DU LỊCH LỄ HỘI, VẤN ĐỀ BẢO TỒN VĂN HÓA Ở
TỈNH TRÀ VINH
Dương
Minh Lâm - Trường Đại học Trà Vinh
Email: duongminhlam@tvu.edu.vn
TÓM TẮT
Trong bối cảnh
hiện nay, khi mà hoạt động du lịch của tỉnh còn đơn điệu thì việc phát triển thêm
các sản phẩm gắn liền với đời sống văn hóa cộng đồng là một hướng đi tích cực
nhằm góp phần thu hút khách du lịch, đồng thời cũng tạo điều kiện để bảo tồn,
phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh Trà Vinh. Trên cơ sở phân tích
mối quan hệ giữa lễ hội dân gian và hoạt động du lịch, cũng như việc đánh giá
hiện trạng khai thác lễ hội dân gian vào hoạt động du lịch, tác giả đề xuất một
số giải pháp không chỉ để bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội dân gian mà còn
góp một tiếng nói trong việc phát triển du lịch từ tài nguyên văn hóa lễ hội của
ngành du lịch tỉnh Trà Vinh.
Từ khóa: Du lịch văn hóa, Lễ hội Trà Vinh, Tiềm năng du lịch,
Văn hóa cộng đồng, Tài nguyên du lịch
1. Đặt vấn đề
Có thể nói,
lễ hội dân gian tại Trà Vinh là một trong những sản phẩm đặc trưng và khác biệt
của du lịch Trà Vinh so với các tỉnh trong khu vực. Đó là sự đa dạng các lễ hội
trên cùng một khu vực với sự gắn bó lâu đời chủ yếu của ba dân tộc Kinh, Khmer,
Hoa. Từ đó, đã hình thành một nền văn hóa đa sắc tộc với nhiều đình, chùa, nhà
thờ, các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm với nhiều trò chơi dân gian,
hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Đây là điều kiện thuận lợi để du lịch văn
hóa phát triển. Du lịch văn hóa ở Trà Vinh được khai thác từ
nhiều năm nay với các điểm đến là lễ hội của cộng đồng dân cư Trà Vinh. Song nhìn
vào thực tế, loại hình du lịch này đang gặp nhiều khó khăn để phát triển với
nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng nỗi bậc nhất là việc các nhà làm du lịch chưa
kết nối chặc chẽ với người làm văn hóa, với những chủ thể văn hóa để có thể tạo
ra sản phẩm du lịch hoàn chỉnh hơn, hấp dẫn hơn. Chính điều này đã và đang làm
cho du lịch ở Trà Vinh chậm phát triển đồng thời làm giảm đi cơ hội để quảng bá
hình ảnh, văn hóa, con người Trà Vinh đến với cộng đồng trong nước và
quốc tế. Mặt khác với sự tác động của nhiều yếu tố xã hội, kinh tế và các hiện
tượng tiêu cực khác. Lễ hội đang dần đánh mất đi giá trị của chính mình. Lễ hội
có thể xem là cuội nguồn của văn hóa, là nơi bảo tồn, làm giàu và phát huy bản
sắc văn hóa dân tộc. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của
lễ hội trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay là vấn đề cần thiết mà tỉnh
nên chú trọng
2. Vấn đề
bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội ở tỉnh Trà Vinh trong hoạt động du lịch
Dựa vào mô hình
SWOT, tác giả xây dựng bảng đánh giá những mặt mạnh, yếu, cơ hội và thách thức
trong việc khai thác các giá trị của lễ hội dân gian vào hoạt động du lịch của tỉnh
Trà Vinh.
Bảng 1. Cơ hội và
thách thức khi khai thác lễ hội dân gian vào hoạt động du lịch
SWOT |
S: Điểm mạnh 1.
Bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. 2.
Nhiều lễ hội dân gian đặc sắc diễn ra quanh năm. 3.
Hệ thống di tích lịch sử, điểm đến hấp dẫn. 4.
Bước đầu hình thành mô hình du lịch cộng đồng tại các điểm
du lịch |
W: Điểm yếu 1.
Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của du khách 2.
Các tour du lịch còn đơn điệu 3.
Nguồn nhân lực phụ vụ cho ngành du lịch còn hạn chế 4.
Công tác Quy hoạch, bảo tồn và phát triển các lễ hội còn
nhiều hạn chế 5.
Thời gian diễn ra lễ hội tương đối ngắn |
O: Cơ hội 1. Được sự quan tâm của chính
quyền và các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương. 2. Nhu cầu đi du lịch ngày càng
tăng. 3. Lĩnh vực tìm năng thu hút các
nhà đầu tư, kinh doanh du lịch. 4. Vận dụng các mô hình du lịch
lễ hội đã thành công trong cả nước. |
Chiến lược S+O -
S1+S2+S3+ O3: Nghiên cứu, xác định giá trị văn hóa du lịch
của lễ hội để bảo tồn và phát huy nó vào hoạt động du lịch. -
S4+O1+O2: Nâng cao vai trò của chủ thể văn hóa trong hoạt động
du lịch đồng thời chú trong đến vai trò của công tác truyền thông. -
S2+S3+O2+O4: Khôi phục, mở rộng đa dạng hóa hoạt động để tăng
tính hấp dẫn và thu hút khách đến với các lễ hội dân gian. |
Chiến lược S+T -
S1+S2+S3+T3+T4: Kết hợp khai thác, phát huy và bảo vệ tài nguyên
du lịch lễ hội để phát triển du lịch. -
S4+T1+T3: Tăng cường quảng bá vào tạo sự liên kết các tuyến
điểm du lịch. -
S1+S2+S4+T2: Nâng cao giá trị phần Lễ & Hội để thu hút
khách du lịch. -
S1+S2+T4: Nâng cao ý thức của chủ thể, cộng đồng dân cư trong
việc tiếp biến có chọn lọc các giá trị văn hóa mới vào lễ hội dân gian. |
T: Thách thức 1.
Cạnh tranh với các tỉnh trong đồng bằng sông Cửu Long có cùng
điều kiện. 2.
Đối tượng khách tham quan còn hạn chế chủ yếu là người có
tuổi và trẻ nhỏ. 3.
Tính liên kết giữa các điểm, tuyến còn hạn chế 4. Các yếu tố văn hóa mới làm
mờ đi giá trị truyền thống của lễ hội. 5. Vấn đề vệ sinh và độ an toàn
thực phẩm chưa cao. |
Chiến lược W+O -
W2+O3+O4: Kết hợp giữa hoạt động văn hóa và hoạt động du lịch
để tạo thêm sự đa dạng cho các chương trình tour. -
W1+O1+O3: Đầu tư cơ sở hạ tầng khôi phục không gian văn hóa
của lễ hội. -
W3+O1+O3+O4: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác
văn hóa và du lịch. -
W4+O1+O3+O4: Thiết kế huy hoạch và kêu gọi nguồn lực đầu tư. |
Chiến lược W+T -
W4+T4+T5: Kiến tạo môi trường phát triển bền vững du lịch lễ
hội. -
W2+W5+T2+T3: Đa dạng hóa các nội dung hoạt động, liên kết
giữa các tuyến, điểm trong chương trình tour du lịch để thu hút khách. -
W1+W2+T1+T3: Đầu tư cơ sở vật chất, trung tu, cải tạo không
gian văn hóa lễ hội và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. -
W2+W4+T3+T4+T5: Quy hoạt đồng độ dựa trên điều kiện thực tiễn
từng bước đáp ứng các nhu cầu của hoạt động du lịch văn hóa. |
Chúng ta có
thể thấy rằng việc đưa lễ hội dân gian vào hoạt động du lịch có nhiều điểm mạnh
và cũng có những hạn chế nhất định. Cũng chính điều này đưa đến cho lễ hội dân
gian ở Trà Vinh những cơ hội và thách thức lớn.
3. Một số định hướng để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội tạo tiền
đề cho việc phát triển du lịch văn hóa
Việc bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị của lễ hội là một vấn đề cần
thiết để đảm bảo cho lễ hội ngày càng thực sự là nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội. Để công
tác tổ chức và quản lý lễ hội ngày càng hiệu quả, phát huy tốt các giá trị văn hóa, góp phần khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa trong hoat động du lịch, tác giả nhận thấy, cần tập trung giải quyết
một số vấn đề sau:
3.1 Phát triển
du lịch lễ hội
Việc phát
triển loại hình lễ hội du lịch là một xu thế tất yếu, khi mà xã hội đang phát triển
theo xu hướng hiện đại hóa. Việc nhận thức về sự biến đổi của lễ hội truyền thống
cũng như xuất hiện nhiều loại hình tổ chức sự kiện mới là một yếu tố khách quan
tác động mạnh đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Nhưng do chúng ta chưa
dự báo kịp thời, chưa có sự quan tâm đúng mức do vậy không nên có quan điểm cứng
nhắc, lấy các nguyên lý tổ chức lễ hội truyền thống làm khuôn mẫu cho việc tổ chức
các lễ hội, tổ chức các sự kiện như hiện tại. Ở lĩnh vực này, cần bám sát thực tiễn,
tổng kết thực tiễn trên cơ sở lý luận về quản lý văn hóa. Trong đó, cần quan tâm
hơn vai trò chủ thể của cộng đồng tổ chức lễ hội. Người dân cần phải được tham gia
vào quá trình tổ chức lễ hội, được trao quyền tổ chức lễ hội. Đồng thời, cũng không
nên coi nhẹ việc quản lý của nhà nước đối với các lễ hội, nhất là những lễ hội lớn,
những lễ hội thu hút khách du lịch. Trà Vinh cần đầu tư phát triển du lịch
có trọng tâm, trọng điểm theo định hướng ưu tiên phát triển du lịch văn hóa;
tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng du lịch, kết cấu hạ
tầng, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa của tỉnh như:
Tổ chức, tuyên truyền quảng bá về du lịch lễ hội để giới thiệu về những giá trị
văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, mỹ thuật của di tích, truyền thống lịch sử lễ
hội, khơi dậy nét đẹp văn hóa, tôn vinh các bậc tiền nhân có công với dân, với
nước, phát huy tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân.
3.2 Khai thác, bảo tồn và phát huy lễ hội phục vụ du
lịch
a)
Đối với vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội
Việc
quan trọng hàng đầu trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội là việc đào
tạo và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực có trình độ cao trong công tác quản lý
và thực hiện nghiệp vụ ở các hoạt động văn hóa và du lịch. Kế đến là việc nhìn
nhận, tiếp thu và có những chính sách hợp lý đối với ngành văn hóa và du lịch.
Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, sự thâm nhập của các yếu tố văn hóa
hiện đại vào các lễ hội dân gian Trà Vinh là điều không tránh khỏi. Do vậy không
thể bảo tồn giá trị lễ hội theo quan điểm bảo tồn nguyên gốc như trước bởi vì lễ
hội dân gian được sản sinh và tồn tại trong tâm thức của người dân và được truyền
thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác mà con người của các thế hệ khác nhau sẽ có
nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa khác nhau. Do vậy chúng ta cần có những bước
đi phù hợp, thận trọng bảo đảm các yếu tố văn hoá mới giao lưu tiếp biến phù hợp.
Đặc biệt là phần lễ không nên sáng tạo vội vàng thiếu cơ sở khoa học và can thiệp
một cách không cần thiết vào phần lễ, phần vốn được coi là rất quan trọng trong
các lễ hội. Nếu có thay đổi cần phải được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng. Nhìn chung
việc bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội suy cho cùng cần bắt nguồn từ nhận thức,
không chỉ nhận thức của người dân địa phương mà cả nhận thức của các nhà quản
lý, cả cộng đồng. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong lễ hội dân
gian của đồng cư dân Trà Vinh không có nghĩa là máy móc phục dựng lại nguyên bản
những gì mà lễ hội truyền thống đã diễn ra cách đây nhiều năm, bởi cuộc sống luôn
phát triển không ngừng. Đặc biệt khi mà trình độ văn hóa văn hóa, thị hiếu, nhu
cầu về tinh thần của cộng đồng dân cư số đã ít nhiều thay đổi. Vấn đề giữ gìn
bản sắc văn hóa phải được nhận thức trong sự phát triển chứ không phải trong
quá khứ. Bên cạnh đó là việc xác định quan điểm phát huy hay phát triển trong việc
gắn lễ hội với hoạt động du lịch của các nhà quản lý, nhà kinh doanh… vì vậy nếu
không hiểu rõ vấn đề này có thể dẫn đến những chính sách không phù hợp đối với
lễ hội nhất là trong chuyện khai thác tìm năng kinh tế của lễ hội.
b)
Đối với hoạt động du lịch
Về phương diện lý thuyết, du lịch và lễ hội
là những phạm trù độc lập với nhau. Lễ hội là một dạng sinh hoạt văn hoá, tôn
giáo, nghệ thuật truyền thống nhằm phản ánh lại chính cuộc sống thực tại của một
cộng đồng dân cư trong một thời gian và không gian nhất định, nếu đưa ra khỏi không
gian và phạm vi cộng đồng đó, lễ hội sẽ mất đi những giá trị vốn có của nó. Lễ
hội là một sản phẩm đặc thù không như hàng hóa khác có thể đóng gói và bán hàng
ngày cho du khách. Vì vậy để khai thác lễ hội phục vụ cho phát triển du lịch cần
chú ý đến điểm đặc trưng này, mà không nên can thiệp quá sâu vào hình thức cũng
như nội dung của phần lễ. Ở đây, không nên lầm lẫn giữa việc giới thiệu các sản
phẩm đặc sắc của nền văn hoá với những nghi thức của một lễ hội. Lễ hội với những
giá trị của nó tự thân đã có sức thu hút du khách du lịch. Du lịch không nên can
thiệp quá nhiều vào lễ hội, không nên sửa đổi, cải biên, hoặc bổ sung những yếu
tố mới vào lễ hội khi chưa có những nghiên cứu về nó. Ngành du lịch có thể tuyên
truyền, quảng bá lễ hội dân gian như một sự kiện, làm chất xúc tác để thu hút
thêm du khách đến tìm hiểu, vui chơi. Nhờ đó, du lịch có thể bán các sản phẩm như
lưu trú, hàng lưu niệm, các dịch vụ vận chuyển, ăn uống….
c)
Đối với công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân
lực
Cùng
với nguồn nhận lực làm trong ngành du lịch thì vai trò của cộng đồng dân cư, của
chính những chủ thể văn hóa cùng quan trọng góp phần tạo nên sức hấp dẫn của du
lịch lễ hội Trà Vinh. Tuy nhiên ngày nay khi mà cuộc sống chạy theo nền kinh tế
thị trường tạo ra một thế giới phẳng về kinh tế, xã hội kéo theo những trào lưu
văn hóa mới đã làm chủ nhân tương lai, những người tiếp lửa cho lễ hội của dân
tộc mình dần quên đi nét văn hóa của chính họ. Do vậy vấn đề cấp bách và quan
trọng song song với việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch là việc nâng
cao nhận thức của cộng đồng, của người dân về tầm quan trọng của việc giữ gìn bản
sắc văn hóa dân tộc thông qua việc tuyên truyền, vận động,… để giúp người dân hiểu
lợi ích mà lễ hội mang lại cho cộng đồng, gia đình và bản thân họ. Đây là việc
làm hết sức cần thiết, vì chỉ khi người dân hiểu rõ những lợi ích được hưởng
(gắn với quyền lợi cá nhân), cũng như trách nhiệm phải thực hiện, thì họ mới có
thể hết lòng với việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội của dân tộc mình. Theo
số liệu thống kê từ Sở Văn hóa Thể thao và du lịch tỉnh Trà Vinh năm 2020 thì
nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch tỉnh Trà Vinh năm 2020 chỉ có 1.025 người
tham gia vào lĩnh vực này. Trong đó nguồn lực hướng dẫn viên những người trực
tiếp truyền tải thông tin văn hóa đến khách du lịch lại chưa đến 60 người. Với
nguồn lực như vậy khó có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch tỉnh
nhà. Do vậy cần phải chú trọng và tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng và sử dụng
nguồn nhân lực của ngành du lịch thật sự phù hợp hơn, bao gồm việc đào tạo mới
và đào tạo bổ sung cho nguồn lực hiện có. Khuyến khích và hỗ trợ người dân địa
phương, con em người dân tộc tham gia các lớp đào tạo nhằm trang bị kỹ năng, kiến
thức về văn hóa và du lịch đặc biệt là những người trực tiếp tham gia vào hoạt động
văn hóa, du lịch tại mỗi địa phương. Muốn gắn kết tốt hai lĩnh vực lễ hội và du
lịch đòi hỏi những người làm du lịch phải được đào tạo trong một môi trường có
sự gắn bó hữu cơ của hai lĩnh vực này, hiểu và cảm nhận được một cách sâu sắc những
giá trị văn hoát vật thể và phi vật thể mà lễ hội đem lại. Đây là một trong những
vấn đề đặt ra đối với toàn xã hội đặc biệt là các trường đào tạo ngành văn hóa và
du lịch. Việc nâng cao ý nghĩa văn hóa của du lịch thật sự đang là một trong
các yêu cầu bức thiết, mà chỉ có giải quyết một cách thỏa đáng yêu cầu này, ngành
du lịch mới có thể xây dựng được các tiền đề tinh thần để phát triển.
4. Kết luận
Lễ hội dân gian ở tỉnh Trà Vinh mang một giá
trị văn hóa độc đáo của các dân tộc, bởi nó mang đậm những truyền thống tốt đẹp
của người Kinh, Khmer, Hoa.. Chính vì thế chúng ta cần phải trân trọng, giữ gìn,
bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ấy như một việc làm không thể thiếu trong
cuộc sống. Từ những thực trạng và luận bàn ở trên, mỗi người dân, các cấp chính
quyền và những người làm làm trong lĩnh vực văn hóa, du lịch cần phải có những
việc làm, những đóng góp thiết thực để việc tổ chức lễ hội ngày một văn minh
hơn, tốt đẹp hơn. Việc nhận thức rõ và có định hướng gắn kết phù hợp mối quan hệ
này sẽ giúp Văn hóa và Du lịch phát triển bền vững. Lễ hội, một trong những yếu
tố tạo nên sự đa dạng trong văn hóa, thể hiện sự độc đáo đại diện cho mỗi dân tộc
với những truyền thống tốt đẹp chính vì thế cần phải giữ gìn, bảo tồn và phát
huy những giá trị văn hóa ấy trong sự phát triển của xã hội.
Tài liệu tham khảo
[1 ]
Báo cáo tình hình thực hiện công tác quản lý
du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2018 và kế hoạch phát triển năm 2019 của
Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Trà Vinh.
[2 ]
Báo cáo tổng kết 10 hoạt động du lịch tỉnh Trà
Vinh giai đoạn 2007 – 2017 của Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Trà Vinh
[3 ]
Trần Dũng – Đặng Tấn
Đức (2012), Diện mạo văn hóa tín ngưỡng
và lễ hội dân gian Trà Vinh, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
[4 ]
Quyết định số 729/ QĐ-UBND ngày 09 tháng 5
năm 2017 của Ủy ban Nhân dân về việc ban hành kết hoạch thực hiện chiến lược phát
triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm
2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
[5 ]
Võ Văn Thành và Phan Huy Xu (2018),
"Bàn thêm về Du lịch tâm linh ở Việt Nam". Tạp chí Khoa học Đại
học Văn Lang, tháng 7, Số 07 (2018).
[6 ]
Đặng Thị Thiệu Trang (2013) “Du lịch dựa vào
cộng đồng và vấn đề bảo tồn văn hóa địa phương”, tạp chí Văn Hóa Đương Đại,
số 350 tháng 8/2013 (tr.25-30).
[7 ]
Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh (2019), Lịch
sử hình thành tỉnh Trà Vinh
[8 ]
Dương Văn Sáu (2004), Lễ hội Việt Nam trong
sự phát triển du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.