Về thiết chế văn hóa cơ sở

http://www.ninhthuantourist.com
Thiết chế văn hóa là tên gọi của những cơ sở văn hóa ở địa phương. Thực tế hệ thống này tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Đa phần thiết chế văn hóa cấp tỉnh hay huyện mang “mũ” là Trung tâm văn hóa nhưng ở xã và thôn, làng, bản, ấp người dân gọi là Nhà văn hóa, Nhà rông văn hóa…


Trong thời kỳ đất nước đổi mới, thiết chế văn hóa đã và đang chuyển mình trở thành thiết chế văn hóa đa năng, bao gồm cả hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thông tin triển lãm và cả tổ chức hội họp, sinh hoạt các CLB, đoàn thể…
Trong hoạt động, các thiết chế văn hóa đã thực hiện được chức năng, nhiệm vụ cơ bản là: Thông tin, tuyên truyền, giáo dục và bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho nhân dân về các mặt chính trị, văn hóa; hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa – thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa, vui chơi giải trí của nhân dân.
Với tính chất “đa di năng” như thế, có thể khẳng định hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở giữ vai trò nòng cốt trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến văn hóa…
Đáng ghi nhận là trong những năm gần đây, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đã được quan tâm, đầu tư tốt hơn. Nhiều Trung tâm văn hóa, Nhà văn hóa tại các địa phương đã được xây dựng khang trang, kiến trúc đẹp hơn. Trước đòi hỏi của cuộc sống ngày càng được nâng cao, hoạt động của các thiết chế văn hóa ít nhiều đã có những bước chuyển mình, đổi mới cả về nội dung, hình thức tổ chức và hoạt động.
Theo thống kê, hiện toàn quốc có 72 thiết chế văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện và quận có 542/698 quận huyện có thiết chế văn hóa. Ở cấp xã, phường và thị trấn có 4.823//11.100 xã phường và thị trấn có Trung tâm văn hóa, đạt tỉ lệ 43,4% và tại cấp thôn, làng, bản, ấp theo báo cáo chưa thật đầy đủ của các Sở VHTTDL các tỉnh thành hiện trên toàn quốc có 45.259/101.231 thôn, làng, bản, ấp có nhà văn hóa, đạt tỉ lệ 45%. Đấy là những con số biết nói cho thấy hệ thống thiết chế văn hóa đã và đang ngày càng lớn mạnh, ít nhất là về mặt số lượng.
Dù vậy, điều đáng suy nghĩ là hiện nay có 8 tỉnh có bộ máy hoạt động nhưng nhiều năm qua chưa có địa điểm hoặc Trung tâm văn hóa đang bàn giao địa điểm hoạt động để xây dựng công trình khác tỉnh như Phú Thọ, Điện Biên, Quảng Ninh, An Giang, Cà Mau, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Tuyên Quang. Bên cạnh đó, hưởng thụ văn hóa ở thành thị và nông thôn, miền núi cũng đang tồn tại một khoảng cách chênh lệch mà các thiết chế văn hóa cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, bất cập phải vượt qua…

“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”

Trong những năm gần đây, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về thiết chế văn hóa đã được ban hành như Thông tư quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; Thông tư số 11/2010/TT-BVHTTDL Quy định tiêu chí của Trung tâm VHTTDL quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; Thông tư số 06/2011/ TT-BVHTTDL quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa – Khu thể thao thôn…
Không thể phủ nhận, hệ thống văn bản pháp quy đó đã đem đến kim chỉ nam, tạo sức bật cho thiết chế văn hóa giữ vững và phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở…
Dù vậy, để thiết chế văn hóa thực sự phát huy sức mạnh, giá trị việc linh động cả trong cơ chế lẫn nội dung, hình thức hoạt động của địa phương thực sự đóng vai trò quan trọng. Không thể phủ nhận, hiện nay đội ngũ văn hóa cơ sở tác nghiệp còn thiếu và yếu ở địa phương, trong khi công tác quản lý, tổ chức hoạt động còn nhiều bất cập, nặng cơ chế xin cho…
        Đó là một trong những mặt khiếm khuyết mà chính những người làm văn hóa ít nhiều nhận ra và đang vươn mình vượt qua.
Sự quan tâm của nhiều địa phương cũng chưa thật đúng mực với thiết chế văn hóa, nhiều thiết chế văn hóa chỉ mang hình thức mà gần như không có nhiều hoạt động…
Nhưng nhìn chung đó chỉ là những tì vết nhỏ, bởi chỉ tính riêng 2009 – 2011, các Trung tâm văn hóa tỉnh/thành đã tổ chức hơn 1000 liên hoan tuyên truyền lưu động, 500 hội thi, hội diễn, liên hoan phục vụ các ngày lễ lớn…
Đáng mừng là những năm gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động theo hướng xã hội hóa, năng động ở các địa phương. Điển hình của tổ chức hoạt động, thực hiện theo cơ chế quản lý mới là TP.HCM. Trung tâm văn hóa quận 1 của thành phố mang tên Bác mỗi năm chi khoảng 1 tỷ đồng nhưng nhờ các hoạt động văn hóa và dịch vụ năng động khác đã tạo ra nguồn thu 8 tỷ đồng/ năm, tạo việc làm cho 78 cán bộ, viên chức.
Hay như Trung tâm văn hóa quận 12 – TP.HCM đã đầu tư 20 tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng hoàn toàn không phải vốn ngân sách nhà nước mà bằng cách huy động các cá nhân, tổ chức, tập thể đầu tư…
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu với 82 đội văn nghệ quần chúng đã tích cực hoạt động mỗi năm 500 buổi diễn, phục vụ 150.000 lượt người, tạo nguồn thu đáng kể để duy trì, phát triển hoạt động văn hóa cấp xã, phường, thị trấn…
Ngoài ra, xu hướng xã hội hóa trong hoạt động, tổ chức Trung tâm văn hóa ở các cơ sở còn xuất hiện ở các địa phương vùng cao. Đơn cử như Trung tâm văn hóa thể thao huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La. Vẻn vẹn 13 biên chế chính thức cùng 10 hợp đồng lao động, Trung tâm đã tạo dựng cơ sở vật chất khá vững chắc với 1 nhà văn hóa, 1 SVĐ, 1 xe thông tin lưu động, 1 thư viện, 1 bộ sân khấu lưu động, 1 bộ âm thanh ánh sáng…
Bên cạnh các hoạt động phục vụ tuyên truyền, chính trị, Trung tâm còn nhận những việc làm khác để thu hút nguồn thu. Làm biển pano, quảng cáo cho các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn huyện, đến nay Trung tâm đã xây dựng được 22 pano cụm cổ động, 28 cụm cột treo băng rôn cố định, kẻ vẽ và trang trí khánh tiết cắt dán 375 maket, căng treo 1.407 lượt băng rôn vượt đường… Đấy thực sự là những điểm sáng cần nhân rộng trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.

Phúc Anh
văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn