Ngày 27-4, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo “Phát huy tiềm năng giá trị di sản văn hóa Tháp Bà Ponagar với phát triển du lịch bền vững”. Tham dự và chủ trì hội thảo, có ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; Viện Nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; cùng hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương, các đoàn nghệ nhân dân gian.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Văn Thiệu cho biết, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có trên 200 di tích thờ và phối thờ Mẫu Thiên Y A Na. Trong đó, di tích Tháp Bà Ponagar là trung tâm của tín ngưỡng này. Tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na mang đậm dấu ấn văn hóa của người Việt với truyền thuyết và quá trình huyền thoại hóa riêng, tồn tại cộng sinh, song hành với tục thờ Mẹ xứ sở của đồng bào Chăm. Thông qua hội thảo lần này, là dịp để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, giá trị di tích Tháp Bà Ponagar trong việc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; các loại hình dịch vụ góp phần phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa. Từ hội thảo, ngành văn hóa phải tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu để vận dụng có hiệu quả trong việc cụ thể hóa Nghị quyết số 34, ngày 22-12-2023, của Tỉnh ủy về phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Kế hoạch số 3566, ngày 4-4-2024, của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 34. Cùng với đó, sớm xây dựng hoàn thành hồ sơ di tích đặc biệt quốc gia Tháp Bà Ponagar theo đúng quy trình.
Trong thời gian hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau làm rõ những nội dung quan trọng như: Tổng quan lịch sử - văn hóa Tháp Bà Ponagar; những giá trị lịch sử nghệ thuật kiến trúc của Tháp Bà; tín ngưỡng và thực hành thờ Mẫu Thiên Y A Na/Po Nagar từ quan điểm của công ước 2003, UNESCO; không gian tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na ở miền Trung; vị trí, vai trò và giá trị khảo cổ học di tích Tháp Bà Ponagar trong khảo cổ học Champa; nghiên cứu di tích Tháp Bà Ponagar bằng các kỹ thuật hạt nhân tiên tiến góp phần giải mã tiến trình lịch sử và kỹ thuật xây dựng, trùng tu các đền tháp nhóm tác giả; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức các hoạt động nghệ thuật tại Tháp Bà Ponagar Nha Trang.
PGS.TS Phan Quốc Anh phát biểu về giao thoa văn hóa Việt - Chăm
Tháp Bà Ponagar là một trung tâm thờ tự quan trọng của người Chăm và người Việt không chỉ ở Khánh Hòa mà còn là nơi hành hương của đông đảo người Việt Nam. Đây là quần thể những đền tháp thờ nữ thần Mẹ xứ sở Po Inư Nagar của người Chăm và nay thờ cả Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Di tích Tháp Bà Ponagar có niên đại xây dựng khoảng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII. Mỗi công trình trong quần thể di tích chứa đựng những tinh hoa nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc độc đáo của nền văn hóa Chămpa. Năm 1979, di tích Tháp Bà Ponagar được xếp hạng di tích quốc gia.