CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ, QUẢN LÝ VĂN HÓA - PGS.TS Phan Quốc Anh

 



1.1. Khái niệm quản lý và quản lý văn hóa

1.1.1. Khái niệm quản lý

Hoạt động quản lý ra đời khi xã hội loài người được hình thành thông qua quá trình phân công lao động. Giúp cho người đứng đầu trong một nhóm, một tổ chức, một cộng đồng có thể tập hợp, huy động năng lực, sức lao động của các thành viên thực hiện tốt mục tiêu đề ra. Hiện nay trên thế giới, các nhà nghiên cứu từ nhiều cách tiếp cận khác nhau đã đưa ra rất nhiều khái niệm khác nhau về quản lý.

H. Fayol[1] cho rằng: “Quản lý là một hoạt động mà mọi tổ chức (gia đình, doanh nghiệp, chính phủ) đều có, nó gồm 05 yếu tố tạo thành là: kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, điều chỉnh và kiểm soát. Quản lý chính là thực hiện kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo điều chỉnh và kiểm soát ấy”.

Còn theo Peter F, Druker[2] thì: “Suy cho cùng, quản lý là thực tiễn. Bản chất của nó không nằm ở nhận thức mà là ở hành động; kiểm chứng nó không nằm ở sự logic mà ở thành quả; quyền uy duy nhất của nó là thành tích[3]

Ở Việt Nam, đa số khái niệm quản lý của các nhà nghiên cứu đều dựa trên cách tiếp cận hệ thống, xem mỗi tổ chức là hệ thống gồm có 02 phân hệ:

-        Chủ thể quản lý

-        Khách thể quản lý

Khoa học hành chính coi quản lý là sự tác động có tổ chức, có định hướng của chủ thể lên khách thể nhằm đạt được mục tiêu định trước.

Theo Nguyễn Đức Lợi, “Quản lý là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lý lên đối tượng và khách thể quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực, các thời cơ của tổ chức để đạt được mục tiêu đặt ra trong điều kiện môi trương luôn biến động”[4] . Với các khái niệm trên, theo cách tiếp cận hệ thống, có thể hiểu: Quản lý là sự tác động có tổ chức, có mục đích của chủ thể quản lý lên khách thể quản lý bằng một hệ thống các phương pháp, biện pháp nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

1.1.2. Khái niệm quản lý văn hóa, quản lý nhà nước về văn hóa

Quản lý văn hóa là một hoạt động quản lý chuyên ngành. Tất cả các ngành, lĩnh vực đều có/cần/phải quản lý. Tên các bộ, ngành TW là tên các ngành, lĩnh vực cần quản lý. Mỗi Bộ, Ngành đều có các văn bản quy định chức năng nhiệm vụ về quản lý nhà nước.

Tác giả Nguyễn Văn Tình trong cuốn Chính sách văn hóa trên thế giới và việc hoàn thiện chính sách văn hóa ở Việt Nam đã đưa ra nhận định: “Quản lý nhà nước về văn hóa ở nước ta là việc thực thi công tác quản lý của bộ máy Nhà nước từ Trung ương tới địa phương đối với các hoạt động văn hóa nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”[5] [56, tr.27].

Trong bài viết “Mấy vấn đề về công tác quản lý văn hóa”, tác giả Nguyễn Ngọc Minh cho rằng, công tác quản lý nhà nước về văn hóa là quá trình tác động, điều chỉnh bằng pháp luật đối với mọi hoạt động văn hóa trong đời sống xã hội của con người, làm cho mọi biểu hiện về văn hóa nhằm vào việc thúc đẩy sự nghiệp văn hóa của nhân dân không ngừng lớn mạnh[6] . Trong xã hội hiện đại, với yêu cầu xây dựng một Chính phủ kiến tạo thì “Quản lý văn hóa với tư cách là quản lý về nghệ thuật và văn hóa xác định tính cách hoạt động được định hướng về kinh tế, về kế hoạch, về tính công khai, hoạt động liên quan tới nội dung nghệ thuật và mục tiêu văn hóa được tập trung nhằm vào sự kiến tạo hiện tại và tương lai".

Như vậy, quản lý nhà nước về văn hóa là sự tác động liên tục, có tổ chức, có chủ đích của Nhà nước bằng hệ thống chính sách, pháp luật nhằm phát triển các hoạt động văn hóa, điều chỉnh hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức và tham gia các hoạt động văn hóa. Người làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa luôn tự đặt và trả lời câu hỏi: ai là người quản lý, quản lý ai và quản lý cái gì, quản lý vì cái gì, công cụ nào để quản lý?  Từ đó, có thể thấy các thành tố cấu thành hoạt động quản lý văn hóa bao gồm: Chủ thể quản lý về văn hóa là Nhà nước với cơ quan quản lý văn hóa được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, chủ thể quản lý văn hóa còn là quần chúng nhân dân. Khách thể quản lý văn hóa là các hoạt động văn hóa và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa hoặc có liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Mục đích quản lý văn hóa là giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Công cụ của quản lý văn hóa là hiến pháp, luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Nhà quản lý sử dụng công cụ quản lý để tác động liên tục, có tổ chức, có chủ đích lên khách thể quản lý chứ không phải là công việc có tính thời vụ, thụ động, đơn lẻ, tùy tiện theo ý chí của nhà quản lý.

Tóm lại, quản lý văn hóa là quản lý nhà nước về văn hóa, là công việc phức tạp đòi hỏi người làm công tác quản lý văn hóa phải có kiến thức về văn hóa, kiến thức về quản lý nhà nước và quản lý nhà nước về văn hóa; phải giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân tham gia vào quá trình quản lý văn hóa. Cần hiểu, “quản lý văn hóa là quản lý một quá trình vận động, biến đổi không ngừng,… Quản lý văn hóa là định hướng, tạo điều kiện, tổ chức điều hành cho văn hóa phát triển không ngừng theo hướng có ích cho con người, giúp cho xã hội loài người không ngừng đi lên”[7] [2, tr.27-28].

2. Quản lý đặt ra các câu hỏi

Chủ thể quản lý: Ai quản lý

Khách thể: (Đối tượng) Quản lý ai (con người, tổ chức), quản lý cái gì (hành động, hoạt động)

Mục đích quản lý: Quản lý để làm gì?

Công cụ quản lý: Quản lý bằng cái gì? Quan điểm, chính sách, Luật pháp?

Phương thức quản lý: Quản lý như thế nào?


2021

PGS.TS Phan Quốc Anh




 3. Bổ sung

 Trong lĩnh vực văn hóa, khái niệm quản lý hoạt động văn hóa có thể được hiểu là quản lý Nhà nước về văn hóa. Nghị quyết Trung ương V chỉ ra: “củng cố, hoàn thiện các thể chế văn hóa, đảm bảo tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý có hiệu quả của Nhà nước, vai trò làm chủ của nhân dân và lực lượng những người hoạt động văn hóa, tạo nhiều sản phẩm và sinh hoạt văn hóa phong phú, đa dạng theo định hướng XHCN” [9].

        Văn hóa gồm ba yếu tố cấu thành là: Giá trị vật thể và phi vật thể; những hoạt động văn hóa tạo nên các giá trị văn hóa mới và con người. Vì vậy, quản lý Nhà nước về văn hóa chính là quá trình quản lý ba yếu tố trên, thông qua việc thực thi công tác quản lý của bộ máy nhà Nước từ Trung ương tới địa phương bằng các chủ trương, chính sách, biện pháp và thực thi pháp luật tác động một cách hệ thống có mục đích. Ở nước ta, công tác quản lý văn hóa được xác định: “Giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân tham gia vào quản lý nhà nước – dân chủ hóa công tác quản lý; tập trung dân chủ; quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo lãnh thổ và nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa” [37]. Vì vậy, Trong quản lý Nhà nước về văn hóa ngoài việc am hiểu những kiến thức văn hóa thì phải có trình độ, kỹ năng và nắm vững những quy định trong quản lý Nhà nước về văn hóa.

        Trong quá trình hội nhập phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Nhu cầu văn hóa của người dân cũng từ đó mà đa dạng và phong phú hơn. Bên cạnh đó là việc xuất hiện nhiều hơn những sản phẩm văn hóa mới độc đáo, hấp dẫn. Do đó, công tác quản lý đòi hỏi phải đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của người dân. Quản lý hoạt động văn hóa cần phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch có lộ trình, xây dựng hành lang pháp lý thông qua các văn bản pháp luật, cơ chế quản lý, các chính sách khuyến khích sáng tạo, chính sách kinh tế, chính sách xã hội hóa các hoạt động trong văn hóa, huy động mọi nguồn lực từ xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất, phân phối đến lưu thông sản phẩm văn hóa, có các biện pháp khen thưởng, xử lý vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ thị hiếu của người dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và đặc biệt chăm lo đến nguồn lực con người quản lý, đào tạo cán bộ quản lý văn hóa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

        Trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng đã xác định những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Quản lý văn hóa trong cơ chế thị trường là những vấn đề mới mẻ trong khi Nước ta đang từng bước hình thành một thị trường văn hóa, đòi hỏi cần có sự điều tiết và quản lý của Nhà nước, bảo đảm đúng định hướng và phát huy vai trò tích cực của cơ chế thị trường và đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tránh được những mặt trái của kinh tế thị trường như: Thương mại hóa các giá trị đạo đức và đời sống tinh thần; cạnh tranh cao có thể dẫn đến độc quyền, không quan tâm tới các dịch vụ văn hóa công ít có lợi nhuận. Để hình thành và phát triển một thị trường văn hóa phải có những đổi mới trong định hướng văn hóa về nội dung và phương thức quản lý văn hóa. Những đổi mới đó nhằm tạo hành lang pháp lý, tạo các cơ chế, chính sách phù hợp để thị trường văn hóa được rộng mở, các nguồn lực được khai thông, các tiềm năng văn hóa được phát hiện, có cơ hội phát triển.

        Văn hóa thuộc về nhân dân, mọi người dân đều có quyền được hưởng thụ văn hóa và có nghĩa vụ đóng góp bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Trong quá trình quản lý văn hóa, ngoài việc Nhà nước quản lý ra, cần khuyến khích các hình thức tự quản của nhân dân, đảm bảo được tính đa dạng của văn hóa và đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân. Nhằm tạo ra phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa. Đồng thời phát huy hoạt động xã hội hóa trong văn hóa, nâng cao vai trò của các Hội, Đoàn thể quần chúng, hiệp hội nghề nghiệp trong bảo vệ, phát triển và tạo môi trường văn hóa lành mạnh.

 



[1] Henry Fayol (29 tháng 7 năm 1841 – 19 tháng 11 năm 1925), học giả người Pháp, là người đã phát triển học thuyết chung về quản trị kinh doanh hay thường được biết với tên gọi là Học thuyết Fayol.

[2] Peter Ferdinand Drucker (19 tháng 11 năm 1909 – 11 tháng 11 năm 2005), học giả người Mỹ gốc Áo, là chuyên gia hàng đầu thế giới về tư vấn quản trị. Ông được coi là cha đẻ của ngành Quản trị kinh doanh hiện đại, ông nắm giữ 25 chứng chỉ học vị tiến sĩ các loại của các trường Đại học từ Hoa Kỳ, Bỉ, Czech, Anh, Tây Ban Nha cho đến Thụy Sĩ.

[3] Dẫn theo Phan Hồng Giang, Bùi Hoài Sơn (2014), Quản lý văn hóa Việt Nam trong  tiến trình đổi mới hội nhập quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. tr22

[4] Nguyễn Đức Lợi (2008), Giáo trình Khoa học quản , NXB Tài chính, Hà Nội. tr12

[5] Nguyễn Văn Tình (2009), Chính sách văn hóa trên thế giới và việc hoàn  thiện chính sách văn hóa ở Việt Nam, NXB Văn hóa-Thông tin, Hà Nội. tr.27

[6] Nguyễn Ngọc Minh (2002), “Mấy vấn đề về công tác quản lý văn hóa”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, (số 02), tr.113 – 116.

 

[7] Ban Bí thư (2015), Chỉ thị số 12-CT/TW về tăng cường sự lãnh  đạo của  Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức,lối  sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030.

 

văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn