NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT XIẾC Ở ĐOÀN XIẾC TP.HỒ CHÍ MINH - Học viên Giang Quốc Cơ

 







 DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT

 

Phó giáo sư

PGS

Giáo sư

GS

Trước công nguyên

Sau công nguyên

TCN

SCN

Liên đoàn Xiếc Việt Nam

LĐXVN

Thành phố Hồ Chí Minh

Hà Nội

Tp. HCM

HN

Xã hội chủ nghĩa

 

XHCN

MỞ ĐẦU

 

1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:

Kể từ khi xuất hiện cho đến nay, nghệ thuật luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và con người. Những giá trị nghệ thuật được lưu giữ từ đời này sang đời khác, trải qua bao thăng trầm của lịch sử để trở thành dấu ấn huy hoàng của quá khứ, nền tảng của đời sống đương đại và là bậc thềm vững chắc để dân tộc ta bước tới tương lai.

Bộ môn nghệ thuật xiếc là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, nó hấp thụ tinh hoa của nhiều loại hình nghệ thuật khác như: Âm nhạc, múa, hội họa, mỹ thuật… nó bắt nguồn từ thực tế cuộc sống. Trong quá trình hình thành và phát triển, nó gắn liền với các hoạt động sản xuất, sinh hoạt văn hóa, những nhu cầu cơ bản của con người trên cơ sở các trò chơi dân gian, những cuộc thi đấu thể thao.

Ra đời và xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm, nghệ thuật xiếc cho đến nay đã tồn tại và phát triển ở Việt Nam qua nhiều thế kỷ. Xiếc là một loại hình sân khấu đặc biệt, từ cổ đến kim, từ đông sang tây ở đâu xiếc cũng cuốn hút, hấp dẫn người xem bởi đặc trưng ngôn ngữ xiếc vừa mỹ lệ vừa cụ thể nên không cần thuyết minh phiên dịch mà người xem vẫn tiếp nhận một cách thoải mái, thú vị. Hơn nữa xiếc lại ít đả động đến nội dung xã hội với những mối quan hệ phức tạp và gay gắt nên xiếc luôn mang đến cho người xem những phút giây thoải mái, vui cười. Nghệ thuật xiếc còn đóng vai trò cầu nối văn hoá giữa sân khấu và cuộc đời, giữa dân tộc này với dân tộc khác.

Phải thừa nhận rằng xiếc đã có một vị trí quan trọng trong xã hội với nhiều hình thức vui chơi giải trí như ngày nay và cả trong lòng những khán giả đã được thưởng thức bộ môn nghệ thuật đặc biệt này. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển của kinh tế thị trường, giao lưu hợp tác quốc tế đã làm cho đời sống văn hóa ngày càng phong phú và đa dạng. Người dân có nhiều cơ hội lựa chọn những sản phẩm văn hóa, giải trí, những loại hình nghệ thuật trên mọi phương tiện biểu hiện. Đối với nghệ thuật sân khấu đặc biệt như xiếc thì việc làm thế nào để phát triển được nghệ thuật xiếc và thu hút khán giả đến với mình nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật là rất khó khăn. Vì vậy nghiên cứu tìm ra phương thức hoạt động cho xiếc theo đúng quy luật phát triển của thị trường là một nhu cầu tất yếu. Đó là làm thế nào để duy trì, phát triển xiếc trong các hoạt động xã hội hoá phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay và tương lai.

Nằm chung trong sự phát triển đó, ngay từ những ngày đầu thành lập cho đến nay đã 55 năm, Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh (nay là Nhà hát Phương Nam) vẫn không ngừng phát triển bộ môn nghệ thuật xiếc và có những đóng góp tích cực nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức văn hóa - nghệ thuật của khán giả trong và ngoài nước. Sau khi khảo sát, tìm hiểu về Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh, nắm vững được thực trạng về tình hình tổ chức biểu diễn cũng như một số hoạt động khác, tác giả đã mạnh dạn chọn đề tài: “Nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật xiếc ờ Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh” từ đó mạnh dạn đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động biểu diễn xiếc tại Đoàn nói riêng, và góp phần vào sự phát triển của nghệ thuật xiếc Việt Nam nói chung.

2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU:

 Đã có không ít những công trình khoa học, tham luận nghiên cứu về loại hình nghệ thuật xiếc Việt Nam. Ví dụ: Lược thảo lịch sử Xiếc Việt Nam” ,Xiếc - một loại hình sân khấu , “Lịch sử xiếc Việt Nam” …. Tuy nhiên chưa có công trình nghiên cứu nào đi sâu tìm hiểu hoạt động biểu diễn xiếc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đề ra những giải pháp giúp lãnh đạo có thêm tư liệu tham khảo để đưa hoạt động biểu diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam có hiệu quả và ngày càng phát triển hơn, đóng góp tích cực vào sự phát tiển chung của nền nghệ thuật nước nhà.

3. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU: 

-          Tìm hiểu lịch sử và quá trình phát triển của nghệ thuật xiếc tại Việt Nam.

-          Tim hiểu lịch sử hình thành, biến đổi và phát triển của Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh

-          Nghiên cứu thực trạng hoạt động biểu diễn xiếc tại Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh.

-          Đưa ra các giải pháp để phát triển nghệ thuật xiếc và nâng cao hiệu quả hoạt động biểu diễn xiếc của Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh nói riêng và nghệ thuật xiếc Việt Nam nói chung.

4.  ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI:

4.1. Đối tượng nghiên cứu: 

-                       Quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật xiếc ở Việt Nam. 

-                       Thực trạng hoạt động biểu diễn xiếc của Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh

                     4.2. Phạm vi nghiên cứu:

-                       Quá trình hình thành và phát triển của Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh

-                       Hoạt động biểu diễn xiếc của Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh

trong thời gian từ năm 2005 đến nay.

5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:

Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:

-           Phương pháp phân tích văn bản;

-           Phương pháp so sánh;

-           Phương pháp thống kê phân loại;

-           Khảo sát thực tế; - Phỏng vấn.

6. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ TÍNH THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI:

-                       Góp phần tập hợp tư liệu một cách có hệ thống về Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh

-            Phân tích quá trình du nhập và phát triển của nghệ thuật Xiếc Việt Nam;

-                       Phân tích quá trình hình thành và phát triển của Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh

-                       Đánh giá thực trạng hoạt động biểu diễn xiếc nói chung và Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh nói riêng;

-                       Đưa ra những giải pháp và phướng hướng để nâng cao chất lượng biểu diễn và quản lý cho Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh

-                       Luận văn có ý nghĩa như một tài liệu tham khảo cho tất cả những ai quan tâm đến bộ môn nghệ thuật xiếc của Việt Nam nói chung, cũng như muốn tìm hiểu về cơ cấu tổ chức, hoạt động biểu diễn của Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh nói riêng.

 7. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN:

Ngoài mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, mục lục và phụ lục, luận văn gồm 3 chương

    Chương 1: Nghệ thuật Xiếc và Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh

Chương 2: Thực trạng hoạt động biểu diễn của Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh; 

Chương 3: Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động biểu diễn tại Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh

                                             --------------------------------------------

                                                  Chương 1

NGHỆ THUẬT XIẾC VÀ ĐOÀN XIẾC TP.HỒ CHÍ MINH

        1.1. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA NGHỆ

THUẬT XIẾC VIỆT NAM

1.1.1. Khái niệm “xiếc”

Xiếc là một trong những loại hình nghệ thuật ra đời sớm nhất trong lĩnh vực hoạt động tâm thức của con người. Xiếc là một loại hình nghệ thuật mang tính dân tộc và tính quốc tế, có truyền thống phát triển từ dân gian đến đương đại trong mỗi quốc gia, dân tộc. Ở La Mã thời cổ đại, đó là một sân khấu hình bầu dục có khán đài. Trên sân khấu này diễn ra những cuộc đua xe. Giữa các cuộc đua có những trò nhào lộn, cưỡi ngựa, đi xe (xe đạp, xe máy), hề, vũ sĩ, dậy thú. Theo từ điển bách khoa sân khấu Liên Xô thì 

Xiếc hiện đại diễn trên sân khấu tròn lợp mái tròn, có đường kính khoảng 13 mét, bao quanh bằng một bờ chắn thấp. Mái tròn cần cho những xiếc tung hứng, thể thao trên không. Nghệ thuật xiếc là một loại hình nghệ thuật phô diễn thể lực, sự khéo léo và sự dũng cảm của con người. Nó du nhập vào đây những trò hề, những trò diễn lớn có chủ đề tư tưởng. Cơ sở đầu tiên của xiếc là kỹ xảo [1, tr.155]. 

Theo từ điển Mỹ học tóm tắt:

Xiếc là nghệ thuật được biểu diễn trên sâu khấu tròn với đường kính phổ biến trên toàn thế giới là 13 mét. Nghệ thuật xiếc hình thành trong quá trình sử dụng các thủ pháp của nghệ thuật trình diễn trên sân khấu rộng, những cảnh chiến trận, những trò điền kinh, sự thao diễn kỹ thuật, những trò nhào lộn, đi trên dây [1, tr.155]. 

Từ điển Việt Nam viết: “Xiếc là nghệ thuật leo dây, nhẩy, nhào lộn,

khéo, lạ, hoặc rùng rợn của người và súc vật.” [1, tr.156]. 

Như vậy qua một số khái niệm về xiếc đã nêu trên có thể đưa ra khái niệm chung về xiếc như sau: Xiếc là một loại hình nghệ thuật “động” được trình diễn trên sân khấu tròn theo tiêu chuẩn quốc tế đường kính là 13 mét. Phương tiện thể hiện của nghệ thuật xiếc là kỹ xảo điêu luyện đến mức phi thường, kỳ lạ làm nổi bật những phẩm chất của con người như sự khéo léo, dũng cảm. Xiếc là một nghệ thuật tổng hợp nhiều chuyên môn khác nhau như xiếc người, nhào lộn, đi trên dây, đu bay, tung hứng, uốn dẻo…, xiếc thú (thuần hóa các loại gia cầm, gia súc và ác thú), ảo thuật, hề…

1.1.2. Lịch sử hình thành và quá trình phát triển nghệ thuật xiếc

Việt Nam

Nghệ thuật xiếc có đã có mặt ở nước ta từ rất lâu, rất nhiều cuộc điều tra của các nhà sử học, các cuộc nghiên cứu đã diễn ra chỉ với một mục đích duy nhất là trả lời câu hỏi: “xiếc có từ  bao giờ?” và những câu hỏi có liên quan đến bộ môn nghệ thuật xiếc như: Trong kho tàng nghệ thuật dân tộc có cái gọi là xiếc hay không? Nếu nói là có thì xiếc ở đâu? Trong cung đình phong kiến hay làng xóm dân gian? Là nghệ thuật của hội hè đình đám nông thôn hay nghệ thuật mua vui nơi phồn hoa kẻ chợ? …Rất khó để có thể chỉ ra được đích danh nghệ thuật xiếc ở chỗ nào trong lịch sử, dù bây giờ nó ẩn dưới

một cái tên gì đi chăng nữa!

Nhưng nếu nói không hề có cái gọi là xiếc trong kho tàng nghệ thuật dân tộc thì hình như nhiều người cũng cảm thấy băn khoăn. Nếu ta giở sử

sách ra thì trên giấy trắng mực đen, cái mà ta có thể gọi là xiếc cũ thấp thoáng hiện trong đó: nghề leo dây, múa rối.

Trong cuốn sử đầu tiên của nước ta - Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có nói đến: “Nghề leo dây, múa rối”. Về điểm này, sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép như sau: 

Canh dần, (năm thứ 10 (1350) (Nguyên Chí - Chính năm thứ 10). Mùa Xuân, tháng giêng, người nước Nguyên là Đinh Bàng Đức nhân trong nước có loạn đem cả nhà đi thuyền vượt biển chạy sang nước ta. Bàng Đức giỏi nghề leo dây, múa rối, người nước ta bắt chước làm trò múa leo dây, nghề leo dây bắt đầu từ đấy [29, tr.21]

Tuy nhiên, theo GS sử học Trần Quốc Vượng và tác giả Vũ Tuấn Sán trong cuốn “Hà Nội nghìn xưa” đã liệt kê có cả xiếc trong những thú vui chơi của Thăng Long thời Lý: 

Có điều gì đó đúng chăng, thì chỉ là từ 1350, nghề xiếc và múa rối vốn có, cổ truyền của Thăng Long Đại Việt có thêm một đoàn chuyên nghiệp mới, có thêm một số tiết mục mới…[39, tr.286], 

Vui chơi thì có mây đẹp Dâm Đàm, trăng thanh Tô  Lịch, những công viên, những danh lam chùa quán, hội đình, hội chùa, hội quán, tung còn, đánh phết đầu xuân, đua thuyền, múa rồi nước, đầu thu, chèo và xiếc,  nhạc, ca và múa, đánh cờ, đá cầu và đấu vật… gọi chung là Bách Hý [39, tr.207]. 

Như vậy có thể nhận thấy xiếc ra đời sớm hơn so với tư liệu mà Đại Việt sử ký toàn thư đưa ra.

  Cũng nói về nguồn gốc ra đời của nghệ thuật xiếc ở Việt Nam, lần tìm trong một số sách cũ của người xưa để lại chúng ta có thể lựa ra được một số tư liệu tản mạn có liên quan đến vấn đề này. Trong số những cuốn sách đó, có lẽ trước hết phải kể đến sách “Lĩnh nam chích quái”. Theo sách Lĩnh nam chích quái thì vào khoảng thế kỷ X, nghề tạp kỹ hay là nghệ thuật xiếc cổ xưa của nước ta đã tương đối phát triển. Nó bao gồm những tiết mục thăng bằng trên dây, những tiết mục nhào lộn, những tiết mục đế và trong một chừng mực nào đó cũng đã có xiếc thú (ngựa) và quy mô của gánh xiếc cũng không thể dưới 10 người. 

 Như vậy theo như sách Lĩnh nam chích quái thì vào thời Đinh Tiên Hoàng, nghề tạp kỹ rất được ưa chuộng và phát triển nếu không muốn nói đây là thời kỳ cực thịnh đầu tiên của nó. Như chúng ta đã biết, triều đại Đinh Tiên Hoàng là kết quả của quá trình chinh phục 12 sứ quân quy vào một mối thống nhất. Trong lịch sử nước ta, đây là thời kỳ phân quyền rối rắm nhất và cũng sôi động nhất. Mỗi sứ quân cát cứ một vùng. Ranh giới hành chính là ranh giới của lực lượng vũ trang. Một thời kỳ thượng võ. Trong bối cảnh đó, các ngành nghệ thuật truyền thống khác chưa có điều kiện phát triển mạnh bằng tạp kỹ. Bởi vì tạp kỹ chủ yếu dựa vào kỹ xảo cá nhân, lấy sức mạnh thể lực làm cơ sở và có thể xây dựng tiết mục từ những trò chơi dân gian hoặc vũ thuật đương thời, một thứ nghệ thuật thích hợp với tâm lý thượng võ của công chúng và có thể được nhiều công chúng tham gia.

Cho đến nay không ai có thể biết được một cách chính xác nghệ thuật xiếc đã xuất hiện ở Việt Nam từ bao giờ, có một điều có thể khẳng định rằng xiếc hình thành trong những trò chơi dân gian, tồn tại ở những hình thức sinh hoạt văn hoá làng, xã, những trò chơi mang yếu tố xiếc phát triển đến lạ thường trở thành xiếc. Tuy nhiên căn cứ vào một số tài liệu và sách cổ, giả thiết của các nhà nghiên cứ thì chúng ta có thể cho rằng nghệ thuật xiếc đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu trước đó và vào khoảng giữa thế kỷ thứ X thì đã có những bước phát triển vượt bậc và được sử sách ghi chép lại. 

* Quá trình phát triển của nghệ thuật xiếc Việt Nam

 Như ở phần trước đã nêu, nghệ thuật xiếc nước ta tồn tại lâu dài, là xiếc nghệ dân gian, xiếc dân gian được nuôi dưỡng trong truyền thống văn hóa, văn nghệ dân gian. Xiếc chuyên nghiệp có thể được hình thành từ đời Đinh đến Trần. Cho đến khi ở Việt Nam hình thành và phát triển bộ môn xiếc mới thì nghệ thuật xiếc mới bắt đầu phát triển thực sự và được đông đảo nhân dân biết đến và đón nhận.

 Xiếc chuyên nghiệp Việt Nam được phục hồi từ sau khi Pháp thực hiện chính sách khai hóa Đông Dương lần thứ hai vào những năm đầu thế kỷ XX. Sau ngày giai cấp phong kiến trong nước đầu hàng nhục nhã, phải nhường nốt quyền cai trị toàn bộ đất nước Việt Nam cho thực dân Pháp (Hiệp ước Paténotre ngày 6-6-1884). Từ đây xã hội nước ta không ổn định, đời sống nhân dân, nhất là nông dân ở các vùng quê ngày càng cùng cực, vì vậy trò xiếc trong dân gian chững lại và mai một hầu hết, trừ một vài phường leo dây múa rối còn nhúc nhắc hoạt động.

 Đầu thế kỷ XX, xiếc thế giới phát triển mạnh. Một số gánh xiếc đã sang diễn ở nước ta. Đầu tiên là gánh xiếc mãi võ của Trung Quốc. Sau đó là các gánh xiếc Nhật Bản, Idacốp Nga, Bostosk và Hramston’s của người Anh diễn ở Bắc bộ, còn một số gánh xiếc người Mỹ và Ý diễn ở Nam bộ. Hoạt động của các gánh xiếc này, đã có ảnh hưỏng nhất định đến sự hình thành bộ môn xiếc mới ở Việt Nam. Từ đó, đầu năm 1927 - 1930 của thế kỷ XX, ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Hải Phòng và Nam Định đã có nhiều người tập xiếc, tập miệt mài và say sưa và chỉ sau một thời gian ngắn không ít người trong số họ đã xuất hiện tài năng làm xiếc với nhứng kỹ xảo như: Đi dây, nhào lộn, đứng tay, đi xe đạp một bánh. Từ đấy, vào những năm 20 – 30, có thể nói xiếc Việt Nam đã nở rộ ở nhiều trung tâm đô thị trong nước. Chỉ trong một thập kỷ này, hàng chục gánh xiếc chuyên nghiệp ra đời. Đó là: Xiếc Tân Việt Nam (Crique du jeune Việt Nam) ở Nam bộ; ở Bắc bộ và Trung bộ có các gánh xiếc như: xiếc Việt Nam, xiếc Đại Nam, xiếc Long Tiên, xiếc Vũ Tân, xiếc Trần Đại Thụ, xiếc Mai Thanh Phụng, xiếc Paul Thanh, xiếc Nguyễn Hữu Thu và xiếc Nguyễn Văn Cường, chưa kể các gánh xiếc rong và xiếc quảng cáo bán thuốc. Trong 10 gánh xiếc đó, có 2 gánh xiếc lớn là Xiếc Việt Nam của ông Tạ Duy Hiển và Xiếc Long Tiên của ông Phạm Xuân Trang, biểu diễn sân khấu tròn rạp bạt, đánh dấu một bước ngoặt đáng kể về sự hình thành và phát triển bộ môn xiếc Việt Nam hiện đại thời đó.

 Khác với giai đoạn xiếc dân gian cổ truyền, thủa ấy xiếc phát triển ở một số làng quê là để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của cư dân và các ngày lễ tế thần, ngày hội làng, hội mùa. Còn ở giai đoạn này, các gánh xiếc nói trên xuất hiện, phần do nhu cầu cuộc sống của họ nhưng mặt khác là do lòng tự hào dân tộc tỏ rõ người Việt Nam cũng có tài làm xiếc mà ông cha ta trước đây đã làm. Tinh thần đó còn thể hiện ở việc đặt tên các gánh xiếc như: Xiếc Tân Việt Nam, Xiếc Việt Nam, Xiếc Đại Nam, Xiếc Long Tiên v.v.. mà nhà cầm quyền hồi đó rất bực tức, hằm hè với những cái tên đựoc đặt như vậy. Từ đây, sân khấu xiếc Việt Nam đã hình thành hai loại hình: Xiếc sân khấu tròn và sân khấu xiếc tạp kỹ, bước đầu đã có ảnh hưởng trong nước, được đông đảo nhân dân mến mộ bởi có nhiều trò lạ và hấp dẫn, gây được ấn tượng với người xem.

 Thấy xiếc bản xứ phát triển rộng và có ảnh hưởng tốt trong nhân dân, trong khoảng thập niên này (1922 – 1932), nhiều gánh xiếc lớn nước ngoài xông vào cạnh tranh, hòng đè bẹp xiếc bản xứ. Đó là các gánh xiếc: Rodès (Mêhicô), xiếc Witerway (Ấn Độ), đặc biệt là gánh xiếc Bostosk và Hramston’s của người Anh có cả thú lớn, thú dữ, rạp bạt sân khấu tròn đồ sộ, lại được nhà cầm quyền đương thời bảo hộ nhưng đã không thu hút được khán giả Việt Nam.

Hồi đó, xiếc phát triển và hình thành bộ môn xiếc Việt Nam hiện đại phải kể đến hai gánh xiếc lớn biểu diễn quy mô sân khấu tròn rạp bạt là gánh xiếc Việt Nam và gánh xiếc Long Tiên. Gánh Xiếc Việt Nam ra đời vào những ngày cuối năm 1920 tại thủ đô Hà Nội. Một cái tên khêu gợi tinh thần dân tộc của nhân dân ta hồi đó mà nhà cầm quyền thực dân bấy giờ không thích thú gì, đã tìm mọi thủ đoạn hòng bóp chết ngay cái tên đó khi nó vừa ra đời. Nhưng bằng tài nghệ của mình, Tạ Duy Hiển đã được đông đảo công chúng mến mộ và bảo vệ gánh xiếc này tồn tại trên hai thập kỷ. Sau gánh xiếc Việt Nam là gánh xiếc Long Tiên cũng tương đối lớn, có rạp bạt, sân khấu tròn, có các trò xiếc người, xiếc động vật. Dựa vào điển tích “Con rồng cháu tiên”, ông Phạm Xuân Trang chủ gánh xiếc này đã đặt tên cho gánh xiếc của mình là Long Tiên.

 Xiếc Việt Nam đang trên đà phát triển thì gặp chiến tranh Đông Dương, đất nước ta cũng bị tàn phá, đồng bào ta bị bóc lột nặng nề hơn. Thế là tất cả gánh xiếc lớn nhỏ lần lượt tan rã.

                         Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, dân tộc Việt Nam bước

sang một thời kỳ mới – thời kỳ đất nước hoàn toàn độc lập. Việt Nam tiếp tục lao vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Hồi ấy, hầu hết các thành phố lớn và rất nhiều vùng làng mạc bị chúng chiếm đóng. Tuy vậy vẫn có một số gánh xiếc mới lập hoặc tái lập như: xiếc Vũ Đài Thủ Đô Anh Dũng, xiếc Thăng Long, xiếc Hoa Hồng Đỏ… Các gánh xiếc này hoạt động chủ yếu ở Hà Nội và một số vùng tạm chiến khác. Ngoài ra, còn một vài gánh xiếc hoạt động ở vùng tự do như: Thanh Hoá, Nghệ An. Nói chung các gánh xiếc đó không phát triển được thêm trò mới. Do vậy, có gánh xiếc mới lập đã phải giải tán luôn.

 Kế thừa vốn xiếc dân gian cổ truyền và xiếc trước cách mạng tháng Tám, xiếc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hình thành vào những năm mở đầu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1956). Thời kỳ này, sau một thời gian xiếc phát triển, bảy môn loại xiếc Việt Nam đã định hình:

1-   Thăng bằng

2-   Mềm dẻo

3-   Nhào lộn

4-   Trò khéo

5-   Ảo thuật

6-   Hề xiếc

7-   Xiếc động vật, luyện thú, dạy thú

 Bẩy môn loại này, gồm trên dưới 30 thể loại tiết mục. Riêng môn loại thăng bằng, đã có 7 thể loại tiết mục. Như vậy, xiếc Việt Nam đã phát triển ở mức đa dạng và phong phú.

 Ngày 16-1-1956, đoàn xiếc nhân dân Trung ương được thành lập. Hai năm sau, đoàn xiếc thú của ông Tạ Duy Hiển (tái lập năm 1957) cũng xin gia nhập xiếc Trung ương. Vậy là sau 30 năm, loại hình sân khấu này lại xuất hiện trên đất Hà Nội.

 Đầu năm 1964, nhất là từ năm 1966 trở đi xiếc Việt Nam đã có quan hệ giao lưu với xiếc quốc tế, sau các chuyến đi biểu diễn dài ngày ở nước ngoài, xiếc Trung ương đã vận dụng những kinh nghiệm xây dựng xiếc của các nước bạn bè vào việc nâng cao hầu hết các tiết mục xiếc hiện có hồi đó và xây dựng thêm một số tiết mục mới theo hướng hiện đại

 Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, trước nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật xiếc của nhân dân hai miền Nam Bắc, xiếc Việt Nam phát triển rất nhanh cả về nghệ thuật và tổ chức. Chỉ trong khoảng 8 năm (1975 – 1983), ngoài đoàn xiếc Nhân dân Trung ương ra đã tăng thêm 9 đoàn chuyên nghiệp nữa (5 đoàn xiếc nhà nước và 4 đoàn xiếc tư nhân) của 6 tỉnh thành: Hà Nội, Hải Hưng, Gia Lai-Kon Tum (cũ), Đồng Nai, Long An và thành phố Hồ Chí Minh (chưa kể hàng chục đoàn xiếc môtô bay và xiếc người bay). Đây là thời kỳ hưng thịnh vàng son nhất của bộ môn xiếc Việt Nam. Để đánh dấu bước phát triển mới của bộ môn nghệ thuật xiếc hồi đó chính là sự kiến Liên hoan xiếc toàn quốc lần thứ I (19-5-1980). Một phát triển mới đáng ghi nhận vào lịch sử xiếc Việt Nam XHCN sau hơn 40 năm xây dựng đó là Liên hoan xiếc quốc tế lần thứ nhất tại Hà Nội, diễn ra vào trung tuần tháng 11-1997.

 Từ đó cho đến nay nghệ thuật xiếc Việt Nam cũng có những bước phát triển nhất định nhưng chưa dài và chưa có những thành tựu đáng kể, các đoàn xiếc cả quốc doanh lẫn tư nhân vẫn gặp rất nhiều khó khăn về nhiều mặt. Có thể nói sau một chặng đường dài lịch sử, trò xiếc của ta phát triển không nhiều, mặc dù xiếc cổ truyền xuất hiện sớm hơn các trò diễn khác như: Múa rối, Tuồng, Chèo nhưng xiếc phát triển không theo diễn tiến bình thường như các bộ môn nghệ thuật nói trên mà có giai đoạn chững lại, không phát triển hoặc phát triển rất chậm.

 

1.2. ĐẶC TRƯNG VÀ CÁC LOẠI HÌNH XIẾC 

1.2.1. Đặc trưng của nghệ thuật xiếc

 Nằm trong kho tàng nghệ thuật biểu diễn, xiếc là một loại hình nghệ thuật sâu khấu, chính vì vậy xiếc có những đặc trưng cơ bản của nghệ thuật sân khấu:

-            Xiếc cũng lấy nghệ thuật diễn viên, lấy con người diễn viên làm trung tâm. Lấy cơ thể diễn viên làm chất liệu, phương tiện thể hiện. Có thể có xiếc thú nhưng vẫn phải có người điều khiển.

-            Xiếc là nghệ thuật tại chỗ, tại lúc, là nghệ thuật mà quá trình sáng tạo đồng nhất cả về không gian và thời gian với quá trình phương thức tiếp nhận chúng ta chỉ có thể tiếp xúc với tác phẩm xiếc khi nó đang trình diễn trước mắt với sự biểu hiện của nghệ sỹ xiếc - con người diễn viên bằng xương bằng thịt (nếu thưởng thức xiếc qua màn ảnh ti vi hoặc điện ảnh thì đó lại là xiếc trong nghệ thuật ti vi hoặc điện ảnh rồi).

-            Xiếc là nghệ thuật tổng hợp bao gồm nhiều ngành nghệ thuật phụ trợ như âm nhạc, hội hoạ, phục trang, hoá trang, tiếng động, ánh sáng v.v… mà nghệ thuật diễn viên là trung tâm. Diễn viên xiếc chính là những người nắm giữ thế chủ đạo trên sân khấu xiếc. Chính bởi xiếc là nghệ thuật tổng hợp nên nó là sự kết hợp giữa nghệ thuật không gian và nghệ thuật thời gian, hay có thể nói xiếc là nghệ thuật nghe nhìn.

-            Xiếc là nghệ thuật tập thể với sự tham gia đồng sáng tạo của nhiều thành viên, nhiều loại hình nghệ sỹ như tác giả, đạo diễn, hoạ sỹ, nhạc sỹ… mà nghệ sỹ diễn viên đóng vai trò trung tâm.

-            Xiếc có khán giả là người đồng sáng tạo, là người vừa tiếp nhận, vừa thưởng thức nghệ thuật đồng thời là người có mối giao lưu trực tiếp với sự sáng tạo xiếc, hơn nữa là người phán xử tại chỗ, tại lúc sự sáng tạo nghệ thuật xiếc.

Bên cạnh đó xiếc còn là một loại hình sân khấu đặc biệt:

-            Yếu tố đầu tiên đó là yếu tố kịch trong xiếc mà thể hiện trong các trò. Trò diễn là một trong những đặc điểm nổi bật của nghệ thuật xiếc. 

-            Xiếc là nghệ thuật diễn viên, nghệ thuật biểu diễn nhưng chủ yếu là biểu diễn kỹ thuật, kỹ xảo, xảo thuật trong trò diễn chứ không biểu diễn cuộc đời con người. Nhìn chung người diễn viên không phải đóng kịch trên sàn diễn trừ một số tiết mục đặc biệt.

-            Xiếc là nghệ thuật tập thể nhưng là một tập thể đặc biệt. Chẳng hạn tổng hợp giữa người và thú, và đương nhiên là con thú thật được đưa lên sàn diễn. Chỉ có nghệ thuật điện ảnh và nghệ thuật xiếc là dám làm cho người và thú biểu diễn cùng nhau. Song ở điện ảnh biểu diễn đó không có người xem trực tiếp nghĩa là không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người xem và diễn viên thú.

-            Xiếc là nghệ thuật diễn viên, nhưng người diễn viên ở đây luôn trong trạng thái nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng hoặc gây những tai nạn thật.

Ngoài những biểu hiện trên đây của nghệ thuật xiếc - là những cái mà con người rất dễ nhận ra, nghệ thuật xiếc còn có những đặc trưng rất riêng  của nó:

* Xiếc là nghệ thuật giàu tính quần chúng

 Từ thời cổ đại, ở Hy Lạp, La Mã đã tồn tại các gánh xiếc, các đoàn xiếc rong biểu diễn phục vụ nhân dân lao động ở nông thôn, ở các đô thị. Xiếc diễn trên quảng trường, trên đường phố, hè phố, xiếc đổ về các trung tâm lớn và xiếc có diễn dàn phục vụ hàng vạn người (ở La Mã có diễn xiếc phục vụ tới 50.000 người)

Xiếc có một khối lượng khán giả rất lớn, thuộc tất cả các tầng lớp, các lứa tuổi. Đó là một đặc trưng rất quan trọng của nghệ thuật xiếc.

Tính quần chúng của xiếc thể hiện ở tính phổ cập, dễ hiểu của xiếc. Xem xiếc ai cũng có thể hiểu được, nếu không hiểu hết thì cũng hiểu đến mức xem được, tiếp nhận được và bị cuốn hút. Ngôn ngữ miêu tả, chất liệu diễn tả và hình tượng mà xiếc thể hiện chính bản thân, cơ thể, hình thể diễn viên, bằng những động tác của hình thể diễn viên mà ta có thể theo dõi được, nhìn được, xem được và hiểu ngay tại chỗ.

 Tính quần chúng của xiếc thể hiện ở đề tài, ở đối tượng diễn tả của xiếc: Nhìn vào các tác phẩm, các tiết mục xiếc thì thấy đa số hoặc cũng có thể nói là hầu hết (trừ một số loại hình xiếc đặc biệt) đều lấy đề tài, lấy đối tượng diễn tả… từ những sự việc, những hành động, những hành vi gần gũi với đời sống hàng ngày của con người. Ví dụ như: Tung hứng, uốn dẻo, đế kiếm…

Tính quần chúng của xiếc thể hiện ở chủ đề tác phẩm xiếc. Nói chủ đề ở đây là nói cái điều ẩn dấu trong sự diễn tả của xiếc, một cách khác, qua sự diễn tả ấy, xiếc muốn nói gì, nhắn nhủ gì người xem, hoặc cao hơn muốn nêu một tư tưởng gì, một triết lý gì. Với xiếc, chủ đề thường gắn liền với đề tài. Nó được bộc lộ hồn nhiên và đầy thuyết phục qua tất cả những điều mà nó diễn ra trước mắt chúng ta. Tất nhiên ta không phủ nhận rằng có những tác phẩm xiếc, đặc biệt là kịch xiếc ẩn dấu những chủ đề đầy tính xã hội rộng lớn và tính triết học sâu sắc. Song nhìn chung, chủ đề của xiếc thật giản dị, dễ hiểu và dễ đồng cảm.

*  Xiếc là nghệ thuật hình thể 

Nghệ thuật hình thể như xiếc được sinh ra chính là vì yêu cầu diễn tả cái đẹp của thân xác, của cơ thể con người mà ưu tiên là của cơ thể phái đẹp. Có điều, đó không phải là sự diễn tả gián tiếp, tức diễn tả bằng các chất liệu khác như ở hội họa (màu sắc, đường nét, bột, sơn…) mà bằng chính thân xác cơ thể con người. Tóm lại là sự diễn tả cái đẹp của thân xác, cơ thể con người một cách trực tiếp. Do đó xiếc là nghệ thuật của cái đẹp trực tiếp, sinh động và cực kỳ hấp dẫn.

Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, xiếc chẳng những diễn tả cái đẹp của con người mà còn phát hiện cái đẹp đó, với xiếc đặc biệt là với những tiết mục giầu chất hình thể của xiếc như: Nhào lộn, uốn dẻo, đu bay, lắc vòng… con người càng đẹp hơn. Cái đẹp ở đây được phát hiện và diễn tả trong nhiều tư thế đầy ngoạn mục, cái đẹp ở đây còn kết hợp hài hoà với cái khoẻ, cái nhanh, cái tài, cái giỏi.

Tất cả các tiết mục xiếc có hiệu quả tạo nên do sự diễn tả cái đẹp của thân xác con người thì đều cho ta một sự tiếp nhận về cái đẹp hài hoà giữa thân xác và tâm hồn, giữa vật chất và tinh thần con người. Ví dụ: tiết mục uốn dẻo, đu bay không chỉ là cái đẹp của cơ thể, tay chân, thân hình mà còn là cái đẹp của lòng quả cảm, của trí minh mẫn, của sự nhanh nhẹn và chính xác, nhạy cảm và tóm lại của tài năng, trí tuệ con người.

*  Xiếc là nghệ thuật của khát vọng con người

 Nghệ thuật xiếc luôn thể hiện những khát vọng lớn lao của con người và diễn tả trực tiếp những khát vọng đó trên sàn diễn của mình.

Trước hết đó là khát vọng thực hiện những điều kỳ diệu, những điều bí ẩn tưởng như không thể thực hiện được. Xiếc là một trong những loại hình nghệ thuật hiếm hoi hay đúng hơn là loại hình nghệ thuật duy nhất diễn tả khả năng vô tận của con người trong việc thực hiện những khát vọng tưởng như viển vông, hoang đường của mình. Chẳng hạn như những tiết mục nhào lộn, đu bay nó thể hiện khát vọng được bay vào khoảng không của con người… Rồi đến khát vọng trở thành chúa tể của muôn loài. Với xiếc con người thực sự trở nên siêu đẳng đứng cao hơn tất cả những động vật khác, kể cả những thú dữ như hổ, báo, sư tử…

Và hơn cả nghệ thuật xiếc thể hiện khát vọng chinh phục chính mình hay nói một cách khác là làm chủ chính mình. Xiếc là nghệ thuật trong đó con người luôn luôn phải ở tư thế làm chủ bản thân mình. Bởi vì xiếc tức là sự mấp mé giữa còn và mất. Trong nghệ thuật xiếc có những điểm tựa thật mong manh, bé nhỏ đến rợn người - nó có thể chỉ là một đầu lưỡi kiếm (đế kiếm), một chiếc ván bập bênh trên con lăn (con lăn), một sợi dây căng trên không (đi dây)… Đó là nói cái điểm tựa vật lý. Với xiếc nhiều khi con người mất hẳn điểm tựa vật lý, bay bổng trên không (đu bay)…

Do đó bất cứ nghệ sỹ xiếc nào cũng phải luôn luôn tạo cho mình một điểm tựa tâm lý vững chắc. Điểm tựa ấy không thể tìm đâu ra ngoài bản thân mình. Với các nghệ thuật khác, mất điểm tựa tâm lý có thể mất hiệu quả diễn xuất, còn đối với nghệ thuật xiếc, mất điểm tựa tâm lý có thể mất mạng. Xiếc do đó là nghệ thuật của khát vọng con người làm chủ bản thân mình trong những tình huống nguy hiểm nhất.

* Xiếc là nghệ thuật của chủ nghĩa nhân đạo

Xiếc là nghệ thuật về cái đẹp của con người, cái đẹp hình thể và cái đẹp của tâm hồn. Xiếc chẳng những diễn tả cái đẹp đó mà còn phát hiện ra cái đẹp đó. Xiếc là nghệ thuật của khát vọng con người và thực hiện khát vọng đó. Một trong những khát vọng đó là sự nhận thức vũ trụ, chinh phục vũ trụ, nhận thức bản thân mình và làm chủ bản thân mình. Xiếc là nghệ thuật của lòng quả cảm, của trí thông minh của tài năng và khôn khéo. Xiếc là tài nghệ của đôi bàn tay, đôi chân, của đôi vai, cơ bắp, của tất cả các bộ phận trên cơ thể con người. Xiếc là nghệ thuật của đôi mắt, của tâm hồn con người…

Xiếc nhìn chung chỉ nói về những bản chất tốt đẹp, đặc biệt là những khả năng vô tận của con người, những khả năng chính của con người mà làm con người phải ngạc nhiên. Xiếc nhìn chung không diễn tả những cái phi nhân bản, những cái ác, cái xấu không phải là đối tượng của xiếc.

Với xiếc các loài thú đã được thuần hoá và cao hơn là đã người hoá. Xiếc chẳng những thuần hoá các loài thú mà còn phát hiện ở chúng những khả năng phi thường. Người nghệ sỹ xiếc thú đã phát hiện ra những khả năng đó và làm cho khả năng đó trở thành hiện thực. 

 Như vậy có thể thấy xiếc là nghệ thuật đầy nội dung nhân bản, là nghệ thuật của chủ nghĩa nhân đạo.

* Xiếc là nghệ thuật của nghịch thường

Đây có thể nói là đặc trưng đáng chú ý nhất của xiếc. Nếu trong xiếc không có tính nghịch thường, thiếu tính nghịch thường, hoặc tính nghịch thường ấy không đủ độ thì xiếc sẽ thiếu đi sự hấp dẫn riêng của nó và sẽ không còn là xiếc nữa.

Xiếc là nghệ thuật của cái không bình thường, thậm chí kỳ lạ, bí ẩn đến kỳ diệu. Về phương diện diễn tả thì xiếc rất gần gũi, rất bình thường đối với cuộc sống. Song cung cách diễn tả của xiếc và hiệu quả diễn tả của xiếc thì lại không bình thường chút nào, mà trái lại, xiếc đã làm được, thực hiện được những điều nghịch thường trong những cái bình thường. Ta có thế thấy được rất rõ những điều này qua những tiết mục xiếc như “đi trên dây”, “thang lắc”, “uốn dẻo”… Và đặc biệt là với xiếc thú, các loài thú dữ chẳng những được thuần hoá, được dạy bảo và hành động theo sự điều khiển, chỉ huy của con người, mà còn thực hiện được những động tác, những việc làm đến nỗi con người cũng có thể kinh ngạc, khâm phục.

Trong bài “Bàn về đặc trưng của xiếc” tại Tạp chí Sân khấu số 66 đã viết: “Ở xiếc tính nghịch thường là đặc trưng bản chất và là dấu hiệu chủ yếu để phân biệt xiếc với các loại hình kế cận hoặc các hình thức hoạt động như thể dục thể thao. Chẳng han, xưa nay ai cũng sợ hổ, sợ sư tử. Nhưng ngược lại, trái với lẽ thường tình đó, ở xiếc thì hổ và sư tử lại sợ người, lại chịu sự chỉ huy, điều khiển của người. Ở các tiết mục ảo thuật ta cũng thấy nổi bật tính nghịch thường này…Tạp kỹ cũng vậy. Con người bình thường phải đi bằng hai chân, nhưng nghệ sỹ xiếc lại đi bằng hai tay mà không chỉ đi trên mặt đất 1 mình mà còn leo chèo lên những bậc thang chênh vênh, gồng gánh trên mình một hai người khác… Có thể khẳng định rằng không một tiết mục xiếc nào có thể gọi là xiếc nếu không được dựng trên tính nghịch thường”.

        [tạp chí sân khấu 2001 2007]        

1.2.2. Các loại hình xiếc

 Hệ thống loại hình của xiếc rất phong phú và đa dạng. Việc phân chia loại hình ở đây chỉ có ý nghĩa tương đối. Chẳng hạn có thể phân chia xiếc theo 2 loại hình lớn là: Xiếc người và xiếc thú. Đương nhiên không thể phân biệt một cách rạch ròi hai loại hình này, bởi có những tiết mục tổng hợp xiếc người và xiếc thú.

Cũng có thể phân chia theo một tiêu chuẩn khác, chẳng hạn có thể phân chia theo 3 loại hình chính: 

-  Xiếc hề

-  Xiếc tạp kỹ ( thăng bằng, nhào lộn, trò khéo, mềm dẻo)

-  Xiếc ảo thuật

Cũng có thể có một cách phân chia khác, đó là dựa vào địa điểm biểu diễn xiếc đồng thời theo cả tính chất của tiết mục xiếc:

-  Xiếc hè phố

-  Xiếc quảng trường

-  Xiếc có rạp

-  Xiếc dưới nước

-  Xiếc trên băng

-  Xiếc trên sân vận động

Trên đây là một số cách phân loại các loại hình xiếc, tất cả các cách phân loại trên đều chỉ mang tính tương đối. Tất nhiên là còn có thể phân chia xiếc theo các loại hình khác theo những tiêu chuẩn khác. Nhưng vấn đề còn ở

thực tiễn sáng tạo và biểu diễn xiếc.

1.2.3. Các nghệ thuật phụ trợ cho xiếc

 Mỗi loại hình nghệ thuật bao giờ cũng chứa đựng trong nó những khả năng biểu cảm độc đáo mang tính đặc thù của loại hình nghệ thuật đó. Song sự giao lưu giữa các loại hình nghệ thuật vốn không bao giờ làm giảm đi những thế mạnh của một loại hình nghệ thuật, mà thường làm tăng thêm khả năng biểu cảm, có khả năng tạo dựng thêm những giá trị mới của hình tượng nghệ thuật. Như chúng ta đã biết, xiếc là nghệ thuật tổng hợp chính vì vậy tham gia vào quá trình sáng tạo xiếc có nhiều nghệ thuật khác như nghệ thuật văn chương (văn học), nghệ thuật diễn xuất (gồm cả nghệ thuật đạo diễn), nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật âm nhạc… Những loại hình nghệ thuật này còn gọi là phụ trợ nhưng thực ra không chỉ tham gia vào quá trình sáng tạo xiếc như những yếu tố phụ trợ mà chính là những yếu tố cấu thành giao hoà nhuần nhuyễn vào xiếc, tạo nên hiệu quả nghệ thuật xiếc. 

Các loại hình nghệ thuật phụ trợ tham gia vào quá trình sáng tạo xiếc như: Nghệ thuật văn chương, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật âm nhạc.

-            Nghệ thuật văn chương: Tham gia vào khâu sáng tạo kịch bản cho các tiết mục xiếc, kể cả các trò diễn, các hoạt cảnh và kịch xiếc. Dù ở cấp độ nào thì cũng phải lấy văn chương làm chất liệu, phương tiện để thể hiện. Ngoài ra nghệ thuật văn chương còn tham gia vào quá trình sáng tạo và tiếp nhận xiếc trong những lời giới thiệu, lời dẫn giải, lời bình luận… về các tiết mục xiếc.

-            Nghệ thuật tạo hình: Loại hình nghệ thuật này tham gia vào xiếc không nhiều ở phương diện trang trí phông màn, cảnh… thì nói chung xiếc không sử dụng hoặc có sử dụng chỉ là những trường hợp đặc biệt bởi vì sân khấu xiếc thường là sân khấu tròn, sân khấu vòm… không phông màn. Ở một cấp độ khác, đây là yếu tố quan trọng, nghệ thuật tạo hình tham gia vào quá trình sáng tạo và tiếp nhận xiếc như là một yếu tố của nghệ thuật hình thể trong xiếc, nghĩa là yếu tố tạo nên những hình thể đẹp với nhiều tư thế khác nhau trong xiếc. Xiếc đứng về một góc độ nào đó chính là nghệ thuật tạo hình trong không gian với nhiều tư thế khác nhau, nhưng là tạo hình bằng chính cơ thể con người.

-            Nghệ thuật âm nhạc: Âm nhạc là loại hình nghệ thuật dùng âm thanh làm phương tiện biểu hiện hình tượng nghệ thuật. Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, âm nhạc không chỉ tồn tại như một loại hình nghệ thuật độc lập mà âm nhạc trong nhiều trường hợp còn là một thành tố gần như không thể thiếu được của các loại hình nghệ thuật khác như múa, xiếc. Âm nhạc tham gia như là yếu tố trang trí cho xiếc, làm cho xiếc rộn rã, hấp dẫn hơn. Ngoài ra âm nhạc còn hỗ trợ diễn xuất của xiếc như tạo đà, tạo nhịp, tạo tâm lý nhập cuộc cho diễn viên xiếc. Âm nhạc còn tham gia là yếu tố ngôn ngữ như là một phương tiện để diễn tả nội dung xiếc. Có thể nói với xiếc, âm nhạc là một bộ phận cấu thành cực kỳ quan trọng góp phần tạo nên hiệu quả nghệ thuật của xiếc. Xiếc vui nhộn, rộn rã, hồi hộp hay cuốn hút… tất cả những hiệu quả đó được tạo nên một phần là nhờ có âm nhạc. Cho nên đã hình thành hẳn một loại hình âm nhạc cho xiếc, gọi là nhạc xiếc.

Ngoài ra còn có một số bộ môn khác tham gia vào quá trình sáng tạo xiếc và tiếp nhận xiếc, đó có thể là các bộ môn nghệ thuật hoặc khoa học kỹ thuật như ánh sáng, tiếng động, khói lửa… Riêng ở xiếc, các bộ môn khoa học như tâm lý học, cơ thể học (còn gọi là giải phẫu học), vật lý học, hóa học thậm chí cả thôi miên, thần giao cách cảm, điện tử, vi tính là những khoa học hiện đại nhiều khi có vai trò rất lớn góp phần sáng tạo nên những tiết mục xiếc đặc sắc và góp phần tạo nên hiệu quả cao trong sự thưởng thức tiếp nhận của khán giả.


1.3. GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ LIÊN ĐOÀN XIẾC VIỆT NAM

1.3.1. Lịch sử hình thành và phát triển của Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh

              Đoàn Xiếc Tp.Hồ Chí Minh được thành lập vào năm 1986, là đơn vị hạch toán kinh tế đầy đủ, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được cấp vốn, vay vốn và mở Tài khoản ở Ngân hàng theo quy định. Đoàn xiếc Thành phố là đơn vị sáng tác, xây dựng và biểu diễn các loại tiết mục xiếc mang tính nghệ thuật, hiện đại, dân tộc, phục vụ yêu cầu chính trị và văn hóa thành phố.

Vào năm 2013, theo quyết định của UBND Tp.Hồ Chí Minh Đoàn xiếc Thành phố và đoàn nghệ thuật múa rối Thành phố sát nhập thành nhà hát Phương Nam với các chức năng, nhiệm vụ như sau :

Hoàn thành nhiệm vụ chính trị do Sở giao, biểu diễn xiếc và múa rối phục vụ vùng sâu, vùng xa, khu du lịch, phục vụ khách nước ngoài,chú trọng đào tạo đội ngũ diễn viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị.

- Tổ chức các chương trình biểu diễn xiếc, múa rối và nghệ thuật tổng hợp đáp ứng yêu cầu thưởng thức của nhân dân, phục vụ các yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của thành phố, thực hiện chủ trương, kế hoạch do Sở Văn hóa và Thể thao giao;

- Tổ chức biểu diễn phục vụ văn hóa đối ngoại, giao lưu văn hóa, phục vụ khách du lịch, phục vụ kiều bào ở nước ngoài và biểu diễn doanh thu ở nước ngoài;

- Tổ chức các dịch vụ theo đúng quy định pháp luật tạo nguồn thu phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị;

- Bảo tồn và phát triển nghệ thuật xiếc và nghệ thuật múa rối; xây dựng và hỗ trợ phong trào lực lượng xiếc, múa rối tại thành phố qua đó phát hiện, bồi dưỡng và phát huy những tài năng bổ sung vào đội ngũ Nhà hát; thực hiện các mô hình mẫu về loại hình xiếc, múa rối đồng thời kết hợp xiếc, múa rối với các loại hình nghệ thuật khác như ca, múa, nhạc, kịch, điện ảnh… để xây dựng các chương trình nghệ thuật phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân, giao lưu trong nước và ngoài nước theo định hướng dân tộc - hiện đại;

- Tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm với các đơn vị nghệ thuật, các tổ chức văn hóa trong nước và ngoài nước;

- Tổ chức hội thảo, nghiên cứu nghệ thuật, kỹ thuật liên quan đến loại hình xiếc, múa rối; tập hợp lực lượng tác giả, đạo diễn, họa sĩ, diễn viên và các thành phần sáng tạo khác nhằm nâng cao chất lượng chương trình biểu diễn;

- Tổ chức đào tạo trong và ngoài nước, mời các chuyên gia nước ngoài tập huấn, dàn dựng tiết mục, chương trình biểu diễn về loại hình xiếc, múa rối và các loại hình nghệ thuật tổng hợp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân thành phố và cả nước;

- Tổ chức liên kết, hợp tác với các thành phần kinh tế khác để đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực nghệ thuật;

- Quản lý tổ chức nhân sự, tài chính, tài sản, sử dụng và khai thác cơ sở vật chất của đơn vị theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám Đốc Sở Văn hóa và Thể thao giao.

               1.3.2. Cơ cấu tổ chức

Đoàn Xiếc Tp.Hồ Chí Minh đã phát triển với một cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh, bao gồm:  

*  Ban giám đốc: Gồm 1 giám đốc và 2 phó giám đốc 

*  9 đầu mối trực thuộc Ban giám đốc gồm:

1.  Phòng Tổ chức biểu diễn 

2.  Phòng Tổ chức -  Hành chính

3.  Phòng Tài vụ vật tư

4.  Ban Quản lý rạp xiếc 

Tổng số lượng Viên chức và người lao động của Nhà hát gồm có:

- Viên chức: 56 người

- NĐ 68 + 161: 05 người

- Trong quỹ lương: 04 người

- Hợp đồng lao động: 22 người

- Hợp đồng khoán việc: 10 người

- NSƯT: 07 người

Tiểu kết chương 1

 Xiếc là một trong những loại hình nghệ thuật ra đời sớm nhất trong lĩnh vực hoạt động tâm thức của con người. Xiếc là một loại hình nghệ thuật mang tính dân tộc và tính quốc tế, có truyền thống phát triển từ dân gian đến đương đại trong mỗi quốc gia, dân tộc. Căn cứ vào một số tài liệu và sách cổ, giả thiết của các nhà nghiên cứu thì chúng ta có thể cho rằng nghệ thuật xiếc đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu trước đó và vào khoảng giữa thế kỷ thứ X thì đã có những bước phát triển vượt bậc và được sử sách ghi chép lại. Nằm trong kho tàng nghệ thuật biểu diễn, xiếc là một loại hình nghệ thuật sâu khấu, chính vì vậy xiếc có những đặc trưng cơ bản của nghệ thuật sân khấu. Bên cạnh đó xiếc còn là một loại hình sân khấu đặc biệt và có những đặc trưng riêng của mình.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam được thành lập từ năm 1956. Cho đến nay, trải qua 55 năm hình thành và phát triển cùng với bao giai đoạn thay đổi của lịch sử đất nước, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã đáp ứng đúng yêu cầu của sự phát triển nghệ thuật xiếc trong tình hình đất nước thống nhất. Bằng những hoạt động của mình, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển nghệ thuật xiếc dân tộc. Đến nay, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã phát triển với một cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh, xứng đáng là cánh chim đầu đàn trong ngành xiếc của Việt Nam.

 

 

 


Chương 2

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG BIỂU DIỄN CỦA

ĐOÀN XIẾC TP.HỒ CHÍ MINH

 

2.1. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG BIỂU DIỄN XIẾC CỦA LIÊN ĐOÀN

XIẾC VIỆT NAM ĐOÀN XIẾC TP.HỒ CHÍ MINH (2005 - 2010)

2.1.1. Khái quát về hoạt động biểu diễn xiếc trong nước hiện nay:

Xiếc là loại hình nghệ thuật đặc thù nhưng có tính cộng đồng cao, đối tượng phục vụ là đông đảo loại hình khán giả, không phân biệt lứa tuổi, trình độ, giới tính và biên giới. Chính vì đặc thù như vậy nên không phải địa phương nào cũng có đoàn nghệ thuật xiếc. Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn thì hiện nay có mấy loại hình thiết chế hoạt động biểu diễn xiếc như sau:

-                       Các đoàn xiếc chuyên nghiệp do Nhà nước quản lý : 

  Liên đoàn Xiếc Việt Nam trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý.

-                       Các đoàn xiếc do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố quản lý:

+ Đoàn xiếc thành phố Hà Nội

+ Đoàn xiếc thành phố Hồ Chí Minh 

+ Đoàn xiếc Nhân dân tỉnh Long An

-                       Các đoàn xiếc tư nhân được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan Nhà nước đỡ đầu theo hình thức xã hội hóa :

-                       Tỉnh Hải Dương có 7 đoàn đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Trước là Sở Văn hoá –Thông tin) công nhận. 

-                       Đoàn xiếc Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng

-                       Đoàn xiếc Ngọc Viên thành phố Hồ Chí Minh

-                       Đoàn xiếc Vĩnh Phúc

-                       Nhà văn hóa thiếu nhi Tỉnh Đoàn Tây Ninh

-                       Câu lạc bộ Ảo thuật thuộc Hội nghệ sĩ sân khấu thành phố Hồ Chí Minh.  

-                       Các chương trình ca múa nhạc tổng hợp của một số đoàn trong đó có xiếc tham gia biểu diễn:

+ Đoàn Ca múa Đam San   

+ Đoàn Ca múa xiếc Thuận Hải 

+ Đoàn Ca nhạc tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh

Về cơ sở vật chất, các phương tiện phục vụ và tổ chức biểu diễn hiện nay cả nước có 3 rạp riêng cho ngành xiếc. Đó là:

+ Rạp xiếc Trung ương xây dựng hiện đại nằm trong công viên Lê Nin thủ đô Hà Nội với 1.500 ghế cho khán giả. 

+ Rạp xiếc bằng vải bạt tròn lưu động có sức chứa 1500 khán giả của

Liên đoàn Xiếc Việt Nam

+ Rạp xiếc bằng vải bạt tròn lưu động của tỉnh Long An với 1.000 ghế. 

+ Rạp xiếc vải bạt tròn lưu động của Đoàn Xiếc thành phố Hồ Chí Minh với 1.000 ghế cho khán giả. 

Cùng đi theo với 3 rạp xiếc lớn đó gồm các phương tiện như ôtô, âm thanh, ánh sáng, máy phát điện, dụng cụ, đạo cụ, thú và khu vực nuôi giữ thú, đội ngũ công nhân dựng hạ, tu bổ rạp, công nhân nuôi thú, hậu đài v.v... phục vụ cho biểu diễn. 

Có thể thấy sự không cân đối về mặt phân bố các đoàn xiếc quốc doanh và ngoài quốc doanh không được đồng đều. Hầu hết các đoàn xiếc chỉ tập trung tại hai miền Nam và miền Bắc. Người dân ở các tỉnh miền Trung ít có điều kiện theo dõi trực tiếp các tiết mục xiếc biểu diễn.

Rạp Xiếc Trung ương tại công viên Lê Nin do Liên đoàn xiếc Việt Nam quản lý. Rạp cố định công tác biểu diễn gần như cả năm. Rạp bạt di động của Liên đoàn cùng với hai rạp vải bạt của 2 tỉnh Long An và thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu phục vụ lưu động trong tỉnh và thành phố. Ngoài ra còn đi phục vụ lưu động khắp các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ vào những tháng mùa khô. 

Những đoàn xiếc nói trên chủ yếu diễn ở các tỉnh thành phố lớn. Vì rạp lớn không vận chuyển về vùng sâu vùng xa được, hơn nữa dụng cụ cồng kềnh đòi hỏi không gian và phạm vi biểu diễn lớn, chi phí cho biểu diễn tốn kém nên không thể đi các vùng hẻo lánh hoặc nông thôn. 

Các đoàn xiếc tư nhân hoạt động tự lập, đầu tư vốn mua sắm trang thiết bị ô tô, sân khấu, dụng cụ, tuyển dụng diễn viên, tự đào tạo, thuê đào tạo có một phần hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Công tác biểu diễn thường đi các vùng sâu, vùng xa, đến các vùng dân tộc ít người, những nơi mà các đoàn xiếc Nhà nước chưa đến được. Hình thức biểu diễn có kết hợp ca nhạc tổng hợp. Hình thức này có mặt ưu là phục vụ sâu rộng nhân dân nhưng bị hạn chế bởi nghệ thuật nghiệp dư, sơ sài, trang thiết bị cũ kỹ không đảm bảo an toàn cho diễn viên và khán giả. 

Các đoàn Ca múa xiếc tổng hợp, đa số trang thiết bị gọn nhẹ không phức tạp chủ yếu là các tiết mục xiếc ảo thuật, hài, hình tượng, trò khéo v.v... Hình thức tổng hợp này cũng hấp dẫn khán giả. 

Ngoài các đoàn xiếc nói trên còn có một tổ chức đào tạo để cung cấp diễn viên và tiết mục cho các đoàn xiếc trong cả nước. Đó là trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã tồn tại từ năm 1961 trở lại đây, trường đã cung cấp hầu hết các tiết mục và diễn viên đảm bảo cho việc biểu diễn của các đoàn chuyên nghiệp Nhà nước. 

Trong những năm qua, cơ chế thị trường có nhiều sự thay đổi rõ rệt, những tác động của thời kỳ hội nhập đã mở ra cho ngành xiếc Việt Nam rất nhiều cơ hội để có thể phát triển. Tuy nhiên, có những thuận lợi như vậy nhưng nghệ thuật xiếc cũng gặp không ít những thử thách và khó khăn. Đó là tính cạnh trang gay gắt với nhiều loại hình giải trí khác, nhiều loại hình vui chơi gắn liền với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã làm cho người dân ngày càng có nhiều lựa chọn theo nhu cầu và xu thế chung của cộng đồng.

Như vậy có thể thấy rằng, dưới tác động của thị trường và sự phát triển của kinh tế xã hội, cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật khác như băng đĩa nhạc, truyền hình và các loại hình nghệ thuật giải trí khác, nghệ thuật xiếc cũng như các bộ môn nghệ thuật biểu diễn khác đều vất vả tìm kiếm hướng đi cho mình trên con đường mà xã hội đang vận động đó là cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường như một hoàn cảnh đặc biệt thách thức tinh thần, nghị lực, tài năng của các nghệ sỹ xiếc Việt Nam. Trong bối cảnh như vậy, một loạt mô hình hoạt động mới ra đời như xiếc Nhà nước, xiếc tập thể, xiếc gia đình, xiếc tư nhân… làm cho xiếc trở thành một “sân chơi” thú vị, hữu ích và tạo sức hút lôi cuốn khán giả. Nhờ có các mô hình ấy mà hàng loạt các tiết mục mới đã ra lò như: Ngựa phi, đu đôi, đu thuyền, đu quay, dây dọc, patanh, đế trụ… đã được đông đảo khán giả trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt các đơn vị như: Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đoàn Xiếc Hà Nội, đoàn Xiếc Long An, đoàn Xiếc thành phố Hồ Chí Minh… Hơn nữa, chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa của Nhà nước như là một động lực thúc đẩy tất cả các đơn vị nghệ thuật chủ động trong hoạt động của mình. Như vậy có thể khẳng định, xiếc Việt Nam trong cơ chế thị trường không những không chững lại mà còn chuyển hóa sang hình thức hoạt động mới, có hiệu quả, với những giá trị sáng tạo mới để phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Những thành quả đó đã đóng góp rất lớn vào sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa mà Đảng và Nhà nước đã đề ra đối với các hoạt động văn hóa.

2.1.2. Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh với khán giả trong nước

2.1.2.1. Hoạt động biểu diễn tại Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh

Nghệ thuật xiếc là loại hình nghệ thuật đặc biệt hấp dẫn, nó tác động đến rất nhiều giác quan của con người, nhằm phát triển mọi khả năng hoạt động của con người. Hiện nay, khi xã hội càng ngày càng phát triển, có rất nhiều loại hình nghệ thuật tác động đến sự hình thành nhân cách của thiếu nhi như: kịch, phim hoạt hình, âm nhạc, hội họa… nhưng theo người viết thì nghệ thuật xiếc là loại hình thích hợp với các em hơn cả. 

Ngay từ khi còn bé, các em đã được nghe mẹ, bà, thầy cô giáo kể cho nghe về những nhân vật phi thường trong truyền thuyết của dân tộc Việt Nam, được nghe về những trận chiến đấu ác liệt chống quân xâm lược mà trong đó chứa đựng không ít các yếu tố phi thường, thần thánh hoá về khả năng của con người. Qua các tiết mục xiếc do các nghệ sỹ bằng xương bằng thịt thể hiện, các em thiếu nhi đã nhận ra phần nào khả năng tiềm tàng của con người ngay trong thực tế chứ không phải trong truyền thuyết. Qua đó, các em nuôi dưỡng trong tâm thức mình một lòng quyết tâm để vượt qua khó khăn, hướng tới những cái thiện của con người.

Nhận thức rõ đặc điểm đó, các tiết mục của Đoàn xiếc đã tự giác chuyển đổi sáng tạo của mình theo chiều hướng thanh xuân hóa, tươi vui hóa để phù hợp với đối tượng khán giả trẻ. Chính vì lẽ đó, các tiết mục hay trích đoạn xiếc của Đoàn luôn được thay đổi, nhiều hình thức muôn màu, muôn vẻ và đặc biệt hơn, thế hệ nghệ sỹ trẻ đã thay thế nghệ sỹ già. Các nghệ sỹ đã cần cù, chịu khó rèn luyện để nâng cao tiết mục biểu diễn của mình lên trình độ mới, thành tích mới, ví dụ như: lộn trên không từ 2 vòng lên 3 vòng hoặc 3 vòng lộn thành 3 vòng lộn xoáy hoặc cải biên tiết mục cũ sang dạng mới với kỹ xảo tương ứng như: Đế kiếm trên thang đã thành Đế kiếm trên đu; từ Đạp trống, đạp bàn sang Đạp người; từ Uốn dẻo trên bàn sang Uốn dẻo trong tư thế miệng ngậm cành hoa…

Có thể nói để phục vụ nhân dân Tp.Hồ Chí Minh, Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh đã phải cố gắng và luôn phải khắc phục rất nhiều khó khăn. Trong tình hình xã hội hiện nay, trên các kênh thông tin đại chúng, các dịch vụ giải trí công cộng có rất nhiều loại hình giải trí và thư giãn để người dân lựa chọn, cho nên để kéo khán giả đến với nghệ thuật xiếc của mình thật không hề đơn giản. Nếu như trước kia rạp xiếc chỉ sáng đèn vào tối thứ 7 hay chủ nhật hàng tuần thì cho đến nay số buổi biểu diễn trong 1 tuần đã tăng lên đáng kể, có những buổi như thứ 7 hoặc chủ nhật Đoàn đã phải phục vụ khán giả đến xem 3 ca một ngày. Đây quả thật là những cố gắng hết sức mình vì khán giả của Đoàn.

Hàng tuần Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh vẫn có những buổi biểu diễn riêng do tự tổ chức hoặc là do hợp đồng với các trường học dành cho các em thiếu nhi. Các em sẽ được thưởng thức những tiết mục rất hấp dẫn và đặc sắc của các nghệ sỹ xiếc, từ những nghệ sỹ đã có thâm niên lâu năm trong nghề cho đến những nghệ sỹ trẻ tuổi với các màn như: nhào lộn, tung hứng, uốn dẻo, lắc vòng, hề, đi dây, ảo thuật…. Không những vậy, Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh còn đưa vào chương trình của mình những tiết mục xiếc thú hết sức đặc sắc và vui nhộn của mình. Đến đây các em nhỏ còn được giao lưu với các các nghệ sỹ xiếc, được gặp mặt, làm quen và nói chuyện với các nghệ sỹ. Qua những tiết mục xiếc, nó đã góp phần phát triển khả năng tư duy hình tượng - phối hợp với các động tác là âm nhạc giàu tính biểu hiện. Âm nhạc trong xiếc cùng với các động tác đã thay cho lời thoại của người biểu diễn, nó tạo cho người xem đặc biệt là các em nhỏ một hình dung trong đầu về những hình ảnh đang diễn ra trước mắt. Bên cạnh đó còn giúp cho các em có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt hơn. Để thêm phần hấp dẫn và thu hút khán giả, Đoàn Xiếc còn dàn dựng các chương trình biểu diễn theo chủ đề như: chương trình “Vui hè” được biểu diễn vào dịp hè dành cho các em thiếu nhi, chương trình Trung thu… Xen kẽ các tiết mục xiếc là các tiết mục hài kịch, ca nhạc. Những chương trình này thực sự đã tạo tinh thần hứng khởi, khơi dậy tính chất sôi động, sáng tạo trong thiếu nhi.

-            Hoạt động biểu diễn của Đoàn Xiếc Thành phố còn mang nhiều ý nghĩa xã hội, nhân đạo. Đoàn đã phối hợp với nhiều tổ chức xã hội, từ thiện tổ chức rất nhiều chương trình đặc sắc dành riêng cho mỗi đối tượng khán giả khác nhau.

-          Nếu như trước đây ta thường quan niệm xiếc dành cho thiếu nhi. Một số người mở rộng đối tượng hơn thì nói: “Chủ yếu dành cho thiếu nhi”. Nhưng dù thế nào những buổi biểu diễn xiếc thì số lượng khán giả là người lớn cũng khá đông. Thử hỏi “Xiếc có phải chỉ giành cho thiếu nhi? Có thể dành cho cả người lớn được không?”. Thực trạng xiếc vẫn đang lúng túng trong việc xác định đối tượng, dẫn đến tình trạng người lớn xem lẫn với thiếu nhi những tiết mục không phù hợp hoặc là với thiếu nhi hoặc là với người lớn. Nắm bắt được thực trạng đó, trong những năm gần đây Đoàn Xiếc đã tổ chức dàn dựng những vở kịch xiếc. Lấy từ những sự tích cổ trong lịch sử để dàn dựng thành những vở diễn có yếu tố kịch, với quy mô hoành tráng, mỗi vở có khoảng hơn 100 diễn viên tham gia. Ví dụ như “Thanh gươm huyền thoại”,” bí ẩn nơi hoang đảo”, Mekong show, …

Như vậy có thể thấy, Đoàn xiếc Thành Phố đã trở thành một địa điểm yêu thích của các em thiếu nhi, trở thành một địa chỉ văn hóa để các em có thể thưởng thức nghệ thuật, tham gia vui chơi, thậm chí thử sức trong một số tiết mục xiếc. Không những thế, rạp Xiếc cũng trở thành một nơi hấp dẫn những đối tượng khán giả là người lớn với những chương trình kịch xiếc vừa mang đậm tính dân gian kết hợp với tính hiện đại của nghệ thuật xiếc.

2.1.2.2. Hoạt động biểu diễn tại địa phương trong nước

Là đơn vị nghệ thuật biểu diễn trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao Tp.Hồ Chí Minh, Với chức năng nhiệm vụ xây dựng các chương trình, tiết mục xiếc biểu diễn phục vụ khán giả, nhằm phổ biến một loại hình nghệ thuật hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân. 

Bằng phương thức hoạt động mới, Đoàn Xiếc đã dàn dựng nhiều tiết mục, chương trình mang đậm tính văn hóa dân tộc để đưa nghệ thuật xiếc đến khán giả vùng sâu, vùng xa góp phần làm cho đời sống tinh thần nhân dân được cải thiện một bước. Hàng năm trung bình Đoàn Xiếc đã tổ chức khoảng hơn 200 buổi biểu diễn tại rạp xiếc và gần 100 buổi tại các vùng nông thôn, vùng núi cao thu hút hàng trăm nghìn lượt người xem. Bước chân của các nghệ sỹ đã in trên các nẻo đường từ vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa phục vụ các chiến sĩ, bà con dân tộc ít người: Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Thái Nguyên, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu… hay những vùng miền Trung nắng gió khắc nghiệt như: Nghệ An, Hà Tĩnh Quảng Bình, Quảng Trị… rồi đến đồng bằng sông Cửu Long như: Đồng Tháp, Cần Thơ… Những chương trình, tiết mục biểu diễn đã thực sự mang lại niềm vui cho công chúng - những người nông dân quanh năm ngày tháng chỉ biết việc đồng áng lại được làm quen với những tiết mục tài năng, khéo léo, hài hước của các nghệ sỹ. Thông qua các chương trình này cũng là dịp khơi dậy khả năng nghệ thuật của trẻ em, có thể các em sẽ là những tài năng nghệ thuật xiếc trong tương lai.

2.1.3. Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh với những hoạt động và chương

trình biểu diễn, giao lưu quốc tế

 Hoạt động giao lưu, đặc biệt là giao lưu quốc tế là một hoạt động không thể thiếu đối với mỗi đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Những hoạt động này góp phần đưa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè thể giới, giới thiệu những nét đẹp của văn hóa Việt Nam, bên cạnh đó cũng là dịp để chúng ta tiếp nhận những tinh hoa văn hóa thế giới, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nước trên thế giới về lĩnh vực của mình. Đối với Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh, hoạt động giao lưu quốc tế là hoạt động quan trọng trong chương trình hoạt động hàng năm của đoàn. 

Trong thập niên 60 của thế kỷ XX, xiếc Việt Nam đã từng là sứ giả của hòa bình khi mang đến các nước Đông Âu, Trung Quốc, Triều Tiên, Mông

Cổ… những chương trình xiếc mang đậm màu sắc dân tộc xiếc của người  Việt Nam vừa lao động, vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Sự lạc quan thể hiện trong nét văn hóa đó đã làm bạn bè thế giới ngưỡng mộ tin vào niềm vui chiến thắng và tương lai tươi sáng của dân tộc ta trong một ngày không xa.

-            Hoạt động giao lưu quốc tế đầu tiên cần ghi nhận của đoàn Thành Phố đó là tổ chức và tham gia các cuộc Liên hoan Xiếc quốc tế. Nhiều tiết mục đã giành được những giải cao như:  Nhào lộn trên sào (huy chương vàng), Đế thống (huy chương vàng), đế kiếm trên đu (huy chương vàng), Đứng tay nghệ thuât (huy chương bạc) Âm vang trống đồng (giải khán giả yêu thích nhất), Patin (huy chương bạc), dây căng cao (huy chương đồng), Cánh chim trên bầu

trời (giải khuyến khích)… Thông qua các cuộc liên hoan quốc tế đã tạo cơ hội cho các nghệ sĩ được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm biểu diễn cũng như tiếp nhận những yếu tố mới trong

nghệ thuật xiếc thế giới.

Bên cạnh đó Đoàn Xiếc cũng mời các đoàn nghệ thuật xiếc nước ngoài đến Việt Nam biểu diễn Những chương trình biểu diễn của các đoàn xiếc Pháp, Trung Quốc, Đài Loan, Thụy Sỹ… đã đem đến cho khán giả những điều mới lạ, hấp dẫn của nghệ thuật xiếc các nước. Đối với các nghệ sỹ thì đây cũng là dịp trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp.


2.2. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG BIỂU DIỄN XIẾC CỦA ĐOÀN XIẾC TP.HỒ CHÍ MINH

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật nói chung trong cơ chế thị trường khắc nghiệt đã khiến cho các đơn vị nghệ thuật phải gồng mình để đối mặt với thực tế, để tồn tại giữ gìn và phát triển nghệ thuật. Hơn 25 năm đổi mới, nghệ thuật xiếc Việt Nam vẫn kiên định với những nguyên tắc sáng tạo, nhạy cảm và thích ứng năng động với công cuộc đổi mới. Trong sự cạnh tranh của kinh tế thị trường thì một loại hình đặc thù như nghệ thuật xiếc muốn đứng vững được quả là rất khó khăn. Một điều đặc biệt đáng lưu ý, xiếc được liệt vào loại lao động năng nhọc nhất trong các loại hình nghệ thuật. Để hoàn thành một tiết mục xiếc thường mất từ 3 đến 10 năm. Với ngần ấy thời gian, một ca sỹ, diễn viên đã có thể thể hiện rất nhiều ca khúc hay vai diễn. Nếu như 5 tiết mục chỉ là một con số nhỏ nhoi, khiêm tốn với những người làm nghệ thuật nói chung thì đối với các nghệ sỹ xiếc, đó lại là một con số mơ ước. Chưa kể tai nạn nghề nghiệp vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với các nghệ sỹ, diễn viên. Thông thường, thu nhập tỷ lệ thuận với công việc, nhưng cái quy luật này không còn đúng với diễn viên xiếc. Họ phải sống chật vật với khoản lương hành chính, không có phụ cấp gì thêm. Tiền biểu diễn cũng rất ít, chỉ xê dịch trong khoảng vài chục nghìn đồng một suất diễn. Họ phải bươn trải để đảm bảo cuộc sống. Thế nhưng, mỗi khi lên sân khấu là họ phải tạm quên hết những thiếu thốn, khó khăn của đời sống thường nhật để toàn tâm với nghệ thuật. Không như trước đây, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, xiếc Việt Nam đã có những bước phát triển nhảy vọt cả về nghệ thuật và tổ chức biểu diễn. Làm diễn viên xiếc lúc bấy giờ là niềm tự hào, vinh dự, là một nghề lý tưởng, ao ước của nhiều nam nữ thanh niên. Tuy nhiên, thực tế mà nói, các hoạt đồng chủ yếu của đoàn chủ yếu xoay quanh công việc quản lý, tổ chức các hoạt động biểu diễn. Một số chức năng khác cũng có tầm quan trọng không kém đối với một đơn vị nghệ thuật như đoàn Xiếc Thành Phố lại chưa được chú ý một cách xứng tấm. Ví dụ như chức năng nghiên cứu khoa học, định hướng phát triển và đào tạo bồi dưỡng ngành xiếc chưa được quan tâm nhiều. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nghệ thuật xiếc Việt Nam nói chung và chất lượng nghệ thuật của các chương trình biểu diễn của đoàn Xiếc nói riêng. Có thể đưa ra những điểm mạnh và một số hạn chế trong hoạt động biểu diễn của đoàn Xiếc như sau:

2.2.1. Điểm mạnh

-            đoàn Xiếc Việt Nam may mắn có một rạp biểu diễn riêng ở vị trí đẹp tại Tp.Hồ Chí Minh. Đây là lợi thế rất tốt cho việc tổ chức biểu diễn cũng như thu hút khán giả.

-            Để có được thành công phải kể đến sự năng động, sáng tạo của ban lãnh đạo đoàn Xiếc. Họ đã nhận thức rõ những biến đổi trong cơ chế thị trường để đổi mới phương thức quản lý, phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện xã hội và theo xu hướng xã hội hóa. 

-            nghệ sỹ của đoàn đều là những người có bề dày thành tích và kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Đội ngũ lãnh đạo có trình độ chuyên môn và quản lý cao. Bên cạnh đó, đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên trẻ (với gần 85% trong số nghệ sỹ thường xuyên biểu diễn trên sân khấu có độ tuổi từ 15 – 25) đã phát huy được tính sáng tạo, năng động, say mê nghề nghiệp của tuổi trẻ trong hoạt động nghệ thuật. Đây là điểm mạnh rất lớn của đoàn khi dàn dựng các chương trình, tiết mục.  

-            Với số lượng cán bộ, nghệ sỹ và diễn viên gần 300 người, vì thế dễ chia nhỏ thành các đoàn để cùng biểu diễn phục vụ tại nhiều địa điểm trong 

cả nước.

-            Từ đổi mới phương thức hoạt động tới việc đổi mới, nâng cao về chất lượng nghệ thuật. Chương trình đã kết hợp những giá trị nghệ thuật dân tộc với những yếu tố mới của nghệ thuật xiếc quốc tế để đưa vào tác phẩm của

mình. 

-            Để mở rộng hơn nữa đối tượng khán giả, đoàn đã tổ chức các cuộc điều tra tìm hiểu nhu cầu thị trường, nghiên cứu tâm lý, thị hiếu, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật để đưa ra những chương trình phù hợp với thị hiếu của khán giả. Ngoài những chương trình, tiết mục dành cho thiếu nhi, đoàn Xiếc Thành phố liên tục tổ chức dàn dựng các chương trình mang tính sáng tạo như dàn dựng những vở kịch xiếc, có nội dung, cốt truyện, quy mô hoành tráng có thể phù hợp với đối tượng khán giả là người lớn.

2.2.2. Hạn chế 

Bên cạnh những điểm mạnh đã nêu trên, hoạt động biểu diễn của đoàn Xiếc còn có một số điểm hạn chế sau:

-            Tuy đã có những đổi mới trong phương thức hoạt động và chất lượng nghệ thuật nhưng vẫn còn một số tiết mục, chương trình còn chưa chú trọng tới chất lượng nghệ thuật hoặc biểu diễn chưa phù hợp với đối tượng khán giả. 

-            Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Với 85% nghệ sỹ, diễn viên trẻ chính vì thế trình độ chuyên môn còn chưa cao, chưa điêu luyện, kinh nghiệm biểu diễn còn ít làm hạn chế một số tiết mục đòi hỏi lỹ thuật cao.

Chưa có hoặc có rất ít và chưa phát huy được hiệu quả đội ngũ cán bộ được đào tạo chính quy về chuyên ngành xiếc như: sáng tác, đạo diễn, biên đạo, nhạc sĩ, họa sĩ, tác giả ... Đối với hình thức mới như kịch xiếc, do chưa có những nghệ sỹ chuyên ngành viết kịch bản cho hình thức này nên đôi khi có những yếu tố bên ngoài đậm đặc hơn nội dung, lấn át, mờ nhạt, làm mất đi đặc trưng xiếc, chính vì vậy làm hạn chế hiệu quả của tiết mục hay khiến cho khán giả buồn chán và đi đến thờ ơ với xiếc.

-            Các trang thiết bị, đạo cụ, dụng cụ phục vụ biểu diễn còn nghèo nàn, ít đổi mới dẫn tới tiết mục kém hấp dẫn với khán giả. 

-            Công tác quảng bá, giới thiệu về các buổi biểu diễn cũng như lịch biểu diễn còn thiếu nên chưa thu hút được đông khán giả.

Nghệ thuật xiếc rất chân thật, cụ thể và sôi động, nó mang tính quần chúng, tính hội hè. Do vậy, từ thuở xa xưa cho đến nay, xiếc vẫn thu hút được đông đảo các thành phần, các lứa tuổi. Qua đó xiếc đã góp phần cổ vũ động viên nhân dân bảo vệ và xây dựng đất nước.

Với thực trạng hoạt động biểu diễn được đánh giá ở trên tuy có một số điểm hạn chế nhưng có thể khẳng định các cán bộ, nghệ sỹ, diễn viên của đoàn Xiếc Việt Nam đã và đang đoàn kết, biết nhìn thẳng vào sự thật khách quan, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ để rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, những bước thăng trầm khó tránh khỏi trong sự vận động đi lên của xã hội để đưa nghệ thuật xiếc ngày một phát triển. Những thành quả đó đã đóng góp đáng kể vào thành quả chung của nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam.


2.3. NGUYÊN NHÂN HẠN CHẾ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG BIỂU DIỄN

XIẾC TẠI ĐOÀN XIẾC TP.HỒ CHÍ MINH

Qua đánh giá thực trạng hoạt động biểu diễn của đoàn Xiếc Tp.Hồ Chí Minh trong sự vận động chung của cơ chế thị trường, thành quả đã đạt được thể hiện nỗ lực rất lớn của cán bộ, nghệ sỹ, diễn viên. Bên cạnh đó những hạn chế trong hoạt động biểu diễn của đoàn Xiếc cũng thể hiện thực trạng chung của ngành xiếc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Có thể nêu ra một số nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển đó như sau:  

2.3.1. Nguyên nhân chủ quan

-            Giữa công tác đào tạo và biểu diễn chưa bắt nhịp được với nhau, không có kế hoạch hợp đồng đào tạo theo địa chỉ và nhu cầu nên đào tạo dẫn đến trùng lắp khó tiếp nhận.

-            Chương trình biểu diễn tại rạp duy trì quá lâu, từ 3 đến 4 tháng một chương trình biểu diễn không thay đổi nên khán giả xem quá nhiều một chương trình dẫn đến nhàm chán. 

-            Do chưa tiếp nhận nhanh với khoa học kỹ thuật hiện đại cũng như những yếu tố nghệ thuật mới nên trình độ kỹ thuật, nghệ thuật ở một số tiết mục còn yếu chưa xứng với tầm thời đại hiện nay. 

-            Hình thức nghệ thuật chậm đổi mới không đa dạng hóa để thích ứng với hiện tại nền kinh tế thị trường. Thí dụ: Phải tăng cường Hài, biểu diễn tốc độ tiết tấu cần phải nhanh, hình thức và kết cấu đạo cụ phải áp dụng khoa học hiện đại. 

-            Chưa có cán bộ chuyên trách về marketing nghệ thuật để quảng bá chương trình đạt hiệu quả.

-            Chế độ đãi ngộ cho nghệ thuật xiếc còn thấp, chưa đảm bảo cho cuộc sống của nghệ sỹ để yên tâm sáng tạo nghệ thuật. Đội ngũ diễn viên trẻ là nhân lực chính nhưng lại chỉ là cán bộ hợp đồng ngắn hạn do không có biên chế vì thế chế độ đãi ngộ cho họ chưa xứng đáng với lao động nghệ thuật. 

-            Kinh phí còn hạn hẹp nên chưa đủ đầu tư về trang thiết bị, đạo cụ biểu diễn, trang phục biểu diễn, chăm sóc thú… nên hiệu quả các chương trình chưa cao.

2.3.2. Nguyên nhân khách quan

-            Do tốc độ phát triển của kỹ nghệ thông tin như vô tuyến truyền hình, là phương tiện phục vụ tại chỗ, rất nhiều chương trình nghệ thuật phim ảnh hay của thế giới và trong nước được phát nên đã thu hút khán giả, do vậy ít người đi xem biểu diễn nghệ thuật. Ngay cả các rạp phim cũng phát triển rất nhiều, các bộ phim luôn được thay mới đã thu hút rất nhiều khán giả của các môn nghệ thuật khác trong đó có cả nghệ thuật xiếc.

-            Tính cạnh tranh giữa nghệ thuật Xiếc với các loại hình nghệ thuật khác, cùng với đó là sự cạnh tranh chính với nội tạng ngành của mình, cạnh tranh giữa các đoàn xiếc với nhau.

-            Trong nền kinh tế thị trường mọi người đều lo làm kinh tế để đảm bảo cuộc sống, không có thời gian rảnh rỗi để đi xem nghệ thuật. 

-            Biểu diễn lưu động chi phí lớn nếu không doanh thu để bù chi thì không hoạt động được. 

-            Xiếc là nghệ thuật lao động nặng, hầu hết nghệ sỹ, diễn viên đều gặp tai nạn nghề nghiệp, bị chấn thương nhưng sự đầu tư của Nhà nước đối với nghệ thuật xiếc chưa tương ứng với lao động nghệ thuật. 

Tiểu kết chương 2

Dưới tác động của thị trường và sự phát triển của kinh tế xã hội, cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật khác như băng đĩa nhạc, truyền hình và các loại hình nghệ thuật giải trí khác, nghệ thuật xiếc cũng như các bộ môn nghệ thuật biểu diễn khác đều vất vả tìm kiếm hướng đi cho mình trên con đường mà xã hội đang vận động đó là cơ chế thị trường.

Hoạt động biểu diễn xiếc của đoàn Xiếc Tp.Hồ Chí Minh rất phong phú và đa dạng. Với những hoạt động tại chỗ, biểu diễn tại địa phương và giao lưu quốc tế, đoàn Xiếc đã tạo được hiệu quả khá tốt với khán giả trong nước và quốc tế, tạo một bước phát triển cho nghệ thuật xiếc Việt Nam.

Đoàn Xiếc Tp.Hồ Chí Minh trong sự vận động chung của cơ chế thị trường, thành quả đã đạt được thể hiện nỗ lực rất lớn của cán bộ, nghệ sỹ, diễn viên. Bên cạnh đó, những hạn chế trong hoạt động biểu diễn cũng thể hiện thực trạng chung của ngành xiếc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Ngoài những thuận lợi, đoàn cũng gặp không ít những khó khăn trong thời buổi cơ chế thị trường khắc nghiệt này.

 

 

 

 

 

 

Chương 3

GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG BIỂU DIỄN CỦA ĐOÀN XIẾC TP.HỒ CHÍ MINH

              3.1. PHƯƠNG HƯỚNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA ĐOÀN   

XIẾC THÀNH PHỐ

 Để hoạt động của đoàn Xiếc thành phố phát triển mạnh mẽ và vững chắc, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao trong giai đoạn hiện nay, hướng và mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Đoàn Xiếc Thành phố phải tự xây dựng cho mình một chiến lược phát triển theo những mục tiêu mình đặt ra cho hàng năm, từng thời kỳ phát triển bằng những nội lực của mình. Vì vậy, trong những năm tới việc xây dựng và phát triển của đoàn Xiếc theo hướng:

-          Khai thác toàn diện và triệt để các nguồn lực trong hoạt động sự nghiệp của đoàn kết hợp nguồn ngân sách với các nguồn thu khác, kết hợp với sự ủng hộ của Sở Văn hoá, Thể thao Tp.Hồ Chí Minh, lập chương trình mục tiêu cho mở rộng giao lưu hoạt động biểu diễn với quốc tế, nhằm tạo vị thế cũng như nguồn thu mới.

-          Hoàn thiện công tác tổ chức và quản lý của đoàn Xiếc để nâng cao hiệu quả hoạt động của đoàn ở tất cả mọi khâu.

-          Nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật. Vấn đề nâng cao chất lượng nghệ thuật là vấn đề sống còn , ngoài yếu tố diễn viên biểu diễn có ý nghĩa quyết định, bên cạnh đó là vấn đề kịch bản, đạo diễn và trang thiết bị kỹ thuật và cơ sở vật chất kết hợp với yếu tố tổ chức quản lý tốt. Muốn nâng cao chất lượng nghệ thuật tất cả các yếu tố trên, hiện tại đoàn còn rất yếu và thiếu. Với thực tế đó đoàn xiếc xây dựng một chiến lược trên quan điểm cho đổi mới hoạt động của đơn vị mình.

-          Đa dạng hóa các chương trình biểu diễn, tạo ra tính năng động trong các tiết mục xiếc để có thể thích ứng với cả sân khấu tròn và sân khấu vuông, giúp tiếp cận gần hơn với nhiều đối tượng khán giả và cơ động khi di chuyển biểu diễn ở các địa phương.

-          Tổ chức những chương trình tạp kỹ, tổng hợp. Kết hợp nhiều bộ môn nghệ thuật với nghệ thuật xiếc. Ngoài những chương trình xiếc thuần túy, mang tính chuyên nghiệp và chất lượng cao, cũng cần tham gia những chương trình xiếc quần chúng, bán chuyên nghiệp để khán giả có thể thấy rằng tuy là bộ môn nghệ thuật đặc thù những xiếc cũng rất dễ tiếp cận và rất gần gũi với đời sống hàng ngày của người dân.

-          Phải xây dựng một chiến lược phát triển cho hàng năm (ngắn hạn, trung hạn và dài hạn). Những thay đổi quan điểm, tư duy của bản thân đoàn xiếc mới thật sự là động lực tạo nên thành công.

-          Tìm hiểu nhu cầu và lên phương án đáp ứng nhu cầu để xiếc duy trì và phát triển, ngoài những giải pháp về chuyên môn chương trình luôn luôn được dàn dựng đổi mới cả về nội dung và hình thức. Những chương trình khác nhau làm cho khán giả đến với xiếc luôn tìm được cái mới lạ, khán giả thích được khám phá tìm hiểu, cùng chung vui đặc biệt là được diễn cùng các nghệ sĩ …

Cần tạo được một môi trường làm sao cho các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau, bổ khuyết cho nhau hoà quyện với nhau thành một tổng thể có sự chỉ đạo tập trung mang tính chiến lược.

Trong nền kinh tế thị trường và nhu cầu thưởng thức của khán giả đòi hỏi ngày một cao, do vậy yêu cầu các hoạt động để đáp ứng với nhu cầu đó một cách tối ưu nhất. Hiện nay mỗi tuần người lao động được nghỉ 2 ngày, vì vậy “công việc” đặt ra cho chúng ta là thoả mãn nhu cầu, nhu cầu của một đối tượng khách rất đa dạng (gia đình) có người lớn, phụ nữ và cả trẻ em. Họ muốn đi đâu đó có những hoạt động vui chơi giải trí đáp ứng được cả của bố

mẹ, con cái … với nhiều lứa tuổi và sở thích khác nhau.

Ví dụ:   - Các ông bố ngày nghỉ thích được làm gì, chơi gì …

-  Các bà mẹ muốn gì? …

-  Các em lớn, em nhỏ thích gì …

Ta phải tìm ra nhu cầu và thoả mãn nhu cầu của họ.

Cần phải thiết lập được một mô hình dịch vụ và hoạt động Văn hoá (xiếc). Bao gồm đáp ứng được các nhu cầu đó và có lịch hoạt động cho từng phần việc từng dịch vụ riêng lẻ nhưng được thực hiện trên một sự điều hành tổng thể đảm bảo đáp ứng nhu cầu tổng thể tốt nhất, tạo cho khán giả luôn

luôn muốn được đến khi có dịp.

Để thu hút khách đến với rạp xiếc, trước hết rạp xiếc phải là một nơi có những hoạt động thật sự hấp dẫn (ví dụ: Rạp xiếc phải được cấu tạo thật hấp dẫn, mới lạ, là nơi mà có thể để mọi người đến thưởng thức nghệ thuật và còn khám phá những cái hay, cái lạ của bộ môn nghệ thuật hiện đại nhưng rất quần chúng. Phải tạo ra ngay ở những nơi diễn của xiếc cũng phải mang tính đặc trưng của xiếc để mọi người, ngoài những gì muốn đến xem, thưởng thức nghệ thuật mà còn muốn khám phá thể giới của xiếc, được học xiếc và có thể làm được xiếc, giao lưu với những nghệ sĩ diên viên đã làm được những điều kỳ diệu đó. Có thể từ những mối quan tâm yêu thích xiếc đó sẽ xuất hiện những nhân tài tương lai cho ngành xiếc …

* Những hoạt động phụ trợ kích thích lẫn nhau bên ngoài rạp xiếc để tạo không khí và đáp ứng một số nhu cầu của khán giả:

-             Tạo ra một công viên trên không (toàn bộ hoặc phần lớn khoảng không trong khuôn viên của rạp). Các trò chơi được mô tả giống như các tiết mục xiếc trên không như đu bay, đi dây, cầu bật… và các trò chơi mang tính truyền thuyết. Các câu chuyện được các em nhỏ ưa thích và biết đến nhiều của ViệtNam và thế giới…) 

-             Khu chụp ảnh lưu niệm: 

+ Khán giả có thể chụp ảnh với các diễn viên ưa thích (các anh hề, các con thú cả thú thật và thú do người đóng)

+ Làm giả diễn viên xiếc (xem ảnh như diễn viên đang biểu diễn) bằng cách mặc trang phục và làm các động tác như diễn viên có sự trợ giúp của kỹ thuật ảnh số và các Panô vẽ sẵn.

-             Khu tham quan các con thú làm xiếc:

+ Nơi chăn nuôi thú được cấu tạo và xây dựng sao cho như vườn bách thú để mọi người tham quan được xem và hiểu biết về các “nghệ sĩ không biết nói” (có giới thiệu hướng dẫn – Các dịch vụ bán thức ăn theo quy định)

-             Có phòng xem ảnh, nghe nhạc, chiếu phim Video mini …

-             Khu dịch vụ phục vụ ăn uống nghỉ ngơi …

-             Các hoạt động khác …

* Những trang trí bên trong rạp xiếc:

-            Khi vào trong rạp xiếc ta phải tạo cho khán giả một cảm giác như       được lọt vào trong một thế giới khác – vì xiếc là một loại hình sân khấu đặc biệt có những cấu trúc bằng những mô hình có thể chuyển dịch thay đổi tạo ra những không gian khác nhau theo từng chương trình như tạo ra các khung cảnh thiên nhiên như thác nước, rừng cây… tăng thêm sức hấp dẫn.

-            Trên nóc rạp và xung quanh có thể tạo ra những mô hình như hình học không gian… tạo cho khán giả nhất là khán giả trẻ cảm giác được khám phá, chinh phục thiên nhiên, chinh phục vũ trụ…


3.2. GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG BIỂU DIỄN CỦA ĐOÀN XIẾC  TP.HỒ CHÍ MINH 

Những thành quả mà đoàn Xiếc đã đạt được là một nỗ lực đáng khích lệ, song hiện nay hoạt động của đoàn còn gặp những khó khăn, lúng túng trong bước chuyển từ cơ chế tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của đoàn trong giai đoạn hiện nay là một vấn đề cấp thiết để đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới.

3.2.1. Củng cố, hoàn thiện bộ máy tổ chức

-            đoàn Xiếc cần xây dựng một qui chế tổ chức, quản lý có hiệu quả. Quy hoạch về đội ngũ cán bộ viên chức, đào tạo để có đủ trình độ và năng lực điều hành nắm bắt các hoạt động của xiếc trong nền kinh tế thị trường bằng cách đào tạo nâng cao tại chỗ và gửi đi đào tạo theo nhu cầu của công việc mới.

-            Cần ổn định khâu tổ chức cán bộ quản lý. Định rõ trách nhiệm và quyền hạn của từng cán bộ lãnh đạo quản lý trong đoàn để hạn chế tối đa những chồng chéo trong quản lý. Xoá bỏ được tình trạng không có người chịu trách nhiệm. 

-            Tăng cường đầu tư công tác đào tạo nâng cao chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý. Nâng cao hơn nữa các kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ cho bộ máy lãnh đạo. Phát huy trí tuệ tập thể, làm việc nhóm và dân chủ được hiệu quả.

-            Bộ máy lãnh đạo cần nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá chất lượng các chương trình và tiết mục xiếc của đơn vị mình. Từ đó đúc kết lại, tạo thành những kinh nghiệm trong nghệ thuật nhằm nghiên cứu thêm và tổng hợp thành hệ thống lý luận để đảm bảo cho việc sáng tạo và xây dựng những chương trình và tiết mục xiếc mới có chất lượng cao hơn và đáp ứng được đúng nhu cầu thẩm mỹ của khán giả đang ngày càng khó tính hơn trong giai đoạn đổi mới hiện nay.

-            đoàn Xiếc cần xây dựng lại định hướng chiến lược phát triển đúng đắn, lâu dài và trong từng giai đoạn để xây dựng lại hiệu quả và uy tín của xiếc đã từng có trong nhiều năm.

-            Xây dựng chính sách khuyến khích đúng để đảm bảo cho người hoạt động nghệ thuật có mức thu nhập hợp lý để họ yên tâm cống hiến cho nghệ thuật. Có như vậy mới tạo dựng được một đơn vị phát triển ổn định, lâu dài.

3.2.2. Đào tạo đội ngũ diễn viên

-            Cần phải có chiến lược đào tạo đội ngũ diễn viên lâu dài cho xiếc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ diễn viên đang là nhiệm vụ trọng tâm của đoàn. Bởi để có một chương trình, tiết mục thành công cần phải có tài năng của người nghệ sỹ. Trước mắt cần phải có đội ngũ các tác giả viết kịch bản, các đạo diễn nghệ thuật. Trình độ của diễn viên đang ở mức trung bình do đội ngũ diễn viên trẻ nhiều chưa có kinh nghiệm trong nghề. Cả một thời gian dài đoàn Xiếc chưa có chiến lược đào tạo nâng cao trình độ cho diễn viên, nếu có chỉ là biện pháp tạm thời, tình thế trước mắt bằng các hình thức luyện tập tại chỗ do các nghệ sĩ, diễn viên đi trước truyền lại chưa có bài bản chính quy.     

-            Về lâu dài cần phải có đầu tư thích đáng cho công tác đào tạo. Cần có chính sách ưu đãi thu hút diễn viên giỏi của xiếc.

-            Đào tạo và đào tạo lại tại chỗ đảm bảo cho hoạt động thường xuyên và phát triển nghệ thuật cũng như nhu cầu của khán giả về các chương trình tiết mục luôn mới.

-            Có kế hoạch đào tạo dài hơi đảm bảo cho sự phát triển về chất, nâng cao một bước về trình độ nghệ thuật để có thể ngang tầm với xiếc của quốc tế bằng cách đào tạo đội ngũ sáng tác, đạo diễn, tuyển chọn lực lượng diễn viên trẻ gửi đi học ở nước ngoài có nền nghệ thuật xiếc phát triển.

-            Linh hoạt hơn trong khâu tuyển chọn đội ngũ diễn viên. Trừ một số vận động viên có thể chuyển làm huấn luyện viên thì số còn lại với tài năng và trình độ điêu luyện được đào tạo bài bản, lâu năm thì họ hoàn toàn có thể đáp ứng được những điều kiền cần để trở thành một diễn viên xiếc thực thụ.

-            Thường xuyên và luân phiên cho các diễn viên đi biểu diễn và học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài. Qua đó, trình độ cơ bản và phong cách biểu diễn của diễn viên sẽ có sự thay đổi tích cực đáng kể. Các diễn viên sẽ củng cố thêm được nhiều kiến thức và hoàn thiện được các kỹ năng và nâng cao độ khó các tiết mục hơn.

3.2.3. Nâng cao chất lượng nghệ thuật

Qua thực tiễn phát triển xiếc chuyên nghiệp của nước ta và kinh nghiệm phát triển gần đây của xiếc các nước, con đường tất yếu của xiếc Việt Nam là phải phát triển theo phương hướng “Dân tộc hiện đại”. Đây là định hướng đúng đắn, có cơ sở khoa học của nó bởi dân tộc hiện đại là hai mặt thống nhất trong phương hướng đi lên của xiếc, nó không chỉ thể hiện đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng ta mà còn thể hiện cả hai mặt thuộc tính dân tộc và quốc tế của xiếc. Nếu mối quan hệ hữu cơ của hai mặt này cùng vận động đúng hướng, phù hợp với quy luật vận động và thuộc tính của xiếc thì xiếc sẽ phát triển. Tính dân tộc càng đậm đà rõ nét thì tính quốc tế của xiếc càng được nâng cao. Với định hướng mà Đảng đã đề ra cho sự phát triển của nghệ thuật xiếc thì nâng cao chất lượng nghệ thuật để đáp ứng yêu cầu đó là một nhiệm vụ cấp thiết. Hơn nữa, với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, khán giả đòi hỏi chương trình phải luôn đổi mới hơn, hấp dẫn hơn, chất lượng nghệ thuật cao hơn, luôn đặt xiếc Việt Nam trong tình trạng so sánh, thậm chí với thứ hạng nước ngoài qua rất nhiều nguồn thông tin trong thời mở cửa hiện nay. 

Muốn đáp ứng được như mong muốn trên thì rất cần thiết phải xây dựng được lực lượng sáng tạo đồng bộ của xiếc. Lực lượng này phải thành thạo về chuyên môn, ngoài dàn diễn viên giỏi, còn phải có người biên đạo xiếc (sáng tác và dàn dựng tiết mục), người nghiên cứu lý luận chuyên ngành và người chuyên thiết kế đạo cụ xiếc… Cần phải dàn dựng các chương trình, tiết mục có nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng khán giả khác nhau. Có như vậy mới tạo nên sức hấp dẫn khán giả đối với nghệ thuật xiếc.

Cần dứt khoát và kiên quyết với các tiết mục mang tính nghệ thuật thấp và yếu kém về chuyên môn.

Tổ chức các cuộc hội thảo khoa học chuyên ngành, các cuộc hội thảo, tọa đàm xung quanh về bộ môn nghệ thuật xiếc. Qua đó, lĩnh hội thêm được nhiều bài học kinh nghiệm, nhiều luồng ý kiến, nhiều góp ý của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng và giúp nghệ thuật xiếc tìm ra được đường đi đúng đắn của mình và ngày càng đến gần hơn với công chúng.

Có thể mời các chuyên gia, các đạo diễn, giáo viên xiếc nước ngoài, các nước có bộ môn xiếc phát triển như Trung Quốc, Pháp, Nga…  đến tham gia truyền giảng, trao đổi kinh nghiệm tổ chức và biểu diễn, đồng thời dàn dựng những chương trình, tiết mục xiếc nhằm đáp ứng và theo kịp trình độ của xiếc thế giới.

3.2.4. Xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất

Cơ sở vật chất cũng như các trang thiết bị hỗ trợ diễn viên biểu diễn cần được chú ý nhiều hơn. Tạo cho khán giả thấy được sự đầu tư và quan tâm của chính đội ngũ lãnh đạo và các diễn viên xiếc, tạo cho họ cảm thấy được tôn trọng hơn khi đi xem xiếc. Ngay cả khuôn viên, cách bài trí của rạp xiếc cũng cần được thay đổi thường xuyên tạo cho khán giả có cảm giác khác lạ và thích thú mỗi lần đi thưởng thức các chương trình xiếc.

Xây mới và nâng cấp phòng tập cho diễn viên, đảm bảo các diễn viên thuộc đoàn có được một phòng tập tiêu chuẩn, àn toàn và đầy đủ trang thiết bị cần thiết để có thể yên tâm luyện tập và sáng tạo ra những tiết mục độc đáo và có chất lượng cao.

Xây dựng một xưởng thiết kế, chế tạo đạo cụ xiếc. Đây cũng là bộ phận quan trọng trong một đơn vị hoạt động biểu diễn xiếc chuyên nghiệp như đoàn Xiếc TP.Hồ Chí Minh. Bộ phận thiết kế, chế tạo đạo cụ sẽ có những tính toán chính xác về kích cỡ, số lượng các đạo cụ cần thiết cho từng tiết mục cụ thể. Như vậy tính an toàn trong các tiết mục sẽ được nâng cao hơn, đồng thời tạo ra được tính chuyên nghiệp trong phương thức hoạt động của đoàn Xiếc. Bên cạnh đó bộ phận thiết kế thời trang- trang phục cho các diễn viên hay các con thú biểu diễn xiếc cũng cần được chú ý tới. Ngoài đạo cụ hỗ trợ thì trang phục trong các tiết mục xiếc cũng góp phần tăng sự thu hút khán giả hơn, làm cho tiết mục trở nên sinh động và hấp dẫn hơn. Muốn có được những yếu tố đó thì cần phải xây dựng một phòng chuyên phụ trách về vẫn đề trang phục cho các diễn viên và con thú khi biểu diễn. Tránh tình trạng diễn viên tự luyện tập lên tiết mục, tự mình chế tác đạo cụ và cũng tự mình thiết kế trang phục cho chính tiết mục của mình.

3.2.5. Định hướng chiến lược cho nghệ thuật xiếc

Đây có thể coi là bài toán khá khó khăn cho các nhà quản lý. Cần phải có một lộ trình cụ thể, một chiến lược dài lâu và có từng mốc thay đổi cho nghệ thuật xiếc. Xã hội hóa nghệ thuật cũng cần được áp dụng với bộ môn nghệ thuật xiếc này. Xã hội hóa ở đây cần tránh nhầm lẫn với tư nhân hóa, xã hội hóa nghệ thuật xiếc ở đây là dùng tất cả các nguồn lực của xã hội để phát triển ngành nghề.

Đoàn xiếc Tp.Hồ Chí Minh cũng cần xây dựng cho mình một hệ thống văn bản pháp quy, các bộ quy chế trong đó bao gồm các điều khoản quy định cụ thể của cơ quan, áp dụng cho từng phòng - ban, tổ diễn viên.

3.2.6. Tăng cường công tác tiếp cận thị trường, marketing nghệ thuật

Trong hoạt động sự nghiệp của mình, cần quan tâm đến vấn đề sở thích khán giả để có biện pháp đúng đắn và sự điều chỉnh kịp thời tránh những lãng phí không cần thiết, nhưng cũng không vì mục đích kiếm lời thương mại hoá dẫn đến chệch hướng. Cần chủ động xây dựng được nhiều chương trình chất lượng nghệ thuật cao đáp ứng được nhu cầu của khán giả, dần dần thu hút được khán giả đến với loại hình sân khấu xiếc có chất lượng cao.

Công tác marketing trong biểu diễn nghệ thuật bắt đầu đóng vai trò quan trọng. Khái niệm marketing chỉ quen thịnh hành trên phạm vi quốc tế từ khoảng hơn một thế kỷ trở lại đây và thâm nhập vào Việt Nam chỉ vài chục năm gần đây. Đặc biệt marketing nghệ thuật tại các nước có ngành công nghiệp văn hóa phát triển cũng chỉ được biết đến nhiều trong vìa thập niên gần đây. Tăng cường hoạt động marketing cho hoạt động biểu diễn. Đây cũng là một yếu tố quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Đoàn cần thành lập phòng Marketing nghệ thuật, marketing đây là một khâu rất quan trọng trong hoạt động biểu diễn nhất là trong tình hình áp dụng đổi mới cơ chế tổ chức để tăng nguồn thu.

Nói đến marketing nghệ thuật là đã coi nghệ thuật như một thứ hàng hoá. Cho đến nay marketing nhìn chung vẫn là một khái niệm mới mẻ đối với các đơn vị nghệ thuật. Công tác marketing chủ yếu thường quan niệm là quảng cáo, in ấn, giảm giá, sử dụng các ngôi sao để câu khách mà không nghĩ tới nó là một chiến lược phát triển cả về nghệ thuật và khán giả góp phần phát triển đơn vị của mình. Chiến lược marketing bao gồm:

-             Tập trung đến sản phẩm

-             Tập trung đến bán hàng

-             Tập trung đến nghiên cứu thị trường

-             Tập trung đến khách hàng

Để làm được điều đó thì đoàn Xiếc Thành phố cần phải:

+ Phân tích nhu cầu của khán giả và đáp ứng nhu cầu.

+ Đa dạng hoá sản phẩm (Chương trình, tiết mục), mở rộng và liên kết các hoạt động.

+ Gắn các hoạt động với dịch vụ du lịch.

+ Thiết lập và thương mại hoá sản phẩm.

+ Chủ động đón khách.

-             Khẳng định tính khác biệt và thống nhất của lọai hình.

-             Sử dụng hiệu quả sự trợ giúp của các nguồn lực trong xã hội (kết hợp với các đơn vị, tổ chức xã hội, cá nhân trong việc tổ chức biểu diễn).

3.2.7. Tăng cường hoạt động giao lưu hợp tác quốc tế

Giao lưu hợp tác quốc tế là một hoạt động quan trọng đối với sự phát triển của nghệ thuật xiếc. Nghệ thuật xiếc các nước cũng như xiếc Việt Nam mang hai thuộc tính dân tộc và quốc tế. Tính quốc tế là đặc trưng của xiếc: khác thường, kỳ lạ và phi lý. Còn tính dân tộc là tính riêng, bởi nó hình thành và phát triển trong lòng mỗi nước có xiếc. Nhìn ra thế giới, các chương trình, tiết mục xiếc của các cường quốc xiếc, họ tiến xa về kỹ thuật, kỹ xảo và sân khấu xiếc hiện đại. Chính vì vậy việc giao lưu quốc tế sẽ giúp cho bạn bè quốc tế hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc vừa là cơ hội rất quý báu để xiếc Việt Nam tiếp cận với những tinh hoa của xiếc quốc tế. Đối với đoàn Xiếc, là một đơn vị đầu đàn của ngành xiếc Việt Nam thì hoạt động giao lưu hợp tác quốc tế càng trở nên cần thiết. Trong giai đoạn tiếp theo cần có các hoạt động sau:

-            Tổ chức thường kỳ hàng năm Liên hoan Xiếc quốc tế, mời các nước có nghệ thuật xiếc phát triển tham gia để học hỏi kinh nghiệm.

-            Tổ chức các chương trình biểu diễn giao lưu giữa các đoàn nghệ thuật xiếc đến Việt Nam hoặc sang các nước biểu diễn.

-            Lập kế hoạch trao đổi đào tạo diễn viên, đội ngũ sáng tạo như: đạo diễn, biên đạo, sáng tác, dàn dựng, thiết kế âm thanh, ánh sáng… tạo điều kiện cho họ được tiếp cận với những kỹ thuật tiên tiến, cách tổ chức, dàn dựng mới hiện đại. Tăng cường các hoạt động giao lưu biểu diễn, học hỏi kinh nghiệm, hợp tác quốc tế nhằm có thêm được nhiều kinh nghiệm, học hỏi được từ bạn bè quốc tế những thứ mà thực trạng đoàn Xiếc đang gặp khó khăn, vấp phải nhằm tạo ra hướng giải pháp giải quyết nhanh và kịp thời phát triển.

3.2.8. Một sô biện pháp khác

Kết hợp nhiều yếu tố trong nghệ thuật xiếc. Bản sắc dân tộc cần được bảo tồn và phát huy qua các tiết mục, đông thời cần kết hợp hài hòa và khéo léo tính hiện đại vào trong từng tiết mục. Có như vậy thì xiếc Việt Nam mới có được bản sắc riêng, có cái riêng biệt và độc đáo mà chỉ có nước ta mới có.

Một tiết mục xiếc được hình thành và biểu diễn cần có rất nhiều bộ môn nghệ thuật khác hỗ trợ như: Âm nhạc, múa, hội họa… chính vì vậy, muốn có được những chương trình hay, hấp dẫn, có chất lượng cao và thu hút khán giả thì đoàn cũng cần có những quan tâm đúng đắn với các bộ môn nghệ thuật phụ trợ. Âm nhạc trong nghệ thuật xiếc có vai trò khá quan trọng, nó dẫn dắt, tạo cảm xúc và tăng hiệu quả cảm thụ cho khán giá. Tiết tấu nhanh – chậm, giai điệu khi vui khi trầm lắng giúp khán giả cảm thấy không bị nhàm chán khi xem xiếc. Thậm chí đưa âm nhạc dân gian của Việt Nam vào trong các tiết mục xiếc cũng rất đặc biệt, nó giúp phần tạo cho các tiết mục xiếc Việt Nam có được “cái tôi” riêng của mình. Các động tác trong nghệ thuật xiếc, ngoài những động tác như nhào lộn, tung hứng, hay như những tiết mục phô diễn sức mạnh của con người thì lồng ghép trong đó là những động tác rất mềm mại, uyển chuyển, dẻo dai của bộ môn nghệ thuật múa. Các động tác múa làm gắn kết hơn, sinh động hơn các động tác trong tiết mục xiếc. Hội họa, điêu khắc, trang trí cũng góp phần đóng góp khá nhiều trong những tiết mục xiếc. Người diễn viên có được những trang phục phù hợp với nội dung tiết mục hay không? Các đạo cụ có được sự trang trí hài hòa, thậm chí kết hợp giữa nét hiện đại và nét truyền thống văn hóa hay không? Tất cả những yếu tố đó đều cần những chuyên gia những nhà thiết kế, tạo mẫu, xây dựng hình ảnh thật tốt. Làm sao cho khán giả khi thưởng thức một tiết múc xiếc họ cảm thấy hài lòng, thỏa mãn, thấy được giá trị, sự công phu và chuẩn bị và sự kết hợp khéo léo giữa nhiều bộ môn nghệ thuật khác trong từng tiết mục xiếc.

Kho tàng các tích dân gian, truyện cổ tích của Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Các câu chuyện này đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt ngay từ khi còn rất nhỏ. Chính vì vậy, đây có thể coi là một nguồn kịch bản vô cùng quý báu để các đạo diễn xiếc khai thác. Đây có thể coi là một hướng phát triển khá hay và độc đáo của đoàn nếu đưa được nhiều các truyện cổ dân gian, các tích về các anh hùng dân tộc vào để dàn dựng thành những chương trình xiếc có chủ đề, lấy chất liệu, ngôn ngữ xiếc để thuật lãi những chiến tích của cha ông ta, truyền thống quật cường trong công cuộc bảo vể bờ cõi từ ngàn đời. Qua những chương trình hay tiết mục xiếc như vậy sẽ tạo được sự thu hút, tò mò hơn của khán giả khi thưởng thức bộ môn xiếc. Đây còn có thể coi như những bài học trực quan sinh động giành cho các khán giả thiếu nhi - lực lượng khán giả đông nhất đến với bộ môn nghệ thuật xiếc.

3.2.9. Một số kiến nghị với các cấp lãnh đạo

Như chúng ta đã biết, xiếc là loại hình nghệ thuật lao nặng nhọc nhất trong các loại hình nghệ thuật. Để sáng tạo được một tiết mục phải là sự sáng tạo khổ luyện của các nghệ sỹ, diễn viên mà còn tốn rất nhiều thời gian. Chính vì vậy với thực trạng hoạt động biểu diễn xiếc hiện nay rất cần thiết có sự quan tâm của Nhà nước. 

-            Cần phải xây dựng một chính sách linh hoạt, ưu đãi phù hợp trong hoạt động biểu diễn. Đối với cơ chế tài chính, chính sách nhà nước cần tiếp tục đổi mới ưu đãi cho hoạt động biểu diễn đối với các ngành nghệ thuật đặc thù, phải tập luyện công phu ... Như chính sách đầu tư xây dựng rạp biểu diễn, trang thiết bị phục vụ biểu diễn. chính sách hỗ trợ biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo. Những biện pháp phải được quán triệt đến từng cán bộ, Đảng viên cho đoàn xiếc để tạo được chuyển biến và nâng cao nhận thức, tạo thành động lực cho sự phát triển. 

-            Có chế độ, chính sách phụ cấp độc hại, bảo hiểm thân thể thỏa đáng cho diễn viên.

-            Có chế độ, chính sách và kế hoạch sắp xếp công việc đối với diễn viên khi đã hết tuổi biểu diễn.

Trên đây là một số giải pháp mà người viết mạnh dạn đưa ra. Để hoạt động biểu diễn của đoàn Xiếc Tp.Hồ Chí Minh nói riêng đạt hiệu quả và cũng để phát triển nghệ thuật xiếc thì cần phải có một sự phối kết hợp đồng bộ của đơn vị cũng với sự quan tâm, định hướng của Nhà nước đối với loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù này. Bên cạnh đó, sự nỗ lực của từng cá nhân trong đơn vị, luôn tâm huyết với nghề, gìn giữ  và phát triển nghệ thuật xiếc cùng với sự ủng hộ của công chúng, các tổ chức xã hội thì nghệ thuật xiếc Việt Nam chắc chắn sẽ có chỗ đứng trên trường quốc tế như một thời vàng son đã từng đạt được.

Tiểu kết chương 3

Để hoạt động của đoàn Xiếc Thành phố phát triển mạnh mẽ và vững chắc, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao trong giai đoạn hiện nay, hướng và mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Liên đoàn Xiếc phải tự xây dựng cho mình một chiến lược phát triển theo những mục tiêu mình đặt ra cho hàng năm, từng thời kỳ phát triển bằng những nội lực của mình. Những thành quả mà đoàn Xiếc đã đạt được là một nỗ lực đáng khích lệ, song hiện nay hoạt động của Liên đoàn còn gặp những khó khăn, lúng túng trong bước chuyển từ cơ chế tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của đoàn Xiếc trong giai đoạn hiện nay là một vấn đề cấp thiết để đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới.

 

KẾT LUẬN

Nghệ thuật xiếc Việt Nam kể từ ngày mới hình thành đã trải qua nhiều bước phát triển đáng ghi nhận. Với đặc thù của mình, nghệ thuật xiếc đã có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Sức hấp dẫn của xiếc không chỉ đơn thuần là kỹ thuật, kỹ xảo hay sự kỳ bí của bản thân nghệ thuật, mà nghệ thuật xiếc Việt Nam còn mang tính quảng đại thông qua hình tượng nghệ thuật, phục vụ có hiệu quả đời sống nhân dân.

Đoàn Xiếc là một trong những đơn vị hoạt động biểu diễn nghệ thuật, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực văn hoá tư tưởng nói riêng và trong đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước nói chung. Những thành tựu về biểu diễn nghệ thuật của đoàn Xiếc đã góp phần khẳng định nghệ thuật xiếc là một bộ môn nghệ thuật sân khấu đặc thù. Các chương trình chứa đựng nhiều nội dung tư tưởng tốt, mang tính học thuật cao và đáp ứng được theo yêu cầu phát triển của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử nhất định và ngày càng góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát triển nghệ thuật xiếc nói riêng, bảo tồn văn hoá dân tộc nói chung trong hiện tại và tương lai. Đồng thời góp phần giáo dục, nâng cao đời sống văn hoá nghệ thuật trong nhân dân cả nước.

Với những nỗ lực đã đạt được, hy vọng rằng trong tương lai không xa đoàn Xiếc Tp.Hồ Chí MInh sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa để giữ gìn, kế thừa và phát triển nghệ thuật xiếc Việt Nam, cùng với ngành sân khấu cả nước góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.        Lê Anh (2002), Xiếc Việt Nam một chặng đường thế kỷ 1920 -2000, Nxb Sân khấu, Hà Nội.

2.        Lê Anh (2000), “ Bàn về trang phục dân tộc trong xiếc ”, Văn hóa Nghệ thuật, (12), tr. 84-88

3.        Lê Anh (1994), “ Suy nghĩ về hướng phát triển nghệ thuật xiếc Việt Nam ”, Văn hóa Nghệ thuật, (07), tr. 43-45

4.        Đào Duy Anh (1992), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb TP.HCM, Thành phố Hồ Chí Minh

5.        Toan Ánh (2005), Nếp cũ – Làng xóm Việt Nam, Nxb Trẻ, Hà Nội

6.        Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (2006), Tài liệu học tập Nghị quyết              Đại hội X của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

7.        Bộ Văn hoá - Thông tin (1995), Đường lối văn hoá của Đảng Cộng sản             Việt Nam, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

8.        Bộ Văn hoá - Thông tin (1999), Xây dựng và phát triển nền văn hoá  Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thực tiễn và giải pháp, Hà Nội.

9.        Bộ Văn hoá - Thông tin (2003), Kỷ yếu hội thảo khoa học đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo ngành xiếc Việt Nam

10.    Đảng cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

11.    Tuấn Giang, Hà Vinh (2001), Nghệ thuật xiếc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

12.    Phạm Lê Hòa (2003),  “Âm nhạc – thành tố quan trọng của nghệ thuật xiếc” , Kỷ yếu hội thảo  Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo ngành xiếc Việt Nam- Bộ Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 134-137

13.    Đỗ Huy (2002), Đạo đức học – Mỹ học và đời sống văn hoá nghệ thuật, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

14.    Đỗ Huy (2000), Mỹ học – Khoa học về các quan hệ thẩm mỹ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

15.    Hoàng Minh Khánh, Nguyễn Thị Lan Thanh (1996), “ Sự cần thiết của việc quản lý nhà nước về vẫn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đại học Văn hóa Hà Nội

16.    Hoàng Minh Khánh (1999), “Từ trò chơi dân gian đến nghệ thuật xiếc”,

Văn hóa Nghệ thuật, (4), tr. 56-57

17.    Hoàng Minh Khánh (1999), “Vài suy nghĩ từ những biểu hiện của xiếc cổ truyền”, Văn hóa Nghệ thuật, (5), tr. 86-87

18.    Hoành Minh Khánh (2003), “Nghiên cứu nghệ thuật xiếc trên phương diện lý luận”, Văn hóa Nghệ thuật, (8), tr. 65-71

19.    Hoành Minh Khánh (2007), “Đào tạo diễn viên hề cho xiếc Việt Nam”, Văn hóa Nghệ thuật, (1)2, tr. 66-70

20.    Kỷ yếu Hội thảo khoa học (2003), “Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo ngành xiếc Việt Nam”, Bộ Văn hóa Thông tin, HN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn