NHỮNG BIẾN ĐỔI VĂN HÓA VÀ TÍNH CỐ KẾT CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC MƯỜNG HIỆN NAY (NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP DÂN TỘC MƯỜNG TỈNH HÒA BÌNH)


LỜI NÓI ĐẦU

Tóm tắt

1. Lý do chọn đề tài

Dưới sự tác động của các điều kiện kinh tế - xã hội, sự tăng cường giao lưu hội nhập, văn hóa của dân tộc Mường đang có những biến đổi mạnh mẽ. Bằng cảm quan đời thường, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, từ các nếp sinh hoạt thường nhật như ăn, mặc, ở, đi lại cho đến lời ăn tiếng nói, phong tục tín ngưỡng, cũng như các hình tượng, biểu tượng trong văn hoá - nghệ thuật, rồi các khuôn mẫu, các cung cách ứng xử giữa người và người, tất cả đều đang thay đổi, ít nhất là thay đổi khác đi so với thời kỳ trước Đổi mới. Nhưng đó là về cảm quan đời thường, còn về mặt khoa học, nhiều câu hỏi cũng đang được đặt ra: Văn hoá của dân tộc Mường đang biến đổi ra sao, theo xu hướng nào? Tần suất và cường độ biến đổi của nó? Nguyên nhân nào dẫn tới sự biến đổi? Chúng ta phải làm gì để sự biến đổi đó diễn ra theo đúng chiều hướng mà xã hội mong đợi? Những câu hỏi ngày vẫn khiến nhiều nhà nghiên cứu phải trăn trở, trong đó có người viết luận án này.
Mặt khác, vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, với quan điểm bao trùm: bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Đặc biệt là từ sau khi đất nước ta tiến hành Đổi mới (1986), nền kinh tế có nhiều biến chuyển mạnh mẽ kéo theo các biến đổi về mặt văn hoá - xã hội, các chính sách về văn hoá cũng trở thành trọng tâm bên cạnh các chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước.

Dân tộc Mường là một trong những dân tộc thiểu số có tỷ lệ dân cư đông, bề dày truyền thống văn hóa lâu đời. Dân tộc Mường chủ yếu tụ cư ở tỉnh Hòa Bình - vùng đất nổi tiếng với “Nền văn hóa Hòa Bình”, là khởi thuỷ của nền văn minh lúa nước - nền văn minh sông Hồng được ghi nhận trong diễn trình lịch sử dân tộc. Hòa Bình cũng là địa bàn tụ cư của nhiều dân tộc như Kinh, Thái, Mông, Dao, Tày.v.v. Mỗi dân tộc đều có đặc trưng riêng về ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, phong tục tập quán, lễ nghi, sinh hoạt và cách tổ chức đời sống cộng đồng,... tạo nên vẻ đẹp đặc sắc trong bức tranh văn hóa Hòa Bình.
Với đặc thù về mặt địa lý, văn hóa Mường có sự giao lưu mạnh mẽ với các nền văn hóa của các dân tộc thiểu số. Đồng thời, văn hóa Mường có nhiều nét tương đồng với dân tộc Kinh. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã xác định rằng, nghiên cứu tìm hiểu văn hóa Mường chính là tìm về cội nguồn xa xưa của chúng ta. Có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng dân tộc Mường và dân tộc Kinh có chung nguồn gốc. Tuy nhiên, do sự tác động tổng hòa của nhiều yếu tố như địa lý, chính sách phát triển KT-XH cùng với việc không có chữ viết riêng, văn hóa Mường ngày càng bị mai một trông thấy. Hơn nữa, dưới tác động của nền kinh tế thị trường và đô thị hóa, vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa Mường trở thành một trong những thách thức rất lớn. Văn hóa Mường có những nét đặc sắc nổi trội cần được quan tâm, duy trì và phát triển.
Mặc dù văn hóa Mường đã được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các công trình nghiên cứu này nằm trên bình diện dân tộc học, văn hóa học, tập trung vào các đặc trưng phong tục, tập quán tộc người. Các nghiên cứu tập trung vào sự biến đổi văn hóa và đặc biệt là tính cố kết cộng đồng của dân tộc Mường còn rất khiêm tốn, được thể hiện lồng ghép trong một số công trình nghiên cứu thiên về dân tộc học và văn hóa học.
Từ những lý do trên, đề tài luận án tiến sỹ: “Những biến đổi văn hóa và tính cố kết cộng đồng hiện nay – Nghiên cứu trường hợp Dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình” được đặt ra một cách có ý nghĩa nhằm vận dụng các lý thuyết xã hội học và các phương pháp tiếp cận liên ngành để (i) tìm hiểu thực trạng biến đổi văn hóa và những thay đổi về tính cố kết cộng đồng của dân tộc Mường; (ii) làm rõ các nguyên nhân tác động đến sự biến đổi đó; (iii) từ đó, đề xuất các giải pháp về mặt chính sách nhằm củng cố các thiết chế xã hội, phát triển các chính sách quản lý xã hội, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Đề tài cũng góp phần thúc đẩy xu hướng nghiên cứu văn hóa dân tộc trong xã hội học hiện nay.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

2.1. Mục đích nghiên cứu 

Luận án nhằm mục đích tìm hiểu sự biến đổi văn hóa và tính cố kết cộng đồng của dân tộc Mường ở Hòa Bình trong thời kỳ Đổi mới, nói rộng ra là từ truyền thống đến hiện đại. Đồng thời, tìm hiểu nguyên nhân và xu hướng biến đổi một số giá trị văn hóa cũng như các yếu tố tác động tới sự gắn kết cộng đồng của người Mường ở Hòa Bình. Từ đó, tác giả đề xuất các giải pháp xây dựng nhằm góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường.
Về mặt khoa học, các kết quả nghiên cứu thực nghiệm trong nghiên cứu này sẽ được lưu giữ làm tài liệu đối chiếu và so sánh trong các nghiên cứu lặp lại ở những năm tiếp theo.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Làm rõ những khái niệm, cơ sở lý luận và thực tiễn, phương pháp nghiên cứu về biến đổi văn hóa và tính cố kết cộng đồng của dân tộc Mường.
- Nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng sự biến đổi văn hóa dân tộc Mường, đặc biệt là sự thay đổi về tính cố kết cộng đồng dưới tác động của những điều kiện kinh tế  - xã hội nhất định.
- Phân tích và làm rõ các nhân tố tác động làm biến đổi văn hóa và tính cố kết của cộng đồng dân tộc Mường.
- Đề xuất các giải pháp xây dựng chính sách quản lý xã hội cũng như chính sách nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

3. Đối tượng, khách thể và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu:

- Đối tượng nghiên cứu của đề tài này là những biến đổi văn hóa và tính cố kết cộng đồng dân tộc Mường ở Hòa Bình

3.2. Khách thể nghiên cứu:

Cộng đồng dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình, nghiên cứu trường hợp tại bốn vùng Mường tiêu biểu thể hiện những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường ở Hòa Bình gồm Mường Bi (huyện Tân Lạc), Mường Vang (huyện Lạc Sơn), Mường Thàng (huyện Cao Phong) và Mường Động (huyện Kim Bôi).

3.3. Phạm vi nghiên cứu:

- Không gian: tỉnh Hòa Bình
- Thời gian: Thời kỳ Đổi mới (từ 1986 đến nay). Tuy nhiên, để có thể thấy được sự biến đổi văn hoá của dân tộc Mường ở Hòa Bình trong thời kỳ Đổi mới, tác giả cần đối chiếu các nghi tiết, khuôn mẫu, mô hình văn hoá của thời kỳ Đổi mới với các thời kỳ đã lùi vào lịch sử, nói khác đi là so sánh bản sắc văn hóa truyền thống với khuôn mẫu, mô hình văn hóa hiện đại.
- Vấn đề nghiên cứu: Luận án tập trung đi sâu nghiên cứu sự biến đổi một số thành tố văn hóa cơ bản, cấu thành bên bản sắc văn hóa dân tộc Mường, gồm: (i)Văn hóa vật chất: tác giả tập trung nghiên cứu tập quán sản xuất, ăn, mặc, ở, đi lại; (ii)Văn hóa tinh thần: tác giả tập trung nghiên cứu ngôn ngữ, tập quán tín ngưỡng, lễ hội, ma chay, cưới xin; (iii)Văn hóa xã hội: tác giả tập trung nghiên cứu quan hệ gia đình, dòng họ và quan hệ thôn bản.

3.4. Câu hỏi nghiên cứu.

Một số câu hỏi nghiên cứu được đặt ra trong luận án gồm: Liệu dưới tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các thành tố văn hóa trên đã và đang có sự biến đổi mạnh mẽ? Sự biến đổi này theo chiều hướng nào, tích cực hay tiêu cực? Thành tố văn hóa nào biến đổi mạnh mẽ nhất? Nguyên nhân và xu hướng của sự biến đổi đó là gì?

4. Giả thuyết nghiên cứu và khung phân tích

Xuất phát từ mục tiêu nghiên cứu của đề tài, tác giả đề xuất các giả thuyết nghiên cứu như sau:
*   Trong sự biến đổi các giá trị văn hóa của dân tộc Mường, tập quán sản xuất và tổ chức đời sống cộng đồng là hai yếu tố chịu sự biến đổi nhiều nhất và nó chi phối sự biến đổi của các thành tố văn hóa khác cũng như tính cố kết cộng đồng của dân tộc Mường. Sự biến đổi này được biểu hiện rất phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực, theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực, nhưng chủ yếu theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, nó có những biểu hiện rất rõ của sự mất dần bản sắc văn hóa truyền thống.
*   Văn hóa Mường biến đổi theo chiều hướng tăng cường giao lưu giữa các nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân tộc Kinh, địa bàn nào giao lưu mạnh mẽ hơn với dân tộc Kinh thì sẽ có sự biến đổi nhanh hơn.
*   Sự biến đổi văn hóa và tính cố kết cộng đồng của dân tộc Mường chịu tác động của hàng loạt các nguyên nhân, trong đó yếu tố tác động mạnh nhất là chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng như sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

5. Phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp luận

Luận án dựa trên phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử.

5.2. Phương pháp nghiên cứu cụ thể

Để tiếp cận nghiên cứu đạt kết quả đặt ra, luận án đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu xã hội học và các phương pháp tiếp cận liên ngành để xem xét góc độ biến đổi về văn hóa dân tộc Mường. Các phương pháp định tính và định lượng được kết hợp, bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong quá trình nghiên cứu.
Nhóm phương pháp định tính gồm: Phương pháp phân tích tài liệu, phương pháp so sánh, phương pháp phỏng vấn sâu, phương pháp chuyên gia, phương pháp quan sát tham dự, phương pháp điền dã nhân học

Nhóm phương pháp định lượng gồm phương pháp phỏng vấn bằng bảng hỏi.

6. Đóng góp mới của luận án

Đóng góp mới của luận án này, theo tác giả, được thể hiện ở bốn điểm cơ bản sau đây:
* Nhìn nhận và nghiên cứu văn hoá dân tộc Mường như một hệ thống được cấu thành từ ba loại hình: văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa xã hội.
* Nghiên cứu văn hóa Mường trong sự biến đổi, nghĩa là nghiên cứu văn hóa ở thể “động”, chứ không phải ở dạng “tĩnh” như nhiều công trình đã công bố.
* Việc so sánh làm nổi bật sự khác biệt giữa các địa bàn nghiên cứu có thể xem xét như là một minh chứng thuyết phục cho lý thuyết về sự khuyếch tán văn hóa. Ở những vùng “ven”, nơi có sự giao lưu, tiếp xúc nhiều hơn với nền văn hoá ngoại vi, thì cũng là nơi sự tiếp biến văn hoá diễn ra mạnh mẽ hơn.
* Kết hợp giữa phương pháp định tính và định lượng nhằm đo lường sự biến đổi văn hóa và tính cố kết cộng đồng trong luận án có thể coi là phương pháp sáng tạo chưa từng xuất hiện trong các nghiên cứu văn hóa Mường từ trước tới nay.  

7. Bố cục luận án

Ngoài các phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục Tài liệu tham khảo, các phụ lục đính kèm, nội dung luận án được chia thành 4 chương.

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

Về tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài, có hai loại công trình nghiên cứu. Đó là loại công trình gián tiếp và loại công trình trực tiếp. Các công trình gián tiếp về văn hóa Mường bao gồm: (i) các nghiên cứu về biến đổi văn hóa và tính cố kết cộng đồng trên thế giới; (ii) các nghiên cứu về biến đổi văn hóa và tính cố kết cộng đồng ở Việt Nam (trong đó bao gồm các nghiên cứu cụ thể đối với dân tộc thiểu số nói riêng). Các công trình nghiên cứu trực tiếp là các công trình nghiên cứu về biến đổi văn hóa và tính cố kết cộng đồng của dân tộc Mường ở các góc độ khác nhau, có thể là xã hội học, có thể là dân tộc học, văn hóa học, sử học, khảo cổ học, v.v.

1.1. Các công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài

Các nghiên cứu về biến đổi văn hóa có một số công trình tiêu biểu như: Hiện đại hóa, biến đổi văn hóa và sự duy trì những giá trị văn hóa truyền thống; Thuyết tiến hóa văn hóa của E.Taylor (1891) hay L.Morgan (1877); Thuyết Truyền bá văn hóa (đại diện là G.Elliot Smith 1911, W.Rives 1914); Thuyết Vùng văn hóa (đại diện là C.L.Wissler 1923, A.L.Kroeber 1925); Thuyết Tiếp biến văn hóa (đại diện là Redfield 1934, Broom 1954); Thuyết chức năng (đại diện là Brown 1952, Malinowski 1944).
Nhìn chung, các nghiên cứu nhìn nhận văn hóa và biến đổi văn hóa ở nhiều góc độ khác nhau, tìm hiểu biến đổi văn hóa trên nhiều phương diện và phạm vi. Tuy nhiên, điểm tương đồng cơ bản của các thuyết này là chỉ ra sự phát triển song hành và gắn bó giữa xã hội và văn hóa, sự biến đổi xã hội và biến đổi văn hóa. Xã hội và văn hóa thường có sự hội nhập với nhau và mang tính ổn định, sự thay đổi tự thân nền văn hóa thường diễn ra chậm chạp, sự biến đổi văn hóa thường diễn ra là do tác động từ các yếu tố bên ngoài.

1.2. Tình hình nghiên cứu của các học giả trong nước

Liên quan đến biến đổi văn hóa Mường nói chung, có công trình nghiên cứu của Tác giả Lương Quỳnh Khuê Bản sắc văn hóa Mường cổ truyền và xu hướng biến đổi hiện nay - Qua khảo sát văn hóa Mường ở tỉnh Hòa Bình, (đề tài cấp Bộ; mã số B06-27, 2008).
Liên đến biến đổi tổ chức xã hội Mường có như Luận án Tiến sỹ của Hà Văn Linh về Tổ chức xã hội cổ truyền và những biến đổi của nó ở người Mường Thanh Sơn, Phú Thọ (2005).
Liên quan đến biến đổi trong văn hóa tín ngưỡng của người Mường, có công trình nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Song Hà, Nghi lễ trong chu kỳ đời người của người Mường ở Hoà Bình.
Các công trình nghiên cứu có tính chất làm cơ sở để đối chiếu sự biến đổi văn hóa và tính cố kết cộng đồng dân tộc Mường bao gồm khá nhiều nghiên cứu trên các bình diện dân tộc học, văn hóa học và một số công trình xã hội học của cả các học giả trong và ngoài nước.
Như vậy, trong suốt hơn hai thế kỷ qua và nhất là trong những năm gần đây, người Mường nói chung và người Mường ở Hòa Bình nói riêng đã được một số tác giả, thuộc các lĩnh vực khác nhau quan tâm nghiên cứu, chủ yếu là các nghiên cứu trong lĩnh vực dân tộc học và văn hóa học. Các công trình nghiên cứu trên đã cung cấp cho tác giả các tư liệu, luận cứ quan trọng phục vụ cho luận án của tác giả, đặc biệt là về mặt phương pháp và khai thác các giá trị truyền thống làm cơ sở để đối chiếu sự biến đổi văn hóa Mường.
Khi tìm hiểu các công trình nghiên cứu trên, chúng tôi nhận thấy các công trình đều chỉ đề cập đến một hoặc một vài khía cạnh nào đó của văn hóa dân tộc Mường, chưa có công trình nào đề cập một cách toàn diện về mọi phương diện văn hóa của dân tộc này. Các phương pháp vận dụng trong nghiên cứu hầu hết là nghiên cứu định tính. Điều này có thể dẫn đến những thiếu hụt về dữ liệu nghiên cứu, mà có thể bù đắp được qua các phương pháp nghiên cứu định lượng.
Từ kết quả tổng quan tình hình nghiên cứu cho thấy, để có thể đưa ra được định hướng trong việc xây dựng, phát triển, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, cần phải có nghiên cứu chuyên sâu hơn, toàn diện hơn về sự biến đổi văn hóa dân tộc Mường nhằm phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu của văn hoá Mường trong nền văn hóa chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế về kinh tế như hiện nay.

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

2.1. Một số lý thuyết sử dụng trong luận án

Xuất phát từ đối tượng và mục đích nghiên cứu, luận án này là một nghiên cứu liên ngành xã hội học – dân tộc học. Vì vậy, phương pháp tiếp cận liên ngành sẽ được áp dụng trong nghiên cứu này.

2.1.1. Tiếp cận theo các lý thuyết biến đổi và tiếp biến văn hóa

Có nhiều quan điểm và lý thuyết khác nhau về sự biến đổi văn hóa nói riêng và biến đổi xã hội nói chung như: quan điểm biến đổi xã hội của K.Marx, các lý thuyết về sự khuyếch tán, tiếp biến, tiến hóa chậm, đợt sóng thứ ba,... nhưng tựu chung lại, các quan điểm và lý thuyết này cho rằng sự biến đổi văn hoá xuất phát từ 3 nguyên nhân cơ bản sau:
- Các phát minh và sáng tạo đem lại cái mới cho văn hóa, chẳng hạn, bếp ga, bình nóng lạnh, các trò chơi điện tử,... Mỗi một phát minh đều có thể dẫn đến sự thay đổi văn hóa.
- Các khám phá là yếu tố thứ hai dẫn đến sự thay đổi văn hóa, nhất là ở các lĩnh vực văn hóa nhất là các lĩnh vực văn hóa vật chất và văn hoá tinh thần.
- Thứ ba, sự phổ biến hay là khuyếch tán văn hóa. Người ta cho rằng, sự biến đổi văn hóa thường xảy ra từ một trung tâm, sau đó được phố biến (khuyếch tán) ra toàn thế giới.

2.1.2. Tiếp cận theo thuyết hành động xã hội

Biến đổi văn hóa của một quốc gia - dân tộc, cũng như biến đổi văn hóa của bất kỳ một cộng đồng hay nhóm người nào, một mặt chịu sự tác động của những nguyên nhân từ bên ngoài, nhưng mặt khác cũng còn phụ thuộc vào nguyện vọng, nhu cầu, ý chí chủ quan của con người của chính các quốc gia - dân tộc, cộng đồng hay nhóm xã hội đó. Việc phân tích nhu cầu, nguyện vọng, ý chí chủ quan của con người dẫn đến những hành động làm thay đổi cuộc sống, thay đổi thói quen, tập quán của họ, trong Xã hội học, M.Weber gọi đó là hành động xã hội.

2.1.3. Tiếp cận theo lý thuyết hệ thống Parson

Cách tiếp cận theo lý thuyết hệ thống trong nghiên cứu văn hóa tộc người một mặt giúp nhà nghiên cứu thấy được toàn bộ hệ thống cấu trúc của một nền văn hóa, song mặt khác lại không quên các bộ phận, chi tiết cũng như sự tương tác giữa chúng trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể.

1.1.2.4. Lý thuyết đoàn kết xã hội và lập luận về ý thức tập thể của Emile Durkheim

Tác giả vận dụng lý thuyết đoàn kết xã hội để giải thích về sự tính cố kết cộng đồng và lý giải sự chi phối của các biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng trong cộng đồng tới đời sống của cộng đồng dân tộc Mường.

2.2. Các khái niệm công cụ: 

2.2.1. Dân tộc

Khái niệm “dân tộc” dùng để chỉ một cộng đồng cụ thể (Mường, Thái, Việt, Hoa,...), đó thực ra là khái niệm “Tộc người”.

2.2.2. Lối sống

Khi nghiên cứu về văn hóa, người ta không thể không nghiên cứu về lối sống, bởi lẽ thông qua lối sống, các thông điệp và các giá trị văn hóa mới được nhận diện, giải mã và phân tích với những chiều cạnh đầy đủ nhất.

2.2.3. Văn hóa 

       Dưới góc độ xã hội học, văn hóa có thể được xem xét như hệ thống các giá trị, chân lý và các chuẩn mực và mục tiêu mà con người cùng thống nhất với nhau trong quá trình tương tác và trải qua thời gian. Các nhóm, các cộng đồng xã hội, các dân tộc trong mỗi xã hội khác nhau đều xây dựng các giá trị, các chân lý, các chuẩn mực đặc trưng cho mình và như vậy họ đã có một nền văn hóa.

2.2.4. Giá trị văn hóa và bản sắc văn hóa

GS.Trần Văn Giàu cũng đã tổng hợp lại 7 giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam gồm: Lòng yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. [Trần Văn Giàu, 1993, Giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam, NXB KHXH]. Còn trong Nghị quyết 5 (khóa VIII) của BCH Trung Ương Đảng CSVN về việc “Xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” kể ra 5 “giá trị bền vững, được vun đắp trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc” là: (1) Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; (2) Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng (gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - tổ quốc); (3) Lòng nhân ái, khoan dung; trọng nghĩa tình, đạo lý; (4) Đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; (5) Sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống.
Còn bản sắc văn hóa, theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, được hiểu như là một tổng thể các giá trị đặc trưng của văn hóa, được hình thành, tồn tại và phát triển suốt quá trình lịch sử của dân tộc, các đặc trưng văn hóa ấy mang tính bền vững, trường tồn, trừu tượng và tiềm ẩn, do vậy muốn nhận biết nó phải thông qua vô vàn các sắc thái văn hóa, với tư cách là sự biểu hiện của bản sắc văn hóa ấy. Nếu bản sắc văn hóa là cái trừu tượng, tiềm ẩn, bền vững thì các sắc thái biểu hiện của nó tương đối cụ thể, bộc lộ và khả biến hơn.

2.2.5. Biến đổi văn hóa

Như đã nêu trong phần lý thuyết biến đổi, bất cứ xã hội nào và bất cứ nền văn hóa nào, cho dù nó có bảo thủ và cổ truyền đến đâu chăng nữa cũng luôn biến đổi. Biến đổi xã hội là một quá trình qua đó những khuôn mẫu của các hành vi xã hội, các quan hệ xã hội, các thiết chế xã hội và các hệ thống phân tầng xã hội được thay đổi qua thời gian.
Khi xem xét văn hóa chính là lối sống như định nghĩa ở mục trước, thì có nghĩa, sự biến đổi văn hóa cũng là sự biến đổi lối sống. Cụ thể đó là sự biến đổi về tập quán sản xuất, biến đổi trong sự thay đổi trong cách thức ăn, mặc ở, hành vi ứng xử và các lễ nghi,…Thông qua đó, các giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa, trong đó có sự cố kết cộng đồng, cũng biến đổi để phù hợp với điều kiện mới, hoàn cảnh mới.

2.2.6. Cộng đồng và tính cố kết cộng đồng

Trong mỗi cộng đồng, con người có mối quan hệ với nhau, có sự liên kết, gắn kết tình cảm, kinh tế với nhau một cách bền chặt tạo thành tính cố kết cộng đồng.
Trong luận án này, tác giả khai thác một số hình thức biểu hiện của tính cố kết cộng đồng như: (i) Liên kết sản xuất; (ii) Sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng – lễ hội; (iii) Gia đình, dòng họ. 
Tính cố kết cộng đồng được biểu hiện phong phú, đa dạng thông qua tất cả thành tố văn hóa như văn hóa vật chất, văn hoá tinh thần và văn hoá xã hội, trong đó, biểu hiện rõ rệt nhất ở khía cạnh quan hệ gia đình, dòng họ và tổ chức đời sống cộng đồng.
Trong bối cảnh công nghiệp của đất nước, nhiều chuẩn mực và giá trị mới đang được hình thành. Do đó, giá trị cố kết cộng đồng, tinh thần tập thể đã và đang dần thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới.  Những thay đổi diễn biến như thế nào, theo chiều hướng nào, sẽ được tác giả lồng ghép phân tích trong các chương 3 và 4 của Luận án này. 

2.3. Quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Đảng và nhà nước ta rất coi trọng việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, là nhiệm vụ không thể bỏ qua trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là một trong những điều kiện của phát triển bền vững.

2.3. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu

2.3.1. Đặc điểm địa lý

Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam. Hòa Bình có diện tích trên 4.662,5km2, gồm 1 thành phố loại 2 và 10 huyện tổng cộng 214 phường, xã, thị trấn.

2.3.2. Đặc điểm dân tộc, dân cư

Đến năm 2010, dân số Hoà Bình đạt 793.471 người, trong đó, số dân trong độ tuổi lao động khoảng 552.635 người, bằng 70,1% dân số toàn tỉnh, hàng năm tạo thêm việc làm cho khoảng 16.200 người lao động.
Theo thống kê dân số toàn quốc năm 1999, trên địa bàn tỉnh có 7 dân tộc sinh sống, đông nhất là người Mường chiếm 63,3%; người Việt (Kinh) chiếm 27,73%; người Thái chiếm 3,9%; người Dao chiếm 1,7%; người Tày chiếm 2,7%; người Mông chiếm 0,52%; ngoài ra còn có người Hoa sống rải rác ở các địa phương trong tỉnh.

2.3.3. Đặc điểm kinh tế

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt 8%/năm, năm 2013 đạt khoảng 10,2%/năm.

2.3.4. Đặc điểm văn hóa – xã hội

Hòa Bình là vùng văn hóa đa sắc tộc, nổi tiếng với “văn hóa Hòa Bình” gồm văn hóa thời kỳ đồ đá, văn hóa hang động. Hòa Bình được xem là “cái nôi” của văn hóa Mường với những địa danh nổi tiếng: Bi, Vang, Thàng, Động cùng với sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”.

CHƯƠNG 3: SỰ BIẾN ĐỔI VĂN HÓA VẬT CHẤT
VÀ TINH THẦN CỦA DÂN TỘC MƯỜNG

3.1. Sự biến đổi văn hóa vật chất của dân tộc Mường

3.1.1. Văn hóa sản xuất

3.1.1.1. Văn hóa và tập quán sản xuất truyền thống của người Mường
Tập quán sản xuất của người Mường truyền thống mang tính tự cung tự cấp. Người Mường có nhiều hoạt động kinh tế khác nhau, trong đó điển hình là nghề nông trồng lúa nước, đốt nương làm rẫy, chăn nuôi, nghề thủ công, khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên và đánh bắt hải sản. Hoạt động sản xuất của người Mường phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và các nhu yếu phẩm đời sống cũng phần lớn dựa vào các nguồn tài nguyên sẵn có lấy từ rừng núi, sông, suối,… Chính vì phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, mà người Mường thường tin vào các thế lực siêu nhiên chi phối đời sống, sản xuất của họ, gọi la quan niệm «vạn vật hữu linh ».
Trong tập quán sản xuất cổ truyền của người Mường, có sự phân công lao động tương đối rõ ràng giữa nam và nữ trong gia đình. Nam thường làm các hoạt động như săn bắn, đan lát, làm nhà cửa, còn phụ nữ thường cấy hái, dệt vải, và có một số hoạt động chung cả nam và nữ cùng làm như phát nương, làm rẫy, lấy củi. Đồng thời, có sự phân công vai trò giữa các thế hệ trong gia đình khá rõ. Trong xã hội truyền thống, nam giới được xem như lao động chính trong gia đình và chính điều này cũng quyết định vị thế và tiếng nói của nam giới trong gia đình và trong cộng đồng.
3.1.1.2. Thực trạng biến đổi văn hóa và tập quán sản xuất truyền thống của người Mường trong thời kỳ Đổi mới
Hiện nay, hình thức canh tác chủ đạo của đồng bào Mường ở Hòa Bình là nông nghiệp và nông lâm kết hợp, mà cụ thể là trồng lúa kết hợp với chăn nuôi, trồng rừng. Tuy nhiên, nông nghiệp hiện nay vẫn là ngành kinh tế giữ vai trò chủ đạo, chiếm 54.0% (trong đó số hộ thuần nông là 44,5% và số hộ nông lâm kết hợp chiếm 55,5%). Hoạt động sản xuất kinh doanh đã có hướng chuyển dịch theo hình thức buôn bán, dịch vụ nhưng vẫn chỉ chiếm 2,5% số hộ. Mường Vang và Mường Động có tỷ lệ làm buôn bán, dịch vụ cao hơn cao đơn các địa bàn còn lại, với tỷ lệ lần lượt là 5% và 3%. Điều này được giải thích bằng nguyên nhân Mường Vang và Mường Động nằm trên trục đường tỉnh lộ, thuận lợi cho các hoạt động thông thương, giao lưu buôn bán hàng hóa.
Biến đổi trong sản xuất của người Mường mới chỉ dừng lại ở việc thay đổi cơ cấu mùa vụ (tăng cường thâm canh), áp dụng máy móc nông nghiệp vào sản xuất, thay đổi một số kỹ thuật canh tác và một số giống cây trồng vật nuôi theo hướng tăng các giống cây trồng, vật nuôi lai tạo cho năng suất cao. Hoạt động sản xuất vẫn mang đặc trưng của nền sản xuất gia đình, manh mún, nhỏ lẻ, canh tác nông nghiệp kết hợp với chăn nuôi gia đình.

3.1.2. Văn hóa ẩm thực

3.1.2.1. Một số giá trị ẩm thực cổ truyền của người Mường
Đối với người Mường, ẩm thực không đơn thuần là đồ ăn thức uống mà chứa đựng trong đó là cả một nền văn hóa lâu đời, nó thể hiện tình cảm, sự gắn kết, yêu thương tôn trọng giữa con người với nhau. Trong khi chế biến cũng như trình bày các món ăn, màu sắc của nguyên liệu rất được chú trọng. Tập quán ăn, ở của người Mường đã được đúc kết qua câu thành ngữ rất nổi tiếng thể hiện đặc trưng về tập quán của người Mường: “cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui”.
3.1.2.2. Thực trạng và sự biến đổi văn hóa ẩm thực của người Mường trong thời kỳ Đổi mới
Khi tập quán sản xuất thay đổi, nguồn cung thực phẩm truyền thống cũng giảm dần đi, cùng với sự du nhập của lối sống, văn hóa ẩm thực mới đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trong văn hóa ẩm thực của người Mường. Ngày nay, người Mường có xu hướng đơn giản hóa những món ăn, tránh những món ăn chế biến cầu kỳ và các món ăn trong các dịp lễ tết cũng rất gần gũi, trở thành món ăn hàng ngày của đồng bào.
Người Mường cũng đã du nhập nhiều món ăn mới từ người Kinh làm phong phú, đa dạng thêm nền ăn hóa ẩm thực của mình. Trong các mâm cỗ cưới, đám tang và trong bữa ăn hàng ngày xuất hiện thêm rất nhiều các món ăn mới như giò, chả, nem, tôm chiên, canh rong biển, v.v và thêm vào các đồ uống công nghiệp như pepsi, cô ca, bia, nước uống tăng lực,...
Nhìn chung, ẩm thực của người Mường ngày nay đã mất dần đi tính nghi thức và tính biểu tượng truyền thống, mang những nét mới của cuộc sống, lối sống và phong cách sống hiện đại nhưng không vì thế mà mất đi tính văn hóa, tính cộng đồng sâu sắc đi kèm theo đó.

3.1.3. Trang phục

3.1.3.1.Trang phục truyền thống của người Mường
So với một số dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam, trang phục của dân tộc Mường không có màu sắc sặc sỡ và đơn giản hơn nhiều. Mặc dù vậy, trang phục Mường vẫn thể hiện được những đặc trưng riêng hết sức tinh tế, nổi bật về tạo hình và phong cách thẩm mỹ, tạo nên nét duyên dáng, yêu kiều riêng cho cô gái Mường. Mỗi một bộ phận cấu thành trang y phục dân tộc Mường đã đều được truyền tải những thông điệp văn hoá nhất định. Không những thế, trang y phục mường còn thể hiện ý nghĩa xã hội sâu sắc, phản ánh vị trí của con người trong phân tầng xã hội của người Mường.
Trang y phục Mường gồm: khăn đội đầu, váy, áo, thắt lưng, yếm (phụ nữ), áo, quần (nam). Trong đó, ấn tượng nhất là hoa văn cạp váy Mường. Trải qua quá trình sống cộng cư, giao lưu, tiếp biến với văn hoá với các dân tộc khác như Việt, Mường, Thái, Thổ,..., người Mường ít nhiều đã tiếp thu và ảnh hưởng văn hóa từ các tộc người này, điều đó được thể hiện rõ ở cả y phục nam và nữ.
Trang y phục Mường cũng phân thành những đẳng cấp khác nhau, xưa kia chỉ những người thuộc nhà Lang (tầng lớp cao nhất trong xã hội Mường) như vợ, con, họ hàng thân thích mới được mặc và đeo những đồ trang sức đẹp, sặc sỡ; còn những người bình thường thì không được đeo những đồ trang sức và quần áo đẹp. Những bộ xà tích làm bằng bạc, gồm nhiều sợi dây dài ngắn có gắn đồng tiền, vuốt hổ được xâu thành chuỗi biểu hiện sự giàu sang của người phụ nữ có địa vị trong xã hội.
3.1.3.2. Thực trạng mặc trang phục của người Mường hiện nay  
Đã có rất nhiều thay đổi về việc mặc trang phục của người Mường. Đa số đồng bào Mường ngày nay vẫn còn mặc trang phục truyền thống, nhưng chủ yếu vào các ngày Tết/hội và ngày lễ như cưới xin, ma chay (chiếm 40,8%). Việc mặc trang phục truyền thống “hàng ngày” đã không còn phổ biến nữa, đặc biệt, trang phục nam giới truyền thống lâu nay đã không còn xuất hiện trong đời sống thường nhật của đồng bào Mường. Đồng thời, trang phục của đồng bào Mường (cả trang phục nam và nữ) ngày nay đã có sự cách tân, cải biến khác nhiều so với trước, ngay cả về chất liệu vải. Trang phục của người Mường có xu hướng phân thành hai loại: trang phục thường ngày và trang phục lễ hội. Trang phục thường ngày may đơn giản hơn, chất liệu vải rẻ hơn, trang phục dùng cho các dịp lễ, hội thường được may bằng những loại vải ngày càng đẹp hơn, sang trọng hơn, màu sắc phong phú hơn. Nếu như trước kia, vải vóc được dệt thủ công thì ngày nay chủ yếu là vải vóc công nghiệp, mua từ chợ về.

3.1.4. Văn hoá ở 

3.1.4.1. Nhà ở truyền thống của người Mường
3.1.4.1.1. Không gian bên ngoài nhà ở của người Mường
Người Mường thường cư trú trên những ngôi nhà sàn nằm dọc theo các thung lũng hẹp giữa núi và đồi. Trong cuốn Người Mường ở Hòa Bình, Từ Chi đã viết: “Họ chiếm lĩnh một số thung lũng hẹp ở vùng chân núi và trên rẻo thấp của những sườn núi bao bọc các thung lũng ấy lại”. Việc c­ư trú của người Mường có nhiều điểm tương đồng với các dân tộc khác, đặc biệt là dân tộc Việt và Thái, đó là quan niệm về vấn tín ngưỡng tâm linh. Việc chọn vị trí làm nhà của người Mường thể hiện quan niệm tâm linh của một dân tộc thuần nông, cuộc sống, sinh hoạt sản xuất chịu nhiều ảnh hưởng từ thiên nhiên.
Điểm phân định giữa không gian bên ngoài và không gian bên trong chính là chiếc cầu thang nhà sàn Mường. Cầu thang trong nhà sàn của người Mường không chỉ là để đi lên, đi xuống, đó là nơi phân định giữa không gian bên trong nơi con người ở và thế giới bên ngoài. Nó là nhịp cầu, thành điểm xuất phát của người Mường từ trong ngôi nhà sàn thân yêu bắt đầu những chuyến hành trình suốt cuộc đời, nó đã hóa thiêng liêng trong cõi tâm linh, thành nơi tiến hành những nghi lễ dân gian mang đậm tính nhân văn Mường. 
Nhà sàn của người Mường thường phân ra ba mặt bằng: Mặt trên cùng là gác để đựng lương thực, đồ dùng gia đình; sàn nhà là nơi sinh hoạt nghỉ ngơi; còn gầm sàn nhà dùng để các dụng cụ sản xuất, nhốt gia súc, gia cầm. Nhà sàn của người Mường là kiểu kiến trúc cổ truyền, được làm theo truyền thuyết dân gian, gọi là nhà rùa: 4 mái, 3 tầng, mô phỏng theo quan niệm dân gian ba tầng, bốn thế giới của người Mường.
Việc dựng nhà đòi hỏi nhiều công đoạn, nhiều sức lực nên họ có tục giúp đỡ nhau. Người giúp gỗ, người giúp lạt, người giúp công, giúp sức. Trong quá trình dựng nhà của người Mường, thầy mo có vai trò rất quan trọng. Gia chủ nhờ thầy mo khấn cúng xin làm nhà mới và khấn vía lúa cầu cho nhà no đủ. Không gian bố trí trong một ngôi nhà sàn dù chỉ mang tính ­ước lệ nhưng nó lại thể hiện được những quy định, những trật tự xã hội của dân tộc Mường.
Không gian bên trong thể hiện rõ sự kết hợp hài hoà giữa cái tiện ích và cái thiêng liêng, giữa không gian sinh hoạt và không gian văn hoá.
Sự phân biệt “bên ngoài - bên trong”, “phía trên - phía dưới” hoàn toàn mang tính ước lệ song lại được tôn trọng đặc biệt “bên ngoài” ở phần “phía trên” bao giờ cũng là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, và cũng là chỗ dành cho người cao tuổi, khách quý: khách nam giới được tiếp ở “Bên ngoài”, song nếu là bậc con cháu, ít tuổi thì chỉ được ngồi ở phần “phía dưới” để chỉ sự khiêm tốn và kính trọng gia chủ. “Bên trong” là nơi đặt lò bếp, phần không gian tiếp theo là không gian dành cho sinh hoạt của phụ nữ, có thể được ngăn bằng buồng được liên hệ với không gian bên ngoài bằng một cầu thang phụ.
Nhà sàn Mường thường nhiều cửa voóng (cửa sổ), mỗi gian có từ 1 đến 2 cửa voóng. Ở bất kỳ hướng cửa sổ nào với người Mường đều được coi là thứ rất linh thiêng và là điều tối kỵ nếu phụ nữ ngồi lên cửa sổ. Cửa sổ trong tiềm thức và phong tục lâu đời của người Mường là dùng để tiễn đưa những người thân trong gia đình sang thế giới bên kia sẽ đi theo lối này. Đó là tín ngưỡng về thế giới của “Mường Ma”, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Mường.
Bếp lửa là bộ phận không thể thiếu được của một ngôi nhà sàn về tính hữu dụng của nó. Tại đây những giá trị nhân sinh và tín ngưỡng cổ truyền của người Việt - Mường được bảo lưu cụ thể, giản dị và vô cùng thiêng liêng, thuần khiết.
Có thể nói, nhà sàn là một sản phẩm văn hoá đặc sắc của người Mường. Nhà sàn Mường không chỉ là giá trị vật chất có bề dày lịch sử mà còn hàm chứa trong lòng nó nhiều giá trị tinh thần đáng trân trọng: tôn trọng ông bà, tổ tiên; tôn trọng người già; lòng hiếu khách; tôn trọng giá trị gia đình; tình nghĩa vợ chồng thuỷ chung, khát vọng về một cuộc sống ấm no và bình yên; tôn trọng thần linh, và các lực lượng siêu nhiên trong quan hệ trực tiếp với cuộc sống con người.
3.1.4.2. Thực trạng nhà ở của người Mường
3.1.4.2.1.Thực trạng cư trú:
Người Mường ngày nay có xu hướng sống ở những vùng thấp hơn, gần đường giao thông, thuận lợi cho việc đi lại. Họ cũng không còn tụ cư thành từng bản mà tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và tự nhiên để làm nhà.
3.1.4.2.2. Thực trạng nhà ở:
Những ngôi nhà sàn truyền thống đã dần được thay thế bằng nhà xây kiên cố giống người Việt hoặc đã được cải tiến thành ngôi nhà sàn hiện đại nhằm phù hợp với điều kiện sống hiện tại của người Mường.

3.2. Những biến đổi văn hóa tinh thần của dân tộc Mường

Trong khuôn khổ của một luận án tiến sỹ, trong nghiên cứu này, tác giả tập trung nghiên cứu hai thành tố cơ bản của văn hoá tinh thần là ngôn ngữ và phong tục - tín ngưỡng.

3.2.1. Ngôn ngữ

3.2.1.1. Ngôn ngữ Mường cổ truyền
Từ xa xưa, tiếng nói dân tộc đã gắn liền với tư tưởng, tình cảm của mỗi con người. Tiếng Mường là cách thức phân biệt hiệu quả nhất dân tộc Mường với các dân tộc anh em khác. Tiếng Mường có mối liên hệ gần gũi với tiếng Việt và được xem như thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường trong ngữ tộc Môn-Khmer của ngữ hệ Nam Á.  Tiếng Mường có nhiều phương ngữ khác nhau nhưng trên cơ sở của phương ngữ Bi, Vang, Thàng, Động là trung tâm cư trú của người Mường, đó cũng là những nơi phát tích của người Mường.
Ngôn ngữ Mường chịu sự chi phối của lối sống làng bản, cộng đồng nên người Mường thường diễn đạt các ý muốn của bản thân ngắn gọn, cô đọng và chân thành. Trong phát ngôn, họ không bao giờ quên đi vai vế trong gia đình, dòng tộc của mình. Dường như sử dụng ngôn ngữ, tiếng nói dân tộc mình để cùng trao đổi, cùng bàn luận, người Mường cảm nhận được sự gần gũi, gắn bó chặt chẽ hơn.
Lời chào của người Mường không đơn thuần là giao tiếp, mà nó chứa đầy ý nghĩa tình cảm, sự quan tâm chia sẻ giữa người với người. Hiểu thêm mạch nguồn ngôn ngữ qua lời chào mời của người Mường, chúng ta thấm thía thêm bản sắc dân tộc của văn hóa Mường.  Chỉ riêng lời chào trong tiếng Mường đã chất chứa cả một kho tàng văn hóa, thể hiện tình cảm thắm thiết, chân tình, gắn kết sâu sắc giữa những người trong cộng đồng Mường với nhau. Người ta có thể nhận ra được rằng họ cùng chung nguồn gốc chỉ qua câu chào trong tiếng Mường.
3.2.1.2. Thực trạng biến đổi ngôn ngữ Mường cổ truyền
Tuy nhiên, những năm gần đây, tiếng Mường dần được sử dụng ít trong các thế hệ thanh niên trẻ. Việc sử dụng tiếng Mường trong ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày tại các cộng đồng có dân tộc Mường sinh sống vẫn diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, trong một gia đình, bước sang thế hệ thứ ba hiện tượng không biết hoặc có thể nghe được mà không nói được tiếng nói dân tộc Mường đã xuất hiện nhiều. Việc vay mượn tiếng Việt trong giao tiếp đã trở thành phổ biến, nhất là những thuật ngữ liên quan đến cơ chế xã hội mới, liên quan đến khoa học công nghệ mới hoặc các sản phẩm mới do công nghệ sản xuất,…
Có thể nói, xã hội ngày càng phát triển và việc giao thoa, tiếp cận các tiếng nói của dân tộc anh em khác là điều không tránh khỏi. Do đó, việc giữ gìn và phát huy tiếng nói dân tộc Mường là cần thiết nhưng muốn làm được điều đó phải xuất phát từ ý thức lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong mỗi người con xứ Mường

3.2.2. Lễ hội - tín ngưỡng 

3.2.2.1.Một số giá trị lễ hội - tín ngưỡng cổ truyền
- Tín ngưỡng của người Mường
Trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng Mường, những sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh vẫn còn rất phổ biến trong cộng đồng và vẫn giữ được nguyên những nét hồn nhiên mộc mạc. Tương tự như người Kinh, tục thờ cúng là tín ngưỡng điển hình của người Mường. Hai loại hình nổi bật trong đời sống tín ngưỡng của người Mường là tín ngưỡng đa thần tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Người Mường cổ truyền thờ cúng cả nhân thần và nhiên thần.
Người Mường cổ truyền vốn tin vào thuyết vạn vật hữu linh, nên họ tôn thờ tất cả những sự vật, hiện tượng tự nhiên như mưa, gió, nắng,… là những dòng suối, ngọn núi, hòn đá, cây rừng, là những con vật hay bất kể cái gì có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người Mường.
- Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
Trên bàn thờ của người Mường, những linh hồn được thờ gồm bố đẻ, mẹ đẻ, ông nội, bà nội, cụ ông nội, cụ bà nội. Người Mường không chỉ thờ tổ tiên họ nội mà còn thờ tổ tiên họ ngoại, tổ tiên họ nội được thờ đến bốn đời, còn họ ngoại thờ ba đời. 
- Lễ hội của người Mường
Lễ hội của cộng đồng dân tộc Mường thường có quy mô nhỏ, mang đậm các tín ngưỡng dân gian và là sự biểu hiện của sự giao lưu văn hóa. Hầu hết các lễ hội đều liên quan đến nông nghiệp và thường diễn ra vào mùa xuân. Một số lễ hội tiêu biểu của người Mường gồm Hội hát sắc bùa ở Mường Vang, Múa Pồn Poong. Lễ Mụ Thố (Lễ cúng vía).
       Có thể nói, tín ngưỡng dân gian cùng với việc tiến hành các nghi lễ thờ cúng chính là các yếu tố văn hóa tinh thần rất đặc sắc của người Mường, cho chúng ta nhận biết những quan niệm về thế giới quan của người Mường xa xưa. Các phần tích trên cũng cho thấy, tín ngưỡng và lễ hội của người thường gắn liền với nhau và phần chính của lễ hội chính là phần thực hành các hành vi tín ngưỡng của người Mường.
3.2.2.3. Thực trạng tín ngưỡng, lễ hội của người Mường ngày nay
Sự thay đổi tập quán sản xuất với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất làm người lao động ngày càng chủ động trong sản xuất, giảm dần sự phụ thuộc vào thiên thiên. Vì vậy, quan niệm “vạn vật hữu linh”, sùng bái thiên nhiên với nhiều tục lệ lễ nghi nông nghiệp trong lao động sản xuất như rước vía lúa, lễ cầu mùa, lễ mừng cơm mới, đến tục đóng cửa rừng, mở cửa rừng kèm theo lệ cấm kiêng kị có tính chất siêu nhiên, linh thiêng cũng đã mất dần, cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Đồng thời, xuất hiện thêm một số tín ngưỡng, nghi lễ, lễ hội mới do ảnh hưởng của giao lưu văn hóa với các dân tộc anh em, đặc biệt là dân tộc Kinh, ví dụ như cúng rằm, mùng một, rằm tháng giêng, thanh minh, rằm tháng 7, rằm trung thu, cúng Ông Công, Ông Táo.

3.2.3 Hôn nhân của dân tộc Mường  

3.2.3.1. Tập quán hôn nhân truyền thống của dân tộc Mường
Hôn nhân truyền thống của người Mường cũng tương tự như người Kinh là theo chế độ một vợ một chồng, cũng gồm các bước chạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới và đón dâu. Trong quá trình đính hôn, ăn hỏi, cưới gả theo phong tục người Mường, ông mối có vai trò quan trọng, là sứ giả cuộc hôn nhân của đôi trai gái. Không gian kết hôn của người Mường truyền thống thường giới hạn ở phạm vi trong cùng một bản Mường hoặc một số bản láng giềng.
3.2.3.2.Thực trạng hôn nhân của dân tộc Mường 
Đám cưới của người Mường ngày nay cũng gần tương tự như người Kinh, cũng vẫn gồm các bước chạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới và đón dâu hay xem ngày giờ tổ chức đám cưới. Thời gian từ lúc ăn hỏi đến lúc đón dâu cũng được rút ngắn. Trong quá trình đính hôn, ông mối vẫn cần thiết. Tuy nhiên, việc mai mối cũng chỉ còn là hình thức mà thôi. Tục thách cưới ngày nay vẫn còn rất phổ biến, nhưng dường như chỉ mang tính hình thức, tượng trưng, lễ vật thách cưới không yêu cầu cao, không còn khắt khe như trước kia nữa.
Cùng với những thay đổi về các thủ tục cưới xin và mở rộng không gian kết hôn là sự thay đổi về việc mặc trang phục trong ngày cưới. Có một sự khác biệt lớn về tuổi tác và thế hệ trong việc mặc trang phục ngày cưới. Tỷ lệ mặc trang phục truyền thống trong ngày cưới ngày càng giảm theo độ tuổi và theo thời gian, những người trẻ tuổi chủ yếu mặc váy cưới hiện đại, những người nhiều tuổi hơn chủ yếu mặc trang phục truyền thống. Đồng thời, có sự khác biệt giữa các địa bàn nghiên cứu về tỷ lệ mặc trang phục trong ngày cưới.

3.4. Lễ tang của người Mường

3.4.4.1. Tập quán lễ tang cổ truyền của người Mường
Tang lễ cổ truyền Mường là một trong những nghi lễ đậm sắc thái văn hóa của tộc người Mường, trong đó bảo lưu nhiều nghi lễ, thể hiện những quan niệm về vũ trụ, nhân sinh quan của tộc người. Những quan niệm đó đã góp phần tạo nên “mối cộng cảm” và tạo ra cốt cách tâm hồn người Mường đậm chất dân gian và tính nhân văn sâu sắc. Chính vì vậy, tang lễ Mường đã mang nhiều giá trị của di sản văn hóa dân tộc[1].
Đám tang của người Mường mang những ý nghĩa xã hội sâu sắc, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, gia đình, dòng họ cũng như thể hiện quan niệm tâm linh về mối quan hệ giữa thế giới người sống với thế giới người chết.
3.4.4.2. Lễ tang của người Mường trong thời kỳ Đổi mới
Lễ tang của người Mường ngày nay đã khác nhiều so với trước kia. Thời gian rút ngắn và các thủ tục, trình tự tang lễ cũng đơn giản hơn rất nhiều. Một số trình tự cơ bản vẫn được duy trì như trước kia, song nhiều thủ tục rườm rà đã bị lược bỏ.

Tiểu kết Chương 3

Dưới tác động của kinh tế thị trường thời Đổi mới – mở cửa – hội nhập, những biến đổi trong văn hoá sản xuất, văn hoá trang phục, văn hoá kiến trúc của người Mường thể hiện rất rõ rệt. Trong các thành tố văn hóa, nhà ở và trang phục là các thành tố biến đổi mạnh nhất theo xu hướng hiện đại hoá, cách tân, đổi mới. Đây là kết quả của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hoá, cũng như là kết quả của quá trình phát triển tất yếu tự thân của nền văn hóa.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, so với lĩnh vực văn hóa vật chất, lĩnh vực văn hóa tinh thần thường biến đổi chậm hơn. Văn hóa Mường cũng không là ngoại lệ. Trong số các thành tố thuộc lĩnh vực văn hóa tinh thần được đề cập ở trên, ngôn ngữ là nhân tố biến đổi chậm hơn so với các thành tố còn lại.
Các lễ hội truyền thống bao giờ cũng là “bảo tàng sống” chứa đựng các giá trị văn hóa – lịch sử phong phú của mỗi dân tộc. Đối với người Mường, lễ hội không chỉ là kho tàng di sản văn hoá vô giá tạo nên bản sắc độc đáo của nền văn hoá Mường trong quá khứ, mà còn trở thành một nhu cầu văn hoá – tâm linh của người Mường thời kỳ Đổi mới. Hiện nay, nhiều lễ hội dân gian của người Mường đã có cơ hội phục hồi, gìn giữ và phát triển. Nhiều lễ hội đã thành công trong việc kết hợp những yếu tố truyền thống và đổi mới.

CHƯƠNG 4. BIỂN ĐỔI ĐỜI SỐNG VĂN HÓA XÃ HỘI
VÀ TÍNH CỐ KẾT CỘNG ĐỒNG CỦA DÂN TỘC MƯỜNG

4.1.Quan hệ gia đình, dòng họ

4.1.1. Quan hệ gia đình, dòng họ của người Mường cổ truyền
Tương tự như người Kinh, gia đình truyền thống của người Mường là gia đình phụ quyền. Người đàn ông làm chủ gia đình, người chồng, người cha có vai trò quyết định, chi phối các quan hệ gia đình cũng như các hoạt động sản xuất, đối nhân xử thế và đời sống tâm linh. Tôn ti trật tự thứ bậc theo vai vế của người đàn ông trong gia đình và dòng họ thể hiện khá rõ, tương tự như quan hệ dòng họ của người Kinh ở các làng nông thôn của đồng bằng sông Hồng. Hình thức gia đình mở rộng là phổ biến đối với các gia đình truyền thống của người Mường. Các gia đình ở đây thường có từ ba đến bốn thế hệ, thậm chí có nhiều gia đình nhỏ là anh em cùng chung sống hợp thành một đại gia đình.
Người Mường rất coi trọng quan hệ dòng họ, người Mường gọi dòng họ là “ổ nhà”. Quan hệ dòng họ trở thành chất keo gắn kết mọi người, thể hiện tinh thần cộng đồng sâu sắc của dân tộc Mường. Mỗi khi có việc hệ trọng, điều đó càng được thể hiện rất rõ.
4.1.2. Thực trạng quan hệ gia đình, dòng họ của người Mường hiện nay
Hình thức gia đình phụ quyền vẫn còn là đặc trưng trong quan hệ gia đình của người Mường. Tuy nhiên, tính chất gia trưởng cũng đã bị lung lay. Người đàn ông trong xã hội tiểu nông xưa có vị trí quan trọng, có tiếng nói quyết định trong gia đình thì ngày nay cùng với sự phát triển của nền kinh tế theo hướng đa dạng hóa, vị trí của người đàn ông trong gia đình cũng không còn tuyệt đối nữa.
Các giá trị gia đình truyền thống như tôn trọng người già, thương yêu, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, thuỷ chung tình nghĩa vợ chồng vẫn còn được bảo lưu nguyên vẹn trong gia đình người Mường hiện nay. Người già vẫn có tiếng nói quan trọng trong gia đình, dòng họ.
Có thể nói, mối quan hệ gia đình, dòng họ người Mường tuy đã có nhiều biến chuyển xong vẫn rất chặt chẽ. Các thành viên trong gia đình, dòng họ thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau. Phần lớn số người được hỏi đều trả lời khi có việc hệ trọng họ thường nhờ anh em, họ hàng, bạn bè giúp đỡ. Đồng thời, mối quan hệ cộng đồng, làng xóm cũng còn rất mạnh mẽ. Sự giúp đỡ lẫn nhau là thường xuyên trong cộng đồng, hàng xóm.

4.2. Tổ chức đời sống xã hội của người Mường

Tổ chức xã hội của người Mường hình thành và phát triển song song với tổ chức xã hội của người Việt và có nhiều điểm tương đồng. Người ta có thể phân tổ chức xã hội Mường thành 3 (ba) giai đoạn: (i) Tổ chức xã hội cổ truyền Mường trước năm 1945; (ii) Tổ chức xã hội Mường sau năm 1945 đến trước Đổi mới (1986); (iii) Tổ chức xã hội Mường hiện nay (sau năm 1986)
Mỗi giai đoạn thể hiện những khác biệt điển hình về cơ cấu tổ chức xã hội, kéo theo sự thay đổi về các mối quan hệ xã hội trong đó.
4.2.1. Tổ chức xã hội cổ truyền Mường
a) Tổ chức xã hội cổ truyền Mường trước năm 1945
Tổ chức xã hội truyền thống của người Mường theo kiểu hình chóp, như một xã hội phong kiến thu nhỏ, giống như tổ chức xã hội của người Việt, với sự phân hóa giai cấp khá rõ nét. Các dòng họ quý tộc gồm Đinh, Quách, Bạch, Hà, chia nhau cai quản các vùng Mường và nắm trong tay quyền phân phối ruộng đất. Cho nên quan hệ thống trị - bị trị giữa người với người trong xã hội ấy chủ yếu là quan hệ giữa Nhà Lang với thuộc dân. Đó là mối quan hệ chủ yếu có giá trị chi phối các mối quan hệ khác.
b) Tổ chức xã hội Mường sau năm 1945
Xã hội Mường sau năm 1945 không còn chế độ Lang Cun mà thay vào đó là các hình thức hợp tác hóa nông nghiệp. Theo đó, ruộng đất, trâu bò và các loại công cụ sản xuất đều thuộc hợp tác xã, tài sản chung của tập thể. Các hộ gia đình đi làm theo tiếng kẻng và sự phân công của đội trưởng đội sản xuất. Lúc này, xã hội làng bản được chính trị hóa cao độ. Vai trò của chi bộ Đảng, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Ban Chủ nhiệm hợp tác xã nổi bật lên, chi phối toàn bộ đời sống cùng làng bản. Các quan hệ gia đình, nhất là quan hệ dòng họ, bị chìm lấp đi khá nhiều.
4.2.2. Tổ chức xã hội Mường hiện nay
Tổ chức xã hội Mường hiện nay gồm hệ thống chính trị 4 cấp ở ta là trung ương, tỉnh, huyện và xã thì cấp trưởng thôn trong thực tế là “cánh tay nối dài” của nhà nước xuống đến các đơn vị xã hội cơ sở là làng (ở miền xuôi) và thôn bản ở miền núi. Bên cạnh các chi Bộ Đảng, các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh, trưởng bản không chỉ có nhiệm vụ quản lý nhân khẩu mà còn là người thường xuyên phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến từng hộ dân.
Dù chế độ Lang đạo không còn, nhưng những nét văn hoá tốt đẹp vẫn được thế hệ con cháu dân tộc Mường gìn giữ và bảo tồn. Dân tộc Mường là dân tộc rất đoàn kết, yêu thương nhau, họ là những người thật thà, chất phác. Xã hội Mường ngày nay vẫn là một tổ chức quy củ với những vị trí, cấp bậc khác nhau. Tầng lớp được kính trọng nhất là thầy cúng, thầy mo và các cụ lớn tuổi, đây được coi là những con người còn giữ được nhiều nét văn hoá truyền thống của dân tộc.
4.3. Những biến đổi trong tính cố kết cộng đồng thông qua tổ chức đời sống văn hóa xã hội của người Mường
4.3.1. Tính cố kết cộng đồng của người Mường trong truyền thống
Trong đời sống nói chung, trong hoạt động sản xuất nói riêng, người Mường có truyền thống đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Tính cố kết cộng đồng thông qua hoạt động sản xuất của người Mường đã trở thành nguồn sức mạnh, nó nâng đỡ con người trong hoàn cảnh khó khăn như đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, chống lại kẻ thù, .v.v. Nó được cụ thể hóa thành truyền thống hợp tác, tương trợ, liên kết trong lao động sản xuất giữa những người trong cùng dòng họ, thân tộc, làng xóm láng giềng, và hơn nữa, mặc dù không phải thân tộc, láng giềng, nhưng người Mường có một ý thức tương trợ, hỗ trợ, bảo vệ nhau rất lớn giữa những người Mường với nhau.
Hình thức giúp đỡ này hoàn toàn mang tính tự nguyện không phải áp lực từ cộng đồng hay dư luận xã hội. Việc đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau thường dựa trên một số cơ sở như quan hệ thân tộc, láng giềng, ở gần nhà nhau, nhưng thậm chí giữa làng này và làng khác.
4.3.2. Những thay đổi về tính cố kết cộng đồng của người Mường hiện nay
Dưới sự tác động của các chính sách phát triển nền kinh tế - xã hội, tính cố kết cộng đồng của người Mường đã có những thay đổi để phù hợp với điều kiện mới. Các thay đổi này thể hiện ở nhiều khía cạnh như hình thức hợp tác trong lao động sản xuất, tham gia sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng, lễ hội và quan hệ gia đình, dòng họ, làng bản.
4.3.2.1. Thay đổi về hình thức hợp tác trong lao động sản xuất.
Sự tham gia của khoa học – kỹ thuật và phương tiện sản xuất là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc giảm tính cố kết cộng đồng ở khía cạnh kinh tế. Đổi công, làm giúp vốn rất phổ biến trong xã hội Mường truyền thống thì nay chỉ còn rất ít, hoặc chuyển qua hình thức thuê mướn. Với sự xuất hiện nhiều máy móc sản xuất giúp tiết kiệm sức người đã giúp giải phóng sức lao động, làm giảm nhu cầu lao động chân tay. Theo đó, tính cố kết cộng đồng ở đây dường như dần được chuyển sang hình thức khác, như hình thức liên kết mua chung máy móc sản xuất (như máy cày, máy bừa, mua chung máy xay xát, v.v.)
Kết quả khảo sát trên cho thấy, hình thức cấy đổi công trong thời kỳ Đổi mới tuy vẫn còn tồn tại nhưng đã không còn phổ biến như trước kia và có sự khác nhau giữa các nhóm nghề nghiệp. Tỷ lệ hộ thuần nông thường có hình thức cấy đổi công cao hơn so với các nhóm nghề nghiệp khác.
4.3.2.2.Thay đổi trong sinh hoạt cộng đồng (tín ngưỡng, lễ hội)
Lễ hội là dịp để các thành viên trong cộng đồng Mường giao lưu, gặp gỡ, vui chơi. Thông qua các hoạt động lễ hội, thờ cúng ông bà, tổ tiên, tổ chức các ngày lễ trong năm để họ duy trì phong tục tập quán và giáo dục, nhắc nhở con cháu luôn hướng về cội nguồn, nhờ đó các mối quan hệ cộng đồng được củng cố chặt chẽ hơn.
4.3.2.3. Thay đổi trong các mối quan hệ gia đình, dòng họ
Tính cố kết cộng đồng của người Mường ngày nay đã có những thay đổi lớn, chuyển qua hình thức cố kết mới khi chế độ chính trị thay đổi. Tuy nhiên, những giá trị cơ bản vẫn được duy trì, tiêu biểu như tinh thần đoàn kết, thương yêu giúp đỡ, tôn trọng nhau, kính già yêu trẻ, tôn trọng các giá trị gia đình,.v.v. Các giá trị này vẫn còn nguyên vẹn đối với các gia đình có nề nếp gia phong lâu đời. Tâm lý “một người làm quan, cả họ được nhờ”, “phép vua thua lệ làng” giống như người Việt dần được xoá bỏ và thay vào đó là ý thức cùng nhau xây dựng gia đình văn hóa, làng xóm văn hóa.
Ý thức cộng đồng ngày nay đã vượt khỏi phạm vi ý thức cộng đồng làng xã, trong ý thức cộng đồng dân tộc bao gồm cả ý thức cộng đồng nhân loại. Rất nhiều những hoạt động chung tay vì cộng đồng được con người hưởng ứng, không chỉ trên phạm vi một tổ chức mà trên phạm vi quốc gia thậm chí quốc tế. Chẳng hạn, như các hoạt động hiến máu nhân đạo, hoạt động quyên góp vì người nghèo; ủng hộ đồng bào bão lụt, sóng thần; ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam; hoạt động vì môi trường xanh sạch đẹp, hay những hoạt động chung tay chống lại đại dịch HIV-AIDS, ma tuý, .v.v.

Tiểu kết Chương 4

Có thể nói, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhất là của xu thế văn hóa tiêu dùng thời Đổi mới, nhiều thách thức lớn đang đặt ra cho việc bảo tồn những giá trị tinh thần tốt đẹp trong các mối quan hệ gia đình, dòng họ, làng bản ở người Mường. Tổ chức đời sống xã hội và tính cố kết cộng đồng của người Mường đã có nhiều biến đổi trên tất cả các phương diện: quan hệ chính trị, quan hệ kinh tế, quan hệ giới và quan hệ giữa các thế hệ già và trẻ, v.v. Sự biến đổi này mang tính đa chiều và thể hiện khác nhau ở từng nơi.
Trong gia đình, tuy tôn ti, trật tự chưa bị đảo lộn, nhưng vai trò, chức năng có nhiều thay đổi nên vị thế của người đàn ông/chủ gia đình không còn được “uy phong” như trước kia, đôi khi họ chỉ đảm nhận quan hệ xóm giềng, chủ trì các nghi lễ, để người vợ hoặc con điều hành guồng máy kinh tế gia đình. Mặc dầu các quan hệ ông/bà, người già/người trẻ, quan hệ cha mẹ/con cái, quan hệ vợ/chồng,…cũng thay đổi theo hướng làm giảm các giá trị truyền thống, nhưng chưa đủ làm đảo lộn hệ giá trị gia đình từng tồn tại lâu đời. Đâu đó có hiện tượng mất nếp gia phong, dù chưa thành hiện tượng phổ biến nhưng cũng gây xôn xao dư luận, buộc cộng đồng xã hội phải lên án.

CHƯƠNG 5: NHỮNG NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ BIẾN ĐỔI VĂN HÓA VÀ TÍNH CỐ KẾT CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC MƯỜNG

5.1. Những nhân tố tác động đến sự biến đổi văn hóa và tính cố kết cộng đồng dân tộc Mường

Sự biến đổi văn hóa và tính cố kết cộng đồng dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình có thể được lý giải bởi nhiều nguyên nhân, bao gồm cả chủ quan và khách quan.

5.1.1. Chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ Đổi mới

Về mặt chủ quan, trong thời kỳ Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng hướng mục tiêu phát triển kinh tế ở vùng miền núi, đặc biệt là các vùng đặc biệt khó khăn. Từ những năm 1995 trở lại đây, chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển hạ tầng cơ sở được đồng loạt tiến hành trên hầu hết các địa bàn miền núi, trong đó có tỉnh Hòa Bình. Các chương trình này đã làm cơ sở hạ tầng thay đổi rất nhiều ở nông thôn miền núi nói chung, ở các địa bàn nghiên cứu nói riêng. Sự thay đổi hạ tầng cơ sở như đường giao thông tốt hơn tạo thuận lợi cho hoạt động giao lưu, buôn bán giữa người dân trên cùng địa bàn cũng như với những người ở các địa phương khác;
Việc người dân được dùng điện với sự tham gia của các phương tiện truyền thông đại chúng cũng đã tác động quan trọng về sự thay đổi đối với nhận thức, khả năng tiếp nhận cách thức lao động mới, sử dụng công cụ sản xuất phù hợp hơn và sử dụng các tiện nghi sinh hoạt hiện đại hơn. Thêm vào đó, Nhà nước tích cực phát triển các chương trình khuyến nông với việc hỗ trợ giống, kỹ thuật, có cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật tận địa phương cũng dễ dàng làm thay đổi những tập quán sản xuất cũ lỗi thời, lạc hậu, năng suất thấp.
Tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ làm thay đổi từ lối sống đến phương thức canh tác mà còn làm hình thành nên nhiều nhóm xã hội mới. Nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều loại hàng hóa phù hợp với khả năng kinh tế và tiện dụng không chỉ làm cho người dân thay đổi cách tiêu dùng mà còn làm cho mọi bản làng, kể cả bản làng xa xôi nhất đều bị nhuốm màu thương mại hóa.

5.1.2. Đặc điểm địa bàn cư trú

 Như đã phân tích, Hòa Bình là địa bàn tụ cư của chính của dân tộc Kinh - Mường cùng chung sống từ lâu đời, ngoài ra còn có một số dân tộc thiểu số khác như Thái, Dao, H’Mông, v.v. Đồng thời, Hòa Bình được gọi là cửa ngõ Tây Bắc cũng nằm trên trục đường liên tỉnh nối liền miền núi với đồng bằng, miền ngược với miền xuôi, rất thuận lợi cho thông thương, buôn bán và giao lưu hội nhập. Đặc biệt từ khi nhà nước thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường, việc giao lưu buôn bán giữa miền núi và đồng bằng càng được tăng cường mạnh mẽ. Trong quá trình ấy, sự tác động, giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc Kinh - Mường ngày càng phát triển tạo nên sự biến đổi văn hóa Mường theo hướng ngày càng có nhiều nét tương đồng về văn hóa với dân tộc Kinh.

5.1.3. Sự phát triển của lực lượng sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống

 Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật là một trong những động lực chính của sự phát triển, việc ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và đời sống đã làm thay đổi tập quán canh tác cũng như các loại công cụ lao động mới, con người ngày càng làm chủ được thiên nhiên, làm thay đổi tập quán sinh hoạt thường nhật, thay đổi cách làm nhà ở, đặc biệt là thay đổi về tập quán tín ngưỡng, lễ hội. Quan trọng hơn, chính người đồng bào cũng tự nhận thấy các tiến bộ này đã làm cho đời sống của họ ngày càng ổn định, nên đã tự giác tiếp nhận và nhân rộng ở cộng đồng. Sự thay đổi này theo hướng ngày càng hiện đại hóa, lược bỏ bớt những hủ tục lạc hậu, lễ nghi rườm rà, rút ngắn thời gian.

5.1.4. Đặc trưng về ngôn ngữ và sự tăng cường giao lưu hội nhập giữa các nền văn hóa.

Theo các nhà nghiên cứu, dân tộc Kinh - Mường vốn có chung nguồn gốc. Tiếng Mường còn được coi là tiếng Việt cổ, điều này thể hiện sự gần gũi về tiếng nói, người ta có thể tìm thấy sự giống nhau về ngôn ngữ của hai dân tộc. Chính vì vậy, sự giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc Kinh - Mường trở thành tất yếu, đây có thể là yếu tố tạo nên sự thay đổi dễ dàng trong tập quán sản xuất, tiêu dùng, tín ngưỡng và lễ hội,…khi ngày càng có nhiều người Kinh đến sinh sống và làm việc tại địa bàn. Theo đó, một mặt, người Mường ngày càng lược bỏ những yếu tố mang tính bảo thủ, cổ hủ, lạc hậu trong văn hóa và bổ sung các yếu tố mới làm hiện đại, phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc mình.
5.1.5. Việc nâng cao trình độ dân trí
Ngoài chính sách phát triển kinh - tế xã hội nói chung, việc nâng cao trình độ dân trí cũng góp phần rất lớn thay đổi nhận thức của người dân để có thể tiếp nhận nhanh chóng các tri thức khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất cũng như việc tiếp nhận các nhân tố văn hóa mới. Các phương tiện truyền thông đại chúng như loa, đài, tivi, báo... cũng tạo nên động lực lớn cho người dân ở đây học hỏi lẫn nhau, giao lưu giữa các thành viên trong và ngoài cộng đồng.

5.2. Xu hướng biến đổi văn hóa và tính cố kết cộng đồng dân tộc Mường Hòa Bình

Bước sang thời kỳ Đổi mới (từ 1986 đến nay) dưới tác động của sự chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, đồng thời cũng là thời kỳ thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, văn hóa dân tộc Mường ở Hòa Bình đã và đang có sự vận động, biến đổi mạnh mẽ. Qua nghiên cứu nhiều năm trên thực địa và tham khảo ý kiến của các chuyên gia, tác giả nhận thấy văn hóa dân tộc Mường Hòa Bình đang có sự vận động, biến đổi theo các xu hướng mai một, xu hướng cách tân, đổi mới và xu hướng bảo tồn. Cường độ biến đổi mạnh hay yếu, tốc độ nhanh hay chậm tùy thuộc vào từng thành tố văn hóa khác nhau.  
5.2.1. Xu hướng cách tân, đổi mới
5.2.1.1. Đối với lĩnh vực văn hóa vật chất
- Tập quán và công cụ sản xuất. Cách tân, đổi mới trong hoạt động sản xuất sẽ là một trong các xu hướng chính trong quá trình hoạt động sản xuất của người Mường. Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tuy chưa phổ biến nhưng ngày càng gia tăng, cụ thể, việc sử dụng các máy móc nông nghiệp ngày càng nhiều như máy cày/bừa, máy xay sát lúa gạo, máy tuốt lúa, máy bơm nước, máy gặt, v.v.
Sự thay đổi về tập quán và công cụ sản xuất cũng kéo theo sự thay đổi về lối sống của người Mường, biểu hiện rất rõ trong văn hóa ẩm thực, trang phục và nhà ở.
- Văn hóa ẩm thực. Người ta có thể nhận thấy điều này rất dễ dàng trong đời sống hiện thực của người Mường. Trong các lễ hội, bên cạnh các món ăn Mường truyền thống, người ta thấy xuất hiện một loạt các món ăn mới (từ người Kinh) như nộm đu đủ, giò lụa, chả quế, canh bóng - mọc. Bên cạnh loại rượu gạo tự nấu truyền thống, còn xuất hiện các loại đồ uống công nghiệp như bia, pepsi, coca, v.v. Trên mâm cơm cúng, cũng xuất hiện nhiều loại bánh kẹo công nghiệp đến từ nhiều tỉnh thành khác trong cả nước hoặc nhập ngoại.
- Văn hóa trang phục. Ngày nay, dưới tác động của sự phát triển của kinh tế, văn hoá, xã hội, việc bảo tồn, phát triển văn hoá Mường trong đó có bộ trang phục của người phụ nữ Mường gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, các thiếu nữ Mường ít khi mặc những trang phục của dân tộc mình. Mặt khác, bộ váy Mường ngày nay cũng có những cách tân để phù hợp hơn những xu hướng mặc hiện đại. Theo đó, nhiều trang phục Mường được may từ vải công nghiệp với nhiều màu sắc đa dạng, và thường được mang đến các tiệm cắt may chứ người Mường không phải tự cắt, tự khâu như trước kia nữa.
- Văn hóa nơi cư trú. Mong muốn làm nhà sàn hiện đại sẽ là một trong những xu hướng phổ biến của dân tộc Mường. Tức là về kiến trúc căn bản vẫn là ngôi nhà sàn truyền thống, trong đó một số nguyên vật liệu đã được thay thế như mái ngói, mái pro xi măng thay cho mái tranh, mái lá, sàn bê tông thay cho sàn gỗ, sàn tre, cột bê tông thay cho cột gỗ. Điều này làm cho ngôi nhà được lâu bền hơn và cũng phù hợp với điều kiện tài nguyên rừng ngày càng khan hiếm.
5.2.1.2. Đối với lĩnh vực văn hóa tinh thần
Các lĩnh vực văn hóa tinh thần như ngôn ngữ, phong tục, tập quán, tín ngưỡng đều thay đổi theo xu hướng cách tân, đổi mới. Đó là xu hướng đơn giản hóa, loại bỏ bớt các hủ tục lạc hậu, các thủ tục rườm rà. Tiếng Mường hiện nay đang có xu hướng “Kinh hóa”. Có rất nhiều ngôn ngữ được vay mượn từ tiếng Kinh, đặc biệt là các từ liên quan đến khoa học, kỹ thuật, công nghệ.  Lễ hội của người Mường ngày nay đã kết hợp với nhiều hoạt động văn hóa hiện đại để phù hợp hơn với điều kiện hiện nay.
5.2.1.3. Đối với tổ chức đời sống văn hóa xã hội
Tổ chức đời sống cộng đồng tiếp tục có nhiều đổi khác so với trước kia. Việc thay đổi cơ chế quản lý hành chính đã tạo nên nhiều thay đổi trong xã hội Mường.  Tổ chức xã hội Mường sẽ tiếp tục theo xu hướng thống nhất với tổ chức bộ máy hành chính của nhà nước, thống nhất quyền lực với nhà nước. Xã là cấp chính quyền cơ sở, dưới xã là các thôn, đứng đầu là các trưởng thôn, trưởng bản, chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội của thôn đó bản đó.
5.2.2. Xu hướng mai một
- Văn hóa vật chất. Cùng với sự phát triển của các hoạt động sản xuất, xu hướng mai một thể hiện tương đối rõ ràng.
Một số tập quán sản xuất truyền thống của người Mường đã mất đi hoặc thưa dần trong đời sống hiện đại ở các vùng Mường. Chẳng hạn một số ngành nghề truyền thống như dệt vải, đan lát, vốn tiêu tốn rất nhiều thời gian, nay đã thưa dần vì người Mường đã tiếp cận được những sản phẩm hàng công nghiệp thay thế giá rẻ, đa dạng chủng loại. Một số nghề như mộc, săn bắt hái lượm đã và đang mai một dần ở nơi diện tích rừng tự nhiên ngày càng giảm. Người Mường cũng dần từ bỏ nông nghiệp nương rẫy vì năng suất thấp.
- Văn hóa ẩm thực. Trong quá trình Đổi mới, bên cạnh xu hướng bảo tồn, không ít giá trị văn hoá ẩm thực của người Mường đã mất đi hoặc thưa bóng dần trong đời sống hiện đại ở hầu khắp các nhóm xã hội khác nhau. Chẳng hạn, một số món ăn truyền thống gắn với nông nghiệp nương rẫy và nghề săn bắn hái lượm đã và đang mai một dần ở những nơi diện tích rừng tự nhiên ngày càng giảm, nhiều người dân từ bỏ nông nghiệp nương rẫy vì năng suất thấp;  tục uống nước lã cũng dần biến mất, do thay đổi nhận thức về hành vi vệ sinh, mà thay vào đó là nước uống đun sôi.
- Văn hóa trang phục. Trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, tại các bản làng của người Mường Hoà Bình, việc trồng bông dệt vải không còn nhiều. Chiếc khung cửi cổ truyền một thời gắn bó với các mẹ, các chị nay chỉ còn ở một số vùng sâu, vùng xa hoặc chỉ còn lưu giữ trong ký ức của những người lớn tuổi. Nếu như trước đây vải vóc của người Mường thường được dệt thủ công từ các loại sợi bông, sợi gai, sợi lanh, sợi tơ tằm thì ngày nay từ chiếc áo sơ mi của nam giới đến chiếc khăn v đầu, chiếc váy của phụ nữ đều được mua từ các đồ may dệt sẵn ở các chợ tỉnh, chợ huyện. Thực tế này đã ảnh hưởng rất lớn đến văn hoá trang phục của người Mường Hoà Bình. Ở các khu vực thị trấn, nơi có sự giao lưu tiếp xúc mạnh mẽ với người Việt (Kinh), người Mường thường có xu hướng ăn mặc giống người Việt.
- Nhà ở. Sự biến đổi trong văn hóa ở thể hiện tương đối rõ rệt. Do tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất rừng bị thu hẹp hoặc đều đã có chủ nên nguyên vật liệu để làm một ngôi nhà kiểu cổ truyền ngày càng hiếm. Thay thế cho các nguồn nguyên vật liệu cũ như tre, gỗ, nứa, lá là các vật liệu xây dựng mới – sản phẩm của quá trình công nghiệp hóa – như xi măng, sắt thép, tấm lợp tôn hoặc phi – pro xi măng. Loại hình nhà cũng có sự thay đổi đáng kể. Nhiều người đã chọn các loại nhà mái bằng, cấp 4, nhà tầng giống như người Việt ở Đồng bằng Bắc Bộ.
5.2.2.2. Đối với lĩnh vực văn hóa tinh thần
Có thể nói, sự biến đổi của văn hóa Mường thể hiện mạnh nhất ở tập quán tín ngưỡng, lễ hội và ma chay. Nó thể hiện sự giao thoa mạnh mẽ với nền văn hóa của dân tộc Kinh, một số lễ Tết vốn trước kia chỉ có ở người Kinh thì nay đã phổ biến ở người Mường. Nhiều lễ hội truyền thống của người Mường trước kia nay đã không còn nữa hoặc có chăng, chỉ còn rơi rớt lại ở một vài nơi, không phổ biến nữa. Tuy nhiên, lại xuất hiện thêm các lễ Tết mới như Tết Độc lập 2/9, Tết 19/8 mừng Cách mạng tháng 8 thành công, ngày Hội Đại đoàn kết các dân tộc.
5.2.2.3. Đối với lĩnh vực tổ chức đời sống văn hóa xã hội
Sự thay đổi thể chế chính trị xã hội kéo theo sự mai một của nhiều hệ giá trị truyền thống đi kèm theo đó, đặc biệt là các hệ giá trị gia đình, dòng họ và tính cố kết cộng đồng.
5.2.3. Xu hướng bảo tồn
- Văn hóa ẩm thực. Trải qua thời gian, nhiều loại ẩm thực truyền thống vẫn được duy trì trong cuộc sống hàng ngày và đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết. Tiêu biểu như một số loại ẩm thực như thịt lợn Mường, nếp nương, gà đồi, măng chua nấu hạt dổi, cá nấu măng, v.v.
- Văn hóa trang phục. Do nhiều nguyên nhân, trong thời kỳ Đổi mới, văn hoá trang phục của người Mường có sự biến đổi rất mạnh, đặc biệt là ở những vùng trung tâm, nơi có sự giao lưu văn hoá mạnh mẽ với các dân tộc khác. Tuy nhiên, ở một số vùng sâu, vùng xa, và ở các nhóm người cao tuổi, các trang phục truyền thống vẫn được duy trì.
Xu hướng bảo tồn tập trung chủ yếu ở người cao tuổi và phụ nữ. Tỷ lệ mặc trang phục truyền thống ở người già cao luôn cao hơn người trẻ và phụ nữ cao hơn nam giới.
- Văn hóa tinh thần. Mặc dù văn hoá tinh thần của người Mường đã và đang có nhiều thay đổi so với trước kia theo xu hướng mai một và xu hướng cách tân, đổi mới, nhưng người Mường vẫn cố gắng lưu giữ lại một số bản sắc văn hoá tinh thần độc đáo của mình.  Một số các bảo tàng dân tộc như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng văn hoá Hòa Bình, v.v. đã và đang tích cực sưu tập và lưu giữ các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể nhằm bảo tồn và chia sẻ các giá trị văn hoá này.
- Về tổ chức đời sống văn hóa xã hội: Có thể khẳng định rằng, quan hệ gia đình, dòng họ vẫn là hình thức gia đình phụ quyền, người đàn ông có tiếng nói quan trọng, quyết định trong gia đình. Quan hệ gia đình, dòng họ vẫn là một mối quan hệ tương đối bền vững không khác nhiều so với truyền thống. Mặc dù vậy, vai trò của người phụ nữ ngày càng được củng cố, góp phần thúc đẩy mối quan hệ giới theo xu hướng bình đẳng.
5.2.4. Xu hướng giao lưu, hội nhập
Hoạt động buôn bán ngày càng len lỏi vào tận các bản mường xa, từng bước tạo nên mối quan hệ giữa miền xuôi và miền ngược, giữa người Mường, người Kinh và các dân tộc khác, góp phần thúc đẩy mối quan hệ giao lưu văn hoá - kinh tế giữa các tộc người.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận

Kết quả nghiên cứu và các phân tích đã giúp kiểm nghiệm lại các giả thuyết nghiên cứu và trả lời các câu hỏi nghiên cứu đã đặt ra ở phần mở đầu của Luận án.
Sự biến đổi và phát triển là quy luật chung của bất kỳ sự vật, hiện tượng nào. Bản thân văn hóa là một hình thái ý thức xã hội cũng không nằm ngoài quy luật chung ấy. Về mặt chủ quan, đúng như lý thuyết phân tích văn hóa của M.Weber đã nói, hành động làm thay đổi văn hóa và lối sống của con người còn phụ thuộc vào chính ý thức chủ quan của họ. Xét từ góc độ này, văn hóa Mường không phải đến giờ mới thay đổi.  Từ trong lịch sử, họ đã giao lưu, tiếp xúc, tiếp nhận và tiếp biến nền văn hoá của các dân tộc khác để tạo nên nền văn hóa riêng của mình.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, sự tăng cường giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội giữa các vùng miền, các dân tộc, văn hóa Mường thể hiện tính giao thoa sâu sắc và có nhiều đổi khác so với nền văn hóa truyền thống. Một mặt, văn hóa Mường tiếp thu những nét độc đáo, hiện đại của các nền văn hóa khác, đặc biệt là dân tộc Kinh, bổ sung và làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời loại bỏ, sàng lọc những hủ tục lỗi thời về phong tục, tập quán, tín ngưỡng. Mặt khác, sự biến đổi của văn hóa Mường đã có những biểu hiện rõ nét của sự mất dần bản sắc truyền thống, ví dụ như một số lễ hội nổi tiếng như hội sắc bùa, hội xuống đồng, Tết cơm mới,... đã không còn phổ biến, không còn được nhiều người biết đến nữa, đặc biệt là thanh niên.
Qua các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, sự biến đổi các giá trị văn hóa và tính cố kết cộng đồng của dân tộc Mường được biểu hiện rất phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực: tập quán và công cụ sản xuất, tập quán sinh hoạt thường nhật và tiêu dùng, quan hệ gia đình dòng họ và cách thức tổ chức đời sống cộng đồng; tập quán tín ngưỡng, lễ hội, ma chay, cưới xin,… Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, tập quán sản xuất và công cụ sản xuất là hai yếu tố biến đổi mạnh mẽ nhất, tiếp đến là tổ chức đời sống cộng đồng. Đồng thời, đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng tác động tới sự biến đổi các giá trị văn hóa khác.
Sự biến đổi của tập quán và công cụ sản xuất, tiêu dùng thể hiện ở việc ứng dụng KHKT hiện đại để sản xuất hàng hóa và sinh hoạt như đưa giống mới cây trồng, vật nuôi vào sản xuất; thay thế các công cụ sản xuất thô sơ bằng các công cụ hiện đại như thay trâu bằng máy cày, thay giã gạo thủ công bằng máy xay xát, thay máy tuốt thủ công bằng máy tuốt chạy bằng động cơ,… Chính điều này đã giúp nâng cao năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao mức sống của đồng bào.
Cùng với sự biến đổi mạnh mẽ về tập quán và công cụ sản xuất là sự biến đổi về tập quán sinh hoạt thường nhật và tiêu dùng - nhiều đồ dùng thô sơ, thủ công, tự làm cũng được thay bằng các tiện nghi hiện đại mua ngoài thị trường; sự biến đổi về tập quán tín ngưỡng, lễ hội, phong tục cưới xin, ma chay. Sự biến đổi này theo chiều hướng đơn giản hóa, lược bỏ bớt các hủ tục lạc hậu, các thủ tục rườm rà, hao tốn thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên, sự biến đổi cũng làm mất đi những tập quán tín ngưỡng, lễ hội vốn được coi là bản sắc của người Mường. Đồng thời, các lễ hội mới cũng được bổ sung làm phong phú thêm BSVH Mường.
Cách thức tổ chức đời sống cộng đồng có nhiều thay đổi lớn lao cùng với sự thay đổi về chế độ chính trị, từ chế độ Lang Cun qua chế độ hợp tác xã và bây giờ là bộ máy hành chính nhà nước (xã - thôn/bản). Tuy nhiên, quan hệ gia đình, dòng họ và cộng đồng vẫn còn tương đối đậm nét truyền thống, thể hiện sự gắn kết sâu sắc giữa những người thuộc tộc Mường với nhau.
Văn hoá Mường biến đổi theo ba xu hướng chính, đó là xu hướng cách tân đổi mới, xu hướng mai một và xu hướng bảo tồn, trong đó, nổi bật lên là xu hướng cách tân, đổi mới theo chiều hướng giao lưu, hội nhập giữa các nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân tộc Kinh, điển hình cho sự biến đổi theo xu hướng này là các thành tố văn hóa như ngôn ngữ, cách làm nhà ở, việc sử dụng các tiện nghi sinh hoạt, tập quán tín ngưỡng, lễ hội, cưới xin và ma chay.
Có thể nói, văn hóa là phạm trù lịch sử, là một hình thái ý thức xã hội có môi trường phát sinh, có điều kiện phát triển và biến đổi, được quyết định bởi đặc thù của nền kinh tế. Văn hóa truyền thống dân tộc Mường được hình thành, phát triển trong cơ chế tự túc, tự cấp và sản xuất bằng kỹ thuật thủ công. Nay chuyển đổi từ cơ chế tự cấp tự túc sang cơ chế thị trường, từ kỹ thuật thủ công thô sơ sang máy móc hiện đại chạy bằng động cơ thì tất yếu dẫn đến sự biến đổi trong nền văn hóa truyền thống. Sự biến đổi này thể hiện theo chiều hướng giao lưu hội nhập giữa các nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân tộc Kinh.
Sự biến đổi các giá trị văn hóa của dân tộc Mường chịu tác động tổng hợp của nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính phải kể đến là sự tác động mạnh mẽ của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước cũng như sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Điều này đã giúp cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, gián tiếp làm thay đổi các giá trị văn hóa.
Sự biến đổi văn hóa đồng thời cũng là sự phát triển văn hóa, phát triển từ truyền thống sang hiện đại. Trong quá trình biến đổi đó, tất nhiên có nhiều diễn biến hoàn toàn phù hợp với quy luật xã hội. Tuy nhiên, cũng có những diễn biến chưa phù hợp với quy luật chung, làm tổn hại đến văn hóa truyền thống, không phản ánh đúng quy luật của văn hóa là quy luật kế thừa, là sự tiếp nối, sự phát triển trên nền văn hóa truyền thống tiến dần từng bước tới hiện đại.
Trên cơ sở lý luận về quy luật vận động, biến đổi của văn hóa và đường lối, chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước cung như kết quả nghiên cứu về thực trạng biến đổi văn hóa dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình và tìm hiểu các nguyên nhân tác động đến sự biến đổi văn hóa và tính cố kết cộng đồng của dân tộc Mường, tác giả đề xuất vận dụng tổng hợp các biện pháp sau nhằm góp phần bảo tồn và phát huy BSVH dân tộc Mường: 
Thứ nhất là, về mặt nhận thức, giáo dục cho thế hệ trẻ ý thức tôn trọng, lòng tự hào của cán bộ, nhân dân lớp trẻ Mường về BSVH truyền thống, thậm chí, có thể đưa vào giảng dạy trong nhà trường các nội dung liên quan đến bảo tồn và phát huy BSVH dân tộc.
cần nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng tự hào của cán bộ, nhân dân lớp trẻ Mường về BSVH Mường, đó là một trong những lòng tự hào chân chính được khẳng định bởi lịch sử:
- Tộc Mường là tộc bản địa có cội rễ lâu đời trên đất nước ta, hiện còn giữ được nhiều nhất mối liên hệ với văn hóa Á Đông.
- Tộc Mường gắn liền với địa danh “văn hóa Hòa Bình” – vùng đất tiêu biểu cho một trong những thời kì phát triển rực rỡ của nền văn hóa Đông Nam Á.
- Bảo tồn, phát huy, phát triển BSVH Mường không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc Mường mà còn có ý nghĩa với nền văn hóa Việt Nam và văn hóa khu vực Đông Nam Á.
Trong hoạt động nâng cao nhận thức, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng về chính sách dân tộc và chính sách văn hóa cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và có giải pháp phù hợp với từng đối tượng, từng nội dung văn hóa cụ thể.
Thứ hai, về một số chính sách văn hóa, cần khuyến khích duy trì và khôi phục một số nét đẹp văn hóa cũng như loại bỏ các hủ tục lạc hậu. Ví dụ như sau:
- Cưới hỏi: khuyến khích cô dâu mặc trang phục truyền thống, hát dân ca và nhạc cồng chiêng trong lễ cưới, duy trì tục cô dâu tặng chăn, gối truyền thống cho ông bà, cha mẹ bên chồng với tư cách như một giá trị tinh thần.
- Lễ tang: Loại bỏ hủ tục, thực hiện nếp sống mới trong lễ tang. Đám tang có thể diễn ra 2-3 ngày và định hướng Thầy Mo những nội dung Mo mang giá trị nhân văn cao
- Lễ hội: Đầu tư, khôi phục và tăng cường tổ chức các lễ hội truyền thống, đồng thời kết hợp với các hoạt động văn hóa mới, mang tính hiện đại để thu hút đông đảo cộng đồng tham gia, tham dự.
Có các biện pháp lưu ký tài liệu lễ hội dưới dạng chữ viết để có thể lưu truyền. Do không có chữ viết riêng, các lễ hội của người Mường ngày càng bị mai một trông thấy. Các lễ hội nổi tiếng như hội sắc bùa, hội xuống đồng, lễ Mụ Thố tới nay dường như chỉ còn người già biết đến và ít được lưu truyền cho con cháu. Chính vì thế, nó cần được ghi chép lại và tổ chức rộng rãi trong cộng đồng.
- Cần thực hiện hiện đại hóa văn hóa dân tộc, tức là ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào cuộc sống vật chất và tinh thần của đồng bào, loại bỏ bớt các hủ tục lạc hậu ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của đồng bào. Hiện đại hóa VHVC như ứng dụng các phương tiện kỹ thuật công nghiệp hiện đại để làm nhà theo kiểu truyền thống cho đẹp, chắc chắn và tiện dụng cho sinh hoạt, nghỉ ngơi; sử dụng các tiện nghi hiện đại, tiện dụng cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, sử dụng thông tin liên lạc để tiết kiệm thời gian, công sức.
- Phát triển hệ thống luật trong lĩnh vực văn hoá nhằm khắc phục tình trạng nhiều hoạt động văn hoá được triển khai nhưng không có khung pháp lý.
Thứ ba, tôn vinh những cá nhân có tài, có đóng góp lớn trong việc bảo tồn và phát huy BSVH dân tộc Mường. Cần có chính sách tôn vinh những thợ dệt thổ cẩm tài hoa, những Thầy Mo có nhiều công lưu giữ, sáng tạo Mo Mường, những người thuộc và có công truyền bá dân ca Mường nhằm khơi dậy lòng yêu nghề và tự hào về bản sắc truyền thống dân tộc Mình.
Thứ tư, việc lưu ký tư liệu văn hóa Mường, trong đó có Mo Mường cũng được xem là vấn đề cấp thiết. Do không có chữ viết riêng, đồng thời việc lưu ký các tư liệu văn hóa chưa được chú trọng, nên các phong tục, tập quán, lễ nghi chủ yếu được truyền miệng. Điều này dẫn tới hiện tượng thất truyền lớn. Việc ghi chép có thể thực hiện bằng tiếng Việt.
Thứ năm, bảo tồn những ngôi nhà cổ và hiện đại hóa nhà sàn truyền thống của người Mường. Một số ngôi nhà sàn cổ tiêu biểu cần được đề xuất xếp hạng di tích và có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng. Khuyến khích làm nhà văn hóa thôn bản và xây dựng theo kiến trúc nhà sàn cải tiến vừa phù hợp với nguyên vật liệu sẵn có mà vẫn bảo lưu được những giá trị nhà ở truyền thống.
Thứ sáu, tiếp tục phát huy phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa kết hợp với xây dựng BSVH. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động văn hóa thông tin, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa thông tin tuyên truyền, đặc biệt là cán bộ dân tộc thiểu số.
Bảo tồn văn hóa dân tộc có nghĩa là vừa loại bỏ được các hủ tục lạc hậu, gìn giữ và phát triển được BSVH của dân tộc đó lại vừa tiếp thu được những nét độc đáo của các nền văn hóa khác, bổ sung để làm phong phú thêm cho nền văn hóa dân tộc mình.







[1] Nguyễn Từ Chi, 1996, Góp phần tìm hiểu văn hóa tộc người, NXB VHTT, Hà Nội

văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn