Vài
nét về Văn hóa truyền thống Đồng bằng Sông Cửu Long.
Văn hoá nông thôn truyền
thống Việt Nam
phản ánh đặc trưng văn hoá truyền thống dân tộc. Theo tác giả Ngô Đức Thịnh: “Văn hoá truyền thống hay giá trị văn hoá truyền
thống được hiểu như là văn hoá và giá trị gắn với xã hội tiền công nghiệp, phân
biệt với văn hoá, giá trị văn hoá thời đại công nghiệp hoá. Tất nhiên, khái niệm
truyền thống (Tradition) để chỉ những cái gì đã hình thành từ lâu đời,
mang tính bền vững và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thì
không chỉ xã hội tiền công nghiệp mới có mà với cả xã hội công nghiệp hoá, hiện
đại hoá thì truyền thống vẫn hình thành và định hình. Hơn thế nữa, còn có sự kết
nối giữa truyền thống tiền công nghiệp với truyền thống công nghiệp hoá thể hiện
trong từng hiện tượng hay giá trị văn hoá”[1]. Tác giả Trần Ngọc Thêm
cũng cho rằng: “Truyền thống văn hóa là những giá trị tương đối ổn định (những
kinh nghiệm tập thể) thể hiện dưới những khuôn mẫu xã hội được tích lũy và tái
tạo trong cộng đồng người qua không gian và được cố định hóa dưới dạng những
phong tục tập quán, nghi lễ, luật pháp, dư luận…”[2].
Nói cách khác những giá trị văn hóa hình thành lâu đời mang
tính ổn định và bền vững được truyền lại từ đời này sang đời khác thì được gọi
là văn hóa truyền thống. Như vậy, văn hóa truyền thống là hệ giá trị mà con người
(tức chủ thể văn hóa), sáng tạo, tích lũy được trong quá trình tương tác với tự
nhiên và xã hội, và truyền lại từ đời này sang đời khác.
Quan niệm văn hóa truyền thống ở nông
thôn Việt Nam được hiểu với
một hàm nghĩa: là hệ thống những giá trị (vật chất và tinh thần) được chủ thể
sáng tạo và tích lũy theo thời gian gắn với không gian văn hóa làng xã ở Việt Nam . Nông thôn Việt Nam đặc biệt là nông thôn miền Bắc,
có nhiều nguyên tắc tổ chức, tiêu biểu là tổ chức nông thôn theo địa bàn cư trú
gọi là làng. Làng là nơi dân cư ẩn mình đằng sau lũy tre bao quanh như thành
lũy, bảo vệ nghiêm ngặt những giá trị truyền thống của cộng đồng và được lưu giữ
từ đời này sang đời khác qua phong tục, tập quán, lễ hội…của làng quê.
Từ
quan niệm văn hóa nông thôn truyền thống trên đây, có thể hiểu khái quát: Văn hóa nông thôn truyền thống ở ĐBCL là hệ
thống giá trị mà chủ thể đa tộc người ở ĐBSCL sáng tạo ra trong tiến trình lịch
sử văn hóa với những đặc tính tiêu biểu của văn hóa nông thôn truyền thống Việt
Nam như: trọng tình nghĩa, trọng cộng đồng, nguồn cội, lòng hiếu thảo biết ơn tổ
tiên, trọng nông, trọng kinh nghiệm.
1.2.1.2.
Chủ thể văn hoá nông thôn ĐBSCL
Về chủ thể văn hóa, những thành tựu của Khảo
cổ học, Nhân chủng học, Dân tộc học…cho biết những chủ nhân của văn hóa Nam Bộ
nói chung và miền Tây nói riêng là chủng người Indonesien bản địa (di chỉ nhân
cốt ở Gò Rừng – Long An, Giồng Cá Vồ…). Theo Nguyễn Khắc Cảnh “việc tìm thấy những chiếc sọ cổ ở Cà Mau, ở
An Sơn, Rạch Núi (Long An) có niên đại trên dưới 2500 năm cách ngày nay, đã chứng
tỏ về sự có mặt của người cổ đại ở đồng bằng sông Cửu Long ngay từ buổi vùng đất
này mới hình thành”[3].
Những căn cứ khoa học đã chứng minh sự
có mặt của con người ở Tây Nam Bộ là khá sớm và có cội nguồn bản địa. Sau thế kỷ
VII, khi văn hóa Óc Eo tàn lụi, Tây Nam Bộ dần hoang vu. Tình trạng hoang vu
kéo dài cho đến khoảng thế kỷ X, lúc này những người Khmer nghèo khó đã di cư về vùng đồng bằng sông Cửu Long để sinh
sống trên các giồng đất cao ráo. Đặc biệt sau khi đế quốc Angko sụp đổ, người
Khmer đủ các thành phần từ người
nghèo, đến tầng lớp quan lại,
hoàng tộc, các nhà sư… để trốn tránh sự đàn áp của ngoại tộc (Thái Lan), họ
đã tìm đường sang Châu thổ sông Cửu Long
ngày càng đông đảo. Cho đến trước khi người Việt đến, người Khmer đã sinh sống
nhiều tại các điểm như Sóc Trăng, An
Giang, Trà Vinh…
Từ thế kỷ XVII, bên cạnh người Việt,
thì người Hoa cũng đến làm ăn sinh sống.
Người Hoa ở miền Tây khá đông và dân miền Tây có câu nói để diễn tả về điều đó:
Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu,
tiếp đó là người Chăm… lần lượt đến miền Tây làm ăn sinh sống. Các tộc người
cùng nhau sáng tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần độc đáo, tạo nên sự
đa dạng của nền văn hóa nông nghiệp.
Tính đặc sắc của chủ thể văn hóa vùng
Tây Nam Bộ thể hiện ở bức tranh đa tộc người (Tây Nam Bộ có 4 tộc người chính
cùng sinh tụ trên một vùng đồng bằng), như là một sự thu nhỏ của cấu trúc chủ
thể đa tộc người trong nền văn hóa Việt Nam “Xét về thành phần tộc người thì dễ dàng nhận thấy ở Đồng bằng sông Cửu
Long là hết sức đa dạng. Có thể nói đây là một trong số những vùng khá đặc biệt
không những đối với Việt Nam mà đối với cả thế giới”[4].
Đây chính là tiêu chí tộc người làm nên sắc thái văn hóa vùng ở Đồng bằng sông
Cửu Long.
Theo
kết quả điều tra dân số ngày 01/04/2011, dân số vùng Đồng bằng sông Cửu Long là
17.325.167 người, chiếm 19,8% dân số cả nước. Đây là vùng văn hóa cũng phản ánh
đặc trưng văn hóa Việt với cấu trúc chủ thể đa tộc người. Đồng bằng sông Cửu
Long là vùng đất hội cư của nhiều tộc người, trong đó chủ yếu là người Việt
(90%), người Khơme (6%), người Hoa (2%), còn lại là người Chăm. Họ cùng chung sống
và có văn hóa sản xuất đa dạng. Trong quá trình sinh sống, làm ăn, hành trang
mang theo của cư dân là những vốn văn hóa truyền thống từ làng quê, đất tổ đã
dung hòa với những đặc điểm vùng đất mới tạo thành một nét mới để thích nghi, phù hợp với vùng
sinh thái tự nhiên và xã hội. Cư dân người việt ở miền Bắc và miền Trung khi tới
miền Nam, đã tiếp xúc với các giá trị văn hóa của các tộc người ở đây và từ gốc
rễ truyền thống, họ đã góp phần tạo ra và bổ sung những giá trị văn hóa mới làm
giàu hơn phong phú hơn cho văn hóa Việt.
[2] Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo Dục, H.1998, trang 26
[4] Ngô Văn Lệ, Văn hóa tộc người truyền thống và biến đổi, ĐHQG TP HCM, 2010,
trang 91
Tags:
Văn hóa học