Những ca khúc cách mạng mà lâu nay chúng ta vẫn quen gọi là bài hát truyền thống hay nhạc đỏ luôn được công chúng ưa thích. Trong hai năm qua, nhiều ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng đã được một số tác giả "làm mới" ca từ để cổ vũ, động viên công cuộc chiến đấu chống dịch Covid-19, được công chúng hào hứng đón nhận, lan tỏa mạnh mẽ trong nhịp sống đời thường.
Điều đó chứng tỏ, những giai điệu hào sảng, tràn đầy nhiệt huyết, thấm đẫm ân tình vẫn có sức sống bền bỉ trong nhân dân. Vậy thực chất nhạc đỏ đang ở đâu trong đời sống âm nhạc nước ta hiện nay? Chúng tôi xin giới thiệu vệt bài bàn về chủ đề này của nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Đình San.
Công chúng âm nhạc gọi nhạc cách mạng, nhạc truyền thống một cách trìu mến là nhạc đỏ. Đây là cách gọi ngắn gọn và dễ hiểu. Tuy sự phân loại màu nhạc hay khái niệm về các dòng nhạc chưa bao giờ đạt được sự thống nhất tuyệt đối trong giới chuyên môn cũng như trong cộng đồng âm nhạc, nhưng các ca khúc nhạc đỏ thường để cổ vũ tinh thần lạc quan cách mạng, nêu cao sĩ khí, ý chí chiến đấu, khuyến khích lý tưởng sống cao đẹp hoặc là những bài hát trữ tình cách mạng, thể hiện tình yêu quê hương đất nước hoặc động viên tinh thần lao động, yêu cuộc sống, cộng đồng, dân tộc. Các ca khúc nhạc đỏ thường ít tính hiện thực hóa mà mang tính lý tưởng hóa hay lãng mạn hóa cao, nhưng khác với các ca khúc thời tiền chiến có tính lãng mạn tách rời đời sống, thường không có không gian hoặc thời gian cụ thể, nhạc đỏ đặt tính lãng mạn, lý tưởng hóa gắn với cuộc sống xã hội, có không gian, thời gian cụ thể và thực tế hóa.
Từ trái sang phải, các Nghệ sĩ Ưu tú: Thanh Loan, Thúy Nội, Hồng Hạnh, Anh Phương biểu diễn trong Chương trình nghệ thuật "Với Đảng vẹn tròn tin yêu" lần thứ 5 (năm 2020) do Báo Quân đội nhân dân và Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội tổ chức.
Có người nghĩ nhạc đỏ chỉ là những bài ca được ra đời trong những giai đoạn cách mạng "nước sôi lửa bỏng" như trước và trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thực tế là loại nhạc này bao hàm cả những sáng tác trong thời bình theo phong cách truyền thống-tức không phải các dòng mà ta vẫn gọi là nhạc nhẹ, nhạc trẻ theo phong cách hiphop, pop, rock, rap... Nhạc đỏ còn được gọi là nhạc truyền thống vì lẽ ấy. Truyền thống là những gì chính thống được lưu truyền, được coi như mẫu mực.
Sự ra đời của dòng nhạc đỏ bắt đầu từ những năm 40 của thế kỷ trước mà ta vẫn gọi là thời kỳ tiền khởi nghĩa (từ năm 1940 đến trước 19-8-1945). Thậm chí, từ năm 1930, với sự xuất hiện bài hát cách mạng đầu tiên có tên “Cùng nhau đi Hồng binh” của Đinh Nhu: Cùng nhau đi Hồng binh. Đồng tâm ta đều bước. Đừng cho quân thù thoát. Ta quyết chí hy sinh. Nào anh em nghèo đâu? Liều thân cho đời sống... Bài hát ra đời trong phong trào cách mạng năm 1930, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Đinh Nhu quê ở Hải Phòng, hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ, tác giả sáng tác ca khúc này năm 20 tuổi. Về sau, Đinh Nhu bị bắt và bị giặc xử bắn, không kịp chứng kiến ngày dân tộc độc lập (2-9-1945).
Vào đầu thập niên 1940, xuất hiện nhiều bài ca cách mạng hừng hực khí thế yêu nước, căm thù giặc và đau đáu khát vọng giải phóng dân tộc của hai nhạc sĩ tiêu biểu: Lưu Hữu Phước và Đỗ Nhuận. Đó là những bài: “Ải Chi Lăng”, “Bạch Đằng giang”, “Hội nghị Diên Hồng”, “Hồn tử sĩ”, “Hờn sông Gianh”, “Lên đàng”, “Lời ru chim lạc”, “Tiếng gọi thanh niên”... (Lưu Hữu Phước); “Đoàn lữ nhạc”, “Hận Sơn La”, “Du kích ca”, “Côn Đảo”, “Chiều tù”, “Tiếng gọi tù nhân”, “Nhớ chiến khu”... (Đỗ Nhuận). Lúc những bài hát này ra đời, người ta đã nghe quá nhiều những bài hát sướt mướt, nỉ non trong dòng nhạc gọi là tiền chiến của những nhạc sĩ: Lê Yên, Văn Chung, Doãn Mẫn, Văn Cao, Đặng Thế Phong, Dương Thiệu Tước... tuy lúc đầu rất hấp dẫn công chúng nhưng nghe mãi rồi cũng chán. Và trong không khí sục sôi cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, những bài hát của hai nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Đỗ Nhuận đã “gãi đúng chỗ ngứa”, tức thổi vào tâm hồn họ luồng sinh khí mới, phù hợp với tình cảm yêu nước, căm thù giặc của họ. Ai nấy đều hân hoan, náo nức đón nhận. Cho tới hôm nay, nghe lại những bài này, ta vẫn thấy trong lòng rạo rực như được sống lại những năm tháng hào hùng. Ngay từ khi mới ra đời, ca khúc cách mạng Việt Nam đã hấp dẫn công chúng như thế. Sức sống của dòng nhạc này mãnh liệt, vững chãi, trường tồn theo thời gian.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở cả 3 miền đất nước, nhiều bài ca lại được ra đời với nội dung phản ánh mọi mặt đời sống kháng chiến của dân tộc với ngôn ngữ âm nhạc thấm đượm chất liệu dân gian, hồn dân tộc nên được công chúng rất ưa thích. Có thể nhắc đến một số bài nổi tiếng trong hàng trăm bài hay đã ra đời: “Hò kéo pháo” (Hoàng Vân), “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam” (Đỗ Nhuận), “Qua miền Tây Bắc” (Nguyễn Thành), “Chiến binh ca vũ khúc” (Nguyễn Ngọc Thới), “Hò dân cày” (Văn Chung), “Bộ đội về làng” (Lê Yên), “Vì nhân dân quên mình” (Doãn Quang Khải), “Lên ngàn", “Nhạc rừng” (Hoàng Việt), “Tự túc” (Dương Minh Ninh), “Du kích Long Phú” (Quốc Hương), “Tiểu đoàn 307” (Nguyễn Hữu Trí)... và rất nhiều bài không thể kể hết. Những bài này vẫn còn phát huy tác dụng đến hôm nay, vẫn thường xuyên được vang lên trong các sinh hoạt cộng đồng của nhân dân.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã để lại nhiều bài rất hay mà ở trên chỉ là một số lượng ít ỏi được nhắc đến. Tới nay, nhiều công chúng cao tuổi vẫn nói là nghe ca khúc ra đời thời chống Pháp, chống Mỹ thấy rất hay trong khi bài hát ra đời thời bây giờ thì “không thể nghe được”. Họ nhận xét, nghe những bài hôm nay thấy nhạt nhẽo hoặc nhộn nhạo, "Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu". Bài hát ngày trước nghe đi nghe lại không biết chán trong khi bài hát hôm nay khó có thể nghe hết cả bài. Về tình trạng này, tôi sẽ phân tích ở những bài viết sau.
Tiếp nối truyền thống của ca khúc thời chống Pháp, đến giai đoạn sau hòa bình lập lại (năm 1954) tới thời kỳ chống Mỹ, nền ca khúc truyền thống, cách mạng lại tiếp tục nở rộ với những đỉnh cao mới. Hàng nghìn bài hát hay ra đời từ cuộc sống dựng xây trên miền Bắc và chiến đấu giải phóng miền Nam. Ngoài những ca khúc trữ tình, sôi nổi, phơi phới thể hiện cuộc sống dựng xây đất nước sau chiến tranh ở miền Bắc, nhiều ca khúc ra đời trong cuộc cách mạng giải phóng miền Nam còn khét mùi bom đạn được giới thiệu là “từ miền Nam gửi ra” thật hay và xúc động của những tác giả: Huỳnh Minh Siêng (Lưu Hữu Phước), Xuân Hồng, Thuận Yến, Phạm Minh Tuấn, Huy Quang (Phan Huỳnh Điểu)... đã làm nức lòng người nghe. Đó là các bài: “Giải phóng miền Nam”, “Bài ca Giải phóng quân”, “Giờ hành động”, “Hành khúc giải phóng”, “Tình Bác sáng đời ta” (Huỳnh Minh Siêng), “Mỗi bước ta đi”, “Bài ca đội nữ tiếp vận”, “Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc” (Thuận Yến), “Qua sông” (Phạm Minh Tuấn), “Ra tiền tuyến” (Huy Quang), “Bài ca may áo”, “Xuân chiến khu”, “Chiếc khăn tay”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” (Xuân Hồng), “Gửi anh đi đầu quân”, “Nhớ anh Giải phóng quân” (Nguyễn Thơ), “Lời ru trên nương” (Hồ Thuận An)...
Trên miền Bắc, hòa bình chưa được bao lâu thì toàn dân ta đã phải bước vào thời chiến, chống trả cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Mới chỉ có 8 năm từ tháng 8-1964 đến 1972, đã ra đời rất nhiều bài hát hay về hai chủ đề chiến đấu và sản xuất gắn với tiền tuyến và hậu phương. Một đội ngũ đông đảo nhạc sĩ đã lao vào các "trọng điểm" của cuộc sống để cho ra đời những bài hát hay nhất. Thế hệ nhạc sĩ mới cầm bút sáng tác thời kỳ chống Pháp nay đã chín, càng sung sức hơn cộng với thế hệ trẻ lớn lên trong hòa bình, bước vào cuộc kháng chiến lần này với nhuệ khí sôi nổi nhất của tuổi trẻ đã giúp họ viết nên những bài hát trẻ trung, dạt dào sức sống. Có thể nói giai đoạn 20 năm từ 1955 đến 1975 là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của ca khúc truyền thống Việt Nam về cả hai phương diện số lượng và chất lượng. Nếu được giao làm công việc lựa chọn những bài hát có giá trị trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, tôi sẽ lựa chọn số lượng bài nhiều nhất trong giai đoạn này. Một sự thực không thể phủ nhận: Đến hôm nay, những bài hát được số đông công chúng ưa thích, sử dụng trong các liên hoan, hội diễn, lễ hội, thậm chí cả những buổi hát karaoke tập thể chủ yếu vẫn là các bài ra đời trong giai đoạn này.
Trước khi có dịch Covid-19, tôi vẫn thường xuyên được mời nói chuyện về âm nhạc tại nhiều trường đại học và các cơ sở có nhiều bạn trẻ. Tôi đã kết hợp thực hiện những cuộc trưng cầu ý kiến người nghe bằng việc phát phiếu thăm dò. Câu hỏi tôi yêu cầu họ trả lời ngắn gọn là: Bạn thích dòng nhạc nào trong các dòng nhạc sau: Đỏ, boléro, rock, rap? Kết quả là số bạn thích nhạc đỏ vẫn nhiều nhất, thứ đến là boléro. Như vậy chứng tỏ nhạc đỏ vẫn có ưu thế trong đời sống tinh thần thanh niên. Có thể những nơi tôi đến nói chuyện đều là các trường đại học, các viện nghiên cứu, tức là nơi có nhiều trí thức. Nhưng tôi tin các bạn trẻ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa lại càng thích các ca khúc truyền thống hơn. Lớp công chúng không còn trẻ phần lớn chỉ tìm đến dòng nhạc này và xa lạ, thậm chí dị ứng với loại bài hát của những dòng nhạc khác.
Vì sao dòng nhạc này lại có sức hấp dẫn như vậy? Rất dễ hiểu là về nội dung-tức vấn đề bài hát đề cập-thường là những tình cảm lớn lao mang ý nghĩa xã hội chứ không phải là những chuyện riêng tư vụn vặt, hạn hẹp, luẩn quẩn trong cái tôi cá nhân nhỏ bé. Có nói chuyện riêng tư cũng mang dấu ấn thời đại rất rõ, nhưng là tự nhiên chứ không phải khiên cưỡng, gò ép. Những bài nào rơi vào tình trạng này ắt sẽ thất bại, không được công chúng đón nhận và đương nhiên là sẽ “chết” ngay từ khi ra đời. Ta hãy lấy một ví dụ để minh chứng cho điều này-bài “Tình ca” của Hoàng Việt. Bài hát ra đời năm 1957, đến nay đã được 2/3 thế kỷ mà vẫn còn được rất nhiều bạn trẻ tìm đến. Nhiều thế hệ công chúng đã thuộc nằm lòng. Thời điểm năm 1957, Hoàng Việt ở ngoài Bắc, vợ ông ở trong Nam. Khi đó, đất nước đang bị chia cắt, ông không thể viết thư, bèn nghĩ ra việc sáng tác bài hát mà ca từ chính là những lời ông sẽ viết trong thư. Khi bài hát được phát trên làn sóng phát thanh, vợ ông sẽ nghe được hết tình cảm, nỗi lòng của chồng nhắn gửi đến mình: Giữ lấy đức tin bền vững em ơi. Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời. Làm một bản tình ca của đôi lứa ta, dâng cả bao người. Ta thấy tình cảm riêng tư của tác giả đã hòa trong tình cảm của nhiều đôi lứa trong bối cảnh đất nước bị chia cắt. Tác giả đã nói hộ được tình cảm của mọi người. Giá trị sâu sắc của bài hát chính là ở chỗ đó.
Về phần âm nhạc, hầu hết những ca khúc nhạc đỏ đều bám sâu vào mảnh đất âm nhạc cổ truyền với những chất liệu dân ca phong phú, thấm đẫm hồn dân tộc nên rất dễ đi vào lòng người. Bàn tay tài năng của người sáng tác đã nhào nặn nên những tác phẩm có chất liệu dân gian nhưng lại được hiện đại hóa, tạo nên nhiều màu sắc phong phú trong các ca khúc nên đã hấp dẫn người nghe. Họ thấy bài hát vừa quen, lại vừa lạ. Quen vì khai thác chất liệu từ những làn điệu dân ca quen thuộc. Lạ vì phần sáng tạo, hiện đại hóa đáng kể. Những ưu thế này các dòng nhạc khác, mọi người vẫn quen gọi là nhạc trẻ, không thể có.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình San