Tiểu luận kết thúc học phần Quản lý hoạt động nghệ thuật
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN TẠI SỞ VĂN HÓA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - Nguyễn Tấn Kiệt
MỞ ĐẦU
Nhằm định hướng công tác quản lý nhà nước và hoạt động
phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn trong cả nước theo đường lối, chủ
trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách có hiệu quả,
trong những năm qua, Chính phủ đã xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản quy
phạm pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Thời gian qua, việc tuyên truyền và triển khai thực hiện
các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn về cơ bản đã
diễn ra rất hiệu quả góp phần ổn định và phát triển các hoạt động văn hóa nghệ
thuật tại Việt Nam. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh nhờ
các công cụ quản lý nhà nước phù hợp đã tạo điều kiện cho nghệ thuật biểu diễn
hoạt động sôi nỗi, phong phú và đa dạng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa và
vui chơi giải trí của người dân, đóng góp tích cực trong công tác ngoại giao
văn hóa, phát triển du lịch. Tại một số địa phương, nghệ thuật biểu diễn không
chỉ là lĩnh vực quan trọng phục vụ đời sống mà còn là lĩnh vực chủ lực trong
phát triển công nghiệp văn hóa. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong
lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn vì thế cũng rất cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn
thiện cho phù hợp với thực tiễn sinh động của quá trình phát triển kinh tế xã hội
của đất nước.
NỘI DUNG
1. Cơ sở lý luận.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chịu trách nhiệm
trước Chính phủ quản lý nhà nước về các lĩnh vực mà hoạt động của nó diễn ra
trên phạm vi rộng, với tính chất đa ngành, trong đó có ngành nghệ thuật biểu diễn.
Cục Nghệ thuật biểu diễn là cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước
về nghệ thuật biểu diễn...; được Bộ trưởng giao trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn
hoạt động phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn trong cả nước theo đường lối,
chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước.
Hệ thống khái niệm:
-
Văn bản pháp quy: là văn bản bao
gồm các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước từ cơ quan đến địa phương ban
hành theo phạm vi thẩm quyền của mình, những quy phạm trong văn bản pháp quy
dùng để điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong đời sống, dựa trên ý chí của
nhà nước và đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước.
- Quản
lý:
+ Theo
quan điểm của Fayol: “Quản lý là một hoạt động mà mọi tổ chức (gia đình, doanh
nghiệp, chính phủ) đều có, nó gồm năm yếu tố tạo thành là: kế hoạch, tổ chức,
chỉ đạo, điều chỉnh và kiểm soát. Quản lý chính là thực hiện kế hoạch, tổ chức,
chỉ đạo điều chỉnh và kểm soát ấy”. (Phan
Hồng Giang – Bùi Hoài Sơn (2012), Quản lý văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi
mới và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị Quốc gia. Tr.21.)
+ Theo quan điểm của V.L.Lênin: Chúng ta phải hiểu rằng
muốn quản lý tốt mà chỉ thuyết phục không thôi thì chưa đủ, còn cần phải biết tổ
chức về mặt thực tiễn nữa. (Hoàng Sơn Cường,
(1998) Lược sử quản lý văn hóa ở Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin.)
+ Quản lý
“là sự tác động có tổ chức, có định hướng của chủ thể lên khách thể nhằm đạt được
mục tiêu định trước”. (Học viện hành
chính (2009), Giáo trình quản lý học đại cương.)
- Nghệ thuật:
(tiếng Anh: art) được hiểu với nhiều nghĩa khác nhau và được thay đổi theo thời
gian.
+ Nghĩa đầu tiên (cho đến thế kỷ XVII), nghệ thuật được
dùng để chỉ bất kỳ “kỹ năng”, “kỹ xảo”, sự “khéo léo”, sự “thông thạo” nào đó đạt
đến trình độ cao, được coi là một “nghệ thuật”. Ngày nay “nghệ thuật” với nghĩa
này vẫn được dùng. Ví dụ, người ta vẫn hay nói “nghệ thuật nấu ăn”, “nghệ thuật
diễn thuyết”, “nghệ thuật kể chuyện”, vv...
+ Một nghĩa khác của art (nghệ thuật) được hiểu như một
cách viết tắt của creative art (sáng tạo) hay fine art (mỹ thuật), ra đời từ đầu
thế kỷ XVII. Fine art chỉ một kỹ năng được sử dụng để diễn tả sự sáng tạo của
người nghệ sĩ, hay để khơi gợi cảm quan thẩm mỹ ở khán giả, hay để khiến khán
giả để tâm đến những thứ hay, đẹp hơn.
- Quản lý hoạt động nghệ thuật: là sử dụng các công cụ nhà nước để tạo điều kiện phát
triển các hoạt động nghệ thuật đi đúng định hướng giá trị, tạo ra những sản phẩm
nghệ thuật có giá trị văn, thể, mỹ, có tính nghệ thuật vừa có yếu tố dân gian,
vừa có yếu tố bác học, có tính nhân văn phục vụ đời sống tinh thần cho nhân
dân.
- Nghệ thuật biểu diễn: là hình thức nghệ
thuật sử dụng cơ thể, tiếng nói, âm thanh, nhạc cụ và sự có mặt của chính nghệ
sĩ làm phương tiện trình diễn trước công chúng. Khi nói đến nghệ thuật biểu diễn
không thể không kể tới ba loại hình nghệ thuật, đó là: âm nhạc, múa và sân khấu.
Trong nghệ thuật biểu diễn có hai bộ phận: nghệ thuật biểu diễn dân gian và nghệ
thuật biểu diễn bác học mang tính chuyên nghiệp.
- Hoạt động nghệ thuật biểu diễn: là hoạt
động tạo ra những sản phẩm nghệ thuật được định hình dưới dạng văn bản, âm
thanh, hình ảnh để truyền đạt trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện
kỹ thuật tới công chúng dưới các hình thức biểu diễn nghệ thuật; lưu hành bản
ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật.
2. Những văn bản pháp quy về quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
2.1. Những
văn bản pháp quy về hoạt động quản lý nghệ thuật biểu diễn qua các năm.
Nhằm
chỉ đạo, định hướng hoạt động phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn trong cả
nước theo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước một cách có
hiệu quả, trong những năm qua, Chính phủ đã xây dựng và ban hành hệ thống các
văn bản pháp
quy trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn:
- Nghị
định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012, quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình
diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm,
ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
- Nghị
định số 21/2015/NĐ-CP Ngày 14/02/2015 quy định về nhuận bút, thù lao đối với
tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu
diễn khác.
- Quyết
định số 14/2015/QĐ-TTg ngày 20/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp
ưu đãi theo nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực
nghệ thuật biểu diễn.
-
Nghị định số 15/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 3
năm 2016 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp
và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
- Nghị
định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định về hoạt động nghệ thuật
biểu diễn;
- Nghị
định số 38/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2021 quy định về xử phạt các hoạt động
văn hóa, quảng cáo …
* Bên cạnh đó, một
số chính sách nhằm tăng cường xã hội hóa, phát triển nghệ thuật theo định hướng
liên kết vùng kinh tế phía Nam, Chính phủ cũng đã ban hành:
- Nghị định
59/2014/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày
16 tháng 6 năm 2014 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối
với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
- Quyết
định số 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18 tháng 8 năm 2015 về việc
phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và
du lịch vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, tầm
nhìn đến năm 2030.
2.2. Những
văn bản pháp quy về hoạt động quản lý nghệ thuật biểu diễn đang hiện hành.
-
Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định về hoạt động nghệ
thuật biểu diễn.
-
Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2021 quy định về xử phạt các hoạt
động văn hóa, quảng cáo …
Ở
lĩnh vực quản lý các đơn vị sự nghiệp hoạt động nghệ thuật có các quy định:
-
Nghị định số 21/2015/NĐ-CP Ngày 14/02/2015 quy định về nhuận bút, thù lao đối với
tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu
diễn khác.
-
Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg ngày 20/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ
phụ cấp ưu đãi theo nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc
trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
- Nghị định 59/2014/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động
trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
- Quyết định số 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
ngày 18 tháng 8 năm 2015 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn
hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng
điểm phía Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
2.3. Một số
bất cập của các văn bản pháp quy về quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Thực tế tại
các địa phương, việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn nhiều bất cập.
Đơn cử bất cập tại Nghị định 144/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính
phủ chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14
tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn thì
thực tiễn tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các địa phương trên cả nước đã
nãy sinh một số vấn đề bất cập, cần được làm rõ và hướng dẫn, cụ thể:
+ Quy định
tại Điều 8 về Hình thức tổ chức biểu diễn nghệ thuật:
1. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm
vụ chính trị; biểu diễn nghệ thuật phục vụ nội bộ cơ quan và tổ chức, thực hiện
thông báo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
2. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ
tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng không
bán vé xem biểu diễn nghệ thuật, thực hiện thông báo theo quy định tại Điều 9
Nghị định này.
3. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật khác
không thuộc hình thức quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này, thực hiện quy định
tại Điều 10 Nghị định này.
4. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật không
trực tiếp trước công chúng được đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình
và môi trường mạng do người đăng, phát chịu trách nhiệm.
Việc xác định không rõ nội dung “phục vụ nhiệm vụ chính
trị”, “biểu diễn nghệ thuật phục vụ nội bộ cơ quan và tổ chức” về đối tượng tổ
chức, quy mô, thành phần sáng tạo chương trình…dẫn đến khó khăn khi xác định
tính chất hoạt động cho các địa phương khi tiếp nhận thông báo của cá
nhân, đơn vị, tổ chức.
Trên thực tế, một số chương trình tổ chức không bán vé
thu tiền nhưng tổ chức ở địa điểm khác ngoài các cơ sở kinh doanh được nêu tại
Khoản 2 Điều 8 thì có cần phải thực hiện thủ tục đề nghị chấp thuận tổ chức biểu
diễn nghệ thuật hay không? Với các chương trình không kinh doanh bằng hình thức
bán vé nhưng tổ chức phụ thu, quảng cáo sản phẩm hoặc các hình thức kinh doanh
khác thì thực hiện theo hình thức nào? Đối với các chương trình biểu diễn nghệ
thuật tại các hội chợ, sự kiện… có bán vé vào Hội chợ nhưng không bán vé chương
trình nghệ thuật phục vụ, vậy những chương trình này có cần phải thực hiện thủ
tục đề nghị chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật hay chỉ cần thực hiện thủ tục
thông báo.
Quy định về Thông báo tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại
Nghị định số 144/2020/NĐ-CP không quy định cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận
thông báo phải trả lời bằng văn bản.
Thực tế quy định này còn có những điểm bất cập. Cụ thể là
trong thời gian qua, một số đơn vị đã thực hiện thông báo tổ chức biểu diễn đến
Ủy ban nhân dân Thành phố (theo đúng thẩm quyền), tuy nhiên, khi về các quận,
huyện nơi tổ chức có thanh tra, kiểm tra thì không có giấy tờ để chứng minh đã
thực hiện thông báo theo quy định. Vì vậy, rất nhiều đơn vị cảm thấy lo lắng,
không yên tâm, đó là chưa kể đến việc ảnh hưởng đến uy tín, công tác tổ chức và
thiệt hại kinh tế của đơn vị.
Quy định về thẩm quyền chấp thuận tổ chức cuộc thi người
đẹp, người mẫu tại khoản 1 và khoản 2 Điều 16, cụ thể:
1. Điều kiện tổ chức cuộc thi:
a) Là đơn vị sự nghiệp công lập có chức
năng biểu diễn nghệ thuật; hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn; tổ chức,
cá nhân đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của
pháp luật;
b) Phải đáp ứng điều kiện về an ninh,
trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ theo quy định
của pháp luật;
c) Có văn bản chấp thuận tổ chức cuộc
thi người đẹp, người mẫu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy
định tại điểm c khoản 1 Điều này là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc
thi.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
chỉ đạo các cơ quan trực thuộc thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước và chịu
trách nhiệm bảo đảm hoạt động tổ chức cuộc thi trên địa bàn đúng quy định của
pháp luật.
Với quy định mới tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP hiện
nay, không có thủ tục thông báo tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu khi tổ chức
ở các tỉnh thành khác. Như vậy, đối với một số cuộc thi người đẹp, người mẫu tổ
chức ở nhiều địa điểm thuộc các tỉnh, thành phố trên cả nước thì đơn vị tổ chức
cuộc thi phải thực hiện thủ tục đề nghị chấp thuận tại 01 địa phương hay phải
làm thủ tục ở tất cả các địa phương nơi có tổ chức các vòng của cuộc thi?
Ví dụ: Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận được hồ
sơ đề nghị chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu, trong nội dung Đề
án của đơn vị thì cuộc thi được tổ chức các vòng thi và một số động liên quan đến
cuộc thi tại các tỉnh, thành phố khác nhau. Theo quy định tại Nghị định số
144/2020/NĐ-CP hiện nay thì trường hợp này, nếu chấp thuận tổ chức cuộc thi thì
sai thẩm quyền, vì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố chỉ có thẩm quyền chấp
thuận khi cuộc thi tổ chức tại địa phương. Ngoài ra, quy định tại khoản 4, mẫu
số 9 (Nội dung cuộc thi: …) về mẫu văn bản chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp,
người mẫu tại phần Phụ lục của Nghị định số 144/2020/NĐ-CP được ghi chú là “Đề
án cuộc thi được chấp thuận. Do đó, nếu nội dung cuộc thi là Đề án, mà Đề án lại
có các tỉnh, thành khác thì sẽ bị sai thẩm quyền. Vì vậy, Sở Văn hóa và Thể
thao Thành phố đề nghị cần làm rõ đối với trường hợp nêu trên.
Nếu quy định các đơn vị tổ chức ở đâu xin ở đó. Ví dụ:
Vòng Sơ khảo tại Đà Nẵng, Vòng Bán kết tại Hà Nội và Vòng Chung kết tại Thành
phố Hồ Chí Minh, vậy trong trường hợp này thẩm quyền của các địa phương chỉ là
chấp thuận tổ chức Vòng thi chứ không phải Cuộc thi, khác hoàn toàn với các cuộc
thi trước đây do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép theo quy định tại các
Nghị định cũ. Vậy thì trong trường hợp đơn vị tổ chức cuộc thi tại nhiều địa
phương khác nhau thì sẽ phải xây dựng Đề án là tổ chức vòng thi hay tổ chức cuộc
thi?
Tại Điều 23 - Quy định về nộp lưu chiểu và Điều 24 Quy định
thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước về nhận lưu chiểu bản ghi âm,
ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật nhằm mục đích thương mại:
Quy định về nộp lưu chiểu: tổ chức, cá nhân nộp lưu chiểu
ít nhất 10 ngày trước khi lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn
nghệ thuật nhằm mục đích thương mại cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định
trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là: kiểm tra, đối chiếu và quyết
định việc đình chỉ lưu hành, buộc tiêu hủy bản ghi âm, ghi hình khi phát hiện
vi phạm quy định tại Điều 3 Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có
liên quan.
Nghị định không quy định cụ thể trong vòng bao nhiêu ngày
cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải ra quyết định việc đình chỉ lưu hành trong
trường hợp có vi phạm. Như vậy, có thể hiểu trong vòng 10 ngày từ khi nhận được
bản lưu chiểu thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải ra quyết định đối với các
bản ghi âm, ghi hình vi phạm hay không?
3. Dự báo và đề xuất, kiến nghị.
3.1. Dự báo.
-
Nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam sẽ trở nên sôi động và đa dạng sau đại dịch
Covid – 19.
- Nghệ
thuật biểu diễn tại Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi sự phát triển như vũ
bão của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Nhiều hình thức giải trí lan truyền trên
không gian mạng một cách nhanh chống và phạm vi rộng lớn sẽ xóa đi cách tiếp cận
trực tiếp giữa khán giả và hoạt động trình diễn tại các sân khấu, địa điểm biểu
diễn.
- Nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam sẽ tiếp
cận nhiều hơn với các nền văn hóa thế giới thông qua hoạt động ngoại giao, du lịch
do “độ mở” của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đối tượng tham gia biểu
diễn (không phân biệt nghệ sĩ trong hay ngoài nước).
-
Nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam phát triển theo định hướng tổng hợp các loại
hình nghệ thuật và vận dụng tối đa hiệu quả của công nghệ, thiết bị kỹ thuật phụ
trợ.
-
Với tiềm năng, thế mạnh và những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công
nghiệp văn hóa trong đó có sự góp phần quan trọng của nghệ thuật biểu diễn đồng
hành với quá trình phát triển kinh tế xã hội đất nước thì việc hoạch định chính
sách, hệ thống các giá trị, định hướng xu thế phát triển đồng bộ xứng tầm với
tiềm năng, khai thác hiệu quả các nguồn lực để tăng cường hiệu suất phát triển
ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới là điều rất cần thiết.
3.2. Đề xuất, kiến nghị.
- Về Nghị
định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020:
+ Quy định
tại Điều 8 về Hình thức tổ chức biểu diễn nghệ thuật: Đề nghị bổ sung nội dung
trong Nghị định xác định rõ tính chất “phục vụ nhiệm vụ chính trị”, “biểu diễn
nghệ thuật phục vụ nội bộ cơ quan và tổ chức”; đồng thời nêu rõ và cụ thể đối
tượng, quy mô tổ chức, thành phần sáng tạo chương trình thuộc hồ sơ phải thực
hiện bộ thủ tục Thông báo.
+ Quy định
về Thông báo tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP: đề
nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông báo phải trả lời bằng
văn bản.
+ Đối với
thủ tục đề nghị chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu: Đề nghị sửa
tên thủ tục “đề nghị chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu” thành thủ
tục “đề nghị chấp thuận tổ chức cuộc thi, vòng thi người đẹp, người mẫu” (bổ
sung từ “ vòng thi”).
+ Tại Điều
23 - Quy định về nộp lưu chiểu và Điều 24 Quy định thẩm quyền và trách nhiệm của
cơ quan nhà nước về nhận lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn
nghệ thuật nhằm mục đích thương mại: Đề nghị bổ sung nội dung quy định cụ thể
trong vòng bao nhiêu ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải ra quyết định việc
đình chỉ lưu hành trong trường hợp có vi phạm.
- Về tầm
chiếc lược phát triển văn hóa nói chung và phát triển lĩnh vực nghệ thuật nói
chung: Chính phủ chỉ đạo cho các bộ ngành và các địa phương thực hiện nghiêm
túc các chủ trương, chính sách và các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ về phát triển quy hoạch, chiến lược, chương trình cụ thể nhằm tăng cường hiệu
lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển sự nghiệp nghệ thuật. Cụ thể như
Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng chính phủ về
việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể
thao và du lịch vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam đến năm
2020, tầm nhìn đến năm 2030, theo đó: “…Phát triển mạng lưới dịch vụ văn hóa nghệ thuật tại các đô thị
lớn trong Vùng làm đầu mối liên kết Vùng với các vùng khác trong cả nước”.
KẾT
LUẬN
Hơn một thập niên trở lại đây, với chủ
trương đổi mới toàn diện của Đảng và Nhà nước đã tạo nên một sự biến đổi và
phát triển mạnh mẽ cho toàn bộ đời sống xã hội, trong đó có văn hóa nghệ thuật.
Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ngày càng đáp ứng kịp thời, linh hoạt thị hiếu,
nhu cầu khác nhau của công chúng. Các loại hình nghệ thuật biểu diễn trở nên
sinh động, phong phú với những hình thức, thể loại đa dạng, nội dung hấp dẫn, tạo sinh khí và sắc thái mới cho đời sống
tinh thần xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực,
ngành nghệ thuật biểu diễn hiện nay vẫn còn những tồn tại, bất cập. Một số quốc
gia lớn đang tạo áp lực đến đời sống văn hóa, nghệ thuật của nước ta, tác động
không nhỏ vào quá trình nhận thức và thị hiếu về nghệ thuật, thẩm mỹ, dẫn đến
hiện tượng một bộ phận giới trẻ đã bị lệch chuẩn về văn hóa. Trước sức ép về
nhu cầu hưởng thụ cuộc sống, một số nghệ sỹ, người mẫu bất chấp quy định của
pháp luật, coi thường chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp dẫn đến những hành vi vi phạm
về thuần phong mỹ tục, đi ngược lại truyền thống văn hóa của dân tộc. Những
hành vi sai phạm này đã tác động xấu đến nhận thức của giới trẻ, làm suy giảm
các chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ của văn học nghệ thuật đối với
đời sống xã hội.
Trong bối cảnh đó, việc uốn nắn, điều
chỉnh, quản lý của các cơ quan Nhà nước có chức năng qua các văn bản pháp quy về quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn,
đã và đang trở thành một tất yếu khách tạo môi trường thuận lợi cho ngành nghệ
thuật biểu diễn phát triển, góp phần tạo nên sự ổn định về chính trị, đem lại
hiệu quả kinh tế, tạo nên sự ổn định và công bằng xã hội. Hơn nữa, quản lý hoạt
động biểu diễn nghệ thuật còn nhằm bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc./.
Tài liệu tham khảo.
1. Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày
05/10/2012, quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người
đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
2.
Nghị định số 21/2015/NĐ-CP Ngày 14/02/2015 quy định về nhuận bút, thù lao đối với
tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu
diễn khác.
3.
Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg ngày 20/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ
phụ cấp ưu đãi theo nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc
trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
4.
Nghị định số 15/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 3
năm 2016 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp
và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
5.
Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định về hoạt động nghệ
thuật biểu diễn;
6.
Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2021 quy định về xử phạt các hoạt
động văn hóa, quảng cáo …
7. Nghị định
59/2014/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày
16 tháng 6 năm 2014 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối
với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
8. Quyết
định số 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18 tháng 8 năm 2015 về việc
phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và
du lịch vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, tầm
nhìn đến năm 2030.
9. Phan
Hồng Giang – Bùi Hoài Sơn (2012), Quản lý văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi
mới và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.21.
10. Học viện hành chính (2009), Giáo trình quản lý học đại
cương.
11. Hoàng Sơn Cường (1998), Lược sử quản lý văn hóa ở Việt Nam, Nxb Văn hóa thông
tin.
12.
Báo cáo số 5171/BC-SVHTT ngày 14 tháng 11 năm 2022 của Sở Văn hóa và Thể thao
Thành phố Hồ Chí Minh về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý nhà
nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, tr 2.