Tháp Bà Po Inư Nagar

 



Tháp Bà Po Inư Nagar

Chế Diễm Trâm

Đã có nhiều giả thuyết xoay quanh việc người Chăm cổ đã xây tháp như thế nào mà hầu như không thấy mạch vữa nhưng tháp vẫn trụ vững qua mưa nắng và thời gian.


Trên Wikipedia từng viết: Năm 2006, Trung tâm Quản lý di tích-di sản Quảng Nam đã chính thức công bố thông tin các nhà khoa học Ý đã nhận biết được loại vật liệu kết dính để xây tháp Champa cách đây vài triệu năm. Đó là loại keo được tinh chế từ một loài thực vật vốn có rất nhiều trong khu vực quanh di sản Mỹ Sơn mà người dân địa phương thường gọi là cây dầu rái. Ngoài ra, họ cũng đã phát hiện ra một loại hợp chất có nguồn gốc từ thực vật bản địa nói trên có trong gạch sử dụng để xây tháp.

Song đó cũng chỉ là giả thuyết!

Cũng có ý kiến cho rằng người Chăm đã tạo ra và nung sẵn các viên gạch để khi xây tháp người thợ miết, ép các viên gạch với nhau theo một kỹ thuật nào đó đến khi chúng liền mạch với nhau mãi mãi. Vì thế, giữa các hàng gạch của tháp không có mạch vữa đã đành mà cũng không hề có các khe hở.




Đã từng tồn tại giả thuyết là những nghệ nhân xây tháp đã xếp những viên gạch mộc (chưa qua nung) thành hình rồi mới nung từng phần hoặc một lần. Vì vậy màu gạch trên các mảng tường không hoàn toàn giống nhau (tựa như các sản phẩm gốm Bàu Trúc hiện nay vậy). Song giả thuyết này tỏ ra thiếu thuyết phục vì một phần là dấu tích các lò gạch Chăm vẫn còn, các lò gạch để làm gì mà phải lắp tháp bằng gạch mộc? Thêm nữa, tháp Chăm ngoài vật liệu gạch, một số tháp dùng cả gỗ, mà gỗ thì không thể qua lửa nung được.

Tính từ khi vương quốc Champa không còn tồn tại (năm 1832) đến nay, gần hai thế kỷ đã trôi qua. Cộng đồng người Chăm trên thế giới hiện còn khoảng 400.000 người, ở Việt Nam khoảng 132.873 người (theo điều tra dân số năm 1999). Thế nhưng kỹ thuật xây tháp đã đi vào im lặng hoàn toàn. Phải chăng cùng với bí quyết đào giếng, bí truyền xây tháp cũng đã, đang, sẽ là những bí mật quốc gia cùng với chính danh vương quốc Champa mãi đi vào quá khứ, để lại biết bao thán phục lẫn nuối tiếc của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ và rất nhiều người…

Tuy vậy, nhìn nhiều tháp Chăm hiện nay còn lại, trên thân tháp và đỉnh tháp cây cối mọc um tùm (kể cả tháp Po Nagar ở TP Nha Trang được xem là cụm tháp được thường xuyên cúng tế thì có một thời gian cũng rơi vào tình trạng tương tự). Phải chăng gạch để làm tháp không phải là đất sét là thành phần chính mà phải được pha trộn từ đất? Bởi thế qua thời gian, cây cỏ bám vào và phát triển. Mỗi khi bước chân vào lòng tháp Chăm ta có cảm giác mát như bước vào lòng đất?

Mỗi tháp Chăm là một tác phẩm độc đáo, không tháp nào giống tháp nào. Ngay trong một cụm tháp, người nghệ sĩ tạo tác cũng sáng tạo không ngừng, từ kích thước, hình dáng đến chất liệu, hoa văn, phù điêu…




Khu Mandapa thuộc cụm tháp Po Inư Nagar


Tháp Po Nagar đã được xây dựng vào thế kỷ 7 bằng gỗ nhưng bị quân Java kéo sang đốt phá. Về sau, tháp được xây lại bằng gạch và hoàn thành năm 784. Lúc bấy giờ vua Champa ở phía Bắc là Vikrantavarman thôn tính vùng Kauthara của các Tiểu vương ở phía Nam. Để đánh dấu chiến thắng này, nhà vua cho xây dựng tháp thờ thần Parvati, được xem là nữ thần tạo lập vương quốc Champa. Sau này quốc vương Harivarman I và con trai ông đã xây dựng thêm năm tháp nữa. Nhưng hiện tại, cụm tháp Po Nưgar chỉ còn bốn tháp, gồm một tháp chính và ba tháp nhỏ hơn, tương truyền là thờ thần Shiva, thần Sanhaka, thần Ganeca (theo truyền thuyết là con trai thần Shiva).

Dân tộc Champa có hải sử khá sớm chứng tỏ người Chăm rất giỏi về hàng hải. Tại sao nhiều thế kỷ trước đó vương quốc Champa thường ít chọn địa điểm xây tháp gần biển? Có lẽ dưới ảnh hưởng của Ấn Độ giáo và Hồi giáo nên người Chăm sống ẩn kín, có cái gì đó rất huyền bí. Không phải ngẫu nhiên mà các trung tâm tôn giáo tâm linh của người Chăm thường cách xa khu dân cư, tựa vào núi sâu rừng thẳm (Thánh địa Mỹ Sơn) hoặc ở trên đồi cao giữa cánh đồng (cụm Po Klong Garai).

Riêng cụm tháp Po Inư Nagar lại nằm trên ngọn đồi không cao lắm (10-12 m) ngay ở cửa con sông lớn nhất của Nha Trang thông ra sát biển. Cũng giống như tất cả tháp Chăm khác, bốn tháp trong cụm Po Nagar đều có cửa đối diện hướng Đông, trực diện mặt trời mọc. Do vị trí ngay sát cửa biển nên tháp Po Nagar luôn đón ánh mặt trời đầu tiên ngay khi mặt trời vừa nhô lên. Những người dân sùng bái Mẹ/Bà thường đến đây vào lúc mặt trời chưa lên để chờ đợi giây phút ánh mặt trời chiếu thẳng vào tượng Mẹ/Bà mà cầu nguyện.

Người dân khi lên tháp thường bày tỏ tín ngưỡng đối với tượng linga. Họ dùng đôi bàn tay xoa lên phần hình tròn trên cùng (tượng trưng cho thần Shiva) rồi áp lên đầu, lên ngực để cầu xin may mắn, an lành. Vì thế, linh thạch trụ sinh thực khí ở đây bóng lên và mòn đi theo thời gian.

Đáng quý là cụm tháp Po Nagar còn giữ được những công trình kiến trúc tương đối nguyên vẹn so với các công trình đền tháp Champa còn lại trên dải đất Trung bộ và Tây Nguyên. Độc đáo nhất là ở tầng giữa của khu di tích hiện vẫn còn 22 cột hình bát giác gọi là khu tiền đình Mandapa, vốn là nơi sửa soạn lễ vật trước khi lên dâng cúng trong tháp ở tầng trên.

Khu Mandapa thuộc cụm tháp Po Inư Nagar dẫn thẳng lên tháp chính với những bậc gạch gần như thẳng đứng. Người hành lễ khi lên tháp không thể đi thẳng lưng được, gần như phải bò lên và bò thụt lui xuống để thể hiện sự tôn kính thần linh. Ngày nay, những bậc tam cấp gạch này người ta rào lại và tạo những bậc đá thoai thoải để du khách lên xuống.

Phong tục của người Chăm là đốt nến để hành lễ và xong lễ là tắt nến. Mỗi năm chỉ tối đa ba cuộc lễ, mỗi cuộc lễ kéo dài nhiều nhất là một tiếng đồng hồ. Ba ngọn nến được đốt lên để đủ ánh sáng hành lễ, đồng thời khử tạp uế. Và người Chăm cũng không đặt bất kỳ lễ vật nào trước tượng thờ. Lễ vật được bày bên ngoài tháp và thường là ở mặt sau tháp thường là cơm, canh, gà luộc, trầu cau, rượu trắng, đĩa/au hoa quả, trong đó nhất thiết phải có nhánh chuối được úp sấp xuống.

Ai đó đã từng nói, văn hóa là những gì còn lại sau khi người ta đã quên đi tất cả. Vậy suy ngược, những cái người ta không thể quên, đó là văn hóa. Văn hóa-văn minh Champa, trong đó có tháp, không ai có thể quên được, không thể quay lưng được, trái lại phải chiêm ngưỡng, phải thán phục, phải mày mò đi tìm những bí ẩn bên trong những viên gạch cổ...


Hiện nay, trên dải đất Duyên hải Trung bộ và miền núi Tây Nguyên còn tổng cộng 23 nhóm tháp Chăm tại các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk. Cụ thể:

- Tại Huế có HAO nhóm tháp là Liễu Cốc (huyện Hương Trà) và Mỹ Khánh (huyện Phú Vang).

- Tại Bình Định có tám nhóm tháp là Mẫm, Cánh Tiên, Phú Lốc (huyện An Nhơn), Bánh Ít, Bình Lâm (huyện Tuy Phước), Thủ Thiện, Dương Long (huyện Tây Sơn) và Đôi (TP Quy Nhơn).

- Tại Quảng Nam có năm nhóm tháp là Bằng An (huyện Điện Bàn), Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên), Chiên Đàn (TP Tam Kỳ), Khương Mỹ (huyện Núi Thành) và Đồng Dương (huyện Thăng Bình).

- Tại Bình Thuận có hai nhóm tháp là Do Sah Inư (Phan Thiết) và Do Dam (huyện Tuy Phong).

- Tại Ninh Thuận có ba nhóm tháp là Do rome (huyện Ninh Phước), Do Klong Garai (Phan Rang-Tháp Chàm) và Hòa Lai (huyện Ninh Hải).

- Tại Khánh Hòa có nhóm tháp Po Nagar (Nha Trang).

- Tại Phú Yên có nhóm tháp Nhạn (Tuy Hòa).

- Ở Đắk Lắk có nhóm tháp Yang Praong (huyện Ea Sup). 

văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn