bằng đầu con makara. Bên trong các vòm cuốn này là các vị tu sĩ ngồi thổi sáo, các vị thiền sư. . .cho đến sự chuyển tiếp từ phong cách cổ sang phong cách Hòa Lai. Giai đoạn này không tập trung ở Việt Nam mà tập trung ở Campuchia. Dưới chân của những vòm cửa nhỏ thuộc phong cách Hòa Lai và dưới các hình người, đôi khi người ta thấy một môtíp nửa hình tròn tạo thành do một nửa môtíp hình ngôi sao (đây phải chăng là họa tiết hoa?) chung quanh có viền. Một kiểu trang trí hoàn toàn tương tự cũng được tìm thấy ở dưới chân một vòm cửa nhỏ ở bệ Mĩ Sơn E1, điều này đã bổ sung cho sự gần gủi của hai phong cách. Thực ra thì các cửa vòm nhỏ thuộc phong cách Hòa Lai ở ngay Hòa Lai và ở Pô Đam. Ở Mỹ Sơn, những cửa vòm nhỏ thuộc phong cách này hầu như bị tàn phá hết. Theo bản vẽ của ông H.Parmentier [thống kê miêu tả các di tích Chàm (bản vẽ C-XXVIII-C-XXX-D) thì các vòm cửa nhỏ ở Mỹ Sơn F1 và Mỹ Sơn F3 gắn liền với phong cách Hòa Lai]. [45(tr.27)]
Thực sự thì những vòm cửa nhỏ thấy rất nhiếu trong phong cách Đồng Dương và cho thấy một vẻ dáng rất riêng biệt. Chúng vẫn giữ được hình dáng kỳ lạ của lỗ cửa được nhấn mạnh bởi những đường viền kép thuộc phong cách trước đây. Giai đoạn này chỉ khác là đường cuộn đầu cùng vào bên trong đã mất đi nhưng hình dáng cửa mở có hai đường cong được duy trì. Phong cách trang trí giai đoạn này với họa tiết trên đỉnh có một đóa hoa lớn hình thuốn rất đặc biệt. Đóa hoa trung tâm này và đường kép vênh lên ở mỗi bên tạo thành năm môtíp lớn tạo ra một vẻ bề ngoài hoàn toàn đặc biệt đối với cửa vòm vào thời kỳ này.
Các cửa vòm nhỏ này cũng giữ được kiểu trang trí có các nhánh song song thuộc phong cách trước đây, vốn định rõ phạm vi và bao phủ các cửa vòm bằng các trang trí. Nhưng các nhánh này hiện nay có một bề ngoài kỳ lạ, tạo nên một trong những đặc điểm rõ nét nhất của phong cách Đồng Dương. Cành lá của nó, những hình môtíp nhỏ hình móc, hình móc kép và hình chữ S, đầu nọ nối với đầu kia và ghép vào một đường gờ mảnh nhỏ, tạo ra sự uốn lượn rất đặc biệt, hài hòa. Kiểu tạo dáng này gọi là  hình dạng con sâu, tạo nên một kiểu thức lạ và sinh động.
Chiếc vòm cửa lớn thường thấy trong phong cách Mỹ Sơn C1 (hình TT.VC2). Không những nó chỉ được dùng ở trên các cửa ra vào và các cửa giả, nhiều vòm cửa ra vào có người thường được trang trí trên phần chính của ngôi đền, giữa các cột vách. Khác với kiểu thức trang trí là hoa trên vòm cung, phong cách Mỹ Sơn C1 có hình trứng ở trên, đầu nhọn chống lên trời. Hình tượng đóa hoa không có trang trí cho chúng ta thấy rằng chiếc cửa vòm ở Mỹ Sơn C1 là muộn hơn phong cách cửa vòm Đồng Dương.
-Trang trí nội thất
Nội thất Chăm thường nghiêng về đồ dùng trong các nghi lễ, mỗi khi có lễ thì những vật dụng trong trang trí nội thất được sử dụng. Ở mỗi ô hộc trong tháp đều có các kệ để đèn, công dụng là thắp sáng trong nội thất. Khi hành lễ, các dụng cụ như bình vàng, hộp đựng trang sức được mang ra nhằm phục vụ cho các tín đồ tham gia lễ hội. Bên trong tháp còn có tượng trang trí, các phù điêu, đài thờ, ví dụ như đài thờ Mỹ Sơn: Mang một ý nghĩa thiêng liêng và một công trình mang tính kỳ vĩ cả về yếu tố tâm linh và nghệ thuật.
Trong (hình TT.NT1) các đài thờ bên trong tháp. Chúng ta thường thấy xuất hiện các lối dẫn ngay từ bậc cấp đầu tiên với dạng họa tiết trang trí đối xứng. Điểm đặc biệt về nghệ thuật trang trí trong môtíp này là các nghệ sĩ Chăm đã sử dụng nhiều nét cong đối xứng nhau tạo nên sự hài hòa về đường nét trong nghệ thuật kiến trúc. Bởi môtíp nhiều đường cong bên cạnh những đường thẳng tạo nên sự mềm mại nhưng vững chãi trong cách tạo dáng cho nghệ thuật trang trí trên đá.
Tuy nhiên nếu so sánh với (hình TT.NT2) thì hoàn toàn khác. Họa tiết dạng hình tròn, mô tả một hình hoa sen 8 cánh, có 3 vòng nhụy. Vòng nhụy ngoài có 16 nhụy, vòng thứ hai có 8 nhụy và tâm hình tròn là một nhụy nhất. Có lẽ đây là trung tâm của sự vận động, hình trang trí này có thể là một bàn thờ đặt lễ vật hoặc thắp nến trên từng nhụy hoa để làm lễ cúng tế. Với dạng hình trang trí này ta có thể liên tưởng tời các viên đá táng chân cột của nghệ thuật đời Lý. Viên đá trang trí thời Lý bên ngoài vuông, hoa sen tròn. Tuy nhiên viên đá thời Lý trang trí công phu hơn với mỗi cánh sen có rồng chầu theo kiểu rồng chầu trên lá đề (xem hình phụ trang)
Trong (hình TT.NT3) là một trong những kiểu thức bao lơn. Một trong những kiểu thức đặc trưng thể hiện tính độc đáo trong nghệ thuật trang trí của kiến trúc Chăm. Vào thế kỷ 16-17, xuất hiện tại phong cách Bình Định ta có thể bắt gặp một trong những loại họa tiết trang trí mang tính đối xứng gần như là tuyệt đối. Một trong những kiểu thức trang trí tạo cho người xem một sự cảm nhận về một dạng cấu trúc môtíp với nhiều hình dạng như hình tròn nối tiếp nhau tạo thành môtíp nhắc lại làm trung tâm. Lan tỏa về hai phía là các kiểu trang trí chuyển động cong một phía và lớn dần về phía trên của một cái bao lơn. Thông qua môtíp trang trí như vừa phân tích ta có thể cảm nhận sự tài tình của các nghệ nhân Chăm trong việc xây dựng họa tiết trang trí và đặc biệt là các họa tiết trang trí trong việc trang trí nội thất của kiến trúc.
Trong (hình TT.NT4)(họa tiết trang trí hoa đá đối xứng hai bên phù điêu Đản sinh Brahma) ta có thể nhận thấy rõ ý đồ của các nghệ thuật Chăm xưa trong việc tạo dựng các hình tượng trang trí để rồi thổi vào đó những sự biến tấu về những họa tiết lấy ý tưởng từ thiên nhiên. Như (hình TT.NT4) là một minh chứng cho sự sáng tạo này bởi trong một mẫu đá trang trí có dạng hình như chiếc lá đề. Một mặt trang trí kiểu thức như hình vẽ bên cạnh, ta có thể thấy chủ thể trọng tâm của đối tượng trang trí này là một bông hoa. Điều đặc biệt là bông hoa này có 8 cánh và đối xứng nhau qua trục đứng. Các họa tiết bên ngoài thay đổi chiều hướng nhưng lại đối xứng nhau cũng qua trục đứng tuy nhiên có thay đổi về dạng hoa văn trang trí. Chính điều này tạo cho người xem một cái nhìn không nhàm chán, bởi sự phá thế về hình mảng. Từ đó mang lại một hơi thở, một sự sống, và linh hồn đá trong những công trình trang trí kiến trúc.
Khác với họa tiết trang trí như trên trong (hình TT.NT5) là một kiểu trang trí nằm trên dạng lá nhỉ nhưng thon thả trong phong cách Bình Định khoảng TK XII-XIV. Đây là một kiểu thức trang trí dùng trang trí trong nội thất, cách xây dựng họa tiết với dạng hoa lá cuộn xoắn nhưng hình mảng to khỏe, điểm độc đáo nữa là các họa tiết này được nhấn chỉ lõm chạy đồng hành theo họa tiết rất giống với chạm khắc đình làng Bắc Bộ và chạm khắc trang trí cung đình triều Nguyễn. Các họa tiết chuyển động luôn phiên thay đổi chiều hướng lúc ra lúc xoắn vào như hình những đám mây cách điệu trong nghệ thuật chạm khắc triều Nguyễn.
Nhưng xem họa tiết trang trí trên lá nhĩ tại Chiên Đàn- Quảng Nam thì kiểu dáng thấp bè, cách xây dựng họa tiết có vẻ đơn giản, khỏe. Cách xây dựng bố cục và cách tạo hình không hoàn toàn đối xứng. Xem hình (hình TT.NT6) ta có thể thấy một phong cách hoàn toàn khác với các chi tiết đơn giản diễn tả những hình hoa lá cách điệu. Có thể đây là một kiểu thức trang trí bình thường dùng trong nội thất, nhằm tạo điểm nhấn cho không gian kiến trúc. So với những lá nhỉ nhằm trang trí cho các vị thần như thần Siva, Vishnu …thì trang trí kiểu là nhỉ này thấp hơn, thu gọn cấu trúc bên ngoài với các họa tiết hoa lá cách điệu chia đều cho hai bên trục đối xứng.
Trong (hình TT.NT7) là một bệ tượng Deva (thần TK9-10) thuộc phong cách Đồng Dương. Đây là một kiểu thức trang trí với trọng tâm(phần bệ tượng) là hình kala nằm trong dạng hình cơ bản(hình chữ nhật). Chính những kiểu thức trang trí này đã góp phần tạo nên vẽ mềm mại và sinh động của các pho tượng tròn. Phần trên mũ, hoa tai và phần bệ tượng trang trí đối xứng nhằm tạo nên tính trang nghiêm. Nhưng phần bố cục của tượng thì hoàn toàn không đối xứng. Với các họa tiết có dạng hình sâu, hình hoa nhiều cánh, cánh sen(trên mũ) đối xứng nhau qua trục. Sự đan xen hình mảng sinh động kết hợp với sự chuyển động nhịp nhàng của các chiều hướng họa tiết, các nghệ sĩ Chăm đã tạo nên những kiệt tác đậm chất trang trí.
2.2.Nghệ thuật trang trí trong điêu khắc
Khi nói đến nghệ thuật điêu khắc Chăm, ta nên hiểu rằng cái đẹp của từng thời kỳ cũng phụ thuộc vào các phong cách kiến trúc. Theo như cuốn Philippe Stern-Nghệ thuật Chàm (xứ Trung Kỳ cũ) & tiến trình của nó-Toulouse les freres doula doure Manres imprimeurs thì nghệ thuật điêu khắc Trà Kiệu được coi là cổ nhất, được định vào thế kỷ VII tương ứng với phong cách gọi là nguyên thủy (primitif). . .Bởi thời kỳ này là rõ nét nhất về phong cách nghệ thuật Chăm. Bên cạnh sự phát triển của các phong cách như Mỹ Sơn E1, Hòa Lai, Đồng Dương, Khương Mỹ, Bình Định, Chánh Lộ, Tháp Mắm và phong cách muộn.
Nghệ thuật Chăm gắn liền với những công trình kiến trúc. Những tác phẩm điêu khắc được phục vụ cho các chức năng của mỗi công trình kiến trúc, hoặc là các tượng thờ, phù điêu, các trang trí v.v... Những thành quả điêu khắc Chăm ngày nay còn lại không nhiều một số vẫn còn gắn với các công trình kiến trúc chủ yếu là các đền tháp hiện còn, một số được lưu giữ trong các viện bảo tàng trong và ngoài nước. Một số không ít các tác phẩm điêu khắc hãy còn vùi lấp trong những phế tích của các kiến trúc, trong các lớp đất đá, và bị hủy hoại qua những biến đổi của thời gian. Nhưng những gì còn lại, cũng cho mình hình dung được sự phong phú và đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc Chăm ở Việt Nam.
Cho đến nay, theo nhiều nhà nghiên cứu, có lẽ di vật điêu khắc cổ nhất của nghệ thuật Chăm được phát hiện là đài thờ và mí cửa của đền Mỹ Sơn E1. Hai hiện vật này được xác định có niên đại khoảng đầu thế kỷ thứ VII sau Công nguyên. Nhưng để đạt đến những thành tựu của giai đoạn Mỹ Sơn E1, chắc chắn nghệ thuật điêu khắc Chăm đã trải qua một giai đoạn hình thành và phát triển nhiều thế kỷ trước đó. Tìm hiểu nghệ thuật điêu khắc Chăm từ thế kỷ thứ VIII và về sau, cho thấy nghệ thuật điêu khắc Chăm đã được hình thành và phát triển trên cơ sở của những yếu tố văn hóa nội sinh kết hợp với những yếu tố của văn hóa các nền văn minh lân cận, mà đặc biệt là Ấn Độ. Những yếu tố của văn hóa bản địa vẫn là nên tảng, và in đậm nét trong các phong cách điêu khắc Chăm. Càng về sau, những yếu tố nội sinh càng chiếm ưu thế. Những hình thái mặt trời trên trống đồng Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh và các văn hóa trước đó vẫn luôn ẩn hiện gợi nhớ trong các trang trí trên tháp Chăm, trên các bệ tượng, trang phục các tượng Chăm. Hình tượng thú hai đầu của các khuyên tai thuộc văn hóa Sa Huỳnh được bắt gặp trên đài thờ Mỹ Sơn E1 với các nét chạm hai đầu makara, hai đầu dê (hươu?) hai đầu rắn có chung thân mình vắt vẻo quanh vòm cửa... Từ các di vật điêu khắc trên đài thờ E1 ở Mỹ Sơn cho đến các tác phẩm chạm đá ở Pôklong Garai, Pô Rômê, Yang Mun... và đến những tượng “kut” Chăm gần đây, nghệ thuật điêu khắc Chăm trải qua một quá trình phát triển gần như liên tục với nhiều phong cách khác nhau. Người nghệ sĩ Chăm từ một thời xa xưa đã không ngừng nỗ lực phấn đấu và tìm tòi cho đến sự hoàn thiện, hoàn mỹ, hướng về những đỉnh cao của nghệ thuật và sự nhân bản. Nghệ thuật điêu khắc Chăm tuy thể hiện ra với hình tượng tôn giáo, thần thánh, các huyền thoại, nhưng trước hết vẫn là con người Chăm, dân tộc Chăm cần cù, sống động và đầy sáng tạo trong cuộc sống. Nghệ thuật điêu khắc Chăm chính là con người Chăm, là khát vọng của dân tộc Chăm để lại cho mai sau.[23-tr145]
Tuy nhiên hiện nay có nhiều hiện vật, nhiều tác phẩm điêu khắc không còn nguyên vẹn. Chúng ta chỉ tập trung vào nghiên cứu những tác phẩm còn tương đối nguyên vẹn hoặc ít ra cũng còn thể hiện được những đường nét đặc trưng từng giai đoạn. Nhằm tìm hiểu và khai thác nét độc đáo của những môtíp trang trí trên điêu khắc.
2.2.1. Nghệ thuật trang trí bàn thờ và vật thờ
-Trang trí trên đồ thờ
Trang trí trên đồ thờ là một trong những yếu tố không kém phần quan trọng trong dòng trang trí thể hiện yếu tố tâm linh của nghệ thuật trang trí của Chămpa.
Hình như mọi vật thờ đều thể hiện văn hóa tín ngưỡng, yếu tố tâm linh và những đặc trưng cơ bản của văn hóa tín ngưỡng của người Chăm. Trong hình (hình TTĐT-TĐ1) hiện trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật Chăm tỉnh Ninh Thuận. Ta có thể nhận ra họa tiết trang trí rất đơn giản trên bàn đặt hộp đựng xương trán của người chết. Chiếc hộp đựng thì đơn giản nhưng chiếc bàn được trang trí dạng hoa văn theo phong cách nghệ thuật của Bà La Môn. Các họa tiết được sắp xếp xen kẽ nhau với khoảng cách thưa tạo nên nhịp điệu thoáng đạt dễ nhìn, màu sắc rất nguyên thủy như vàng, đỏ, trắng và  xanh da trời. Có lẽ đây là chủ ý của các nghệ sĩ Chăm tạo nên họa tiết trang trí sinh động mà không mất đi tính trang nghiêm của vật thờ.
-Trang trí trên bệ thờ, đài thờ
Bệ thờ, đài thờ là nơi thể hiện yếu tố thuộc về văn hóa tín ngưỡng tâm linh. thánh thần. Quan sát họa tiết trên đài thờ tại Quảng Nam vào khoảng thế kỷ XI-XII (hình TT.TTĐT2). Một môtíp được sắp xếp đồng tâm trong một khối đá hình tròn. Nơi đây ta bắt gặp bóng dáng của một trống đồng Đông Sơn bởi phần trên của bệ thờ và phần dưới nở ra và phần eo nhỏ lại giống như phần thân trống đồng. Phần trên của đài thờ với môtíp hình bầu vú căng tròn sắp xếp nhắc lại tạo nên một nhịp điệu đều, trường tồn và bền vững trong nhịp điệu. Trong nghệ thuật trang trí của Chăm đều thể hiện tính phồn thực, như trong môtíp này ta cảm nhận sự sinh tồn của con người, nguồn năng lượng bất tận của sự bắt đầu và sự sống vĩnh hằng. Mô típ chạm khắc các bầu vú là nét độc đáo duy nhất trong nghệ thuật Đông Nam Á, một sáng tạo diệu kỳ của văn hóa Chăm. Một dải nhiều bầu vú đàn bà mịn màng, trinh nguyên căng tròn, hoặc rất nhiều bầu vú khác bao quanh đài thờ... trông vừa sỗ sàng táo bạo nhưng cũng rất thần linh huyền diệu. Những bộ vú này tượng trưng cho nữ thần Urôga, vị thần đã sinh ra, tạo ra vương quốc Champa (Urôga: tiếng Chăm có nghĩa là đàn bà)
Phần dưới của đài thờ là các hình cánh sen đối xứng nhau và sắp xếp theo lối xen kẽ, cứ một cánh lớn xen vào một cánh nhỏ và cũng chuyển động đều vòng quanh đài thờ tạo nên một sự chuyển động hài hòa và sinh động. Trong bản thân đài thờ này, các nghệ nhân Chăm đã đi tìm sự thay đổi về nhịp điệu trang trí. Các họa tiết trang trí luôn thay đổi chiều hướng, bố cục để tạo nên một sự sinh động.
Tiếp theo trong (hình TT.TTĐT3) một chi tiết thuộc đài thờ Mỹ Sơn E1-Quảng Nam. Ta lại nhận ra sự thay đổi cả ý đồ lẫn chiều hướng sáng tạo họa tiết trang trí. Nơi đây ta có thể cảm nhận sự đa dạng và phong phú của họa tiết trang trí như họa tiết hình hoa 4 cánh, hình sâu, hình dây leo và cả hình học cơ bản. Thử cho một trục phân đôi từ trên xuống, mọi chi tiết trang trí sẽ phân đều ra hai phía với nhiều họa tiết như hoa 4 cánh, hoa sen trên đầu cột, dây leo và cả hình rắn thần naga cách điệu. Trong môtíp này các nghệ sĩ Chăm sử dụng hình thức đối xứng tổng thể và đối xứng từng chi tiết.
Xem xét tiếp các chi tiết tại đài thờ MỹSơn, ta có thể cảm nhận sự phong phú về họa tiết khi kết hợp xây dựng các yếu tố tự nhiên với con người. Diềm trên và diềm dưới thực sự là một sự chuyển đổi về họa tiết trang trí (hình TT.TTĐT4). Phân tích họa tiết từ hàng trên cùng xuống dưới để cảm nhận sự chuyển đổi về họa tiết trang trí. Hàng trên cùng các nghệ sĩ Chăm sử dụng các họa tiết hình hoa, dây leo đối xứng nhau qua trục đứng. Hàng tiếp theo sử dụng họa tiết hình cánh sen chồng lên nhau tạo lớp và đối xứng nhau qua trục đứng. Tiếp dến là các gờ đá lồi lõm tạo sự sinh động trong nghệ thuật điêu khắc. Hàng trang trí ở giữa là các dạng họa tiết trang trí hình những bông hoa đối xứng nhau trong các hình cơ bản và các hình này được xếp xen kẽ với nhau. Trở về với gờ đá lồi lõm khi đến với hàng cuối cùng bên dưới. Thật bất ngờ khi các nghệ sĩ Chăm thay đổi dạng hình (hình thoi) sắp xếp nhắc lại để tạo nên sự hài hòa bên cạnh các họa tiết nằm trong các hình có nhiều nét thẳng kết hợp. Điều này tạo nên sự hài hòa, vững chắc trong toàn bộ bố cục trang trí.
Khi nói đến nghệ thuật trang trí ở đài thờ ta không thể không nhắc đến các họa tiết trên đài thờ E1(Mỹ Sơn E1). Đài thờ tạc bằng sa thạch, kích th¬ước khá lớn (3,53m x 2,70m x 0,50m), được ghép lại bằng 15 khối đá (hiện thiếu mất hai khối bên mặt phía trái). Trên bốn mặt nghiêng của đài thờ là hàng chục hình phù điêu và trang trí sống động. Ở mặt trước, trên bậc cấp đài thờ là một tác phẩm điêu khắc diễn tả một cảnh múa khăn thật sinh động và tự nhiên. Bức chạm thể hiện ba ng¬ười:(hình TT-TTĐT5) Người ở giữa đang trong tư¬ thế uốn mình với hai chân xoài rộng gần sát đất, hai tay dang rộng nâng một dải khăn dài và nét mặt say s¬ưa đang ngẩng nhìn lên; hai bên ngư¬ời múa chính là hai vũ công khác trong t¬ư thế múa với chân trái khép lại, chân phải xoài rộng ra, hai tay cong lên nâng dải khăn, khuôn mặt đầy phấn khích. Cùng với hình tượng người, trong trích đoạn trang trí này là môtíp hoa lá nằm hai bên của phù điêu. Các môtíp này trang trí với lối bố cục đối xứng tuyệt đối nhằm tạo nên sự cân đối, nâng tính trang nghiêm trong việc xây dựng các họa tiết trang trí đài thờ.
Hai bên phần bậc cấp có hai vòm cuốn có trụ chống, vòm cuốn tiêu biểu của phong cách kiến trúc cổ (phong cách Mỹ Sơn El) - vòm cong thấp hình chữ U ngư¬ợc đư¬ợc viền ở bên trong và bên ngoài bằng hai đ¬ường gờ nổi trang trí. Cuối hai đầu hai đ¬ường gờ bên ngoài là đầu hai con thủy quái Makara quay ra ngoài đang há miệng để cho một con dê lao ra, còn hai đầu phía trong của đường gờ phía trong là hai đầu chim (hoặc rắn?) có mào và cánh quay vào trong. Ng¬ược hẳn với sự r¬ườm rà của những hình ở phía dưới là sự thoáng đãng của những hình trang trí ở trên thân vòm cuốn. Trên thân vòm cuốn chỉ đ¬ược tô điểm ba bông hoa bốn cánh nằm cách đều nhau (một ở giữa và hai ở hai bên). Dư¬ới hai vòm cuốn, mặt trước này là hình hai người nhạc công, một người đang chơi thụ cầm và một ngư¬ời thổi sáo. Ngư¬ời chơi thụ cầm ngồi xếp bằng, lòng chân phải lật ngửa ra, tóc búi cao lên và tết lại thành từng múi nhỏ, đeo một túi xách nhỏ trên vai, thân ngồi chồm về phía tr¬ước, các ngón tay như¬ đang say trong từng dây đàn. Nếu như¬ ng¬ười chơi đàn thụ cầm đ¬ược thể hiện trau chuốt, cầu kỳ bao nhiêu thì ngư¬ời thổi sáo lại đ¬ược thể hiện đơn giản bấy nhiêu, chỉ bằng những khối hình mộc mạc và thô phác.
Ngoài những hình ng¬ười ở các bậc cấp, cả bốn mặt cũng được trang điểm bằng nhiều hình ng¬ười, hình động vật và các hoa văn trang trí khác nhau. Ngay ở ô đầu tiên của mặt phải bên bậc cấp là cảnh một vị đạo sĩ ngồi ngả đầu tr¬ước một quyển kinh(hình TT-TTĐT6). Bên trái đạo sĩ là con chim két dang ló đầu ra từ một lùm cây; còn bên phải lại là một con sóc đang duỗi cái đuôi xù chạy xuống đất từ thân cây to có tán tỏa trên đầu vị đạo sĩ. Ở ô bên kia là cảnh một vị tu sĩ già cùng con chim két, con sóc và con khỉ. Trong một ô ở phía sau, có hình diễn tả một vị tu sĩ nằm đang lần tràng hạt d¬ưới một bóng cây. Cạnh ô này là một cảnh thể hiện một loạt những nhân vật: người thổi sáo, ngư¬ời vỗ trống, hai ngư¬ời múa. Bên cạnh những hình ngư¬ời, ở mặt sau còn có hình con hổ đang nhảy chồm tới con lợn rừng nằm ngửa, nhe nanh... Trong những ô của mặt bên trái đài thờ là những cảnh cũng không kém phần sinh động: đạo sĩ luyện thuốc, đạo sĩ nghiến thuốc, đạo sĩ nằm để cho ng-ười ta xoa bóp . . .(Xem hình trong phần phụ lục)
Xem hình trang trí trên đài thờ tháp Mẫm(trang trí góc giống phong cách đài thờ Trà Kiệu) hiện đang trưng bày tại bảo tàng Đà Nẵng (hình TT-TTĐT7) ta sẽ cảm nhận sự độc đáo về một kiệt tác nghệ thuật trang trí trong điêu khắc. Môtíp trang trí đài thờ Mỹ Sơn và Tháp Mẫm có nhiều sự khác biệt về phong cách nghệ thuật. Nếu như họa tiết (hình TT-TTĐT4) sử dụng đa dạng về kiểu thức như dạng dây leo, cuộn tròn, hình sâu, hình học cơ bản. Thì trong (hình TT-TTĐT5) sử dụng chủ yếu là họa tiết kết hợp nhiều nét cong cuộn xoắn vào trong đối xứng về hai phía trên và dưới (đối xứng qua hàng bầu vú căng tròn). Trong (hình TT-TTĐT6) có hình người ngồi thiền trong vòm cuốn lộng lẫy, kết hợp nhiều kiểu thức trang trí thì trong (hình TT-TTĐT7) các nghệ sĩ Chăm lại sử dụng hình những con vật như chim thần trang trí các góc để tạo nên sự phá cách. Nhằm giảm bớt yếu tố lặp lại một cách nhàm chán của các họa tiết như hoa lá và bầu vú.
Bên cạnh các đài thờ kể trên không thể không nhắc đến kiệt tác về đài thờ đó là đài thờ Trà Kiệu. Một trong những phong cách được cho là sớm nhất của các phong cách nghệ thuật Chăm.
Đài thờ Trà Kiệu(hình TT.ĐT8) được tạo dựng bởi hai phần, phần dưới vuông, phần trên hai thớt tròn có chạm môtíp hoa sen sắp xếp nhắc lại và chuyển động theo hướng cùng tâm như các đài thờ khác. Thớt trên cùng có rãnh và vòi dẫn nước thể hiện Yoni ôm lấy Linga. Đặc biệt phần dưới vuông có 4 mặt tái hiện hình ảnh về trường ca Ramayana. Mỗi mặt trang trí trường ca dài 191cm. Ở bốn cạnh đài thờ khắc họa những nhân vật trong tr¬ường ca Ramayana, đó là trích đoạn đám cư¬ới công chúa Sita với hoàng tử Rama. Qua sự giao thoa của hai nền văn hóa Việt Chăm, đề tài đám cưới nàng Sita đã trở nên khá quen thuộc đối ngư¬ời Việt. Ở cạnh phía Đông của đài thờ là cảnh đạo sĩ Visvamitra điều hoàng tử Rama(xem hình phụ lục) đến kinh thành của vua Dasaratha để tham dự cuộc thi bắn cung do nhà vua tổ chức để kén rể cho công chúa Sita. Trong cảnh này, hoàng tử Rama(hình người cầm cung, thứ 4 từ phải sang) đư¬ợc thể hiện đang dùng hết sức mình để gi¬ương cây cung thần mà tư¬ơng truyền là của thần Siva cho nhà vua m¬ượn để kén rể cho công chúa. Hoàng tử đ¬ược khắc họa bằng một tư¬ thế đẹp, hai chân đứng chùng, xoạc rộng, tay trái cầm cung, tay phải như¬ đang cố hết sức gi¬ương dây cung để bắn. Các nhân vật trong đài thờ này đư¬ợc thể hiện với tỉ lệ rất nhỏ nh¬ưng vô cùng tinh xảo, trau chuốt.
Rama đầu đội Jata mukuta, ở phía sau bên phải đầu là búi tóc lớn, Jata mukuta đư¬ợc trang trí bằng rất nhiều hạt ngọc đều nhau. Ở ngực và cổ tay đều đeo một loại trang sức cũng gồm những hạt ngọc nhỏ. Cánh tay chỗ gần vai đeo loại trang sức t¬ương tự như¬ng xếp thành những bông hoa cân xứng…
Thế đứng mềm mại uyển chuyển của các nhân vật trong đài thờ này cũng đại diện cho phong cách nghệ thuật Trà Kiệu. Hoàng tử Rama hay các Apsara đều đ¬ược khắc họa bằng kiểu đứng uốn mình, chùng chân rất uyển chuyển. Toàn bộ y phục cũng như¬ đồ trang sức đồ đội đầu của các nhân vật trong các tác phẩm toát lên vẻ thịnh v¬ượng, phát đạt của vư¬ơng quốc Chămpa thế kỷ X. Thông qua việc sử dụng hình tượng con người để làm đề tài trang trí, kết hợp với yếu tố tự nhiên, sắp xếp vừa qui tắc vừa phá qui tắc. Các nghệ sĩ Chăm đã thể hiện tài tình từ chi tiết các cánh hoa sen cho đến những nhân vật như vũ nữ, nghệ sĩ chơi đàn…bên cạnh nhân vật trung tâm là hoàng tử Rama (và cũng là trọng tâm của trích đoạn trang trí này).
Tóm lại, nghệ thuật trang trí đài thờ theo phong cách nào, sử dụng họa tiết dạng hình gì cũng đều thể hiện đặc trưng của văn hóa tín ngưỡng, tạo nên cái đẹp, vừa lãng mạn, vừa linh thiêng trân trọng và giàu tính nhân văn.
2.2.2. Nghệ thuật trang trí trên tượng và phù điêu
-Trang trí trên tượng thần
Nghệ thuật điêu khắc Chăm, đặc biệt là tượng các thần thuộc thể loại tượng tròn, phù điêu trên trên nhiều chất liệu khác nhau nhưng chủ yếu là đá với nhiều phong cách khác nhau. Các vị thần như Brahma, Vishnu, Shiva được xây dựng trong các dạng hình lá nhĩ với nhiều họa tiết khác nhau.
+Trang trí trên tượng thần Brahma
Brahma là một vị thần sáng tạo, về cơ bản thì Brahma được xem như hai vị còn lại (của tam vị nhất thể) là Vishnu và Shiva…Chúng ta đi vào phân tích môtíp trang trí trên hình tượng Brahma tại tháp Mẫm-Bình Định để thấy rõ sự tài tình khi xây dựng họa tiết trang trí. Như trên đã nói thì hầu như các vị Thần của Chăm được tạc dựng trong các lá nhĩ là chủ yếu. Về tổng quan của việc xây dựng họa tiết trang trí trên các vị thần ta có thể phân tích theo luồng như sau: trang trí trên mũ, trên tóc, trên ngực, trên tay, trên váy và cuối cùng là trang trí trên ống chân. Trong (hình TT-TTTT1) hình bên, các nghệ sĩ Chăm thể hiện một Brahma 3 đầu: một đầu chính diện, hai đầu đối xứng nhau về hai bên với việc trang trí mũ mão theo dạng đường diềm sắp xếp nhắc lại. Phần ngực của vị thần được trang trí bởi nhiều đồ trang sức được xếp nhiều vòng liên tục các họa tiết đối xứng nhau qua trục chính của cơ thể vị thần.
Phần váy của vị thần cũng trang trí theo dạng đối xứng tương đối. Hầu hết những họa tiết trên trang phục được chạm khắc rất “thủ công” và có đôi chút ngẫu hứng. Họa tiết được sử dụng trang trí phần váy rất đa dạng như hình hoa 4 cánh, chuỗi hạt nhiều chấm, nét cong chạm nổi và cả các nét gạch khắc lõm cách đều nhau. Hình tượng con ngỗng cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp của bức tượng. Quan sát tổng thể trang trí từ mũ, thân cho đến váy và chân tay đều có sự đầu tư sáng tạo nhằm tránh đi sự nhàm chán. Bởi các đường nét luôn phá thế, chuyển động và đa dạng hình, nét và khối.
+Trang trí trên tượng thần Shiva
Nghệ thuật trang trí trên các vị thần phải kể đến là thần Shiva. Là một trong 3 vị thần tối cao, được thể hiện với số lượng lớn trong nghệ thuật điêu khắc Chăm. Hình tượng Siva trong các đền thờ được sự đồng nhất với thờ Linga hoặc được đồng hóa với các vị vua sáng lập vương quốc Chăm như trường hợp của vua Bradravarman ở Mỹ Sơn.
Shiva trong nghệ thuật điêu khắc Chăm, được miêu tả với nhiều dáng điệu, đặc biệt là các phù điêu trên trán tường [(các lá nhĩ)(xem phần phụ lục)]. Nhưng có thể lấy bức chạm Shiva múa trên tấm nhĩ ở Bích La, và tấm nhĩ ở Mỹ Sơn E1 làm tiêu biểu. Tư thế múa của Shiva trên hai tấm lá nhĩ, cho thấy từ Mỹ Sơn E1 đến Hòa Lai đó một bước phát triển mới, một đỉnh cao tiếp trong nghệ thuật nghệ thuật điêu khắc Chăm. Những hình tượng thần thánh được thể hiện trong giai đoạn Hòa Lai, chính là đã tìm được nguyên mẫu từ con người Chăm đang sống. Với những nét rất người, các nghệ sĩ Chăm đã cố gắng tạo nên một “Shiva Chăm”, một Shiva có khuôn mặt hơi vuông, cánh mũi nở, môi dầy, ria mép đậm... Trên trán tường ở PôKlong Garai, Siva ở tư thế có 6 cánh tay, hai cánh tay trên chắp sau đầu, các tay khác cầm chĩa ba, cây sen, thanh kiếm và cốc có chân. Ở bảo tàng Chàm Đà Nẵng có 2 phù điêu Shiva đang đứng trên mình bò thần Nandin. Thần có 28 cánh tay, mang các biểu tượng như chĩa, chuông, cung.... cũng từ Đà Nẵng có một tượng Siva tuyệt vời đẹp, thần đang trong tư thế của một điệu nhảy Tandava (điệu múa vũ trụ). Shiva ở Phong Lệ (Quảng Nam - Đà Nẵng) cũng đang trong tư thế múa chung quanh có các Nagi chơi đàn, chơi trống. Ở Mỹ Sơn có một tượng Shiva ngồi xổm theo kiểu Java, có lẽ được sáng tác vào thế kỷ IV - X…Nói chung là nơi đâu có tháp cổ là có bóng dáng của vị thần mệnh danh là hủy diệt.
Tuy nhiên gọi là đầy đủ nhất về những môtíp trang trí trên cơ thể vị thần Shiva phải kể đến vị thần Shiva thuộc phong cách muộn, tượng được tìm thấy tại Yang Mun, tỉnh Gia Lai đầu những năm 1930. Hiện đang trưng bày tại bảo tàng Chăm Đà Nẵng, tượng thể hiện vị thần Shiva tay cầm binh khí, bức tượng này rất khác so với những bức tượng đã nói trên. Điểm khác biệt độc đáo nữa là nghệ thuật trang trí trên tượng, rất độc đáo, uyển chuyển, mềm mại, sinh động từ trên mũ cho đến phần chân. Trong (hình TT.TTTT2) cho ta thấy cấu trúc lá nhĩ là yếu tố khác lạ đầu tiên so với các lá nhĩ ở Mỹ Sơn, Trà Kiệu…Phần mũ của Shiva được trang trí rất vương triều, một kiểu mũ dành cho Vua chúa. Mũ được trang trí nhiều tầng với nhiều họa tiết khác nhau, trong phần vành mũ áp trán được trang trí dạng họa tiết chấm hạt cườm đều nhau, phần kế vành trang trí với bố cục lớn, thoáng hơn kết hợp nhiều kiểu họa tiết như hoa 4 cánh, vòng tròn xếp xen kẽ nhau rất lạ mắt. Phần trọng tâm gọi là điểm nhấn của mũ được trang trí theo dạng đối xứng tuyệt đối tạo nên sự tôn nghiêm, lộng lẫy. Phần hoa tai được trang trí hình dạng hoa nhiều cánh lớn hơn bèo tai tạo cho vị thần một cảm giác về sự thông thái. Nói chung thì những họa tiết trang trí khu vực trên đầu mang tính đối xứng tuyệt đối nhưng họa tiết trang trí phần thân thì bắt đầu có sự phá thế mặc dù hai cánh tay và cổ tay được đeo vòng và đồ trang sức giống nhau. Phần ngực được trang trí lộng lẫy với nhiều vòng chuyền, chuỗi hạt lớn nhỏ tạo thành một môtíp trang trí mà chúng ta có thể nghĩ rằng chỉ có ở những người thợ kim hoàn. Vẫn lặp lại yếu tố trang trí trên mũ, với hoa 4 cánh, vòng tròn, chấm cườm nhưng ở đây lại hoàn toàn đối xứng nhau bên cạnh hình tượng rắn thần vắt chéo từ vai trái sang phần thắt lưng phải. Phải chăng đây là ý đồ tạo hình của các nghệ sĩ Chăm nhằm đánh thức người xem bởi sự sắp xếp các chi tiết trang trí trong nghệ thuật điêu khắc. Cuối cùng hơn cả vẫn là phần váy, ta nhận thấy các họa tiết dạng cánh hoa xếp nhiều tầng lên nhau kết hợp các kiểu thức vòng xoắn để tạo nên một môtíp trang trí tuyệt vời. Phần hai bên tạo nên sự cân đối hài hòa, thì phần giữa lại chuyển lệch về một phía nhằm tạo nên sự chuyển động thật lãng mạn. Tóm lại thì họa tiết trang trí trên tượng Siva đa dạng từ những hạt chấm cườm, nét gạch, hoa, hình tròn, hình thoi đều đẹp khi tạo nên một tổng thể hài hòa.
+Trang trí trên tượng thần Vishnu
Trong tam vị nhất thể thì Vishnu là vị thần mặt trời, th¬ường được ca ngợi ở những tài liệu cổ nhất, là vị thần đã từng đi qua vũ trụ chỉ bằng ba sãi chân tư¬ợng trưng cho ba giai đoạn của mặt trời: bình minh, giữa tr¬ưa và hoàng hôn. Hơn nữa, những hóa thân của Vishnu còn nhằm tỏ ý rằng Vishnu là vị thần mặt trời được tái sinh vào mỗi buổi sáng để chống đỡ vũ trụ.
Ngoại hình bình th¬ường của Vishnu thường được thể hiện trong nghệ thuật Ấn Độ là nằm trên lư¬ng rắn thần Shesha; vị thần đư¬ợc che chở bằng một cái tán xòe ra do một ngàn đầu rắn Shesha hợp thành; một bông hoa sen mọc lên từ rốn thần Vishnu, một phần của cuống hoa đang chìm dưới biển vũ trụ. Trên đóa hoa sen, vị thần Brahma đang ngồi(xem phần phụ trang “Đản sinh Brahma”; cả hai vị thần đều đang chìm sâu trong thiền định. Phải chăng người đọc đang tự hỏi, từ sự mô tả này có thể kết luận rằng Vishnu tạo ra Brahma, trong khi ngư¬ời ta thường cho rằng Brahma tạo ra mọi thứ, kể cả các vị thần. Trong tư duy của thần thoại ấn Độ, Vishnu và Brahma đều chỉ là những tên gọi khác nhau của một bản chất thần thánh mà thôi.
Điều phân biệt thần Vishnu với các vị thần khác là bản tính nhân từ của vị thần đối với con người. Vishnu còn đư¬ợc tôn sùng là một vị thần bảo tồn (duy trì) và vì thế thần cũng mang trong ngư¬ời tính chất từ bi, nhân ái.
Hiện có nhiều phù điêu mô tả về Vishnu như ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Tuy nhiên ta chỉ nghiên cứu một trong số đó để khám phá vẻ đẹp trong tam vị nhất thể. Trong (hình TT.TTTT3) mô tả một Vishnu có 4 tay, cầm nhiều vật thiêng khác nhau, phần mũ trang trí đơn giản, không cầu kỳ như phần mũ của Siva (hình TT.TTTT2). Sự đơn giản trong tạo họa tiết trang trí cho tả sự liên tưởng một nhà sư hơn là một vị thần. Phần hoa tai cũng đơn giản bởi mấy vòng tròn và phần chuỗi hạt trên người Vishnu giống như chuỗi hạt các vị tăng lữ tường hay đeo. Đơn giản hơn cả là phần váy, không một họa tiết trang trí cầu kỳ như thần Siva để từ đó ta có thể cảm nhận một Vishnu nhân từ, cứu thế.
-Trang trí trên tượng vũ nữ
Khi nói đến tượng tròn các vũ nữ ta có thể bàn đến phần trang phục. Trang phục của các nhân vật (điển hình là điêu khắc vũ nữ ở đài Mỹ Sơn E1), diềm váy cao ngang ngực tựa như có thắt lưng giữ chặt, cuộn lại ở giữa  thành gờ nhọn nơi chấn thủy, gờ thắt lưng buông thõng thành nhiều nếp váy phủ dài trên bắp chân. Trang phục của vũ nữ thời kỳ Hòa Lai cũng có khác trước, váy xòe và trễ xuống thấp ở bụng, thắt lưng cuốn thành nét rõ rệt. Trang sức là những đôi bông tai to tròn chạm tận vai, vòng cổ đính tua , cánh tay, cổ tay, cổ chân đeo vòng, tóc búi ba tầng hình chóp ...
Vũ nữ (Apsara hay gọi lã vũ nữ thiên tiên): Các tượng và điêu khắc miêu tả hình dạng vũ nữ (Apsara) khá phổ biến. Trong huyền thoại, các Apsara chính là các tiên nữ lo việc múa hát, ca nhạc ở chốn thượng giới. Trong điêu khắc Chăm hình tượng Apsara được các nghệ nhân miêu tả hết sức sống động trong nhiều tư thế, động tác, đậm nét nhân chủng Chăm.
Trên phù điêu ở đài thờ Mỹ Sơn E1 cao 0.46m, hình tượng vũ nữ được chạm khắc trong tư thế của một điệu múa đang ở cao trào, hai tay giang rộng khoẻ khoắn, nâng cao hai giải lụa dài, mặt ngẩng lên say sưa, ngực ưỡn cong, phô hết vẻ đẹp của những đường cong. Đây là một tác phẩm đẹp, chứa chan sức sống diệu kỳ của con người.
Các vũ nữ ở Trà Kiệu cũng là một trong những tuyệt tác của điêu khắc Chăm. Các vũ nữ không có y phục nào khác ngoài các dải băng dính chéo trên người, các vòng trang sức ở cổ tay. Dáng điệu các vũ nữ được cố định trong tư thế uốn gấp lệch thân kiểu Tribahanga, phô rõ vẻ đẹp của bầu vú căng tròn, hai núm vú hiện rõ, cánh tay nõn nà, bắp đùi thon thả. Dáng múa hết sức mềm mãi uyển chuyển, dường như đang đạt đến cực điểm của sức sống.
Nhìn chung hình tượng Apsara trong điêu khắc Chăm có sự khác biệt so với một nghệ thuật Ấn Độ, Khơme. Khuôn mặt Apsara ở đây gần với nét đặc trưng Chăm, với môi dày, cằm không bạnh, lông mày tia nhỏ, cánh mũi thanh thoát. Bộ ngực trần vẫn giữ nguyên không mang vẻ trần tục như các vũ nữ Ấn Độ hoặc nặng nề như bầu vú của các thiếu nữ Khơme. Vũ nữ Chăm rất thực, rất thuần phác của các thiếu nữ Chăm nhưng cũng toát lên vừa đủ vẻ thanh tao của một tiên nữ.
Nổi bật trong phong cách Trà Kiệu là hình tượng điêu khắc các vũ nữ Chăm. Trong toàn bộ di sản nghệ thuật điêu khắc Chăm được biết cho đến nay, các phù điêu vũ nữ ở đài thờ Trà Kiệu đã đạt đến sự tuyệt tác. Các phù điêu (gần như tượng tròn) vũ nữ, đã bộc lộ  hết vẻ đẹp của cô gái Chăm. Tất cả vẻ đẹp cơ thể của các vũ nữ như dấy lên những nổi niềm đam mê cuồng nhiệt. Xem (hình TT.VN1) ta có thể nhận thấy sự uyển chuyển thêm phần sinh động bởi tính hài hòa của cơ thể người cho đến những vòng trang sức trên hình vũ nữ hầu như được các nghệ sĩ Chăm tài tình trang điểm. Từ cái khuyên tai, cườm tay, vòng trang sức trên cổ, trên bụng cho đến váy áo đính nhiều đồ trang sức có lẽ bằng ngọc lấp lánh. Tất cả tạo nên một vũ nữ thiên tiên hết sức tuyệt vời.
Bên cạnh hình ảnh vũ nữ thiên tiên ta có thể bắt gặp hình ảnh vũ nữ của đời thường thuộc phong cách Bình Định (hình TT.VN2). Trong môtíp như hình bên, hiện trưng bày tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng có tên là “Đàn bà” để tìm hiểu về một kiểu thức trang trí trên phù điêu rất lạ. Trong trích đoạn bên gồm bố cục (kiểu nhiều tầng rất giống kiểu trang trí thời Ai Cập cổ đại) hai tầng và được phân đôi bởi một mảng họa tiết trang trí xoắn hình chữ S rất cầu kỳ theo phong cách Mỹ Sơn A1 và Khương Mỹ. Tuy nhiên hình tượng người vũ nữ (gồm 3 người) bên trên không cầu kỳ như vũ nữ trên đài thờ Trà Kiệu nhưng chuyển động rất đẹp, với người thứ nhất (bên trái qua) buông xuôi hai tay, người tiếp theo nâng tay trái lên, người thứ ba chuyển cả hai tay về cùng hướng tạo nên một sự chuyển động nhịp nhàng, có tiết điệu của sự chuyển động trong trang trí.
Bên dưới hình như diễn tả 4 người thiếu nữ đang tắm với nhiều kiểu dáng khác nhau, tất cả các cô đều búi tóc gọn gàng. Mỗi cô trong mỗi động tác như đang thẹn thùng, e ấp…như những cô gái bình thường khác. Trong mỗi động tác đều thể hiện được ý đồ tạo hình của tác giả, bố cục cả phần trên và phần dưới được dung hòa trong môtíp trang trí thuần túy của hoa lá. Tất cả thể hiện sự dung hòa giữa yếu tố tự nhiên và con người.
-Trang trí trên chim thần Garuda:
Garuda(chim thần): Là vật cưỡi của thần Vishnu, trong điêu khắc Chăm cũng có khi độc lập trong tư thế tượng tròn hoặc phù điêu. Nhiều hình dạng chim thần khác nhau trong từng ngóc ngách của các công trình kiến trúc. Đây là hình ảnh tượng có vẻ bình dân trong đền tháp Chăm. Có lẽ huyền thoại cho rằng Garuda chuyên tấn công loại rắn, là kẻ thù của loài rắn Naga nên trong một số tượng garuda ở tháp Mẫm nhiều tượng Garuda mồm ngậm chặt đuôi rắn Naga. Thân dưới Garuda mặc sampot có trang trí cầu kỳ, đầu đội mukuta nhiều tầng. Quan sát (hình TT.CT1) ta có thể nhận ra sự tài tình trong điêu khắc và trang trí, hình như tất cả tạo nên một chỉnh thể của tác phẩm nghệ thuật Chăm. Một Garuda với đầu đội mũ nhiều tầng được trang trí các họa tiết đối xứng, đặc biệt chim thần dược đeo hoa tai rất đẹp và có một chiếc vòng trang sức rất Shiva. Tuy nhiên số vòng trang sức không nhiều như ở tượng thần hay vũ nữ. Phải chăng đây vẫn là một trong những yếu tố phân biệt giữa hình tượng người và vật cho dù đó là thần. Phần lưng của chim thần vận một chiếc váy được trang sức không khác gì một vũ nữ, cầu kỳ với các môtíp trang trí theo dạng sắp xếp xen kẽ. Phần đầu gối của chim thần trang trí một chiếc vòng được xây dựng họa tiết theo lối đồng tâm hình như đối xứng cho hai chân bởi chân nâng lên để dậm lên mình rắn vấn có họa tiết này. Xét tổng thể thì  từ sự chuyển động của hình dáng tượng chim thần cho đến cách xây dựng họa tiết trang trí đã thể hiện được kiệt tác của nghệ thuật.
Để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trang trí trong điêu khắc cụ thể là chim thần này ta có thể nghiên cứu trên (hình TT.CT2). So với (hình TT.CT1) thì tác phẩm này có vẽ cầu kỳ hơn. Chim thần trong tư thế ưỡn ngực, hai tay đưa mạnh về sau với nhiều vòng trang sức trên cánh tay cũng như cổ tay, bàn tay nắm chặc hình rắn. Phần đầu và ngực của chim thần cũng được trang trí lộng lẫy hơn so với (hình TT.CT1). Nếu như trong hình (hình TT.CT1) họa tiết trang trí dạng hình tròn đồng tâm nằm trên hai đầu gối thì trong (hình TT.CT2) hai họa tiết dạng tròn đồng tâm này nằm trên hai mảng ngực ưỡn ra. Điều này có thể cảm nhận chim đang khoe sức mạnh của mình với cái đẹp lộng lẫy. Phần thắt lưng cho đến hai ống chân cũng trang trí hết sức cầu kỳ với nhiều dạng họa tiết theo kiểu vặn thừng, chấm tròn giống kiểu trang trí của người Việt cổ xưa trong trang trí gốm.
-Trang trí trên thủy quái Makara
Makara trong thần thoại Ấn Độ là một thủy quái, biểu tượng của nước và cầu vồng. Trong nghệ thuật điêu khắc Chăm, Makara thường nằm ở hai đầu mi cửa hoặc vòm cuốn là thú thần thoại, được thể hiện với bộ mặt trông dữ dằn mồm rộng và nhe răng. Kala cũng được trang trí trên các mi, vòm cửa, nằm giữa hai Makara. Nghệ thuật điêu khắc Chăm kết hợp sinh động giữa hình tượng Makara và Kala cùng với các trang trí hoa lá khác.
Ở Mỹ Sơn trên bệ thờ E1, có một trang trí hình Makara nhả ra một con dê nhỏ. Một số trang trí Makala ở Trà Kiệu cũng bắt gặp đang nhả ra một con dê hoặc một chiến binh nhỏ. Nhiều bệ tượng, hoặc các trang trí với hình tượng Makara và Kala được sử dụng phổ biến và như một họa tiết, vừa như một biểu tượng tôn nghiêm.
Quan sát (hình TT.MK1) ta có thể thấy nét độc đáo khi trang trí trên hình tượng thủy quái. Một con vật lúc nào cũng nhe nanh, hung giữ. Tuy nhiên các nghệ sĩ Chăm lại choàng lên mình nó những họa tiết trang trí hết sức lộng lẫy. Những hình trang trí trên đầu để tạo ra những lớp bờm tua tạo cho nó một sự kiêu kỳ. Mặt dù nhe nanh trông đáng sợ nhưng trên hai tai nó như nở hoa với đủ kiểu họa tiết chuyển động. Phần thân nó được trang trí cả phần sống lưng với nhiều họa tiết khác nhau đối xứng qua trục lưng. Phần chân sau cũng được trang trí nhiều họa tiết rất thoáng. Đặc biệt phần cổ nó được đeo vòng lục lạc với nhiều môtíp hình quả chuông,  xếp liền nhau theo hình thức sắp xếp nhắc lại rất giống cách trang trí trên bò thần hay sư tử. Tạo nên một con vật hung giữ trở thành hiền hòa và dễ gần.
-Trang trí trên rắn thần Naga
Rắn thần Naga là con vật thiêng, thông minh,  là con của Kadu và Kasyapa,…Quan sát (hình TT.RT1) tại Khương Mỹ, các Nghệ sĩ Chăm đã xây dựng một hình tượng rắn với cấu trúc gương mặt chính diện rất dữ tợn nhưng cũng rất hài hòa với yếu tố tự nhiên. Đuôi rắn nằm sau cùng và ngẫn lên như một búp sen. Phần đầu và mặt rắn được xây dựng một dạng hình như chiếc lá nhĩ. Với hình tượng con vật thiêng trong quan niệm của mình, các nghệ sĩ Chăm đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật có giá trị đặc sắc.
Bên cạnh hình tượng rắn với khuôn mặt chính diện, như (hình TT.RT2) đầu rắn Naga thuộc phong cách Trà Kiệu. Đầu rắn nghiên về yếu tố tự nhiên nên có kiểu trang trí rất rộn ràng, không cách điệu. Chỉ có chiếc mào và cái vòng gồm 3 vòng tròn đồng tâm, có tính khái quát của nghệ thuật. Nói chung là cách trang trí đơn giản tả thực, không cầu kỳ và rất tự nhiên.

-Trang trí trên bò thần Nandin:
Bò thần Nandin Là vật cưỡi của thần Shiva và nữ thần Parvati. Đáng chú ý, trong nghệ thuật điêu khắc Chăm, Nandin hiện diện phổ biến với tư cách độc lập (gần với Java). Thường gặp tại Mỹ Sơn, PôKlong Garai, Pôrômê, Khương Mỹ ... tượng Nandin thật lớn (dài 1,60 mét) trong phòng trước của các đền tháp. Tại Phong Lệ và Trà Kiệu tìm thấy nhiều tượng Nandin. Trên đồi Bửu Châu, Trà Kiệu ở tư thế ngồi chồm hổm, có vòng đeo cổ, có chuông nhạc, trên đầu có nhiều trang trí. Nhìn hình bò thần trong tư thế này ta có liên tưởng đến một “hổ đá” trong lăng Trần Thủ Độ
Trong (hình TT.BT1) cho ta thấy một bò thần với dáng dấp trầm tư, mắt có mí đẹp được thể hiện bằng một tài năng tuyệt vời với phong cách tả thực. Đặc biệt phần cổ bò đeo vòng lục lạc bằng đồng sắp xếp xen kẽ nhau tạo thành một chuỗi trang trí sinh động và tự nhiên. Hình tượng bò trong tư thế ngẫn cao đầu với đôi mắt nhìn xa pha chút trầm tư là một trong nhiều kiểu mà các nghệ sĩ Chăm đã dành cho con vật yêu của thần Shiva
-Trang trí trên voi thần Ganesa:
Voi thần Ganesa ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng có nhiều tượng Ganesa tìm thấy được nhiều nơi vào khoảng đầu thế kỷ này. Một số phù điêu Ganesa được đắp nổi chạm nổi trên các tường vách của đền tháp Quảng Nam. Tượng Ganesa thể hiện mình người đầu voi với vòi voi dài. Là một tượng vị thần thông thái, mang lại sự may mắn, là con vật yêu mến của Ấn Độ. Tượng có 2 tư thế đứng và ngồi. Ở đền E3 Mỹ Sơn có tượng Ganesa đứng theo kiểu Ấn Độ, tay trái cầm một cái tô đỡ đầu vòi, mắt ở phía sau u trán, tóc xuống phía sau thành từng con sóng. Dây Bà la môn là một con rắn, sampot đơn giản có 2 vạt trước và sau. Tượng có lẽ được sáng tác vào khoảng thế kỷ VI - VII. Đây là một trong hai tượng duy nhất thuộc tư thế này được tìm thấy thuộc khu vực văn hoá Ấn Độ. Quan sát (hình TT-VT) ở trên ta có thể nhận ra một kiểu thức trang trí có nét tương đồng với trang trí trên các vị thần người. Tuy nhiên rất chú trọng vào trang trí phá cách ở phần đai hông, một Sampot dài đến quá đầu gối gồm nhiều dạng họa tiết khác nhau trông rất đẹp. Ở mặt sau đơn giản hơn nhưng cũng rất chuyển động nhờ vào dây Bà La Môn chạy vòng từ vai trái xuống đến ngang hông.
Tương tự như Ganesa đứng, ganesa ngồi cũng không khác về nội dung mô tả nhưng có thay đổi về cách trang trí. Vì kiểu dáng ngồi nên phần Sampot phía trước hầu như biến đi những đường nét trang trí như tượng đứng (hình TT-VT1). Tuy nhiên phần mái tóc của mặt sau được trang trí theo dạng xương cá rất tinh xảo, nhiều mảng họa tiết xếp đếu nhau tạo thành một mái tóc rất lạ so với các kiểu trang trí khác mà chúng ta thường gặp. Phần dây Bà La Môn trong tượng ngồi cũng được trang trí tỉ mỉ hơn so với tượng đứng.
-Trang trí trên Gajasimha
Ngoài một số hình tượng trên đây, trong điêu khắc Chăm có mặt hết sức phong phú các thần thánh, các thần vật, các kết cấu hoa lá... Mỗi giai đoạn phát triển nghệ thuật điêu khắc Chăm lại có những sáng tạo những thành tựu mới. Sự kết hợp hài hoà các đề tài, các thần tượng, nhân vật, các kết cấu trang trí là một đặc điểm nổi bật của điêu khắc Chăm. Ở đây là sự bất diệt của những tài năng trí tuệ của nghệ sĩ Chăm một thuở thời xa xưa.
Gajasimha, hay còn gọi là voi-sư tử(nghĩa là đầu voi, mình sư tử), là con vật thần thoại Ấn Độ. Thông thường, đầu voi tượng trưng cho sự thông thái của các thần và mình sư tử thể hiện uy quyền của các vua. Tác phẩm thể hiện Gajasimha kích thước to lớn, trong tư thế đứng, đầu đội mũ, cổ đeo lục lạc, vòi vươn lên cao vừa trang nghiêm vừa ngộ nghĩnh. (Hình TT.TTVS) hiện trưng bày tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng là một trong những bức tượng đẹp. Phần đầu của Gajasimha ngẫn cao với cái vòi được trang trí kiểu nét cong đối xứng theo cấu trúc xương cá. Phần tạo dáng cho cái vòi cũng rất mềm mại và uyển chuyển, hài hòa. Phần nhọn vươn hẳn lên cao nhưng phần bên trong của vòi vòng ngược lại tạo nên sự thay đổi về việc xây dựng mảng khối. Hai bên tai của Gajasimha được trang trí với những đồ trang sức nằm trong một kiểu dáng rất lạ mắt, cả hai bên đối xứng nhau. Phần ngực được trang trí với bảy tầng trang trí như chấm cườm, gạch thẳng, xoắn cong và đặc biệt là môtíp lục lạc bằng đồng(hay vàng?). Tất cả hầu như sắp xếp đối xứng nhau vòng quanh cổ và ngực. Phần trang trí này thể hiện sự chuyển giao giữa sự thông thái và sức mạnh nên được các nghệ sĩ Chăm thể hiện rất tỉ mỉ trong từng chi tiết của họa tiết. Phần 4 chân được trang trí rất giống nhau và rất giống hình tượng con lân trong nghệ thuật tạo hình của Trung Quốc. Bên cạnh việc tập trung nhiều họa tiết trên phần ngực (ưỡn ra phía trước rất giống chim thần Garuda) thì các nghệ sĩ Chăm hình như cố tình đơn giản họa tiết trang trí ở phần đùi sau. Các họa tiết tại đây rất đơn giản với những nét gạch thẳng đều nhau và cũng đối xứng nhau qua trục. Nói chung là các họa tiết trang trí tạo nên một Gajasimha thật dũng mãnh và thông thái.
-Trang trí trên con rồng (Daragon):
Rồng được thể hiện ở dạng tượng tròn, tư thế nằm, hai chân trước đặt hướng về trước,  hai chân sau đưa ngược lên về sau tạo nên dáng vẻ rất ngộ nghĩnh. Chiếc vòng lục lạc đeo ở cổ khắc họa thêm nét sinh động, vui tươi. Đầu rồng có vẻ chưa tương xứng với toàn bộ bố cục tác phẩm. Các chi tiết tinh xảo trên mình, đầu và đuôi rồng là sự kết hợp của nhiều con vật khác nhau. Toàn bộ tác phẩm thể hiện sự khéo léo, óc sáng tạo và tính hài hước của các nghệ sĩ Chăm.
Thông thường, rồng được thể hiện thành một cặp đôi, đặt song song trước lối ra vào của tháp Chăm. Hiện vật còn lại cùng cặp với hiện vật này đang được trưng bày tại bảo tàng Guimet ở Paris(xem phần phụ lục). (Hình TT.TTDR) là một dạng tượng tròn, con vật với chân trước trong tư thế hướng về trước. Hai chân sau đưa cao về phía sau rất giống hình tượng lân trong nghệ thuật tạo hình của Trung Quốc. Phần đuôi thì bám chặt lấy thân hướng xuống đất, tất cả tạo nên một sự vững chắc về bố cục. Điều đầu tiên chúng ta nhìn thấy trong con vật này là một kiểu trang trí dày đặc, từ đầu đến chân, từ trước ra sau…với nhiều chiều hướng trang trí ngang, dọc, xoắn vòng…Sự sắp xếp các kiểu họa tiết cũng được các nghệ sĩ Chăm phân bố đều trong toàn bộ hình tượng rồng. Rồng cũng được trang trí mũ, sừng, cằm, mũi (được trang trí nhiều bông hoa có nhụy) tai, cổ chân được trang trí bằng chuỗi ngọc(hay vàng?) cũng theo dạng sắp xếp nhắc lại. Ngực cũng trang trí vòng lục lạc rất giống nhiều con vật thiêng khác như Nandin, Ganesa…Nếu như trong hình tượng Ganesa, Gajasimha trang trí thoáng đạt hơn thì trong Daragon này trang trí dày đặt. Những nơi như trong các con vật khác là khoảng trống thì trong hình tượng này được thay bằng họa tiết kiểu nét cong(tạo nên vảy rồng). Một kiểu trang trí vảy rồng mà ta thường gặp trong con rồng(hội họa Trung Quốc) và con nghê trong mĩ thuật triều Nguyễn.

-Trang trí trên sư tử
Hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng là hình tượng sư tử (hình TT.ST1) với vóc dáng rất giống chim thần Garuda. Nếu như thần Ganesa biểu trưng cho sự may mắn, Gajasimha biểu trưng cho sự thông thái và sức mạnh thì hình tượng sư tử hoàn toàn biểu trưng cho sức mạnh (có thể là vương quyền?) trong hình bên cho ta thấy một hình tượng sư tử với tư thế đứng vươn vai như đang nâng một vật gì phía trên. Phần ngực ưỡn ra rất giống một Garuda (cùng phong cách tháp Mẫm, Bình Định). Không ồn ào, dày đặt như trang trí trên rồng những nhữg họa tiết trang trí trên con vật này cũng vô cùng phong phú. Phần khuôn mặt chính diện được trang trí đối xứng với nhiều lớp họa tiết gạch, chấm cườm, kiểu chữ S trông như một chiếc vương miệng. Những chiếc răng xếp đều nhau nhe ra trông hung dữ, mạnh mẽ. Phần tay,cánh tay, ống chân được trang trí những chuỗi ngọc (hay vàng?) với những họa tiết chấm cườm, gạch thẳng và hoa văn dạng hình chữ S xếp thứ tự theo từng tầng từ trên xuống. Phần cổ được trang trí kiểu chuỗi hạt trang trí nguyên mảng gồm chuỗi hạt (vòng nhỏ), đến hoa lá (vòng giữa) và vòng ngoài là họa tiết hoa lá sen lẫn những vòng xoắn dạng chữ S sắp xếp theo kiểu nhắc lại. Phần ngực được trang trí theo kiểu trang trí của các vũ nữ với họa tiết như hai bông hoa nhiều cánh, được bao bọc bởi họa tiết phần ngực cuộn vòng ra ngoài và xoắn lên trên, tạo thành một bố cục rất chắc. Phần Sampot được trang trí nhiều và dày hơn, mỗi hàng họa tiết trang trí được thay đổi về hình dạng, phần dải rũ xuống của Sampot được phân bố họa tiết từ phần họa tiết của thắt lưng. Tất cả tạo nên một hình trượng sư tử dũng mãnh nhưng cũng rất mềm mại và thẩm mĩ.

2.3. Đặc trưng trang trí kiến trúc-điêu khắc Chăm
Nghệ thuật kiến trúc-điêu khắc Chăm là thành tựu rực rỡ của văn hoá Chăm, một trong những đỉnh cao của nghệ thuật, văn hóa của các nước khu vực Đông Nam Á. Nghệ thuật kiến trúc điêu khắc Chăm đã thể hiện tài năng, trí tuệ, bản lĩnh, sự sáng tạo và bản sắc của dân tộc Chăm. Đó là một nền nghệ thuật giàu sức sống, nhiều trăn trở , xúc cảm, một nghệ thuật đầy tính nhân văn và khát vọng...
2.3.1. Đặc trưng kiến trúc Chăm
Những đền tháp Chăm còn lại đến nay đã trải qua nhiều thế kỷ, chịu đựng bền dai với sự khắc nghiệt của khí hậu, môi sinh nhiệt đới gió mùa, và cả những năm tháng chiến tranh, cho thấy một kỹ thuật xây cất, kiến trúc của dân tộc Chăm thật là độc đáo tuyệt vời. Đã bao công trình nghiên cứu, khảo sát, bằng kinh nghiệm thực tế, và cả những phương tiện khoa học hiện đại vẫn chưa lý giải hết kỹ thuật xây cất các công trình kiến trúc tháp Chăm, ít nhiều bí ẩn vẫn còn thu hút nhiều nhà khoa học khảo cứu.
Kiến trúc tháp Chăm, chủ yếu là bằng vật liệu gạch, đó cũng là một đặc điểm phân biệt kiến trúc khác ở Việt Nam và Đông Nam Á. Những ghi chép trong các sách sử xa xưa của Trung Hoa cũng phải tỏ lòng thán phục và tôn người Chăm là bậc thầy trong nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc bằng gạch. Theo một số tài liệu, gạch Chăm được làm từ loại đất sét hydromica và được nung ở nhiệt độ 1.000 đến 1.5000C, khổ gạch phổ thông là 40cm x 20cm x 5cm. Đá được sử dụng trong kiến trúc Chăm chủ yếu là các loại sa thạch, một ít hoa cương. Đá được dùng làm các mi cửa, các thanh chèn trang trí các hộc…
Về kỹ thuật xây tháp Chăm, cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến lý giải khác nhau. Mặc dù nghệ thuật kiến trúc các đền tháp Chăm trải qua nhiều thế kỷ, nhiều phong cách, đặc điểm khác nhau theo từng công trinh, nhưng dù sao, nhìn tổng quát, có thể rút ra một vài ghi nhận chủ yếu như sau :
Ngoại trừ một vài kiến trúc tháp đơn độc, còn phần lớn các kiến trúc Chăm tạo nên một quần thể kiến trúc. Qui mô như Mỹ Sơn, Đồng Dương, Trà Kiệu... là những quần thể kiến trúc với nhiều cụm đền tháp, các tu viện, nhà đón khách, nhà chuẩn bị hành lễ... Các quần thể kiến trúc nhỏ hơn như Pô nagar, Pô Klong Girai... đều tập hợp một số các tháp và các công trình. Thường mỗi quần thể có một hoặc vài tháp trung tâm (tháp chính) và quy tụ các tháp, các công trình khác. Những kiến trúc trung tâm trải dài theo hướng bắc nam được xếp đặt gần gũi nhau. Những toà nhà phụ thường thuôn dài có các cửa phụ ở hai hướng bắc nam, còn cửa chính quay về hướng đông trùng với cái cửa chính của tháp chính-hướng của thần thánh.
Đền thờ, hoặc các tháp Chăm, thường được xây dựng theo dạng hình vuông, một cửa chính về hướng đông, đôi khi trong một tổng thể kiến trúc có tháp có 2 cửa, cửa chính quay về hướng tây chầu về tháp trung tâm (chính) còn cửa kia về hướng đông. Ngoài cửa chính, các tháp Chăm còn có các cửa giả ở các hướng còn lại, hai hoặc ba cửa giả cũng giống như cửa chính với những vòm cuốn và ô trán tường. Cửa chính có một phần nhô ra thành tiền sảnh là một lối đi hẹp để từ các bậc cấp bên ngoài dẫn vào trong cửa tháp. Trên cửa chính thường có một phù điêu đá trong hình khung bán nguyệt hoặc hình lá, hình những vị thần Ba la môn, để nhấn mạnh đến vị thần chính được thờ bên trong đền tháp.
Một trong nguyên tắc cơ bản của kiến trúc các đền tháp Chăm là tuân thủ nghiêm ngặt sự đối xứng nhiều chiều, nhiều phía. Sự đối xứng đó được thể hiện qua việc bố trí các tầng tháp, các trụ tháp. Do tính chất đối xứng trong kiến trúc Chăm đã tạo nên sự cân đối của các tháp, một ấn tượng uy nghi và hoàn mỹ của từng công trình cũng như quần thể kiến trúc.
Một điều đáng lưu ý trong kiến trúc tháp Chăm là việc sử dụng các đà ngang (lintô) bằng đá, những lintô này tạo nên các vòm cửa. Những vòm cửa cuốn được chạm khắc công phu là một trong nét độc đáo của nghệ thuật kiến trúc Chăm so với nhiều kiến trúc ở Đông Nam Á. Ở các góc mặt nghiêm của đỉnh cột, các nhà kiến trúc Chăm cũng đã đặt những tấm lát bằng đá hơi nghiêng một chút. Nhờ việc sắp đặt này, mà các nhà kiến trúc đã giằng chéo nhau giữ một thế cấu kết vững chắc. Đặc điểm của kiểu kiến trúc Chăm là sử dụng loại vòm có phần nhô ra, để tạo thiết diện nghiên mà tạo nên chóp đỉnh bên trên. Để tạo độ nghiên này các hàng gạch ở phía cuối vòm trần nhô ra liên tục khoảng 5 đến 6 hàng.
Nhìn chung, kiến trúc Chăm nói chung, và kiến trúc các đền tháp Chăm nói riêng là những công trình hết sức đặc sắc. Những kiến trúc Chăm vừa chịu ảnh hưởng văn hoá kiến trúc Ấn Độ, Indoniesia, Khơme.... nhưng nổi bật hơn hết vẫn là bản sắc văn hoá của dân tộc Chăm. Đó là sự sáng tạo, tài hoa độc đáo của những nhà kiến trúc Chăm trong một thời xa xưa.
2.3.2. Đặc trưng điêu khắc Chăm
Điêu khắc Chăm đã phản ánh được những suy tư, khát vọng, và cả sự ngợi ca của dân tộc Chăm đối với cuộc sống con người. Với các chất liệu như đá cát, sa thạch, đất nung…Với nhiều nội dung từ thánh thần, vũ nữ cho đến những nhân vật bình thường nhất nhưng vẫn một đặc trưng sinh động, nét mặt buồn sâu lắng, trang nghiêm. Kết hợp nhiều họa tiết trang trí lộng lẫy với các vòng trang sức từ mũ nhiều tầng cho đến những vòng tay, vòng chân hay vòng cổ…đâu đâu cũng thấy những hoa, lá, dây leo, hình vuông, tròn thoi cùng các họa tiết trường gặp như hoa sen, hoa cúc…tạo nên một sự hài hòa cho điêu khắc nói chung và nghệ thuật trang trí trong điêu khắc Chăm nói riêng. Những thành tựu nghệ thuật đã đạt đến đỉnh cao tuyệt vời, để lại cho nhân loại những kiệt tác, một di sản văn hóa lớn lao.

* Tiểu kết:
Trong mỗi giai đoạn phát triển của nghệ thuật kiến trúc-điêu khắc Chăm lại có những sáng tạo những thành tựu mới. Sự kết hợp hài hòa các đề tài, các thần tượng, nhân vật, các kết cấu trang trí trong từng chi tiết kiến trúc-điêu khắc là một đặc điểm nổi bật của điêu khắc Chăm. Ở đây thể hiện sự sáng tạo bất diệt của những tài năng, trí tuệ của nghệ sĩ Chăm một thời. Kiến trúc-điêu khắc Chăm đã phản ánh được những suy tư, khát vọng, và cả sự ngợi ca của dân tộc Chăm đối với cuộc sống con người.
Nghệ thuật kiến trúc-điêu khắc Chăm là thành tựu rực rỡ của nền văn hoá Chăm, là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật, văn hoá của các nước khu vực Đông Nam Á. Nghệ thuật kiến trúc-điêu khắc Chăm đã thể hiện tài năng, triết lý, sự sáng tạo và bản sắc rất riêng của dân tộc Chăm. Thông qua những hoa văn trang trí như hoa, lá, chấm cườm, hình tròn, vuông, hình thoi…Từ những góc tường nhỏ, một đỉnh tháp vươn cao cho đến những đài thờ thiêng liêng và nguy nga, với nhiều hình tượng những vị thần…Kết hợp nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau qua từng thời kỳ như Trà Kiệu, Đồng Dương, Mỹ Sơn…đã để lại một nền nghệ thuật giàu sức sống, nhiều trở trăn, xúc động, một nghệ thuật đầy tính nhân văn và khát vọng...

Chương III
Ý TƯỞNG XÂY DỰNG TÁC PHẨM MỸ THUẬT
TRÊN CƠ SỞ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT
KIẾN TRÚC VÀ ĐIÊU KHẮC CHĂM

3.1. Tìm hiểu cội nguồn và ý tưởng xây dựng tác phẩm mỹ thuật
3.1.1. Tìm hiểu cuội nguồn và thực tế cuộc sống
- Tìm hiểu cội nguồn
Dân tộc Chăm vốn sinh tụ ở duyên hải miền Trung Việt Nam từ rất lâu đời, đã từng kiến tạo nên một nền văn hóa rực rỡ với ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Ấn Ðộ. Ngay từ những thế kỉ thứ VII, người Chăm đã từng xây dựng nên vương quốc Chăm pa. Hiện tại cư dân gồm có hai bộ phận chính: Bộ phận cư trú ở Ninh Thuận và Bình Thuận chủ yếu theo đạo Bà la môn (một bộ phận nhỏ người Chăm ở đây theo đạo Islam truyền thống gọi là người Chăm Bà ni). Bộ phận cư trú ở một số địa phương thuộc các tỉnh Châu Ðốc, Tây Ninh, An Giang, Ðồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh theo đạo Islam (Hồi giáo) mới.
- Thực tế cuộc sống
Người Chăm có truyền thống nông nghiệp ruộng nước, giỏi làm thủy lợi và làm vườn trồng cây ăn trái. Bên cạnh việc làm ruộng nước vẫn tồn tại loại hình ruộng khô một vụ trên sườn núi. Bộ phận người Chăm ở Nam Bộ lại sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, dệt thủ công và buôn bán nhỏ, nghề nông chỉ là thứ yếu.
Nghề thủ công phát triển ở vùng Chăm nổi tiếng là dệt lụa tơ tằm và nghề gốm nặn tay, nung trên các lò lộ thiên. Việc buôn bán với các dân tộc láng giềng đã xuất hiện từ xưa. Vùng duyên hải miền Trung đã từng là nơi hoạt động của những đội hải thuyền nổi tiếng trong lịch sử.
3.1.2. Ý tưởng xây dựng tác phẩm
Tác phẩm xây dựng chủ yếu tập trung vào các đề tài chính như sinh hoạt của cộng đồng người Chăm như: hình ảnh các cô gái Chăm đi lấy nước, dệt thổ cẩm, làm gốm. Hình tượng các vị thần trong thần thoại Ấn Độ và những công trình kiến trúc, tượng tròn, phù điêu hiện còn lưu giữ tại các bảo tàng, các khu đền tháp. Tất cả những hình tượng này được bản thân thể nghiệm trên chất liệu sơn dầu, xây dựng theo lối bố cục cơ bản như chân dung thiếu nữ Chăm trong sinh hoạt, một nhóm các cô đi lấy nước...Tuy nhiên những hình tượng này được tác giả lồng ghép với hình tượng các vị thần. Trong tác phẩm thứ nhất mang tên “Kỷ nguyên hoa sen” có hình tượng thần Vishnu, Brahma, thần thời gian bên cạnh vũ nữ thiên tiên(Apsara). Tác phẩm thứ hai mang tên “Vũ điệu thời gian” tác giả xây dựng hình tượng các cô gái trong trang phục vũ nữ thiên tiên biểu diễn dưới chân thần rừng Yaska bên cạnh thần thời gian và vũ nữ thiên tiên. Tác phẩm thứ ba mang tên: “Hòa điệu cùng Siva”. Trong tác phẩm thứ ba, tác giả muốn thể hiện hình tượng các vũ nữ Chăm trong vũ điệu được nâng cách từ hình tượng những cô gái Chăm đi lấy nước.
3.2. Những tác phẩm thể nghiệm của bản thân
3.2.1. Lịch sử và huyền thoại về các vị thần
- Ý đồ tư tưởng
Thần thoại Ấn Độ, văn hóa Chăm hầu như được tái hiện trong từng ngóc ngách của các công trình kiến trúc-điêu khắc với nhiều dạng phù điêu, tượng tròn...như hình tượng các vị thần, những con vật thờ với nhiều ý nghĩa khác nhau. Những hình tượng này đã tác động bản thân về một tác phẩm nghệ thuật tái hiện bản sắc văn hóa Chăm.
Dựa vào câu chuyện Đản sinh Brashma, Brashma là thần sáng tạo và được sinh ra từ rốn của thần bảo tồn Vishnu. Dựa trên câu chuyện về ba vị thần, cốt lõi của văn hóa Chăm. Bản thân quyết định xây dựng tác phẩm Kỷ nguyên Hoa sen để khai thác giá trị nghệ thuật kết hợp nhiều yếu tố văn hóa.
- Hình thức bố cục
Dựa vào môtíp của các đài thờ Chăm, môtíp trang trí trong các công trình kiến trúc và điêu khắc đa nghiên cứu trong chương hai. Tôi nhận thấy rằng không thể thể hiện bố cục của tranh theo một phong cách truyền thống mà cần dựa trên yếu tố môtíp để thể hiện sức mạnh về sự sắp xếp như bản chất các môtíp Chăm đã thể hiện.
Trong “Kỷ nguyên Hoa sen” với cách sắp xếp hình trọng tâm nằm ở giữa thật lớn(thần Vishnu) nhằm thể hiện chủ đề chính của bức tranh. Các môtíp phụ bên trên bên dưới và hai bên mang tính hỗ trợ cho ý đồ tác phẩm. Hình tượng Kala(biểu tượng của thời gian) thể hiện một ý niệm về sự trường tồn. Hình tượng vũ nữ Thiên tiên thể hiện bản sắc văn hóa và những câu chuyện thần thoại của Ấn Độ. Hình tượng người thổi sáo trong một số vòm cuốn của những công trình kiến trúc, đài thờ tượng trưng cho những quan niệm về sinh hoạt của các vị thần. Môtíp hình bầu vú ở trên và dưới của tác phẩm được lắp ghép bởi 14 khung hình bằng nhau nhằm tạo thành những môtíp trang trí cho tác phẩm.
Tác phẩm “Kỷ nguyên hoa sen”

Ý tưởng sắp xếp này nhằm tạo ra một sự đột phá tính hàn lâm trong xây dựng một tác phẩm hội họa. Nó có bóng dáng của hội họa, một chút phù điêu trong điêu khắc và mang chút âm hưởng của nghệ thuật sắp đặt.
- Thủ pháp chất liệu và màu sắc
Màu sắc trong tranh chủ đạo là gam nâu với các hòa sắc vàng nhằm thể hiện yếu tố vương quyền của các vị thần. Màu sắc trọng tâm sáng hẵn chuyển sang vàng, kết hợp với màu nâu chuyển từ nhạt đến đậm để xây dựng các nhân vật hỗ trợ như mặt Kala, vũ nữ, nghệ sĩ thổi sáo cùng các môtíp của đài thờ Chăm. Một vài chỗ trong tranh được vẽ trắng hẵn lên nhằm muốn nhấn mạnh những môtíp trang trí nỗi bật trong tranh.

3.2.2. Sinh hoạt và con người Chăm
- Ý đồ tư tưởng
Từ những sinh hoạt của cộng đồng người Chăm chủ yếu ở Ninh Thuận ta nhận thấy trong trang phục như: Nam nữ đều quấn váy tấm, đàn ông mặc áo cánh ngắn xẻ ngực cài khuy. Ðàn bà mặc áo dài chui đầu, màu chủ đạo trên y phục là màu trắng của vải sợi bông. Ngày nay, trong sinh hoạt hằng ngày, người Chăm ăn mặc như người Việt ở miền Trung, chỉ có chiếc áo dài chui đầu là còn thấy xuất hiện trong giới nữ cao niên.
Tuy nhiên vào các lễ hội truyền thống thì người Chăm vẫn sử dụng sắc phục truyền thống của mình để thể hiện lòng thành với các vị thần và đồng thời cũng thể hiện bản sắc riêng của mình.
- Hình thức bố cục
Tác phẩm “Vũ điệu thời gian”
- Thủ pháp chất liệu và màu sắc
Chọn chất liệu sơn dầu là một trong những yếu tố

3.2.3. Lễ hội của người Chăm
Lễ hội của người Chăm thật đa dạng về sắc màu và phong phú về nội dung như Lễ hội Katê, lễ hội bỏ mã, cầu mùa. . .trong đó phải kể đến như: Lễ hội Katê (Lễ hội Katê diễn ra vào ngày 1 tháng 7 theo lịch Chăm, thường là vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 dương lịch. Đây là thời điểm cuối thu, mùa màng đã thu hoạch xong).
Lễ rước y phục
Tại đền Pô nagar: Từ 12 giờ đến 13h30 phút trưa ngày 30 tháng 6 Chăm lịch, tại đầu làng Hữu Đức diễn ra lễ rước y phục của mẹ xứ sở Pô nagar. Từ sáng sớm, đoàn người Chăm được cử lên vùng núi Phước Hà để đón y phục do đoàn người Raglai gùi xuống. Đoàn chức sắc Bàlamôn cờ quạt võng lọng ra đầu làng làm lễ đón. Sau đó y phục được kiệu rước về miếu Pô nưgar.
Tại đền Pôklongarai: 5 giờ sáng ngày 1 tháng 7 Chăm lịch, ông Kamưnây dâng lễ vật cúng thần để nhận và rước y phục lên tháp Pôklongarai. Đoàn rước được sắp xếp như sau: dẫn đầu là đoàn người Raglai đóng khố đánh mã la, thổi khèn bầu, theo sau là thầy cả chủ lễ, đến thầy cò ke, bà bóng, kế đến là tốp múa quạt nữ và các nhạc công đánh trống ghi năng, thổi kèn Saranai, cuối cùng là đoàn người cầm cờ, võng lọng và kiệu rược y phục. Từ xã Phước Đồng lên đến tháp Pôklongirai khoảng 6 km. Đoàn rước đi đến đâu, cư dân ở các làng Chăm nhập vào đoàn người dài hàng km lên tháp. Các phụ nữ Chăm mặc trang phục lễ hội, đầu đội mâm lễ lên Tháp.
- Ý đồ tư tưởng
Tác phẩm xây dựng dựa nên những hoạt động của lễ hội kết hợp nhiều yếu tố, hình ảnh các vị thần, các vũ nữ trong nghệ thuật điêu khắc Chăm để xây dựng tác phẩm. Tác phẩm muốn nói lên cái đẹp trong văn hóa Chăm từ hình ảnh con người cho đến đời sống văn hóa như múa quạt, múa lấy nước, múa thánh thần...tuy nhiên hình tượng chính vẫn là con người bởi con người chính là sự kế tục, trung tâm của sự vận động của vụ trụ trong thế giới hiện thực.
- Hình thức bố cục
Bố cục tác phẩm dựa trên môtíp của đài thờ. Các hình tượng xây dựng trong tranh mang tính biểu hiện, nhiều mảng bố cục xếp theo dạng môtíp có lớn, nhỏ nhằm thể hiện yếu tố trọng tâm và phụ trợ trong cách xây dựng bố cục
- Thủ pháp chất liệu và màu sắc
Dựa trên thủ pháp đã học trong nhà trường, kết hợp với thủ pháp của nghệ thuật dân gian như tranh Đông Hồ. Nghĩa là kết hợp khai thác yếu tố mạnh mẽ của đường nét khi xây dựng hình tượng nhân vật.
Tác phẩm “Hòa điệu cùng thần Shiva” (tác phẩm này em đang vẽ, trong tuần này em sẽ hoàn thành chuơơng III để trình Thầy xem)

3.3. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm
3.1. Những giá trị văn hóa trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm
Trong kiến trúc
Trong điêu khắc
3.2. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm.
Giải pháp
Đề xuất kiến nghị
Phát huy tính sáng tạo và kế thừa trong nghệ thuật tạo hình (là một giải pháp)


*Tiểu kết:

KẾT LUẬN
Kết luận là đúc kết các tiểu kết của các chương
1. Kết luận:
- Trình bày giá trị hiện tại và lâu dài của công trình nghệ thuật Chama nói chung và nghệ thuật trang trí trong điêu khắc nói riêng.
- Giá trị nghệ thuật truờng tồn cần lưu giữ và bảo tồn.
- Giá trị của nó trong việc giáo dục nghệ thuật trong nhà trường, trong xã hội.
- Ảnh hưởng của nền nghệ thuật Chăm trong sáng tạo nghệ thuật đương đại.

2. Giải pháp:
- Đề ra giải pháp trong công tác bảo tồn những di sản văn hóa Chăm đặc biệt là những công trình đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

3. Đề nghị:
- Đưa những mô típ trang trí Chăm vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông, chuyên và không chuyên để các em có cơ hội so sánh với những tinh hoa nghệ thuật cổ của Việt Nam và các nước trên thế giới.


















TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan An (1992), “Tượng kút người Chăm”, Kỷ yếu hội thảo Kinh tế văn hoá Chăm, Viện Đào tạo mở rộng thành phố Hồ Chí Minh.
2. Phan An (chủ biên) (1994), Những vấn đề dân tộc, tôn giáo ở miền Nam, Nxb. thành phố Hồ Chí Minh.
3. Đào Duy Anh (1963), “Tình hình nước Chiêm Thành trước, sau thế kỷ X theo chính sử Trung Quốc”, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, (số 51), tr. 23 - 28.
4. Đào Duy Anh (1992), Đất nước Việt Nam qua các đời, tái bản, Nxb. Thuận Hóa.
5. Đào Duy Anh (1998), Việt Nam văn hóa sử cương, tái bản, Nxb. Tổng hợp Đồng Tháp.
6. Phan Quốc Anh (2001), “Đôi nét ảnh hưởng của tôn giáo Ấn Độ đối với văn hoá Chăm Bàlamôn Ninh Thuận”, tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, số 9 (207).
7. Phan Quốc Anh (2002), “Những quan niệm trong tang ma của người Chăm Bàlamôn”, tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, số 6 (84), tr. 27 - 31.
8. Phan Quốc Anh (2002), “Khảo sát lễ “chiêu hồn nhập cốt” của người Chăm Bàlamôn”, tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, số 7 (217).Toan ¸nh (2001), Phong tôc thê cóng trong gia ®×nh ViÖt Nam, t¸i b¶n, Nxb. V¨n nghÖ, thµnh phè Hå ChÝ Minh.
9. Phan Quốc Anh (2006) Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahier ở Ninh Thuận, NXB Văn hóa dân tộc, Hà nội.
10. Aymonier M.E. (1891), Những ng¬ười dân Chàm ở tỉnh Bình Thuận, Paris, bản dịch của Đào Trọng Lũy.
11. Aymonier M.E. (1891), Ng¬ười Chàm và những tín ngưỡng của họ, Paris, bản dịch của Đào Trọng Lũy.
12. Ban Dân tộc miền núi tỉnh Ninh Thuận, (1999), Báo cáo về tình hình dân tộc miền núi tỉnh Ninh Thuận, số 208/BC - DTMN, Ninh Thuận.
13. Nguyễn Chí Bền (1999), Văn hóa dân gian Việt Nam những suy nghĩ, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
14. Phan Xuân Biên (chủ biên) (1989), Ngư¬ời Chăm ở Thuận Hải, Sở Văn hoá - Thông tin Thuận Hải.
15. Phan Xuân Biên (1990), “Tính đa dạng của văn hoá Chăm”, tạp chí Khoa học xã hội, số 4.
16. Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp (1991), Văn hoá Chăm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
17. Phan Xuân Biên (1993), “Văn hóa Chăm, những yếu tố bản địa và bản địa hóa”, tạp chí Dân tộc học, số 1, tr. 7 - 12.
18. Phan An : Tương Kút ngưới Chăm” Kỷ yếu hội thảo kinh tế văn hóa Chăm, viện Đào tạo mở
19. Lê Quốc Bảo và nhiều tác giả (năm), Một số vấn đề đào tạo và sáng tạo mĩ thuật, Nxb...., Hà Nội 1992.
20. Nguyễn Văn Cự  (năm), Di sản văn hóa Champa, Nxb Thế giới.
21. Ngô Văn Doanh (tái bản lần thứ hai-2004), Thánh địa Mỹ Sơn, Nxb trẻ - 2004.
22. Ngô Văn Doanh-Nguyễn Thế Thục-Điêu khắc Champa.NXB Thông tấn xã Việt Nam-2004.
23. Ngô Văn Doanh-Văn hóa cổ Champa. NXB Văn hóa dân tộc.
24. Ngô Văn Doanh-Lễ hội cầu mùa của người Chăm-NXB Trẻ
25. Ngô Văn Doanh-Tháp Bà Thiên Y A Na - Hành Trình Của Một Nữ Thần-NXB Trẻ
26. Vũ Cao Đàm-Phương pháp luận nghiên cứu khoa học-NXB Hà Nội 2003.
27. Nguyễn Khoa Điềm (chủ biên), (2001), Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
28. Cao Huy Đỉnh (1964), Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
29. Cao Huy Đỉnh (1993), Văn hoá Ấn Độ, Nxb. Văn hoá, Hà Nội.
30. Nguyễn Quân-NXB Văn hóa-Thông tin-2006.
31. Nguyễn Quân-Con mắt nhìn cái đẹp-NXB mĩ thuật 2004.
32. Hoàng Văn Khoán(chủ biên), Tống Trung Tín, Nguyễn Lâm Anh Tuấn-Văn hóa Lý Trần kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc chùa-tháp-NXB Văn hóa Thông tin 2000.
33. Nguyễn Tri Nguyên-Văn hóa học-Quan điểm và pp nghiên cứu-Hà Nội 2007.
34. Đặng Thị Bích Ngân-Mĩ thuật là gì-NXB Văn hóa thông tin.
35. Trần Kỳ Phương-Mỹ Sơn trong lịch sử nghệ thuật ChamPa. NXB Đà Nẵng. 1988.
36. Nguyễn Phi Hoanh-Mĩ thuật và nghệ sĩ-NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh
37. Lưu Trần Tiêu-Ngô Văn Doanh-Nguyễn Quốc Hùng-Giữ gìn những kiệt tác kiến trúc trong nền văn hóa Champa-NXB Văn hóa Dân tộc-2000.
38. Nguyễn Xuân Tiên-Hệ sau đại học-Trường Đại học mĩ thuật TP HCM-2009.
39. Lương Quốc Thắng-Bản chất xã hội và đặc trưng thẩm mĩ của nghệ thuật-Hệ sau đại học-Trường Đại học mĩ thuật TP HCM-2007
40. Nguyễn Đình Tư-Non Nước Ninh Thuận -Loại Sách Sưu khảo Các Tỉnh, Thành Năm Xưa-NXB Thanh Niên.
41. Thái Bá Vân-Tiếp xúc với nghệ thuật-Viện mĩ thuật Hà Nội 1992.
42. Laurie Schneider Adams-Trần Văn Huân dịch-Khám phá thế giới mĩ thuật-NXB Mĩ thuật
43. Trần Bá Việt-Đền tháp Champa-bí ẩn xây dựng-NXB Xây dựng-2007
44. Roy C Craven-Mĩ thuật Ấn Độ-Nhà xuất bản mĩ thuật (người dịch Nguyễn Tuấn; Huỳnh Ngọc Trảng)
45. Philippe Stern-Nghệ thuật Chàm (Xứ Trung Kỳ cũ) & quá trình phát triển của nó (L’Art du Champa (Ancien Annam et son e’volution)-Toulouse les freres doure Manres imprimeurs-39 Rue Sain Rome-1942.
46. Mah Mod (1978), “Đặc điểm gia đình, thân tộc và xã hội của đồng bào Chàm”, Những vấn đề dân tộc học ở miền Nam Việt Nam, tập 2, quyển II, Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh.

*Tài liệu trên các website:
1. Phan Quốc Anh- Những phong tục đẹp trong đám cưới người Chăm Bàlamôn đăng trên http://www.viettems.com
2. Trang web http://www.phanquocanh.com của Phan Quốc Anh
2. Phan Quốc Anh- Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahier ở Ninh Thuận đăng trên http://www.viettems.com
4. Trang web http://www.chammuseum.danang.vn của Bảo tàng Champa Đà Nẵng.
5. Trang web http://baotanglichsu.vn  của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.


văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn