ĐỂ BẢN SẮC DÂN TỘC MÃI TRƯỜNG TỒN


 

Liên hoan văn nghệ dân gian và trang phục thiếu nhi Raglai:

ĐỂ BẢN SẮC DÂN TỘC MÃI TRƯỜNG TỒN

Phan Quốc Anh

 

Dân tộc Raglai cư trú ở các tỉnh cực nam Trung bộ, tập trung chủ yếu ở tỉnh Ninh Thuận, người Raglai có một nền văn hóa lâu đời mang đậm bản sắc độc đáo. Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ gian khổ kéo dài đã làm mai một đi khá nhiều một số yếu tố văn hóa dân gian, dân tộc. Hiện nay chỉ còn một số rất ít nghệ nhân đã lớn tuổi còn biết đến và lưu giữ kho tàng này. Đa số người Raglai không còn nhớ đến trang phục truyền thống của mình, trong kháng chiến, họ mặc quần áo bộ đội, sau này họ mặc trang phục như của người Kinh, người Chăm. Đó cũng là sự giao lưu, giao thoa văn hóa theo qui luật tự nhiên. Nhưng chính sự giao lưu ấy đang làm cho nguy cơ biến mất những giá trị văn hóa của người Raglai đã được hình thành từ bao đời nay. Vì vậy, ngành Văn hóa thông tin, Hội Văn hóa các dân tộc thiểu số, Hội Văn Nghệ dân gian tỉnh Ninh Thuận luôn tìm mọi biện pháp để sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những yếu tố văn hóa truyền thống của người Raglai, một dân tộc đã chịu nhiều hy sinh, mất mát cả vật chất lẫn tinh thần cho sự thắùng lợi của cách mạng. Liên hoan văn nghệ dân gian và trang phục thiếu nhi Raglai năm nay nhằm mục đích động viên các nghệ nhân cao tuổi (đều đã già yếu) truyền dạy lại cho thế hệ thiếu nhi Raglai những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Liên hoan diễn ra trong 3 ngày, từ 28 đến 30 tháng 8 năm 2001.Về dự liên hoan có 12 đoàn với 131 diễn viên “Raglai nhí” của 12 xã Raglai trong toàn tỉnh, trong đó riêng Bác Aùi đã có toàn bộ 9/9 xã (huyện mới Bác Aùi có 100% xã Raglai). Liên hoan diễn ra trong 2 ngày đêm với 138 tiết mục đủ các thể loại như Pariyu anahq (hát ru em); manhi iyơ ya (hát lễ); manhi saduhq (hát đối đáp); manhi ikhă zulucal (hát kể sử thi), các thể loại hòa tấu, độc tấu nhạc cụ như taraker( khèn bầu); đàn chapi, sáo khọ tơrành (sáo ống ngắn), mãla, trống v.v… Các đại biểu và khán giả đã thật sự xúc động khi diễn viên nhí Brâu thị Hạnh, 9 tuổi đến từ palay văn hóa Xóm Mới, xã Ma nới, huyện Ninh Sơn xuất hiện với trang phục nữ Raglai, lưng địu em hát bài Pariyu ana (ru em) rất ngọt ngào, êm đềm và em bé cứ ngủ ngon sau lưng. Em Tạ Yên Nhọc, 9 tuổi, người còn nhỏ xíu đến từ palay Tà Nô, xã Phước Hà, huyện Ninh Phước lại làm cho khán giả ngây ngất trong tiếng khèn bầu du dương, điệu nghệ. Tiết mục sân khấu hóa “lễ tạ ơn thần nông” “lễ ăn mừng lúa mới” của đoàn xã Phước Hà là một tiết mục tổng hợp cả các thành tố văn nghệ dân gian như ca, múa, nhạc, hát lễ, hát cúng…nhưng lại do các “Raglai nhí” thể hiện. Liên hoan xuất hiện rất nhiều những bài ca, điệu múa, hòa tấu nhạc cụ được trích từ trong các nghi lễ của người Raglai như lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa (đón năm mới) có từ rất xa xưa của người Raglai nhưng đã bị lãng quên. Đặc biệt, gây bất ngờ cho liên hoan là tiết mục “khọ tơrành” lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu gồm 4 em thiếu nhi thổi 4 ống sáo được làm từ những ống tre ngắn với 4 bè rất chuẩn xác như 4 bè của khèn bầu, trùng với những chiếc mã la định âm tạo nên âm hưởng núi rừng rất độc đáo. Chị Mấu thị Bích Phanh, phó chủ tịch UBND huyện Bác Aùi cho biết, người Raglai xưa có rất nhiều loại nhạc cụ, có những loại nhạc cụ sử dụng bằng sức nước như đàn đá, sức gió như các loại sáo nghe như tiếng đàn tơrưng. Vì vậy, ở dưới suối, ở trên rẫy lúc nào cũng có tiếng nhạc, vừa tạo nên âm vang núi rừng, vừa có tác dụng xua đuổi thú dữ. Chị đề nghị ngành Văn hóa thông tin nên tổ chức liên hoan nhạc cụ Raglai sử dụng bằng sức gió và sức nước.

131 em thiếu nhi đã đem đến cho liên hoan 131 bộ trang phục Raglai. Ý đồ của ban tổ chức là để các già làng, trưởng bản ở các vùng Raglai khác nhau lục lại trong ký ức trang phục truyền thống xưa kia để truyền lại cho các em. Vì vậy, liên hoan kỳ này xuất hiện những bộ trang phục lạ. Nhưng nhìn chung, trang phục nữ Raglai đều đảm bảo tính truyền thống như các tư liệu đã được nghiên cứu, đó là váy và áo đều được may bởi những ô vuông lớn bằng 2 màu sáng tối (âm-dương), người Raglai gọi là áo “kuang”. Bên cạnh đó cũng nhiều đoàn mang đến liên hoan kiểu áo dài phụ nữ một màu, người Raglai gọi là áo “quạ”. Về trang phục nam, ngày xưa, người Raglai cũng như các dân tộc vùng cao Tây nguyên khác, cũng như người Kinh cổ xưa đều đóng khố, cởi trần. Những trang phục đàn ông mà các đoàn mang đến liên hoan đều là những trang phục  của lớp văn hóa muộn, mới tiếp thu từ các dân tộc khác ở vùng xuôi. Nhiều đoàn còn mang theo gùi, công cụ lao động và đeo những bộ trang sức truyền thống được cách điệu rất đẹp. Ban giám khảo đã trao giải nhất thi trang phục cho đoàn xã Phước Trung. UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho đoàn Phước Trung, giải nhất toàn đoàn, cho 2 xã Phước Bình và Phước Tân đạt giải nhì toàn đoàn. Ban tổ chức đã trao 7 giải nhất, 14 giải nhì, 20 giải ba và nhiều giải khuyến khích cho các diễn viên. Hội Văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh tặng giải riêng cho 2 diễn viên nhỏ tuổi hát hay và thổi khèn bầu hay.

Cuộc liên hoan đã khép lại. Ở núi, mặt trời thường đi ngủ sớm, nhường lại cho những nhóm lửa trại bập bùng trong tiếng mã la, tiếng khèn bầu và những tiếng ru ngọt ngào đằm thắm: ngủ đi ana ơi! Ngủ ngoan ana ời! Hàng trăm em thiếu nhi Ragai vui múa theo điệu mã la của ông bà xưa, các em đang mang trên vai mình trách nhiệm kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống vừa được tiếp thu của ông bà truyền lại từ ngàn xưa. Rồi mai đây, các em lại có trách nhiệm truyền dạy những giá trị ấy cho thế hệ sau, cứ thế, bản sắc văn hóa sẽ mãi mãi trường tồn

văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn