Tỉnh Bình Thuận có 34.566 người dân tộc Chăm, chiếm 3% dân số toàn tỉnh. Đồng bào sinh sống ở 4 xã thuần và 34 thôn xen ghép trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc Chăm, trong đó có Chỉ thị số 121 – CT/TW ngày 26 tháng 1 năm 1981, Thông tư só 03-TT/TW ngày 17 tháng 10 năm 1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg ngày 18 tháng 2 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm an ninh-trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới.
Sau khi có các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành các chương trình hành động, kế hoạch và vận dụng nhiều chủ trương, chính sách của tỉnh về công tác dân tộc, tạo điều kiện cho đồng bào Chăm phát triển toàn diện. Đặc biệt là Tỉnh ủy Bình Thuận ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 27 tháng 2 năm 2002 về phát triển toàn diện dân sinh kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một chính sách hợp lòng dân, tạo điều kiện cho đồng bào Chăm vay vốn phát triển sản xuất, giao đất sản xuất, giao khoán bảo vệ rừng, trợ cấp khó khăn, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, nhà ở cho người nghèo…nhờ đó bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Chăm có nhiều đổi mới. Đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào được cải thiện đáng kể. Đáng chú ý là triển khai thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo. Bằng nguồn vốn Trung ương, vốn của tỉnh, thời gian qua Bình Thuận đã đầu tư 55.824 triệu đồng. Trong đó đã hỗ trợ xây dựng mới 622 căn nhà cho đồng bào theo chương trình 134 của Chính phủ. Đầu tư xây dựng 133 công trình điện thắp sáng, đường giao thông, trường học, trạm y tế…với tổng kinh phi 50.797 triệu đồng. Từ khi đồng bào Chăm được hưởng lợi 3 công trình thủy lợi lớn là công trình hồ Sông Quao, Đại Ninh, Cà Giây, đồng bào đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả cao. Từ chỗ sản xuất 1 vụ lúa bấp bênh, chuyển sang 2 đến 3 vụ/năm, năng suất đạt bình quân 60 tạ/ha, có vùng đạt 70 tạ/ha, bình quân lương thực đạt 650 kg/khẩu/năm.
Tính đến nay, tỉnh đã cấp 1.567 ha đất sản xuất cho 1.439 hộ, giao khoán 7.085 ha rừng cho 182 hộ đồng bào chăm quản lý, bảo vệ và giải quyết cho 1.375 hộ vay 9.499 triệu đồng để mua 1.891 con bò cái sinh sản…công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được quan tâm, chỉ tính trong 5 năm gần đây, đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thú y 420 lớp cho 15.000 lượt đồng bào Chăm tham gia học tập. Qua khảo sát đến năm 2010, số hộ đủ ăn chiếm 80%, số hộ giàu chiếm 3% tổng số hộ đồng bào chăm. Số hộ có nhà xây kiên cố chiếm 90%, số hộ có xe máy, ti vi chiếm 88%, có 60% số hộ được lắp đặt thủy kế, 100% số hộ sử dụng nước sạch và 100% các thôn, xã đều có đường giao thông bê tông và trải nhựa sạch đẹp.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh. Đến nay có 3/4 xã thuần Chăm có nhà văn hóa, 12 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, 14 thôn được công nhận thôn văn hóa. Đặc biệt trong năm 2010, tỉnh Bình Thuận xây dựng Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm với kinh phí 18 tỷ đồng. Đến nay có 100% xã thuần đồng bào Chăm đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Số lượng học sinh chăm đến trường hằng năm là 8.500 em ở bậc tiểu học, trung học cơ sở là 3.000 em, trung học phổ thông là 800 em. Hằng năm có 70 em được xét tuyển vào học dự bị đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đội ngũ giáo viên các cấp người Chăm hiện nay có 316 thầy, cô giáo, trong đó có 213 giáo viên Trung cấp trở lên. Trong lĩnh vực y tế được chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại và đào tạo đội ngũ y, bác sỹ là người dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% xã đồng bào Chăm có Trạm y tế khang trang và có bác sỹ khám, chữa bệnh cho đồng bào. Hiện nay có 120 cán bộ trong ngành y tế, trong đó có 1 tiến sỹ y khoa, 2 thạc sỹ, 9 chuyên khoa cấp 1 và hơn 20 bác sỹ.
Công tác phát triển đảng viên mới được quan tâm, tính đến tháng 5 năm 2011, có 283 đảng viên người Chăm , chiếm 1,5 số đảng viên toàn tỉnh. Nhiều đồng chí giữ vai trò lãnh đạo cốt cán trong Đảng và Nhà nước. Đồng bào Chăm luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh, đùm bọc lẫn nhau trong đời sống xã hội. Từ hiệu quả thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Chăm, qua đó đã củng cố thêm lòng tin của đồng bào Chăm đối với Đảng và Nhà nước, đồng bào nguyện đi theo Đảng, phấn đấu cho lý tưởng của Đảng.
Bài, ảnh: Đỗ Khắc Thể