Sự tích về Phật triết của Lâm Ấp trong tiến trình giao lưu văn hóa Việt – Nhật
Tác giả: Onishi Kazuhiko
LỜI MỞ ĐẦU
Mục đích của bài viết này là khảo sát một bộ phận của Phật giáo Champa ở thế kỷ thứ 8 thông qua câu chuyện về một nhân vật có tên là Phật Triết đã đi từ Lâm Ấp sang Nhật Bản. Phật Triết là một nhà sư ở cuối thời đại Lâm Ấp (192 – 756) thuộc vương quốc Champa (192 – 1832), một triều đại từng phát triển thịnh vượng ở miền Trung Việt Nam. Phật Triết đã sang Nhật Bản cùng với Bồ Đề Tiên Na, một nhà sư của miền Nam Ấn Độ vào năm 736. Ông đã dạy tiếng Phạn ở chùa Đại An (Đại An tự / Daian-ji) của Nara. Đồng thời, vào năm 752, ông đã cúng dường một điệu múa ở Pháp hội Khai nhãn tượng Phật lớn tại chùa Đông Đại (Đông Đại tự / Todai-ji). Điệu múa này, được gọi chung là nhạc Lâm Ấp, đã trở thành một phần quan trọng trong nhã nhạc Nhật Bản và được truyền lại cho đến tận ngày nay.
Giới học thuật cận đại Nhật Bản đã đề cập về Phật Triết hơn 100 năm qua, trong đó có thuyết cho rằng xuất thân của ông là từ miền Bắc Ấn Độ. Tuy nhiên, tại Việt Nam lại không hề đề cập đến sự tồn tại của Phật Triết. Vì vậy, ở bài viết này, chúng tôi xin trình bày ba luận điểm dưới đây về nhân vật này.
[1] Nêu ra những vấn đề chính và nhìn nhận lại các nghiên cứu trước đây có liên quan đến Phật Triết.
[2] Kiểm chứng xem Phật Triết có phải xuất thân là người của nước Lâm Ấp, thuộc bán đảo Đông Dương hay không?
[3] Khảo sát một bộ phận của Phật giáo Champa ở thế kỷ thứ 8 thông qua sự tích Phật Triết đã được nghiên cứu ở Nhật Bản.
1. NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN TỒN TẠI VÀ VIỆC KHẢO SÁT LẠI CÁC NGHIÊN CỨU TRƯỚC ĐÂY
Trước tiên, chúng tôi muốn khái quát lại những nghiên cứu có liên quan về vấn đề này, chủ yếu là trong giới học thuật Việt Nam và Nhật Bản. Đồng thời, chúng tôi cũng nêu thêm một vài vấn đề cần khảo sát ở đây.
1.1. Những nghiên cứu về Phật Triết ở Nhật Bản
Giới học thuật tại Nhật Bản đã chú ý đến Phật Triết từ rất sớm. Vào năm 1907, Takakusu Jyunjiro đã công bố một công trình luận văn đồ sộ có tên là Bát nhạc Lâm Ấp – Âm nhạc của triều đại Nara [Takakusu 1978/1907]. Takakusu đã bình luận tỉ mỉ về âm nhạc Lâm Ấp cũng như đưa ra những thông tin cơ sở có liên quan đến Phật Triết. Chẳng hạn như các sử liệu về văn bia Nam Thiên Trúc Bà La Môn tăng chính bia tịnh tư11 được Tu Vinh là đệ tử của Bồ Đề Tiên Na ghi lại vào năm Cảnh Vân thứ 4 (770); sách Nguyên Hưởng thích thư, thông sử Phật giáo Nhật Bản sơ khai được nhà sư thuộc phái Lâm Tế là Hổ Quan Sư Luyện (1278 – 1346) đệ trình lên triều đình vào năm Nguyên Hưởng thứ 2 (1332). Ngoài ra, Takakusu đã trích dẫn một phần của Nam Hải ký qui nội pháp truyền (quyển 1) được nhà sư Nghĩa Tĩnh (635 – 715) của nhà Đường ghi chép vào năm Thiên Thụ thứ 2 (691), trong đó có đoạn như “… người ta đi về phía nam mới tới Chiêm Ba, tức là Lâm Ấp. Nước này theo Bộ Chính Lượng Bộ và ít kiêm theo Hữu Bộ…”. Theo đó, Takakusu khẳng định rằng “Bộ Chính Lượng Bộ và Hữu Bộ đều cũng là môn phái của Phật giáo Tiểu thừa”. [Sđd]. Như vậy, Takakusu đã phân tích và cho rằng nơi xuất thân của Phật Triết vào thế kỷ 7 là nước Champa, nơi mà Phật giáo Tiểu thừa tức Bộ phái Phật giáo như Bộ Chính Lượng, Bộ Thuyết Nhất Thiết, đã rất phát triển.
Những năm gần đây, vào năm 1984, Tomita Haruo đã trình bày một bài khảo luận có tên làPhật Triết trong nhã nhạc [Tomita: 1984]. Hơn một nửa nội dung của bài khảo luận này là khảo sát về âm nhạc Lâm Ấp và có đề cập đến pháp thuật mà Phật Triết đã sử dụng. Nội dung này có thể tìm thấy ở Đại An tự Bồ Đề truyền lai ký, trích dẫn từ Đông Đại tự yếu lụcđược hoàn thành vào năm Gia Thừa thứ 1 (1106).
Theo đó, tại Nhật Bản, những đề cập liên quan đến nhã nhạc của Phật Triết như trên là không ít. Vào năm 1964, Tanaka Otoya đã công bố luận văn tập trung chủ yếu vào Phật Triết với đề tài Phật Triết – Nhà sư Lâm Ấp [Tanaka 1964]. Sau này, khi toàn bộ bài nghiên cứu của Tanaka Otoya được phát hành vào năm 1991 với tên gọi là Túy hoa tập luận văn học Ấn Độ – Dịch thi tập thì cũng bao gồm cả luận văn trên [Tanaka 1991: 623-634]. Tanaka có lặp lại nhiều lần rằng nước Chiêm Bà / Lâm Ấp Quốc / Bắc Thiên Trúc là nơi xuất thân của Phật Triết dựa vào những ghi chép trong Đại An tự Bồ Đề truyền lai ký vàPhù Tang lược ký sao. Do đó, chúng tôi có thể suy đoán nước Lâm Ấp chính là Bắc Thiên Trúc.
Tóm lại, theo Tanaka, nơi xuất thân của Phật Triết là miền Bắc Ấn Độ chứ không phải là miền Trung Việt Nam mà người ta hay nói đến trong một thời gian dài. Tuy nhiên, đó chỉ là hướng nghiên cứu mà Tanaka đã đề xuất để khẳng định Lâm Ấp là Bắc Thiên Trúc. Kết luận này vẫn còn bỏ ngỏ về mặt lý luận và cần kiểm chứng lại một cách có minh chứng rõ ràng.
1.2. Nghiên cứu lịch sử Phật giáo Champa ở Việt Nam
Chúng tôi đã đọc lại những công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam có liên quan đến Phật giáo Champa để xem xét lại ý nghĩa của việc nghiên cứu về Phật Triết trong suốt quá trình đó.
Những luận văn đầu tiên đề cập về lịch sử Phật giáo Việt Nam được các nhà nghiên cứu người Việt Nam chấp bút đều khởi nguồn từ Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, do Phật giáo ở miền Trung Việt Nam không được chọn là đối tượng nghiên cứu nên những đề tài viết về Phật Triết hoàn toàn vắng bóng. Khuynh hướng này được thể hiện xuyên suốt trong nhiều tác phẩm như Phật giáo Đại Nam từ khởi nguyên cho đến thế kỷ 13 của sử gia nổi tiếng Trần Văn Giáp [Trần Văn Giáp 1932], Việt Nam Phật giáo sử lược, sách về lịch sử Phật giáo Việt Nam đầu tiên được nhà sư Thích Mật Thể viết bằng tiếng Việt [Thích Mật Thể 1943]; Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang [Nguyễn Lang 2000/1973, 1978, 1994], một quyển sách khái quát lại lịch sử Phật giáo Việt Nam từ những quan điểm bao quát trên nhiều phương diện như lịch sử, kinh tế, chính trị; Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Nguyễn Tài Thư [Nguyễn Tài Thư 1991], một quyển sách về lịch sử Phật giáo Việt Nam được cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm xuất bản lần đầu tiên kể từ sau khi thống nhất đất nước.
Gần đây, trong giới nghiên cứu Phật giáo miền Nam, Lê Mạnh Thát đang lần lượt phát hành 7 quyển sách đồ sộ về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, ở quyển số 1 với nội dung về Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên cho đến thế kỷ 6 [Lê Mạnh Thát: 1999] vẫn không thấy đề cập đến Phật giáo miền Trung Việt Nam. Bên cạnh đó, Nguyễn Hiền Đức, chuyên gia nghiên cứu về Phật Giáo miền Trung Nam Bộ, khi viết cuốn Lịch sử Phật giáo Đàng Trong [Nguyễn Hiền Đức 1995], cũng lấy phạm vi của đối tượng nghiên cứu là Đàng Trong – Chúa Nguyễn (1558 – 1777) mà không hề đề cập đến lịch sử của Phật giáo trước đó.
Trước thực trạng các công trình nghiên cứu về Phật giáo Champa của các nhà nghiên cứu Việt Nam vẫn chưa nhiều thì vào năm 2001, Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm với tư cách đồng tác giả đã xuất bản quyển Lịch sử Phật giáo xứ Huế [Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm 2001: 28]. Trong quyển sách này có giới thiệu một vài tư liệu về văn hiến, di tích, di vật liên quan đến Phật giáo Champa. Đầu tiên là trên Văn bia Võ Cạnh ra đời vào khoảng thế kỷ 3 hoặc 4 có một đoạn trích mang tư tương từ bi của Phật giáo như “Từ bi và khổ đau đối với chúng sinh” [Sđd]. Tiếp theo câu trích dẫn “Mỗi người thì phụng sự chư Phật. Văn tự thì giống với Thiên Trúc” của Tùy thư2 cùng với bài khái lược trong Nam Hải ký quy nội pháp truyền của Nghĩa Tĩnh cho biết “Champa là một quốc gia Phật giáo thuần thành”.3 Ngoài ra, bên cạnh di tích Đồng Dương của thành phố Indrapura mà vua Champa Indravarman II đã cho xây dựng (cách Đà Nẵng 60 km về phía nam), có rất nhiều di vật liên quan đến Phật giáo đã được phát hiện như pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng và di tích tu viện của Phật giáo [Sđd: 28-31]. Cuốn Lịch sử Phật giáo xứ Huế cũng nhận xét vua Indravarman II là vị vua duy nhất theo tín ngưỡng Phật giáo ở vương quốc Champa [Sđd: 28].
Chuyên gia khai quật di tích, Louis Finot, đã đặt tên cho bia đá này là Đồng Dương I, có niên đại tương đương năm 875 Tây lịch. Vì trên văn bia này có khắc lời tán nghinh Quan Âm Bồ Tát nên chúng ta có thể nhận định Phật giáo Champa ở thế kỷ 9 là Phật giáo Đại thừa [Sđd: 32]. Ngoài ra, nội dung của văn bia này sẽ được đề cập lại một lần nữa ở phần 3.3 của bài viết.
Bên cạnh đó, cuốn Lịch sử Phật giáo xứ Huế đã lấy thông tin từ văn bia từ làng An Thái, tỉnh Quảng Nam, còn gọi là Văn bia An Thái, có niên đại tương đương vào năm 902 Tây lịch [Huber 1911: 277-282]. Văn bia này có khắc rõ đối tượng tín ngưỡng của Mật tông làKim cương thù Bồ tát (Vajrapani) và Kim cương tát đóa Bồ tát (Vajirasatva). Do đó, Phật giáo Champa vào thời đó được cho rằng là chịu ảnh hưởng của Mật tông [Sđd 2001: 33-34].
Vào năm 2006, Nguyễn Sinh Duy, một lần nữa, trong quyển Phật giáo Champa với văn bia An Thái [Nguyễn Sinh Duy 2006: 446-453] đã bàn luận về giáo lý Mật tông được tìm thấy ở văn bia này. Tuy nhiên, trong phần cuối của quyển sách này bao gồm cả phần nội dung của Văn bia Đông Dương I, Nguyễn Sinh Duy đã so sánh nội dung liên quan đến Phật giáo Đại thừa với Nam Hải ký quy nội pháp truyền, một ký sự về Phật giáo Tiểu thừa của Nghĩa Tĩnh. Điều này dẫn đến một nghi vấn rằng Phật giáo Champa là Đại thừa hay là Tiểu thừa.
Với các nghiên cứu lịch sử Phật giáo Champa gần đây nhất là vào năm 2014, Quảng Văn Sơn, chuyên gia của Trung tâm bảo tồn nghiên cứu văn hóa Chăm của UNESCO, đã công bố công trình Phật giáo Champa – Từ tư liệu đến nhận thức [Quảng Văn Sơn: 2014]. Theo tác giả này, cho đến hiện nay, các nhà nghiên cứu Phật giáo Việt Nam đã không chú ý đầy đủ đến lịch sử Phật giáo Champa từ thế kỷ 3 cho đến thế kỷ 10 [Sđd: 46]. Nội dung của công trình này chỉ là chỉnh lý lại các di tích, di vật, văn bia, sử liệu văn hiến có liên quan, tuy nhiên vẫn có nhiều chỗ trùng lặp với nội dung của cuốn Lịch sử Phật giáo xứ Huế.
Trong các luận điểm ở trên, chúng tôi cho rằng vấn đề lớn nhất mà như Nguyễn Sinh Duy đã cho biết, vào thế kỷ 7, Nghĩa Tĩnh đã ghi chép Phật giáo Champa là Phật giáo Tiểu thừa. Tuy nhiên, như vậy sẽ đối lập với nội dung của Phật giáo Đại thừa đã được khắc ở Văn bia An Thái của đầu thế kỷ 10 và Văn bia Đông Dương I của nửa sau thế kỷ 9. Vậy thì trong khoảng thời gian từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 9, Phật giáo Champa của thế kỷ 8 đã ở trong tình trạng như thế nào? Tuy nhiên, cả công trình của Nguyễn Sinh Duy lẫn Quảng Văn Sơn và cả cuốn Lịch sử Phật giáo xứ Huế đều không đề cập đến Phật giáo Champa của thế kỷ 8. Theo phán đoán của chúng tôi, ở cả văn bia của Champa và sử liệu văn hiến của Trung Quốc cũng không tìm thấy những ghi chép về Phật giáo Champa ở thế kỷ 8.
Để lấp khoảng trống của giai đoạn lịch sử này, chúng tôi cho rằng tài liệu lịch sử của Nhật Bản đóng vai trò không thể thiếu trong các nghiên cứu liên quan đến Phật Triết vào thế kỷ 8.
* Tiểu kết
Điểm lại những nghiên cứu trước đây như đã trình bày ở trên, từ thời kỳ đầu của thế kỷ 20, giới học thuật Nhật Bản cận đại đã tiến hành những nghiên cứu về Phật Triết. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chủ yếu bàn luận về những gì mà ông đã tác động đến việc hình thành nhã nhạc Nhật Bản. Mặt khác, các nghiên cứu này cũng đặt ra giả thuyết nơi xuất thân của Phật Triết không phải là Việt Nam mà là phía Bắc Ấn Độ. Tuy nhiên luận cứ này vẫn chưa được chứng minh.
Mặt khác, ở Việt Nam, việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo Champa cũng vừa mới bắt đầu trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó vẫn có một điểm hạn chế là Phật Triết không hiện diện trong sử liệu của Việt Nam và Trung Quốc. Do đó, giới học thuật Việt Nam trong một thời gian dài đã không đề cập đến ông. Trong trường hợp chỉ khảo sát Phật giáo Champa bằng tư liệu lịch sử của Việt Nam và Trung Quốc như đã đề cập ở trên thì chúng ta sẽ bỏ sót một khoảng trống lịch sử trong khoảng thời gian từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 9. Như vậy, việc sử dụng tư liệu Nhật Bản trong thế kỷ 8 để khảo sát tung tích của Phật Triết chắc chắn sẽ trở thành một điểm mấu chốt để hiểu được phần nào về Phật giáo Champa trong thời kỳ bị bỏ trống này.
Trong bài viết này, cùng với việc kiểm chứng lại nơi xuất thân của Phật Triết, chúng tôi cũng muốn trình bày quan điểm của mình về vũ nhạc và tư tưởng Phật giáo của nhân vật Phật Triết.
2. PHẬT TRIẾT CÓ PHẢI LÀ NGƯỜI XUẤT THÂN TỪ KHU VỰC BÁN ĐẢO ĐÔNG DƯƠNG HAY KHÔNG?
Như đã trình bày ở phần 2.2. của bài viết, người viết cho rằng Phật Triết là người xuất thân từ bán đảo Đông Dương. Tuy nhiên, như đã nêu trên, còn có một giả thuyết khác của Tanaka Otoya cho rằng xuất thân của Phật Triết không phải là Đông Dương mà là miền Bắc Ấn Độ. Do đó, đầu tiên, chúng tôi muốn khảo sát nội dung này dựa theo giả thuyết của ông Tanaka.
2.1. Giả thuyết của Tanaka cho rằng Phật Triết không phải nhà sư Đông Dương mà là nhà sư từ miền Bắc Ấn Độ
Theo Tanaka, Đại An tự Bồ Đề truyền lai ký được đánh giá là một tài liệu lịch sử của Nhật Bản tường thuật tỉ mỉ nhất về Phật Triết. Trong này có viết “Nhà sư nước Chiêm Bà, (nguyên chú thích) này được gọi là Lâm Ấp, nước Bắc Thiên Trúc Phật Triết”. Do đó, “Dựa theo điều đó thì Phật Triết là nhà sư của nước Chiêm Bà, là người của Bắc Thiên Trúc” [Sđd 1991: 39]. Tiếp theo, văn bia Bà La Môn tăng chính bia có ghi là “Vào ngày 13, tháng 12, năm Khai Nguyên thứ 18, cùng với Phật Triết nhà sư Lâm Ấp…”. Kế tiếp trong Phù Tang lược ký sao có ghi “Nước Bắc Thiên Trúc nước Lâm Ấp, Phật Triết Hòa Thượng…”. Cho nên Tanaka cho rằng “Dựa vào những ghi chép này thì nước Lâm Ấp chính là Bắc Thiên Trúc” [Sđd]. Tóm lại, Tanaka đã đưa ra 3 sử liệu là Đại An tự Bồ Đề truyền lai ký, Bà La Môn tăng chính bia và Phù Tang lược ký sao để lập giả thuyết rằng Phật Triết xuất thân Ấn Độ chứ không phải Việt Nam.
Tiếp theo, Tanaka cũng đưa ra giả thuyết rằng “Lâm Ấp được biết như là Champa (Chiêm Ba, Chiêm Thành, Chiêm Bà) là tên nước cũ đã từng có ở địa phương (An Nam), Việt Nam hiện nay. Do đó, Phật Triết nhà sư Lâm Ấp cũng được biết đến như là nhà sư của Đông Dương. Cả âm nhạc mà ông truyền lại cũng được nghĩ là vũ nhạc của Champa” [Sđd]. Tanaka cũng nói thêm “Có hai quốc gia có cùng tên tồn tại ở Ấn Độ và Đông Dương” [Sđd]. Ông lại nói về “Xiêm Ba Quốc của Ấn Độ” dựa vào những phần trích dẫn như “Có lúc Đức Phật đi chơi Xiêm Ba ở bên ao Hằng Già” trong Trung A Hàm kinh (ở thứ đoạn 9, 29, 52), “Theo dòng sông Hằng đi xuống về phía đông 18 do tuần mới có nơi rộng rãi là nước lớn Chiêm Bà” trong Pháp Hiển truyện (ở thứ đoạn 45), “Nước Chiêm Bà xung quanh 4.000 lý, có thành phố lớn. Phía sau hướng sông Khắc Già ở phía Bắc” trong Đại Đường tây vực ký (ở thứ đoạn 10). Theo đó, Tanaka khẳng định Chiêm Bà (Champa) là tên của một quốc gia từng nằm ở nơi phía nam của bờ sông Ganjis (sông Hằng – BT), nay thuộc tỉnh Bhāgalpur”. Hơn thế nữa, Tanaka thu hút sự chú ý của độc giả bởi luận điểm “Nước Champa ở Đông Dương còn được người Trung Quốc gọi là Chăm Ba, Chiêm Ba, Xiêm Ba, Lâm Ấp. Còn nước Champa ở Ấn Độ được người Trung Quốc chỉ ghi lại là Chiêm Bà (hoặc nước lớn Chiêm Bà) thôi”. [Sđd].
Tanaka cho biết “Tôi muốn lưu ý đến những ghi chép ở ‘Đại An tự Bồ Đề truyền lai ký’, là nơi xuất thân của Phật Triết ‘Nhà sư nước Chiêm Bà, (nguyên chú thích) này được gọi là Lâm Ấp, nước Bắc Thiên Trúc Phật Triết’”. Ông tiếp tục suy đoán rằng “Khi tới Nhật Bản hay Trung Quốc lần đầu tiên, khi được hỏi về nơi sinh sống, ngài Phật Triết trả lời rằng mình sinh trưởng ở Champa. Người nghe chẳng một chút nghi ngờ là nước Champa ở miền Bắc Ấn Độ. Có lẽ họ đã nghĩ Champa phải chăng là Chiêm Ba tức là Lâm Ấp” [Sđd]. Sau đó, Tanaka phán đoán rằng: “Vào thời đó, kiến thức địa lý liên quan đến Nam Hải và Ấn Độ của người Nhật hoặc người Trung Quốc cực kỳ mơ hồ” [Sđd: 40]. Theo đó, ông đã cho rằng “Tuy có những điều còn chưa rõ ràng nhưng việc ghi tên một nước ở Đông Dương là miền Bắc Ấn Độ thì không thể được” [Sđd].
Do đó căn cứ vào các lý luận trên, Tanaka đã kết luận rằng “Có lẽ phải làm rõ Phật Triết là người của nước Chiêm Bà thuộc miền Bắc Ấn Độ, chứ không phải là một nhà sư của nước Lâm Ấp thuộc Đông Dương” [Sđd].
2.2. Phản biện lại giả thuyết của Tanaka
Về giả thuyết của Tanaka, chúng tôi muốn phản biện từ hai quan điểm liên quan đến cách lựa chọn tài liệu sử học để nhận định Phật Triết xuất thân từ bán đảo Đông Dương chứ không phải là người miền Bắc Ấn Độ và kiến thức địa lý của người Nhật Bản vào thế kỷ 8.
2.2.1. Về việc chọn lựa sử liệu
Trước tiên, liên quan đến xuất thân của Phật Triết, Tanaka đã trích dẫn song song từ ba nguồn sử liệu là Đại An tự Bồ Đề truyền lai ký, Bà La Môn tăng chính bia và Phù Tang lược ký sao. Đây vốn là các tư liệu được viết vào các năm khác nhau. Điều này là điều không thuyết phục. Tanaka đã dựa vào căn cứ “chi tiết nhất” lấy Đại An tự Bồ Đề truyền lai ký làm cơ sở cho lập luận xuất thân của Phật Triết là “Chiêm Bà quốc tăng, (nguyên chú thích) này được gọi là Lâm Ấp, Bắc Thiên Trúc Phật Triết”. Chiêm Ba quốc tăng tức là nhà sư phía Bắc Thiên Trúc. Tuy nhiên, Đại An tự Bồ Đề truyền lai ký là văn bản có năm xuất bản không rõ ràng được trích dẫn từ Đông Đại tự yếu lược xuất bản năm 1106 (năm Hưởng Thừa thứ 1). Hơn nữa, cũng tương tự như vậy, Phù Tang lược đồ ký có ghi “Bắc Thiên Trúc quốc Lâm Ấp quốc Phật Triết hòa thượng …” được xuất bản vào khoảng năm 1084 (năm Ưng Đức thứ 1).
Tuy nhiên, theo Tanaka, trong Bà La Môn tăng chính bia thì chỉ ghi là “… Lâm Ấp tăng Phật Triết …”. Văn bia Bà La Môn tăng chính bia được gọi chính xác hơn là Nam Thiên Trúc Bà La Môn tăng chính bia bính tự. Như phần 1.1. của bài viết đã đề cập, đây là tuyển tập sử liệu được xuất bản vào năm 770 (năm Thần Hộ Khánh Vân thứ 4). Nếu so sánh với hai tài liệu lịch sử trước thì tài liệu này có năm xuất bản sớm nhất và có thể xem là tài liệu khá tương đồng về thời đại. Trên văn bia này, tên của một khu vực khác không cùng xuất hiện, chẳng hạn như Bắc Thiên Trúc, mà chỉ ghi là “Lâm Ấp tăng Phật Triết”. Thay vào đó, nếu dựa vào ba nguồn sử liệu trên làm cơ sở thì nên xem trọng cách thành lập niên đại trong nội dung của nguồn sử liệu cũ hơn là dựa vào cơ sở lập luận của các nguồn sử liệu có sau. Theo đó, trong Nam Thiên Trúc Bà La Môn tăng chính bia, Phật Triết được nghĩ là nhà sư Lâm Ấp và ít nhất là được Tu Vinh, người thân cận với Bồ Đề Tiên Na xác nhận xuất thân của ông là từ Lâm Ấp chứ không phải là từ Chiêm Bà hay Bắc Thiên Trúc. Tôi cho rằng đây là lập luận thỏa đáng nhất.
2.2.2. Kiến thức địa lý về Đông Nam Á của người Nhật vào thế kỷ 8
Tanaka nói rằng “Kiến thức về địa lý của người Nhật và người Trung Quốc cực kỳ mơ hồ” vào giai đoạn Phật Triết đến Nhật Bản. Theo đó, ông đưa ra giả thuyết “Tuy có những điều còn chưa rõ ràng nhưng việc ghi tên một nước ở Đông Dương là miền Bắc Ấn Độ thì không thể được”. Mặc dù vậy, giả sử kiến thức địa lý còn mơ hồ đi nữa thì lý luận cho rằng có thể phân biệt một cách rõ ràng miền Bắc Ấn Độ và tên gọi một nước ở Đông Dương là một điều mâu thuẫn.
Hơn nữa, theo Tanaka, “Phật Triết khi lần đầu đến Nhật Bản hoặc Trung Quốc, khi được hỏi về nơi sinh sống, ông trả lời là sinh trưởng ở Champa, tức ám chỉ miền Bắc Ấn Độ. Những người nghe câu trả lời của ông, cũng không nghi ngờ mà cho rằng Champa là Lâm Ấp tức Xiêm Ba” [Sđd: 39]. Tuy nhiên, trong đoạn văn “khi được hỏi về nơi sinh sống, ông đã trả lời là sinh trưởng ở Champa, tức ám chỉ miền Bắc Ấn Độ. Những người nghe câu trả lời của ông”, chủ ngữ và thuật ngữ lại được ghi chú không đầy đủ nên đoạn văn này rất khó hiểu.
Nếu bổ sung và chỉnh sửa lại đoạn văn trên thì sẽ như sau: “Trước tiên, (Phật Triết) khi được hỏi nơi sinh sống ở đâu thì nói là được sinh ra ở Champa. (Phật Triết) có ý nói mình là người miền Bắc Ấn Độ. Những người nghe câu trả lời của ông lập tức nghĩ ông là nhà sư đến từ miền Bắc Ấn Độ”. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi vẫn chưa hiểu một điều là tại sao Phật triết chỉ nghĩ, không phát ngôn thì người nghe đã lý giải điều đó. Hoặc là, Phật Triết khi được hỏi nơi sinh sống, trả lời là đã sinh ở Champa thì người nghe lập tức nghĩ ngay ông là nhà sư Bắc Ấn Độ. Nếu có điều đó, thì người Nhật thời đó chỉ nghe là nước Champa thì đã nghĩ ngay là Bắc Ấn Độ mà loại trừ một đất nước nào đó nằm ở Đông Dương cũng được gọi là Lâm Ấp. Nếu diễn giải như vậy thì phải có tiền đề để người Nhật thời đó dựa vào thông tin về địa lý hoặc khái niệm gì đó mà nghĩ rằng Bắc Thiên Trúc và Lâm Ấp hoàn toàn là một. Mặc dù đây là một điều cần được chứng minh nhưng Tanaka chưa bao giờ thực hiện điều đó.
Do đó, chúng ta cần xác định lại việc người Nhật Bản thời đó đã làm như thế nào để nắm được thông tin địa lý của Đông Nam Á và Ấn Độ. Vì thế, chúng tôi muốn khảo cứu về một vài nguồn thông tin đã khiến người Nhật thời đó phân biệt nước Xiêm Ba nằm ở miền Bắc Ấn Độ với nước Lâm Ấp nằm ở Việt Nam.
Chắc chắn là theo như Tanaka suy đoán, kiến thức địa lý về Đông Nam Á và Ấn Độ trong giai đoạn trước và sau thế kỷ 8 của mỗi dân tộc và mỗi quốc gia là khác nhau. Chẳng hạn, trong Tục Nhật Bản kỷ, đoạn ngày 3 tháng 11 năm Thiên Bình thứ 11 (739) có ghi lại một cách tỉ mỉ về việc sứ thần Heguri no Hironari đi sứ đến nhà Đường vào năm Thiên Bình thứ 5 (733) sau bảy năm mới trở về Nhật Bản. Trong đó, có câu chuyện kể rằng, Heguri no Hironari, vào tháng 10 năm Thiên Bình năm thứ 5 đã gặp nạn trên đường từ nhà Đường trở về và phiêu dạt đến nước Côn Lôn. Dựa theo Chiếu thư gửi cho Nhật Bản của vua Huyền Tông (713 – 756), phần Man Thư thứ 4, Hàm Lâm chế chiếu, quyển 471, Văn Uyển anh hoa, sử sách Trung Quốc ghi lại rằng con thuyền chở Heguri no Hironari và những người khác đã “bị cuốn trôi và dạt tới nước Lâm Ấp”. Theo tài liệu này, nhà Đường của Trung Quốc thời đó đã biết đến nước Lâm Ấp nằm ở bán đảo Đông Nam Á. Tuy nhiên, ở Nhật Bản thời đó lại chỉ có kiến thức địa lý lờ mờ về một “nước Côn Lôn” mà thôi. Việc xác định Côn Lôn là Lâm Ấp được đề cập trong Tục Nhật Bản kỷ, một tài liệu được biên soạn sau đó, có độ chính xác không cao lắm. Có lẽ kiến thức về nước Lâm Ấp của tầng lớp quý tộc Nhật Bản thời đó còn rất mơ hồ.
Tiếp theo, chúng tôi muốn chuyển sự quan tâm của mình sang Phật giáo Nhật Bản, là một lĩnh vực có nhiều sự liên quan trực tiếp với Phật Triết. Giới Phật giáo Phật Bản đã xem những kinh điển Phật giáo có đề cập đến địa lý như là một phương tiện hữu ích để có được thông tin về địa lý Đông Nam Á và Ấn Độ. Vì thế, những điển tích xuất hiện trong thời kỳ Phật giáo được truyền bá đến Nhật Bản như vậy chắc chắn sẽ trở thành một tiêu chuẩn để chúng ta nhận định các nhà sư Nhật Bản đã có được những thông tin địa lý bên ngoài lãnh thổ quốc gia là khoảng vào thời gian nào.
Nếu dựa theo những thông tin trong cuốn Nại Lương triều hiện tại nhất thiết kinh sớ mục lục của Ishimoda Mokichi như chúng tôi đã trình bày ở phần 2.1, thì những kinh điển Phật giáo du nhập vào Nhật Bản có đề cập đến địa lý của các khu vực lân cận và nước Xiêm Ba của miền Bắc Ấn Độ. Những kinh điển này gồm có các cuốn như Trung A Hàm kinh (mục lục số 678) năm Thiên Bình thứ 5 (733), Pháp Hiển truyện (mục lục số 2788) năm Thiên Bình thứ 11 (739), Tây Vực ký truyện có nội dung giống như Đại Đường tây vực ký (mục lục số 2807) năm Thiên Bình thứ 11 (739).4
Mặt khác, như chúng tôi đã đề cập trong phần 1.1., Takakusu vừa trích dẫn vừa bổ sung những nghiên cứu về địa danh và huấn điểm5 cho phần có liên quan đến Lâm Ấp. Nam Hải ký quy nội pháp truyền của Nghĩa Tĩnh có ghi lại như sau:
“Hướng chính nam của Hoan Châu (nay là Đức Thọ thuộc Hà Tĩnh, nằm ở vĩ độ khoảng 18 Bắc), đi bằng đường bộ thì mất khoảng nửa tháng, nếu đi bằng thuyền chỉ mất 5, 6 triều mới tới Tỷ Cảnh, lại đi về phía nam thì tới Chiêm Ba. Tức đây là Lâm Ấp. Nước này theo Bộ Chính Lượng Bộ và ít kiêm theo Hữu Bộ. Lại đi về phía tây nam thì mất một tháng mới tới nước Nam vốn được gọi là Phù Nam. Phía sau nước này là nước Thân Quả. Nhiều người dân thờ Trời. Sau này, Phật giáo mới thịnh hành”.
Nghĩa Tĩnh, trong ký sự về chuyến hành trình từ miền Nam Trung Quốc xuống phía nam của Đông Nam Á, đã cho rằng ở miền Trung Việt Nam hay miền Bắc Ấn Độ đều có “Chiêm Ba tức thị Lâm Ấp”. Sau đó, ông giới hạn một chút về khu vực và một lần nữa xác nhận khu vực này là Lâm Ấp. Một địa điểm khác được xác nhận trước đó là Hoan Châu cũng được Takakusu khẳng định như vậy, hiện nay là tỉnh Hà Tĩnh, thuộc khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam. Từ Hoan Châu đến một nơi có khoảng cách địa lý khá gần gọi là Tỷ Cảnh, nay được xác định tỉnh Quảng Bình, thuộc miền Trung Việt Nam. [Trần Giai Vinh và những người khác 1986: 111, 177]. Tiếp theo, nếu đi xuống phía nam sẽ đến Phù Nam, ngày nay là Campuchia. Khu vực này là nơi lưu trú của người Khmer Nam Bộ [Sđd: 402-403]. Theo đó, Lâm Ấp tồn tại ở giữa nước Phù Nam và Tỷ Cảnh – Hoan Châu. Chính vì vậy, Lâm Ấp rõ ràng là một khu vực nằm ở miền Trung Việt Nam.
Chính vì vậy, khu vực địa lý của Lâm Ấp đã được ghi rõ trong kinh điển Phật giáo có tênNam Hải ký quy nội pháp truyền. Liên quan đến vấn đề này có một nội dung được đề cập ở số 2810 – 2813 trong quyển Nại Lương triều hiện tại nhất thiết kinh mục lục của tác giả Ishida. Kinh điển Phật giáo này được xác nhận là có thể được truyền đến Nhật Bản trước năm Thiên Bình 11 năm (739). Giai đoạn này trùng với giai đoạn Phật Triết sang Nhật Bản vào năm Thiên Bình thứ 8 (736) và năm Thiên Bình Thăng Bảo thứ 14 (742) khi diễn ra các hoạt động trình diễn điệu múa ở Pháp Hội khai nhãn Đại Phật của chùa Đông Đại.
Khi khảo sát nơi xuất thân của Phật Triết, chúng ta cần xem xét những sự việc đã diễn ra cùng thời điểm Phật Triết đến Nhật Bản, chẳng hạn như sự xuất hiện của kinh sách Phật giáo chứa đựng những thông tin địa lý mới mẻ như thế này. Đặc biệt, phải xem xét kỹ khả năng là các nhà sư, đặc biệt là người Nhật thời đó đã tiếp xúc với thông tin đến từ nước ngoài. Đúng vào khoảng thời gian đó, quyển Nam Hải ký quy nội pháp truyền đã có mặt tại Nhật Bản. Từ những hoàn cảnh như vậy, vào thời kỳ trước và sau khi Phật Triết đến Nhật Bản, cũng có không ít các thông tin mới về địa lý liên quan đến cả hai cách gọi nước Lâm Ấp ở bán đảo Đông Dương với nước Chiêm Ba / Xiêm Ba của miền Bắc Ấn Độ. Vì thế, không xét đến sự trùng lặp về tên gọi địa danh của hai khu vực xa xôi trên, tôi cho rằng vào thế kỷ 8 tại Nhật Bản đã có những nhà sư biết chính xác vị trí tồn tại và phân biệt rõ ràng nước Lâm Ấp của Việt Nam và nước Chiêm Ba của Ấn Độ.
Tu Vinh là một nhân vật đã cùng hoạt động trong thực tế với Phật Triết. Ông cũng là đệ tử thân cận của Bồ Đề Tiên Na. Trong một hợp tuyển sử liệu của thế kỷ 8 có tên là Nam Thiên Trúc Bà La Môn chính bia bính tự6, ông có viết như sau:
“Lúc đó, Thánh triều (tức Thiên hoàng Thánh Vũ) phái sứ giả sang nhà Đường để kết nối tình hữu nghị. Đoàn sứ giả, gồm Tajihi no Mahito Hironari và cao tăng Li Kyo rất ngưỡng mộ thanh danh (của Bồ Đề Tiên Na) nên thỉnh cầu ngài cùng trở về phương Đông(Nhật Bản) cùng với họ. Tăng Chính cảm nhận rõ tấm thịnh tình của họ nên không từ chối yêu cầu đó. Vào ngày 13 tháng 12 năm Khai Nguyên thứ 18 nhà Đường, cùng lên thuyền với Phật Triết, nhà sư Lâm Ấp và Đạo Bội, một nhà sư nhà Đường (đoạn này bị cắt), ngày 18 tháng 5 mới đến được Dazaifu tại Tsukushi”.
Theo dẫn chứng bên trên, trong các nguồn sử liệu cùng thời điểm này, điều đáng chú ý là việc ghi chép “Phật Triết – Nhà sư Lâm Ấp” thì chỉ có ghi là Lâm Ấp chứ không ghi chú thêm là Bắc Thiên Trúc – Chiêm Ba, vốn là nơi xuất thân của Phật Triết. Như vậy, các nhà sư Nhật Bản đã nhận được thông tin trực tiếp từ bản thân Phật Triết bên cạnh những kiến thức địa lý mới mẻ họ có được thông qua các kinh điển Phật giáo. Điều này đã được xác nhận rõ từ việc phân biệt rõ nơi xuất thân của Phật Triết là nước Lâm Ấp thuộc bán đảo Đông Dương.
* Tiểu kết
Theo những nghiên cứu của Tanaka, do thông tin bị nhiễu nên có những ghi chép được trích dẫn từ Đông Đại tự yếu lược xuất bản vào năm 1106 (năm Gia Thừa nguyên niên) và từ cuốn Đại An tự Bồ Đề truyền lai ký vốn bị trùng lặp về nơi xuất thân của Phật Triết là Chiêm Ba / Bắc Thiên Trúc / Lâm Ấp. Tuy nhiên, chính vì có những ghi chép bị trùng lặp về các địa danh này mà có thể khẳng định chắc chắn đã có sai sót vể địa danh theo các thông tin diễn ra trong quá trình trước và sau 300 năm kể từ thời kỳ Phật Triết hoạt động ở Nhật Bản vào giữa thế kỷ 8 cho đến khi chùa Đông Đại được xây dựng vào đầu thế kỷ 12. Đồng thời xin được phép nhắc lại, trong các nguồn tư liệu có cùng thời của Phật Triết, văn bia Nam Thiên Trúc Bà La Môn tăng chính bia bính tự do Tu Vinh, một người thân cận với Phật Triết chấp bút. Tư liệu này đã không có những sai sót trùng lặp về địa danh mà ghi rất rõ ràng là “nhà sư Lâm Ấp”.
Tổng hợp tất cả những nguồn tư liệu trên, chúng ta nên hiểu rằng các nhà sư Nhật Bản thời đó đã khẳng định một cách chính xác Phật Triết là người Lâm Ấp sống ở bán đảo Đông Dương chứ không phải xuất thân ở Chiêm Ba, địa danh cùng có ở phía Bắc Thiên Trúc và miền Bắc Ấn Độ. Tên gọi chung cho các giai điệu mà Phật Triết đã mang đến Nhật Bản không phải là địa danh của Chiêm Ba và Chiêm Bà dễ gây nhầm lẫn là cùng tồn tại cả ở Ấn Độ lẫn bán đảo Đông Dương. Tên gọi này được biết như các giai điệu đến từ âm nhạc của Lâm Ấp.
Chính vì vậy, chúng tôi, tác giả của bài viết này vẫn cho rằng Phật Triết là một nhà sư xuất thân từ nước Lâm Ấp nằm ở bán đảo Đông Dương.
3. KHẢO SÁT NHỮNG SỰ TÍCH VỀ PHẬT TRIẾT Ở NHẬT BẢN
Trong phần này, chúng tôi muốn trình bày quan điểm riêng về một phần của Phật giáo Champa vào thế kỷ 8 và nhận định lại các sự tích về Phật Triết ở Nhật Bản theo ba góc nhìn sau:
[1] Sự tích xem ông như là một nhà sư Mật tông.
[2] Việc giảng dạy tiếng Phạn của Phật Triết.
[3] Giới luật của Phật giáo và các vũ điệu của Phật Triết.
3.1. Sự tích xem Phật Triết như một nhà sư Mật tông và các sự kiện có liên quan
Trong Đại An tự Bồ Đề truyền lai ký quyển thứ 3, chương Cúng dường của Đông Đại tự yếu lược đã ghi lại rằng sau khi Bồ Đề Tiên Na chạy đến núi Ngũ Đài ở Chấn Đán, tức Trung Quốc, để cầu Văn Thù Bồ tát thì có gặp Phật Triết. Sau đó, có một câu chuyện thần bí liên quan đến Phật Triết được ghi như sau:
“(Bồ Đề Tiên Na) nghe nói rằng Văn Thù Bồ tát trú tại núi Ngũ Đài tại Chấn Đán nên mong muốn đến được ngọn núi đó. Vào khoảng thời gian đó Phật Triết, người Bắc Thiên Trúc được sinh ra và đã sang đây. Nhà sư này đã học Phật pháp từ nhỏ, giỏi thuật niệm chú, tinh thông thiên lý và hiểu biết những điều cơ mật huyền bí. (Phật Triết) muốn có ngọc châu như ý nên làm cho thuyền nổi trên đại dương bao la và niệm chú gọi Long vương. Long vương đầu hàng trước khả năng niệm chú của ông, lấy ngọc châu ra cho ông và nói rằng, nếu nhà ngươi bỏ phép thủ ấn, ta sẽ ban ngọc châu này cho. Khi Phật Triết bỏ phép thủ ấn theo lời Long vương thì một cơn gió lớn bỗng nổi lên, sau đó ông bị trôi dạt đến phía Nam Thiên Trúc. (Phật Triết) đã nhận Bà La Môn là sư phụ của mình, (hai thầy trò) cùng vượt qua sa mạc, trải qua nhiều con đường hiểm trở xa xôi, hướng về nước Đại Đường để đến núi Ngũ Đài”.
Trong câu chuyện này có thuật lại rằng Phật Triết học Phật giáo từ nhỏ và rất giỏi về thuật niệm chú. Khi gây áp lực cho Long vương bằng thuật niệm chú trên biển và bị Long vương lừa và giải trừ phép thủ ấn. Long vương đã gây nên một trận cuồng phong khiến ông trôi dạt đến miền Nam Ấn Độ và đã gặp Bồ Đề Tiên Na.
Điều đáng chú ý ở đây là Phật Triết học Phật giáo và đồng thời ông cũng biết thuật niệm chú sử dụng phép thủ ấn. “Thủ ấn” là cách chắp các đầu ngón tay biểu thị cho Đức Phật và các vị Bồ tát. Cách niệm Phật và Bồ tát trong tâm biểu thị bằng phép thủ ấn, miệng xưng danh hiệu Phật và Bồ tát hoặc phát ra bằng miệng tiếng Phạn “Đa La Ni” bằng miệng chắc chắn là “Tam mật gia trì” của Phật giáo Mật tông. Câu chuyện thần thoại này tuy mang nhiều sắc thái thần bí nhưng dù sao Phật Triết cũng được miêu tả là một nhà sư Mật tông. Trong Phật giáo Lâm Ấp của thế kỷ thứ 8, Phật giáo Đại thừa đặc biệt là Mật tông đã được tiến hành ở đây. Trong phần 1.2. của bài viết này, chúng tôi đã đề cập đến Văn bia An Thái được viết năm 902, có ghi “Kim cương thủ Bồ tát” là đối tượng tín ngưỡng của Mật tông. Nếu kết hợp với điều này để cân nhắc thì có thể thấy Phật giáo Lâm Ấp vào thế kỷ 8 chịu ảnh hưởng của Mật tông.
Hơn nữa, điều đáng để ý là nơi xuất hiện của Phật Triết là ở trên biển và chuyện ông đã vượt biển sang Ấn Độ. Việc này tương tự với việc nhiều nhà sư xuất thân từ Việt Nam đã sang Ấn Độ và các khu vực có đường biển ở Đông Nam Á. Chẳng hạn như trong quyển thượng củaĐại Đường Tây Vực cầu pháp cao tăng truyền7 mà nhà sư Nghĩa Tĩnh đã biên soạn tại Barenbang, đảo Sumatra và từ đó gửi sang Trung Quốc vào năm Thiên Viện năm thứ 2 (691). Trong đó có ghi chép như sau:
“Sư Vận Kỳ là người Giao Châu, (…) vòng quanh Nam Hải hơn 10 năm, thông thạo tiếng Côn Lôn và rất giỏi tiếng Phạn. Sau khi hoàn tục, vị sư ấy ở lại nước Tất Lợi Phật Thề, bây giờ vẫn ở lại đây. (…) Nhà sư Vận Kỳ xuất thân ở Giao Châu, tương đương với miền Bắc Việt Nam hiện nay. Ông đã đi lại trong khu vực Nam Hải trong 10 năm nên thông thạo cả tiếng Phạn và âm Côn Lôn, một âm tiết biểu thị cho ngôn ngữ của khu vực Đông Nam Á. Kinh điển Phật giáo này còn ghi lại tiếp rằng, sau khi hoàn tục cho đến thời đại của nhà sư Nghĩa Tĩnh, nhà sư Vận Kỳ sinh sống tại đế quốc Tất Lợi Phật Thệ (Sri Vijaya) vốn là một nước phồn thịnh có trung tâm là Palembang ở đảo Sumatora của Indonesia hiện nay” [Trần Giai Vinh và những người khác 1986: 129-131].
Trong quyển thượng của Đại Đường Tây Vực cầu pháp cao tăng truyền lại ghi chép rằng:
“Tri Hành pháp sư là người Ái Châu, tên tiếng Phạn là Bát Nhã Đề Ba [Tên tiếng Tàu gọi là Huệ Thiên], dong thuyền trên Nam Hải và đến được Tây Thiên (…). Pháp sư Tri Hành xuất thân ở Giao Châu tương đương với tỉnh Thanh Hóa, miền Bắc Trung Bộ của Việt Nam ngày nay. Ông đã vượt Nam Hải đến tận Tây Thiên tức Ấn Độ. Ông có hai danh xưng, một theo tiếng Phạn gọi là Bát Nhã Đề Ba (Prajñādeba), hai là tên tiếng Hán gọi là Huệ Thiên. Điều đó cho thấy pháp sư Tri Hành là một nhân vật đã hoạt động cả ở Ấn Độ lẫn Trung Quốc”.
Theo đó, vào cuối thế kỷ 7, từ miền Trung và miền Bắc Việt Nam đã xuất hiện các nhà sư hoạt động ở cả hai vùng văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc. Hiện tượng này đã trở thành một hoạt động giao lưu quốc tế rất phất triển giữa Đại Đường của Trung Quốc với các nước lân cận và các dân tộc khác nhau. Điều này cũng đã tạo ảnh hưởng to lớn đến giới Phật giáo. Nhiều nhà sư như Nghĩa Tĩnh đã theo trào lưu đó để đi truyền giáo và thường xuyên đi nước ngoài du học. Các hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo mở rộng đến phạm vi toàn châu Á của các nhà sư Việt Nam như thế này đã được thừa kế và tiếp tục thực hiện trong thời gian sau này. Những hoạt động của Phật Triết ở nửa đầu thế kỷ 8 đã phản ánh một cách rõ ràng hiện tượng này.
Các hoạt động làm cầu nối trung gian giữa văn hóa Ấn Độ và văn hóa Trung Hoa do các nhà sư Mật tông Champa đảm nhận cũng được thực hiện ở chính Việt Nam. Theo tuyển tậpThiền uyển tập anh, của các nhà sư Việt Nam, thiền sư Ma Ha tu hành ở Trường An8 vào thế kỷ 10 và 11 đã truyền giáo ở miền Trung Việt Nam. Ông là nhà sư Mật tông, gốc người Chăm. Ông đã học chuyên môn phiên dịch với tiếng Trung Quốc, tiếng Phạn, tiếng Pali (ngôn ngữ của người dân Ấn Độ cổ đại).
Theo những thông tin ở trên, Phật Triết đã sang Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ. Ông chính là người đại diện cho các nhà sư người Chăm đã hoàn thành vai trò cầu nối văn hóa giữa Trung Quốc với Ấn Độ trên phạm vi rộng và trong một thời gian dài.
3.2. Việc giảng dạy Sittan (tiếng Phạn) của Phật Triết
Phật Triết đã dạy “Sittan” tại chùa Đại An ở Nara. Hoạt động của ông đã khiến cho người Nhật bắt đầu nhận thức được âm tiết đầu của tiếng Nhật mà sau này đã trở thành yếu tố cơ bản để tạo nên 50 âm của chữ viết tiếng Nhật [Koike 2003/1995: 126-128]. “Sittan” chữ Hán viết là悉曇 (Siddham). Siddham là từ tiếng Phạn, một ngôn ngữ cổ đại của Ấn Độ.
Truyện Lâm Ấp sa môn Phật Triết trong tuyển tập truyện ký của các nhà sư Nhật Bản Bản triều cao tăng truyện (quyển 2) được nhà sư Sư Man biên soạn vào năm Nguyên Lộc thứ 15 (1702) có ghi rằng:
“Thích Phật Triết là người nước Lâm Ấp. (Ngài) sang Nam Thiên Trúc, theo Bồ Đề Tiên Na để học Phật giáo. (….) Mặc dù (Phật) Triết đã mang theo nhiều Mật bộ, nhưng bây giờ chỉ còn lại một quyển là Sittan chương”.
Việc ghi chép trên cho thấy Phật Triết đã từng mang sang Nhật Bản nhiều “Mật bộ” tức là kinh điển Mật tông nhưng chỉ còn lại một quyển là Sittan chương. Chính Sittan chương này là các bảng biểu mà Phật Triết đã giúp người Nhật học cách tạo thành phát âm các chữ cái của tiếng Phạn một cách hệ thống.
Đáng tiếc là hiện nay quyển Sittan chương này cũng không còn nữa. Tuy nhiên, trong phầnChương Tăng bối huyết thuộc quyển thứ 3 của bộ 8 tập Sittan Tạng, một bộ sách đã tóm tắt việc học Sittan trong những thời kỳ đầu ở Nhật Bản do nhà sư An Nhiên (841 – 915?) sống vào thời đại Bình An (794 – 1192), năm Nguyên Khánh thứ 4 (880) biên soạn, đã ghi chép lại việc giảng dạy tiếng Phạn mà Phật Triết đã thực hiện. Chẳng hạn, trong nhiều giải thích về văn tự Sittan, ở những đoạn được cho là có những chương bị thất lạc lúc bây giờ, vẫn có cả ghi chép và chú thích (trong [ ]) như dưới đây: “Có lẽ có Sittan [có người nói rằng Phật Triết mang nó sang đây]”. (Dòng thứ 3 trong mặt sau trang 23).
Như vậy, mỗi lần suy đoán sự tồn tại các chương Sittan bị thất lạc, nhà sư An Nhiên đều nói đến việc Phật Triết đã mang Sittan sang Nhật Bản. Tương tự, trong phần Chương Tăng bối huyết thuộc quyển thứ 3 của bộ Sittan Tạng, có những trích dẫn bằng tiếng Phạn đã được nhà sư tổ Mật tông của Nhật Bản là Không Hải (774 – 835) và nhà sư Mật tông nhà Đường là Bất Không (705 – 774) đã ghi lại như sau: “Có lẽ Phật Triết đã làm”. (Dòng thứ 8, thứ 10 ở mặt trước trang 12, dòng thứ 5, thứ 10 ở mặt sau trang 12, dòng thứ 2, thứ 4, thứ 10 ở mặt trước trang 13 )
Tiếp theo các câu trích dẫn trên có liệt kê những chữ cái tiếng Phạn mà Phật Triết đã ghi lại. Cùng với bảng chữ cái tiếng Phạn, đây là những minh chứng còn sót lại về việc giảng dạy tiếng Phạn của Phật Triết.
Nakamura Hajime khẳng định rằng: “Sau khi Sittan được truyền bá vào Nhật Bản thì bảng chữ cái 50 âm của tiếng Nhật được hình thành. Trong bảng chữ cái tiếng Phạn, nguyên âm được dạy đầu tiên. Điều này được áp dụng trong việc giảng dạy quốc ngữ (tiếng Nhật)bằng cách bỏ các phụ âm tiếng Phạn vì tiếng Nhật không có và chỉ giữ lại các nguyên âm là ‘A, I, U, E, O’. Tiếp theo là ‘Ka, Ki, Ku, Kê, Ko’, ‘Sa, Si, Su, Sê, So’…, đều là các phụ âm tiếng Nhật đã được sắp xếp theo thứ tự phụ âm của tiếng Phạn”. [Nakamura 1958: 7-8], [Tomita 1984: 120].
Như đã phân tích ở trên, chính Phật Triết chứ không phải ai khác đã mang Sittan đến Nhật Bản và tạo ra hệ thống 50 âm chữ Kana cơ sở nhất của tiếng Nhật. Điều này chứng tỏ rằng Mật tông mà Phật Triết đã tinh thông có nền tảng là tiếng Phạn có tính hệ thống cao. Kiến thức sâu của Phật Triết về Mật tông là bối cảnh tạo ra một câu chuyện huyền bí cho rằng Phật Triết là pháp sư rất tài ba, có thể gây sức ép cho Long vương như trong câu chuyện của phần 3.1. của báo cáo này đã dẫn.
3.3. Giới luật của Phật giáo và vũ điệu của Phật Triết
Cùng với việc giảng dạy tiếng Phạn, Phật Triết được biết đến ở Nhật Bản bởi vũ điệu ở Pháp hội khai nhãn cho tượng Phật lớn chùa Đông Đại. Tuy nhiên, theo giới luật nghiêm mật của Phật giáo Đại thừa thì hành động này của Phật Triết có chút vấn đề. Đơn cử như trong Quán Vô Lượng Thọ kinh9 của kinh điển Đại thừa có ghi chép là vua A Xà Thế của Xá Thành bái lạy Thích Ca Mâu Ni và cầu xin rằng “Xin Phật đánh thức tâm từ bi và ban Bát giới cho con”. Liên quan đến thuật ngữ Bát giới, nhà sư Thiện Đạo (613 – 681) là một cao tăng phái Tịnh độ của Trung Quốc đã giải thích cụ thể trong phần chú giải của quyển thứ 2 – Phân nghĩa quán kinh thuộc bộ Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh sớ10 như sau:
“Không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu, không được bôi dầu xức phấn vào cơ thể, không ca vũ xướng kỹ, không đi nghe hay xem ca vũ xướng kỹ, không được lên sân to lớn nằm ở chỗ cao và rộng”.
Tám điều này là giới luật chứ không phải là chay tịnh. Trong đó, giới thứ 6 và giới thứ 7 của giới luật chủ yếu của Phật giáo Đại thừa. Các giới luật này cấm Phật tử múa, hát xem hay nghe. Hơn nữa, trong Đại tri độ luận, cuốn bách khoa toàn thư bách Phật giáo do Long Thụ, tổ thứ 3 của Chân Ngôn tông Nhật Bản chấp bút, ở quyển thứ 13 có viết các nhà sư Mật tông tự cấm mình múa, hát hay chơi nhạc, cụ thể như sau:
“Như cho đến Chư Phật cũng không tự múa hát cho vui, cũng không đi xem và nghe nó. Chúng ta cũng suốt ngày suốt đêm không tự múa hát cho vui, không đi xem và cũng không nghe nhạc”.
Nếu nhìn từ góc độ giới luật của Phật điển Đại thừa như vậy thì vũ điệu của Phật Triết bị xem là một hành vi phạm giới. Vì vậy, chúng tôi muốn tìm hiểu vấn đề này từ nội dung củaVăn bia Đồng Dương I ra đời năm 875 Tây lịch, thời kỳ mà Phật giáo rất phát triển của vương quốc Champa như đã giới thiệu ở phần 1.2. của bài viết này.
Ở đoạn thứ 9 mặt A của Văn bia Đồng Dương I có ghi “Indra – Thần hô văn”; ở đoạn 11 có ghi nội dung hoan nghinh đối tượng tâm linh của đạo Hindu là “Linga này sáng lập ra vũ trụ, tạo họa phúc cho nhân gian của cả ba thế giới” [Finot 1904: 85, 91], [Lương Ninh 2004: 283 – 284]. Mặt khác, ở đoạn thứ 4, mặt B có ghi nội dung tán thán Quan Âm Bồ tát là đối tượng tâm linh của Phật giáo Đại thừa như “Lokesvara (Quan Âm Bồ tát) là cao quý và xuất sắc nhất…” [Sđd 1904: 88,93] [Sđd 2004: 286]. Ở đoạn 1 mặt C có ghi “Kiến lập tăng viện để trang nghiêm Daruma (Phật pháp)” [Sđd 1904: 88,93] [Sđd 2004: 289].
Như vậy có thể thấy, vào thế kỷ 9, tín ngưỡng của vương quốc Champa vừa là Phật giáo và Hindu giáo. Tín ngưỡng phức hợp này có khả năng được suy ra từ vũ điệu của Phật Triết.
Tóm lại, Phật Triết vừa là tu sĩ của Hindu giáo cũng vừa là một nhà sư của Mật tông. Ông đã thực hiện vũ điệu trong Hội đại Phật khai nhãn cúng dường ở chùa Đông Đại như là một tu sĩ của đạo Hindu. Việc các nhà sư Nhật Bản lúc đó không hề chê trách Phật Triết phá giới có thể khiến chúng ta suy đoán được tình huống như trên.
* Tiểu kết
Những truyền thuyết về Phật Triết ở Nhật Bản được bao trùm bởi một sắc thái thần bí giống như câu chuyện thần thoại dựa vào năng lực của Mật tông để áp đảo Long vương. Đây là một tình tiết trích trong truyện Phật Triết cho thấy năng lực pháp thuật phái Mật tông mà Phật Triết có được là kiệt xuất. Đồng thời, pháp thuật Mật tông của Phật Triết không chỉ đơn giản là thuật niệm chú mà còn thể hiện một trình độ vượt trội hơn.
Bảng chữ tiếng Phạn được gọi là Sittan chương đã trở thành cơ sở của bảng 50 âm chữ Kana của tiếng Nhật. Điều này đã được chứng minh dựa theo sự thực về việc Phật Triết đã từng đến Nhật Bản.
Theo sự tích về Phật Triết ở Nhật Bản như trên, trong Phật giáo Lâm Ấp thế kỷ 8 đã tồn tại Phật giáo Đại thừa, đặc biệt là Mật tông. Nếu kết hợp sự tích về Phật Triết này với nội dung của Văn bia An Thái ở đầu thế kỷ 10 và Nam Hải ký quy nội pháp truyền của cuối thế kỷ 7, thì có thể khẳng định rằng Phật giáo Tiểu thừa đã được tiến hành ở Lâm Ấp vào thế kỷ 7, sau đó chuyển hóa thành Mật tông vào thế kỷ 8 và khuynh hướng này đã tiếp tục lưu truyền về sau.
Với sự tích về Phật Triết ở Nhật Bản, về lĩnh vực giáo dục tiếng Phạn, câu chuyện Phật Triết đã trình diễn điệu múa Lâm Ấp là một sự tích được người Nhật quan tâm trong một thời gian dài. Việc trình diễn vũ nhạc của Lâm Ấp của Phật Triết tuy đã vi phạm giới luật của các nhà sư Phật giáo nhưng khi khảo cứu nội dung Văn bia Đồng Dương I của thế kỷ 9 về sự tồn tại song song của Hindu giáo và Phật giáo, người viết bài này đã lý giải được việc Phật Triết đồng thời là tu sĩ của đạo Hindu và cũng là nhà sư của Mật tông. Việc một nhà sư Việt Nam đảm nhiệm vai trò của nhiều tôn giáo khác nhau là một hiện tượng được tìm thấy ở cả dân tộc Kinh thuộc miền Bắc Việt Nam [Onishi 2007, 2009]. Hiện tượng này dường như đã tồn tại ở các nhà sư Champa của miền Trung Việt Nam.
Việc Phật Triết đi thuyền sang Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ là hoạt động truyền giáo ra nước ngoài mà các nhà sư Việt Nam thường thực hiện vào thế kỷ 7. Các hoạt động truyền giáo này được các nhà sư người Chăm kế tục vào thế kỷ 8. Do đó, tại Nhật Bản, Phật Triết đã trình diễn vũ điệu của Lâm Ấp và giảng dạy tiếng Phạn. Các sự tích về Phật Triết là ví dụ sớm nhất có thể xác nhận việc các nhà sư người Chăm đã hoàn tất vai trò quan trọng như một cầu nối giữa hai khu vực văn hóa Trung Quốc và văn hóa Ấn Độ.
KẾT LUẬN
Như đã nêu ở trên, Phật Triết là người nước Lâm Ấp vốn đã tồn tại ở miền Trung Việt Nam ngày nay. Tuy nhiên, cũng có cả giả thuyết cho rằng ông xuất thân ở Chiêm Ba vốn tồn tại ở miền Bắc Ấn Độ. Dù vậy, chúng ta cần phải tìm hiểu về lượng thông tin địa lý của Đông Nam Á và Ấn Độ mà người Nhật Bản có được vào thời kỳ của Phật Triết.
Hơn nữa, Phật Triết được Tu Vinh, là đệ tử của Bồ Đề Tiên Na cũng là thầy của Phật Triết gọi là “Lâm Ấp tăng Phật Triết”. Danh xưng này xuất hiện vào năm 770, cùng với thời điểm mà Phật Triết đã hoạt động ở Nhật Bản.
Bên cạnh đó, những hoạt động của Phật Triết là phù hợp với tình hình hoạt động truyền giáo và tích cực ra nước ngoài học tập của các nhà sư Việt Nam thời đó. Trong Đại Đường Tây Vực cầu pháp cao tăng truyền, nhà sư Nghĩa Tĩnh đã viết rằng vào khoảng cuối thế kỷ 7, nhiều nhà sư xuất thân từ miền Bắc và miền Trung Việt Nam đã vượt biển từ Đông Nam Á sang Ấn Độ để tu tập và truyền bá Phật giáo. Thực tế này đã cho thấy rằng việc giao lưu quốc tế giữa Trung Quốc Đại Đường với các nước láng giềng cũng đã tạo nên một ảnh hưởng to lớn đến Phật giáo Việt Nam thời đó. Việc Phật Triết từ Trung Quốc – Ấn Độ sang Nhật Bản vào nửa đầu thế kỷ 8 cho thấy việc đi ra nước ngoài của ông được xem là một hoạt động được kế thừa từ các nhà sư Việt Nam trong các thế kỷ trước.
Cùng với sự gia tăng về lượng thông tin địa lý hải ngoại ở Nhật Bản trước và sau thời điểm Phật Triết đến, những bản tóm tắt về tài liệu lịch sử cùng thời điểm đó cùng với những nhận định tổng hợp về tình hình của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn đó, người viết bài này cho rằng nơi xuất thân của Phật Triết là nước Lâm Ấp nằm ở miền Trung Việt Nam.
Phật giáo Champa vào thế kỷ 7 đã có bóng dáng của Phật giáo Tiểu thừa và vào thế kỷ 9 đã có bóng dáng của Phật giáo Đại thừa. Thế nhưng sử liệu về Phật giáo Champa vào thế kỷ 8 lại bị bỏ trống. Sự tích về Phật Triết ở Nhật Bản chính là sự san lấp khoảng trống này của Phật giáo Champa vào thế kỷ 8.
Theo sử liệu của Nhật Bản, Phật giáo mà Phật Triết truyền bá là Mật tông. Việc này chứng tỏ Phật giáo Champa vào thế kỷ 8 đã chuyển hóa sang Phật giáo Đại thừa. Theo đó, từ những hoạt động của Phật Triết tại Nhật Bản, ông được xem là một nhà hoạt động tôn giáo vừa là tu sĩ đạo Hindu và đồng thời cũng là một nhà sư phái Mật tông. Hơn nữa, với các điệu múa và giảng dạy tiếng Phạn, Phật Triết đã tạo ra nhiều ảnh hưởng đến văn hóa Nhật Bản ngày nay. Từ đó suy ra ông là người có kiến thức lỗi lạc ở nước Lâm Ấp. Nếu kiến thức phong phú của Phật Triết được nghĩ chỉ thể hiện ở tiếng Phạn, đặc trưng cho văn hóa Ấn Độ thì tại sao trong Đại An tự bồ đề truyền lai ký lại viết rằng vào đời nhà Đường, ông đã đi đến Trung Quốc để được tham bái Ngũ Đài Sơn cùng với thầy của mình là Bồ Đề Tiên Na. Điều đó cho thấy ông còn có cả kiến thức về tiếng Trung Quốc hoặc Hán văn.
Tóm lại, Phật Triết đã tiếp thu một cách tích cực cả văn hóa Trung Quốc lẫn văn hóa Ấn Độ. Đồng thời, ông đã hoàn tất vai trò truyền bá văn hóa của hai khu vực này đến nhiều khu vực khác. Theo đó, Phật Triết chính là nhân vật mà sử liệu Nhật Bản có thể xác nhận là người có vai trò sớm nhất trong việc truyền bá văn hóa Ấn Độ và Phật giáo Mật tông của Champa.
Biên tập: Lê Thị Kim Oanh – Hiệu đính: Trần Đức Anh Sơn
Tháng 11.2015
Chú thích
1 Bia Nam Thiên Trúc Bà La Môn tăng chính bia tịnh tư này có một cách ghi khác nhưNam Thiên Trúc Bà La Môn tăng chính bia tịnh tư. Trong bài báo cáo này, chúng tôi chép lại theo cách ghi của các tài liệu được trích dẫn.
2 Trong bài Lâm Ấp truyện, Liệt truyện thứ 47, quyển 82 của Tùy thư có ghi chép “Mỗi người đều phụng sự Phật. Văn tự thì giống với Thiên Trúc”.
3 Trong Nam Hải ký quy nội pháp truyền của bộ Đại Tạng kinh (quyển 52, số 2125) không có bài như vậy, chỉ có một bài gần giống như bài trên là “Những mười nước trong Nam Hải chư châu (…) đều theo Phật pháp”.
4 TS. Oda Akihiro, Giáo sư Khoa Phật giáo học, Trường đại học Otani đã cung cấp thông tin về Trung A Hàm kinh (mục lục số 678) là vào năm Thiên Bình thứ 5 (733), Pháp Hiển truyện (mục lục số 2788) là vào năm Thiên Bình thứ 11 (739), Tây Vực ký truyền trong Nại Lương triều hiện đại nhất thiết kinh sớ mục lục của ông Ishimoda Mokichi. Chúng tôi ghi danh TS. Oda Akihiro ở đây là để bày tỏ sự biết ơn của mình.
5 Huấn điểm: ký hiệu người Nhật Bản sử dụng để đọc một bài Hán văn truyền thống.
6 trích dẫn từ bộ Hệ phả, bộ Truyện, bộ Quan chức, tập 5, Quân Thư loại tòng (Hội hoàn thành Tục Quân Thư loại tông của Hanawa Hokiichi).
7 Đại Đường Tây Vực cầu pháp cao tăng truyền là kinh Phật số 2066, quyển 51 của bộ Đại Chính Đại Tạng kinh.
8 Trường An: này là khu vực bao gồm cả huyện Yên Khánh, Gia Khánh, Gia Viễn và Yên Mô, tỉnh Ninh Bình [Lê Mạnh Thát 1999b: chú thích trong trang 461]. Trường An (hay là Tràng An) là tên khác của Hoa Lư, thủ đô của nhà Đinh (970 – 980) và nhà Tiền Lê (980 – 1009) là các vương triều độc lập thời kỳ đầu của Việt Nam. Vào năm 973, Đinh Liễn con trai cả của Đinh Tiên Hoàng, hoàng đế đầu tiên của nhà Đinh đã cho xây dựng 100 cây cột kinh bằng đá được khắc lại Phật Đỉnh tốn thăng đa la ni [Hà Văn Tấn 1965]. Phật Đỉnh tốn thăng đa la ni là chú văn của Mật tông mà nếu tụng chú này, con người vừa khởi thoát khỏi từ nghiệp vừa được trường thọ và phú quý. Việc xây dựng cột kinh này biểu thị một phần của giai đoạn thịnh hành Mật tông ở miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ.
9 Quán Vô Lượng Thọ kinh trong số 0365, quyển 12 của bộ Đại Chính Đại Tạng kinh.
10 Quán Vô Lượng Thọ kinh sớ trong số 1753, quyển 37 của bộ Đại Chính Đại Tạng kinh.
Tài liệu tham khảo
- Finot, Louis (1904). “Notes d’epigraphie: Inscriptions du Quang Nam”, Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient, Tome. 4, No.1-2, Hà-nội, 83-115.
- Hà Văn Tấn (1965). “Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư”, Nghiên cứu Lịch sử, số 70, 39-50.
- Huber, Edouard (1911). “Études indochinoises”, Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient, Tome. 11, No. 3-4, 259-311.
- Ishida Mosaku (1930), Nghiên cứu về Phật giáo triều đại NARA qua kinh Phật được sao chép lại, [Tokyo: Đông Dương văn khố].
- Kim Cương Tử (Chủ biên) (1994). Từ điển Phật học Hán Việt, [Hà Nội: Phân viện nghiên cứu Phật học].
- Koike Seiji (2003/1995). Tiếng Nhật được hình thành như thế nào? [Tokyo: Chikuma thư phòng].
- Lê Mạnh Thát (1999a). Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập 1: Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế, [Huế: Thuận Hóa].
- Lê Mạnh Thát (1999b). Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, [TPHCM: TPHCM].
- Lương Ninh (2004). Lịch sử vương quốc Champa, [Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội].
- Nakamura Hazime (1958). Sự phát hiện nền văn hóa Ấn Độ tại Nhật Bản, [Tokyo: Hiệp hội Văn hóa Nhật Ấn].
- Ngô Văn Doanh (1994). Văn hóa Chămpa, [Hà Nội: Văn hóa Thông tin].
- Nguyễn Tài Thư (1991). Lịch sử Phật giáo Việt Nam, [Hà Nội: Khoa học Xã hội].
- Nguyễn Hiền Đức (1995). Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, [TPHCM: TPHCM].
- Nguyễn Lang (2000/1973, 1978, 1994). Việt Nam Phật giáo sử luận, [Hà Nội: Văn học].
- Nguyễn Sinh Duy (2004). “Văn bia An Thái và Phật giáo Champa”, Quảng Nam và những vấn đề sử học, [Hà Nội: Văn hóa Thông tin: 446-456].
- Onishi Kazuhiko (2007). “Vai trò Đạo sĩ của nhà sư trong tập văn khấn nghi lễ Phật giáo Việt Nam thế kỷ 18”, Xã hội và Văn hóa Việt Nam, số 7, [Tokyo: Hukyo, 3-23].
- Onishi Kazuhiko (2009). “Phải chăng lần xuất gia thứ nhất của Trần Nhân Tông là để trở thành đạo sĩ ?” trong: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Kỷ yếu hội thảo quốc tế Đông phương học Việt Nam lần thứ tư, 6/2/2009. [Hà Nội: Thế giới], 165-175.
- Quảng Văn Sơn (2014). “Phật giáo Champa từ tư liệu đến nhận thức”, Nghiên cứu Tôn giáo, Số 07 (133), 54-65.
- Sagawa Humon (2014). Giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản đã bắt đầu từ 1300 năm trước – Lễ cúng tế mở mắt pho tượng lớn của chùa Đông Đại, Cuộc thuyết trình tu dưỡng văn hóa Hà Nội, [Kyodo: Tinh xác].
- Takakusu Jyunjirou (1978/1907). “Âm nhạc triều đại Nara, đặc biệt về “Lâm Ấp Bát nhạc”, trong: Takakusu Jyunjirou, Toàn tập, [Shincyo: Giáo dục], Quyển thứ 9, 338-376; Tạp chí Sử học, Biên thứ 18, Số 6 (tổng số 211), 577-591; Số 7 (tổng số 212), 760-800.
- Tanaka Otoya (1991/1964). “Về Phật Triết, nhà sư Lâm Ấp”, Túy Hoa tập. Tập luận văn Ấn Độ học. Tập dịch bài thơ, [Syunjyu], 38-49; Tập luận lịch sử tư tưởng Phật giáo kỷ niệm mừng thọ Giáo sư Yuki, [Okura], 623-634.
- Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm (2001). Lịch sử Phật giáo xứ Huế, [TPHCM:TPHCM].
- Thích Mật Thể (1943). Việt Nam Phật giáo sử lược, [Huế: Phật học viện Trung phần ấn hành].
- Tomita Haruo (1984). “Phật Triết trong Nhã nhạc”, Văn hóa Nam phương, Tập thứ 11, [Hội nghiên cứu Văn hóa Nam Phương Thiên Lý], 119-137.
- Trần Giai Vinh, Tạ Phương, Lục Tuấn Lĩnh (1986). Cổ đại Nam hải địa danh hối thích,[Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục].
- Trần Văn Giáp (1932). “Le Bouddhisme en Annam des origines au XIIIè siècle”,Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient, Tome. 32, No. 1, 191-268.
* Nhà nghiên cứu Onishi Kazuhiko là cộng tác viên của Viện nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam