Nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam

BỘ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA TP. HỒ CHÍ MINH
KHOA VĂN HÓA HỌC
SV: Trần Nguyễn Ngọc Lan




BÀI TIỂU LUẬN KẾT THÚC HỌC PHẦN:
VĂN HÓA VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH ĐÔNG NAM Á

Đề tài: Nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam



GVHD: Phan Quốc Anh
SVTH: Trần Nguyễn Ngọc Loan
MSSV: 1450161066
Lớp: ĐH Văn Hóa Học 8


MỤC LỤC:
MỞ ĐẦU…………………………………………………………….……...1
CHƯƠNG 1: Khái quát nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam
1.    Khái niệm……………………………………………………….…….1
2.    Nguồn gốc âm nhạc cổ truyền Việt Nam…………………………......2
3.    Các thể loại âm nhạc cổ truyền Việt Nam……………………….……2
3.1           Âm nhạc dân gian………………………………………….….2.3
3.2           Âm nhạc cung đình…………………………………………....3.4
3.3           Võ nhạc Tây Sơn……………………………………………...4.5
3.4           Các thể loại khác………………………………………………..5
CHƯƠNG 2: Nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam phát triển qua từng giai đoạn lịch sử
1.    Thời đại Hùng Vương và thời Bắc thuộc………………………….….5
1.1           Sinh hoạt âm nhạc thời đại Hùng Vương…………………......5.6
1.2           Âm nhạc thời kỳ Bắc thuộc…………………………………...6.7
2.    Âm nhạc cổ truyền thời kỳ phong kiến……………………………….7
2.1           Âm nhạc thời Lý Trần…………………………………….…….7
2.2           Âm nhạc thời Nguyễn…………………………………………8.9
2.3           Âm nhạc thời Lê………………………………………………...9
3.    Âm nhạc Việt Nam từ khi thực dân Pháp xâm lược đến cách mạng tháng 8 năm 1945……………………………………………....9.10.11
4.    Âm nhạc cổ truyền Việt Nam giai đoạn 1945- 1975…………….11.12
5.    Âm nhạc cổ truyền Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay………..…12.13
CHƯƠNG 3: Nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á
1.    Âm nhạc cổ truyền trong sự phát triển cùng thời đại………………..13
2.    Mối quan hệ giữa âm nhạc cổ truyền Việt Nam với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á……………………………………...14.15
3.    Nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam trong xu hướng hội nhập Đông Nam Á và thế giới…………………………………………………………15
KẾT LUẬN……………………………………………………………….16
TÀI LIỆU THAM KHẢO………………………………………………..17


MỞ ĐẦU:
VIỆT NAM- tự hào hai tiếng Việt Nam, nhìn lại lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, chúng ta có quyền tự hào với truyền thống yêu nước và đoàn kết của cha ông ta, tự hào với kho tàng thơ ca vô cùng đa dạng,… và đặc biệt tự hào với nền âm nhạc cổ truyền mang trong mình những giá trị vô giá. Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em, điều đó đồng nghĩa rằng có 54 nền âm nhạc truyền thống khác nhau.. Âm nhạc cổ truyền Việt Nam phong phú bởi sự tích đọng những thể loại thuộc nhiều thời đại khác nhau và bởi cả tính đa sắc tộc. Cùng một thể loại ca nhạc song ở mỗi sắc tộc lại có phương thức biểu hiện, diễn tấu và âm điệu riêng. Điệu hát ru Việt khác ru Thái, ru Dao, ru Mường… Có tộc dùng lời ca tiếng hát để đưa trẻ vào giấc ngủ. Có tộc lại ru con bằng tiếng đàn, tiếng sáo êm ái.
Đồng hành cùng lịch sử, âm nhạc cổ truyền đã không ngừng phát triển ngay từ buổi đầu dựng nước. Ngay từ thời cổ, cư dân ở Việt Nam đã rất say mê âm nhạc, đối với họ âm nhạc là một nhu cầu không thể thiếu. Vì thế trong quá trình phát triển lịch sử, dân tộc ta đã sáng tạo nên rất nhiều loại nhạc khí và thể loại ca nhạc để bộc lộ tâm tư tình cảm, để có thêm sự phấn chấn và sức mạnh trong lao động, trong chiến đấu, để giáo dục cho con cháu truyền thống của ông cha, đạo lý làm người, để giao tiếp với thế giới thần linh trong tâm tưởng và để bay lên với những ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc trong hiện tại và trong tương lai…
Trải qua bao biến thiên, ngày nay âm nhạc cổ truyền vẫn giữ một vị trí đáng kể trong xã hội. Một số thể loại ca nhạc vẫn tồn tại trong cuộc sống dân dã. Một số khác đã bước lên sân khấu, tiếp tục làm đẹp cho đời và tạo nên màu sắc riêng biệt cho nền âm nhạc Việt Nam…

CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT NỀN ÂM NHẠC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
1.     Khái niệm:
Âm nhạc là nghệ thuật lấy âm thanh làm phương tiện biểu hiện, khắc họa cuộc sống và thể hiện tư tưởng tình cảm của con người. Âm nhạc là tiếng nói tình cảm sâu sắc, đi thẳng trực tiếp vào trái tim con người và không thể diễn tả bằng lời.
Nhạc cổ truyền Việt Nam là ngành âm nhạc của Việt Nam, thường hiểu là thuộc dân tộc Kinh, nhạc cổ truyền được hiểu là một loại nhạc xưa truyền tụng, lưu giữa cho tới ngày nay.


2.        Nguồn gốc âm nhạc cổ truyền Việt Nam:
Trong âm nhạc nói chung, qua nhiều nghiên cứu lịch sử có thể thấy: âm nhạc ra đời rất sớm, khi con người còn đang ở thời kỳ nguyên thủy. Có ý kiến cho rằng: cùng với sự xuất hiện của tiếng nói thì âm nhạc cũng xuất hiện. Tiếng nói chính là cơ sở hình thành lên giai điệu trong âm nhạc. Cùng với tiếng nói, âm nhạc còn bắt nguồn từ lao động- nhịp điệu lao động mà chủ yếu là lao động tập thể: nhịp điệu lao động là cơ sở tạo nên tiết tấu trong âm nhạc, ban đầu chỉ là những tiếng hò dô để thông nhất động tác làm việc của nhiều người. Dần dần thông qua nhịp điệu của những tiếng hò dô ấy người ta hát lên những lời động viên nhau hoặc giãi bầy với nhau và nhịp điệu ấy trơ thành tiết tấu của một loại làn điệu… Ở khía cạnh khác đó là loại “nhịp sinh lý”- nhịp sinh lý con người như hơi thở tim đập, bước đi...cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới sự hình thành tiết tấu trong âm nhạc, nhất là các nhịp sinh lý đó được thể hiện vào các động tác nhảy múa.
Dân tộc Việt Nam hình thành trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Nó bao gồm nhiều thành phần, ít nhiều có khác nhau về phong tục tập quán, nhưng họ đều là con một gốc, đều thuộc vào chủng tộc Nam Á. Nền âm nhạc dân tộc cổ truyền nước ta cũng vậy, nó mang những đặc điểm Việt Nam nói chung, được các thành phần dân tộc xây đắp nên trong quá trình bốn ngàn năm lịch sử. Mặt khác, nền âm nhạc dân tộc đó lại phong phú về màu sắc địa phương và màu sắc dân tộc Việt Nam…
Nhìn chung nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam gồm hai thành phần lớn. Thành phần thứ nhất do nhân dân lao động sáng tạo và trình diễn, thường gọi là âm nhạc dân gian hay âm nhạc truyền miệng. Thành phần thứ hai do các nghệ sĩ sáng tạo và biểu diễn, thường gọi là âm nhạc chuyên nghiệp. Trong hai thành phần này, âm nhạc dân gian chiếm tỷ trọng lớn, có vai trò cơ sở. Âm nhạc chuyên nghiệp có nguồn gốc từ âm nhạc dân gian. Giữa hai loại âm nhạc này luôn luôn có sự chuyển hoá, bổ sung lẫn cho nhau nhiều tầng, nhiều lần và theo cả hai chiều, làm cho chỉnh thể nền âm nhạc dân tộc ngày càng hoàn chỉnh và phong phú hơn. Mặt khác, mỗi loại âm nhạc đó lại có những chức năng xã hội và những đặc điểm riêng mà loại kia không có được, mỗi loại đều giữ một vị trí nhất định.

3.        Các thể loại âm nhạc cổ truyền Việt Nam:
3.1Âmnhạcdân gian:
Âm nhạc dân gian Việt Nam gắn bó mật thiết với cuộc sống của tất cả các dân tộc Việt Nam, dàn trải theo chiều dài đất nước.Tới bất cứ nơi nào của Tổ quốc, chúng ta đều có thể thấy được bóng dáng âm nhạc dân gian ẩn chứa trong đời sống của mỗi gia đình, mỗi làng quê, mỗi vùng miền và nhất là trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt. Đặc biệt, âm nhạc dân gian chủ yếu đều do nhân dân lao động sáng tạo và trình diễn trong quá trình lao động, sinh hoạt hằng ngày; chính vì vậy âm nhạc dân gian luôn khoác lên một màu sắc giản dị, đậm chất làng quê Việt…
Trong không gian văn hóa các dân tộc miền núi phía Bắc (bao gồm cả Tây Bắc và Việt Bắc) luôn vang lên những câu hát “Sli”, “Lượn”, “Then” của người Tày - Nùng; tiếng hát “Khắp” của các chàng trai cô gái Thái; hát “Rang” của người Mường; tiếng sáo dặt dìu gọi bạn của trai bản Hmông; những điệu múa “Xoè”, múa “Sạp”, múa “Khèn”, múa “Bông” hòa cùng tiếng đàn tính tẩu, tiếng kèn môi, khèn bè, cồng chiêng... Vùng văn hoá châu thổ Bắc Bộ với địa lý nằm giữa lưu vực sông Hồng và sông Mã, là tâm điểm chính của con đường giao lưu hai miền Bắc - Nam cũng là một cái nôi hình thành nên dân tộc Việt. Âm nhạc dân gian nơi đây mang những đặc điểm vùng miền đậm nét, tiêu biểu với các thể loại: hát Quan họ, hát Xoan, Hát Ghẹo, hát Trống quân, hát Chầu văn, hát Chèo, hát Đúm, Hát Ví, hát Đò đưa...
Vùng văn hoá Trung bộ lại nổi tiếng với những điệu hát Ví, hát Giặm, hát Hò của Nghệ An - Hà Tĩnh; những điệu “Lý”, điệu “Hò” của xứ Huế mộng mơ; hát Bài Chòi của Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên...
 Vùng văn hoá Nam Bộ với những điệu Hò sông nước mênh mang, điệu Lý đằm thắm trữ tình, những câu ca Vọng cổ da diết sâu sắc, những làn điệu dân ca Khơ-me, dân ca Chăm mang đậm bản sắc dân tộc.

Kết quả hình ảnh cho âm nhạc dân gianKết quả hình ảnh cho âm nhạc dân gian

3.2   Âm nhạc cung đình:
"Âm nhạc cung đình" theo nghĩa thông thường được hiểu là các thể loại ca nhạc, kể cả các thể loại ca nhạc đi kèm với múa và kịch hát, dùng trong các lễ nghi cúng tế và triều chính, các ngày quốc lễ do triều đình tổ chức và sinh hoạt vui chơi giải trí của vua và hoàng tộc. Nhạc Cung Đình là một bộ môn âm nhạc truyền thống đặc sắc của Việt Nam có giá trị rất cao về phương diện lịch sử lẫn nghệ thuật. Tuy được sử dụng ở chốn cung đình, nhưng việc sáng tạo và biểu diễn hầu hết đều do những nhạc sĩ, nghệ sĩ xuất thân từ trong dân gian, nhờ có tay nghề cao mà họ được sung vào cung để phục vụ cho triều đình.  Nhạc Cung Đình chỉ có tại kinh thành Huế, một bộ môn âm nhạc hết sức độc đáovà vô cùng tinh vi mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa nhận thức được đầy đủ giá trị độc đáo của nó. Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, đây là bộ môn âm nhạc duy nhứt được ghi vào sử sách từ xa xưa, trải qua bao thăng trầm của các triều đại, bao biến thiên của thời cuộc mà vẫn còn lưu lại được một di sản đáng kể có thể sử dụng để nghiên cứu về nhiều mặt: nhạc khí đa dạng, sắp xếp dàn nhạc tinh vi, nhạc ngữ độc đáo, bài bản dồi dào và quan điểm thẩm mỹ sâu sắc. Còn tên gọi "Nhã Nhạc" được các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời nhà Hồ dùng với những nội hàm khác nhau: khi để chỉ âm nhạc cung đình nói chung, lễ nhạc cung đình nói riêng, khi để chỉ một tổ chức âm nhạc, thậm chí một dàn nhạc cụ thể.

http://lh4.ggpht.com/_E6uVDrqY9G8/TC1XyLMaXhI/AAAAAAAABg8/Xu5RvLxIIrg/Doi%20nha%20nhac.jpg

3.3Võ nhạc Tây Sơn:
 Nhạc võ Tây Sơn là một nét văn hóa độc đáo của vùng đất Bình Định, xuất phát từ phong trào nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ 18. Nhạc võ là phương pháp dùng âm thanh để nâng cao khí thế luyện tập võ nghệ cũng như tăng cường ý chí chiến đấu của binh sĩ khi lâm trận. Cũng theo truyền thuyết thì tiếng võ nhạc Tây Sơn cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng oanh liệt của vua Quang Trung trong cuộc chiến chống ngoại xâm. Nhạc võ Tây Sơn gồm một bộ 12 cái trống để tượng trưng cho 12 con giáp. Bộ trống được dựng thành dàn, theo thứ tự ba hàng từ lớn đến bé, một bài trống (gồm 3 hồi: xuất quân - xung trận hãm thành - ca khúc khải hoàn) nghệ nhân đánh trống có thể khiến người nghe cảm thấy cảnh mưa rào thác đổ, khi nhặt khi khoan, khi dồn dập bức tim, khi hào hùng phấn chấn…

http://www.baobinhdinh.com.vn/viewimage.aspx?imgid=5079

3.4Các thể loại khác:
Bên cạnh những thể loại âm nhạc mang tính tiêu biểu, góp phần tạo nên màu sắc riêng cho nền âm nhạc cổ truyền nước ta còn có rất nhiều các loại hình khác như: tuồng, chèo, cải lương, vọng cổ, đờn ca tài tử Nam Bộ, múa tín ngưỡng, hát then, hát văn,… mỗi thể loại đều mang một giá trị, một màu sắc riêng, tất cả tạo nên bức tranh âm nhạc cổ truyền đậm đà bản sắc cho dân tộc.



CHƯƠNG 2: NỀN ÂM NHẠC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM PHÁT TRIỂN QUA TỪNG GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ
1.     Thời đại Hùng Vương và thời Bắc thuộc:
1.1  Sinh hoạt âm nhạc thời đại Hùng Vương:
Thời kỳ này, văn hóa hát ru, kể chuyện, hát giao duyên,… đã phát triển. Đó là nguồn âm nhạc mang tính dân gian, mặt khác văn hóa cúng tế vào thời này cũng phát triển mạnh vì giai đoạn này con người chưa hiểu biết về khoa học và đất nước ta thuở sơ khai vốn có nhiều tín ngưỡng. Cũng chính vì vậy, một loại hình âm nhạc “bí truyền” trong thời đại này đã bắt đầu hình thành. Đặc biệt, sinh hoạt âm nhạc luôn gắn với sinh hoạt đời thường, gắn với cuộc sống lao động, gắn với các nghi lễ,…
Nghệ thuật âm nhạc có một vị trí quan trọng trong sinh hoạt và văn hóa tinh thần của người thời Hùng Vương.  Xã hội thời Hùng Vương qua cái nhìn lịch sử là một xã hội vừa náo động với những âm thanh mạnh mẽ của trống chiên, vừa dìu dặt với những âm thanh của kèn sáo và uyển chuyển với những động tác múa. Có thể thấy rằng từ xa xưa con người đã rất yêu thích nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Ở đó cũng dễ dàng nhận thấy sự phát triển về mặt tư duy tình cảm thân thiện qua sự phong phú của nghệ thuật bên những làn điệu được phóng đại của trống đồng còn là tiếng khèn êm ái, tiếng chuông thánh thót, tiếng phách dòn giã. Xu hướng nâng cao làm phong phú thêm cho âm nhạc bằng phương thức góp chung lại các thành tố khác nhau của âm thanh có thể thấy rõ. Những hình thức vũ đạo phong phú đẹp mắt cũng chứng minh rõ ràng về sự phát triển về mặt tư duy thẩm mĩ của con người…
Nhạc cụ thời đại Hùng Vương:
 Đặc điểm và sự phát triển của âm nhạc và vũ đạo thời Hùng Vương đã đi đến chỗ cố định một số hình thức biểu hiện đặc biệt như: trống đồng, cồng chiên, khèn và động tác múa bàn tay… Những nhạc cụ và động tác múa, mang đặc trưng dân tộc độc đáo này sẽ được bảo lưu lâu dài về sau như một truyền thống văn nghệ đặc sắc. Sự phát triển đặc biệt của những nhạc cụ thuộc bộ gõ ở thời Hùng Vương, một lần nữa cho thấy sự thống nhất của các dân tộc Việt Nam ngay từ thời Hùng vương, chẳng những qua công việc xây dựng truyền thống nghệ thuật mà cả trong văn hóa và lịch sử nói chung.
Tất cả những loại nhạc cụ từ thời Hùng Vương đa phần vẫn được sử dụng trong ngày nay, chỉ khác là mỗi nhạc cụ đều biến đổi về hình thể, cấu tạo để phù hợp hơn với bối cảnh. Một số đã được “điện tử hóa”, “trống” là một nhạc cụ còn giữ được nguyên bản nhất từ xưa đến nay cả về hình dáng lẫn âm hưởng.

1.2      Âm nhạc thời kỳ Bắc thuộc:
Thời kỳ này nước ta nằm dưới sự cai trị của các triều đình Trung Quốc, chính vì vậy mọi hoạt động từ kinh tế, văn hóa, xã hội,… đều chịu tác động và ảnh hưởng nặng nề từ Trung Quốc. Riêng về âm nhạc trong giai đoạn này, bên cạnh một số nhạc cụ có chịu ảnh hưởng Trung Hoa như khánh, chuông,…chịu ảnh hưởng Ấn Độ và Trung Á như trống cơm, hồ cầm, vẫn tồn tại những nhạc cụ độc đáo của nền nhạc Việt như trống, khèn, cồng chiêng… Trải qua nhiều thế kỷ Bắc thuộc, tầm quan trọng của các thể loại hát tuồng và âm nhạc triều đình đến từ Trung Hoa không thể nào không được đề cập đến trong âm nhạc Việt. Các thể loại này đã làm phong phú và tăng thêm chất liệu cho âm nhạc cổ truyền của ta rất nhiều, có thể nói rằng đây là giai đoạn âm nhạc nước ta có nhiều chuyển biến khá rõ rệt, một mặt tiếp thu, một mặt duy trì và phát huy âm nhạc dân tộc thêm nhiều màu sắc và ngày càng phong phú hơn…

2.     Âm nhạc cổ truyền thời kỳ phong kiến:
2.1  Âm nhạc thời Lý Trần:
Ban đầu nhạc Việt thời Lý chịu ảnh hưởng ít nhiều từ nhạc Chiêm Thành (mà nguồn gốc xa từ Tây Thiên tức Ấn Độ) qua những tù binh người Chiêm (cả nam lẫn nữ) bị bắt trong các cuộc nam chinh của nhà Lý; bên canh đó,việc kết hôn giữa Huyền Trân công chúa và vua Chế Mân của Chiêm Thành là một biến cố trọng đại trong sự phát triển âm nhạc Việt Nam.. Năm 1060, Lý Thánh Tông đã cho dịch các khúc nhạc Chiêm Thành và cho nhạc công ca hát. Sau đó, ảnh hưởng của nhạc Trung Quốc tăng dần, các điệu nhạc du nhập từ phương bắc có "Nam thiên nhạc", "Ngọc lâu xuân", "Mộng du tiên", các bài hát có "Trang Chu nằm mộng hóa con bướm", "Bạch Lạc Thiên mẹ biệt ly con"… Nhạc cụ các nhạc công sử dụng thời Lý gồm có trống cơm, tiêu, não, sáo trúc, đàn hồ, đàn cầm, đàn tranh, đàn tỳ bà,đàn 7 dây, đàn 2 dây, đàn bầu
Ở thời Trần, ngoài những ảnh hưởng của Ấn Độ, Chiêm Thành và Trung Quốc cùng với lối hát ả đào đã được hinh thành từ đời trước; nền âm nhạc nước ta lại một lần nữa tăng thêm sự phổ biến và đa dạng thông qua những nhạc công bị bắt từ Chiêm Thành trong các cuộc chiến, họ đã ít nhiều truyền nghề ca hát cho dân Đại Việt.
Trong cuộc chiến chống Nguyên Mông, nhà Trần bắt được nhạc sĩ Lý Nguyên Cát người Nam Tống vốn là trưởng ban kịch ca trong quân đội Nguyên Mông. Lý Nguyên Cát đã phỏng theo tiếng Việt mà soạn ra các vở tuồng và huấn luyện người Việt diễn tuồng. Trong thời kỳ này, các nhạc cụ được sử dụng phổ biến như: trống cơm, tất lật, đàn tranh, đàn 3 dây và đàn 7 dây, tiêu, sáo,
Đến thời Trần Dụ Tông, nhảy múa thường xuyên được tổ chức trong cung đình và trong dân gian. Ngoài chèo, hát ả đào truyền thống khá phổ biến trong dân gian và giới quý tộc, các quý tộc trong cung đình say mê nghệ thuật, nhiều vở hát chèo trong cung đình do chính những người trong hoàng tộc dàn dựng, biểu diễn và nhà vua tự mình duyệt lại, thưởng hậu cho người diễn và làm trò giỏi. Việc ca hát trong cung đình nhà Trần được sứ nhà Nguyên là Trần Cương Trung mô tả trong tác phẩm Sứ giao tập, theo đó mỗi lần yến tiệc trong cung thường có ca nhạc và nhảy múa, các khúc ca giống như khúc Giáng Châu Long, Nhập hoàng đô của phương Bắc, âm điệu cổ nhưng ngắn hơn.



2.2  Âm nhạc thời Nguyễn:
Đây là giai đoạn có nhiều bước “nhảy vọt” trong âm nhạc,  khi triều đình nhà Nguyễn (1802-1945) lên kế vị, tình hình đất nước dần được cải thiện. Nửa đầu thế kỉ XIX, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội dần ổn định đã tạo điều kiện cho văn hóa nghệ thuật có cơ hội phát triển; đặc biệt dưới triều vua Minh Mạng (1820-1840), Thiệu trị (1841- 1847), hay Tự Đức (1848-1883) âm nhạc dùng trong các sự kiện diễn ra tại cung đình được chú trọng đầu tư hơn, và đây cũng là thời kỳ nhã nhạc cung đình Huế thực sự “nở rộ”. Âm nhạc triều đình thời bấy giờ có hai bộ nhạc chính là Nhã nhạc và Tụng nhạc, âm nhạc cung đình được nhà vua coi trọng và giao cho bộ Lễ tổ chức nhiều loại âm nhạc cung đình. Lúc này triều đình quy định có 7 thể loại âm nhạc cụ thể gồm: Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ Tự nhạc, Đại Triều nhạc, Thường Triều nhạc, Yến nhạc, Cung trung nhạc. Sử dụng trong các loại nhạc này do các quan bộ Lễ biên soạn, có nội dung phù hợp với từng cuộc lễ của triều đình.
Mặt khác, loại hình ca nhạc thính phòng Huế thực ra không bó khung trong tầng lớp quý tộc quan lại hay thượng lưu, mà chúng vẫn có đất sống trong không gian dân dã, cũng như được mọi người thưởng thức theo cách của mình. Cũng chính vì không quá xa cách giữa ca Huế và dân ca, cho nên, không ai phản đối, thậm chí, thấy chúng hoà điệu thật đẹp mỗi khi ca sĩ mở đầu bài Nam bình bằng điệu hò Mái nhì.
Trong lĩnh vực diễn xướng: Các loại tuồng giải trí trong cung cấm dành riêng cho giới quý tộc (tuồng thầy) tuyệt đại đa số đều là những phiên bản trong dân gian (tuồng đồ) như Sơn Hậu, Mã Long Mã phụng, Tam quốc,... có điều chỉnh phù hợp với điển chế phong kiến, thể hiện trong tình huống và ngôn ngữ đối thoại. Các vũ khúc nổi tiếng trong cung đình như “Lục cúng hoa đăng” cũng xuất phát từ sự mô phỏng sinh hoạt nhạc lễ Phật giáo trong dân gian. Nhiều bài bản vốn được xem là đặc sản cung đình như Tam luân cửu chuyển, Đăng đàn cung, hay múa Bát dật…, chúng vẫn được diễn trên sân đình làng xã… Tục nhạc ở chốn Giáo phường có dịp thịnh hành, thậm chí được dùng trong các dịp tế giao miếu, lễ vui ở triều đình và tế thần tại các đình làng.
Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2003.

Kết quả hình ảnh cho nhã nhạc cung đình huếKết quả hình ảnh cho nhã nhạc cung đình huế



2.3  Âm nhạc thời Lê:
Dưới thời Lê, âm nhạc được chia tách riêng biệt thành: âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian. Âm nhạc cung đình chỉ chính thức xuất hiện từ thời Lê Thái Tông, giữa ý kiến của Nguyễn Trãi và Lương Đăng, vua Thái Tông chấp nhận ý kiến của Lương Đăng. Lương Đăng được lệnh thiết kế dàn nhạc khí để sử dụng trong những dịp lễ. Bộ nhạc khí cung đình được Lương Đăng thiết kế mô phỏng theo cách của nhà Minh.
Âm nhạc dân gian: Từ đầu thời Hậu Lê đến trước năm 1437, hát chèo vẫn được biểu diễn trong sinh hoạt cung đình. Từ năm 1437, khi âm nhạc cung đình của Lương Đăng chính thức được áp dụng thì Lê Thái Tông ra lệnh bãi bỏ trò hát chèo và thôi không tấu các loại nhạc thông tục dân gian - những loại nhạc này bị triều đình gọi là "dâm nhạc". Tuy ra khỏi cung đình, hát chèo vẫn là thể loại âm nhạc phổ cập nhất trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân thời này. Nhà Lê đã có những chính sách quy định khắc nghiệt với người chuyên làm nghề ca xướng như: Không cho con nhà ca xướng đi thi, con gái nhà ca xướng không được lấy con nhà quan,  nếu quan chức lấy con nhà ca xướng thì sẽ bị đánh gậy và giáng chức, con cháu nhà quan lại lấy con nhà ca xướng sẽ bị đánh và bị buộc phải ly hôn,…

3.     Âm nhạc Việt Nam từ khi thực dân Pháp xâm lược đến cách mạng
tháng 8 năm 1945:
Vào những năm đầu thế kỉ XX, âm nhạc của châu Âu theo chân những người Pháp vào Việt Nam từ rất sớm. Đầu tiên chính là những bài thánh ca trong các nhà thờ Công giáo, các linh mục Việt Nam cũng được dạy về âm nhạc với mục đích truyền giáo. Tiếp đó người dân được làm quen với "nhạc nhà binh" qua các đội kèn đồng. Tầng lớp giàu có ở thành thị được tiếp xúc với nhạc khiêu vũ, nhạc cổ điển phương Tây. Giai đoạn này, các bài hát châu Âu- Mỹ được phổ biến mạnh mẽ ở Việt Nam với các đĩa hát 78 vòng rồi qua những bộ phim nói. Những thanh niên yêu âm nhạc thời kỳ đó bắt đầu chơi mandoline, ghita và cả vĩ cầm, dương cầm... Thời kỳ này một số nhạc sĩ cải lương bắt đầu soạn các nhạc phẩm, thường được gọi là "bài tây theo điệu ta". Người tiêu biểu cho số đó là nghệ sĩ cải lương Tư Chơi, tức Huỳnh Thủ Trung. Ông đã viết các bài Tiếng nhạn trong sương, Hòa duyên và soạn lời Việt cho một vài ca khúc châu Âu thịnh hành khi đó để sử dụng trong các vở sân khấu như: Marinella trong vở Phũ phàng, Pouet Pouet trong Tiếng nói trái tim, Tango mystérieux trong Đóa hoa rừng, La Madelon trong Giọt lệ chung tình... Nghệ sĩ Bảy Nhiêu cũng có một nhạc phẩm là Hoài tình rất được ưu chuộng. Không chỉ các nghệ sĩ, trong giới thanh niên yêu nhạc cũng có phong trào chuyển ngữ các bài hát của Tino Rossi, Rina Ketty, Albert Préjean, Georges Milton... mà họ yêu thích. Những nghệ sĩ sân khấu như Ái Liên, Kim Thoa đã được các hãng đĩa của người Pháp như Odéon, Béka mới thu âm các bài ta theo điệu tây. Khoảng thời gian từ 1935 tới 1938, rất nhiều các bài hát của Pháp như Marinella, C'est à Capri, Tant qu'il y aura des étoiles, Un jour loin de toi, Celle que j'aime éperdument, Les gars de la marine, L'Oncle de Pékin, Guitare d'amour, Créola, Signorina, Sous les ponts de Paris, Le plus beau tango du monde, Colombella... mà phần lớn là sáng tác của nhạc sĩ người Pháp Vincent Scotto và của Mỹ như Goodbye Hawaii, South of The Border... đã được phổ biến mạnh mẽ với lời ca tiếng Việt, soạn bởi một nhà báo trẻ tên là Mai Lâm và bởi những tác giả vô danh khác. Ca sĩ Tino Rossi đặc biệt được giới trẻ yêu thích, đã có những hội Ái Tino được thành lập ở Hà Nội, Hải Phòng.
Có thể nói rằng, đây là giai đoạn nền âm nhạc nước ta thật sự “mở cửa”- giai đoạn hình thành Tân nhạc Việt Nam.Sự bành trướng của âm nhạc phương Tây, cùng với ý thức giữ gìn văn hoá dân tộc đã dẫn tới sự ra đời một loại hình âm nhạc mới được gọi là nhạc cải cách, còn gọi là tân nhạc, nhạc mới. Theo nhạc sĩ Trần Quang Hải đây là "giai đoạn tượng hình", còn Phạm Duy cho rằng những năm đầu thập niên 1930 là "thời kỳ đi tìm nhạc ngữ mới". Trước nhạc mới, không có gì ngoại trừ âm nhạc dân gian và nhạc cung đình truyền thống; bắt đầu từ những năm 30, nhạc mới mang đậm khuynh hướng lãng mạn, khuynh hướng yêu nước có tính hung ca và khuynh hướng cách mạng. Giống như những nhà văn lãng mạn, thi sĩ của phong trào thơ mới chịu ảnh hưởng bởi văn học lãng mạn Pháp, các nhạc sĩ tiền chiến chịu ảnh hưởng bởi âm nhạc phương Tây. Tuy nhiên nền âm nhạc cổ truyền không vì thế mà mai một hay đồng hóa, những nét riêng trong âm nhạc cổ truyền vẫn được lưu giữ qua từng thời kỳ, ở Nam Bộ ra đời sân khấu cải lương,hát bội…ở Trung Bộ vẫn đang ảnh hưởng của triều đình mang tính bảo thủ nên việc cải cách nghệ thuật còn chậm hơn, còn ở miền Bắc hình thành sân khấu chèo…
  Do sự cách tân nên đã hình thành một số thể loại ca kịch dân tộc mới như sân khấu cải lương, ca kịch Huế,sân khấu ca kịch bài chòi… mặc dù ở giai đoạn này cổ nhạc không phát triển mạnh như các giai đoạn trước.

4.     Âm nhạc cổ truyền Việt Nam giai đoạn 1945- 1975:
Cách mạng tháng 8 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời đã mở ra một trang mới cho bước đường phát triển văn học nghệ thuật, trong đó có âm nhạc.Lúc này âm nhạc đã trở thành một ngành nghệ thuật, mọi tầng lớp văn nghệ sĩ, không kể các khuynh hướng khác nhau, một lòng đi theo sự lãnh đạo của Đảng. Phong trào ca hát phát triển sôi nổi, rộng khắp trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là thanh niên và thiếu nhi nổi bật như bài: Khoẻ vì nước của Hùng Lân, Chữ i chữ t của Phong Nhã, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng của Phong Nhã, Ba đình nắng của Bùi Công Kỳ,… Ở các vùng căn cứ kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đề cương văn hoá năm 1943 là “dân tộc – khoa học – đại chúng” và âm nhạc không ngừng phát triển. Hội văn hoá Việt Nam được thành lập, tiếp đến là hội văn nghệ Việt Nam ra đời, trong đó đoàn nhạc sĩ Việt Nam là một thành viên.
Từ 1950-1951 thành lập các đoàn văn công TW để phục vụ kịp thời cho tiền tuyến.
Đài phát thanh của chiến khu và của từng vùng phát đi những bài ca mới để cổ vũ cho các thắng lợi của cuộc kháng chiến.Sự phát triển toàn diện làm cho nghệ thuật âm nhạc cổ truyền được phục hồi, các bài dân ca dân vũ bắt đầu được sưu tầm làm cơ sở cho các sáng tác mới…Chín năm kháng chiến, các nghệ sĩ đã được thực tế rèn luyện, đã có nhiều đề tài, những cảm xúc sống động làm chủ để cho các tác phẩm mới. Nền âm nhạc Việt Nam thời kì từ 1945-1954 đã đạt được những thành tựu đáng kể, làm tiền đề cho giai đoạn mới.
Thời kì từ 1954-1975:sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954miền Nam tiếp tục công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, cùng miền Bắc đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất đất nước, độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ.Ở miền nam tồn tại dòng nhạc phản cách mạng phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị, của chính quyền nguỵ thân Pháp và sau là thân Mỹ. Song vẫn tồn tại dòng âm nhạc yêu nước của nhân dân, của những lực lượng tiên tiến trong xã hội.
Ở miền nam lúc đó có hai cơ sở đào tạo âm nhạc: Quốc gia âm nhạc kịch nghệ Sài Gòn (1956), và ở Huế (1962). Đào tạo cả nhạc cổ và tân nhạc. Ở đây họ chú trọng đào tạo người chơi đàn và hát, không đào tạo sáng tác và nghiên cứu.
Ở miền bắc nền âm nhạc được phát triển toàn diện, cân đối, hài hoà giữa các khâu sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu phê bình, có sự thành lập các đoàn nghệ thuật, coi trọng khâu đào tạo.
Âm nhạc thời kì này có sự tiếp biến, giao thoa với âm nhạc Châu Âu, chủ yếu các nước trong phe xã hội chủ nghĩa.Tháng 9 năm 1956 thành lập trường âm nhạc Việt Nam nay là Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam.Trong những năm chống Mỹ phong trào “tiếng hát át tiếng bom” đã có tác dụng trực tiếp cổ vũ cho cuộc đấu tranh giải phóng thống nhất đất nước… Các thể loại âm nhạc thời kì 1954-1975 phát triển rất phong phú, đặc biệt là trong thanh nhạc và khí nhạc.

5.     Âm nhạc cổ truyền Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay:
Đến giai đoạn này, Việt Nam đã dành được thống nhất bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội với hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xa hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.Nhiệm vụ của văn hoá lúc này đó là xây dựng nền văn hoá mới có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc.Đất nước không còn chiến tranh, hoạt động âm nhạc ngày một phong phú, sự tiếp biến, giao thoa với âm nhạc phương Tây và các nước Đông Nam Á. Ra đời một trào lưu âm nhạc mang nét đặc trưng của nhạc nhẹ thế giới và được xã hội chấp nhận.
Như vậy, âm nhạc Việt Nam ở thời kì này là sự hợp lưu của ba dòng: âm nhạc dân gian - dân tộc, âm nhạc cổ điển- bác học và nhạc nhẹ (theo phong cách hiện đại).
Thể loại ca khúc vẫn có giá trị trong đời sống âm nhạc, ca khúc kiểu nhạc nhẹ được lớp trẻ ưa thích.Các thể loại khí nhạc ngày được bổ sung nhiều tác phẩm mới, các loại hình khác nhau với ngôn ngữ đa dạng.Âm nhạc cách mạng – âm nhạc mới Việt Nam hơn 70 năm qua đã chứng minh tính đúng đắn của phương châm lãnh đạo của Đảng đó là: “xây dựng một nền âm nhạc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Sau khi đất nước thống nhất, lực lượng những người hoạt động âm nhạc càng thêm đông đảo với sự bổ sung đội ngũ những người sáng tác và biểu diễn ở các tỉnh, thành phố phía Nam, đặc biệt là lực lượng âm nhạc từ Hội Văn nghệ Giải phóng. Chính điều này làm cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, phát triển đủ sức đáp ứng những yêu cầu của công cuộc đổi mới cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam luôn kiên định theo đường lối xây dựng một nền âm nhạc dân tộc hiện đại; Phát triển ba dòng âm nhạc: Âm nhạc dân gian dân tộc; Âm nhạc kinh điển- hàn lâm và Âm nhạc đại chúng. Đây là một phương châm chỉ đạo đúng đắn, phù hợp với bước phát triển mới của đời sống âm nhạc, vừa duy trì, hoàn thiện và từng bước nâng cao cái gốc, cái chính thống của nền văn hóa âm nhạc một quốc gia là các dòng nhạc dân tộc, bác học, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của quần chúng rộng rãi, đặc biệt là tuổi trẻ. Cả ba dòng âm nhạc này đều phải gắn với phương châm đi lên từ dân tộc, tiến tới từng bước hiện đại, hội nhập với quốc tế, tức là sự hòa quyện giữa bản sắc dân tộc với nội dung nhân văn, tiến bộ của dân tộc trong thời đại mới.



CHƯƠNG 3:  NỀN ÂM NHẠC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH ĐÔNG NAM Á
1.     Âm nhạc cổ truyền trong sự phát triển cùng thời đại:
Trong những năm qua, Âm nhạc Việt Nam tiếp tục truyền thống của những thế hệ đi trước. Dòng chảy chính vẫn là dòng chính thống, gắn bó với mạch nguồn dân tộc, với vận mệnh của Đất nước, ca ngợi cuộc sống lao động sáng tạo của nhân dân, ôn lại lịch sử hào hùng, ký ức về 2 cuộc chiến tranh Cách mạng, ngợi ca tuổi trẻ, tình yêu, thiên nhiên, hướng tới những giá trị nhân văn.  Đối với mỗi dân tộc trên thế giới, âm nhạc cổ truyền bao giờ cũng giữ vị trí đặc biệt quan trọng, đó là di sản vô cùng quí báu, là tinh hoa sáng tạo nghệ thuật của bao thế hệ tiền nhân, là cơ sở cho sự phát triển nền văn hóa âm nhạc của một dân tộc trong tương lai.
Trong thời đại hiện nay, thời đại của công nghệ thông tin, thời đại mà nền kinh tế nước ta được xác định là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thời đại toàn cầu hóa đã được Đảng ta khẳng định là một tất yếu của lịch sử phát triển xã hội loài người, thì vấn đề bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia càng giữ vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Chính văn hóa là “tấm hộ chiếu” của mỗi dân tộc trong sự hội nhập, giao lưu với thế giới. Và hoàn toàn chính xác khi có người cho rằng văn hóa chính là biểu tượng chứng tỏ sự tồn tại của một dân tộc. Chính vì vậy, có thể một lần nữa khẳng định: phát triển âm nhạc truyền thống là một vấn đề mang tính sống còn đối với nền văn hóa âm nhạc của một dân tộc. Điều đó cũng có nghĩa: “Phát triển âm nhạc truyền thống - ý nghĩa văn hóa và thành tựu nghệ thuật” là một ý tưởng hay, sự cần thiết để có một định hướng đúng đắn cho phát triển của âm nhạc truyền thống trong tương lai. Đây là vấn đề khoa học có vị trí và vai trò rất quan trọng trong một thời đại đầy thuận lợi và thách thức như chúng ta đang sống.

2.   Mối quan hệ giữa âm nhạc cổ truyền Việt Nam với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á:
Âm  nhạc cổ truyền Việt Nam nói riêng và âm nhạc cổ truyền các nước Đông Nam Á nói chung đã song hành với diễn trình lịch sử, cùng tồn tại và phát triển ngày càng phong phú, muôn màu muôn vẻ. Âm nhạc mỗi nước đều có một màu sắc riêng, nhưng trên con đường giữ gìn và phát huy nền âm nhạc cổ truyền, tất cả đều có sự liên kết chặt chẽ, đều ẩn chứa những giá trị tinh thần mang tầm vóc khu vực. Để tạo nên chỉnh thể thống nhất và đa dạng đó có phần đóng góp không nhỏ của nhạc cụ Đông Nam Á. Nhạc cụ ở các nước Đông Nam Á là kho tàng vô giá, được lưu truyền qua nhiều giai đoạn, qua nhiều quá trình giao lưu và sáng tạo. Nói đến nhạc cụ, không thể không nhắc đến các loại nhạc cụ như: nhạc cụ dây, nhạc cụ hơi, nhạc cụ màng rung hay nhạc cụ tự thân vang,...
Về nhạc cụ dây: Đông Nam Á có đủ cả ba loại: dây gảy, dây kéo và dây gõ. Chất liệu để làm dây đàn chủ yếu là kim loại (sắt), dây tơ (tơ tằm), dây ni long. Dây gảy như: đàn bầu, đàn Đáy ở Việt Nam; đàn Kachapi, Sitar ở Inđônêxia; đàn Gambus của Malaixia; đàn Cha Kê ở Thái Lan… Dây gõ: như Tam thập lục ở Việt Nam,…
Nhạc cụ hơi: Trong nhóm nhạc cụ hơi ở Đông Nam Á có các loại như: Hơi lỗ thổi, hơi dăm, hơi lưỡi gà, hơi môi.Hơi lỗ thổi có các loại sáo thổi ngang như: Sáo trúc ở Việt Nam; Khlui ở Thái Lan; Palwei ở Mianma… Các loại sáo thổi dọc như: Tiêu ở Việt Nam; Phloy ở Campuchia; Suling ở Inđônêxia…Hơi dăm (dăm đơn và dăm kép) như: Hnê ở Mianma; Slaray ở Campuchia; Saroenai ở Malaixia; Saroene ở Inđônêxia; kèn Trung, kèn Bầu, kèn Song hỷ ở Việt Nam; Pinai ở Thái Lan…Hơi lưỡi gà có các loại: khèn bè, Pí Pặp, Đinh Năm ở Việt Nam; Khèn ở Lào, Thái Lan…hơi môi có các dạng tù và bằng ốc biển, sừng trâu ở Việt Nam, Thái Lan,...
Về nhạc cụ màng rung: Đông Nam Á có các loại nhạc cụ gõ có mặt bịt bằng da của trâu, bò, voi, dê…Có thể nói trống mặt da khá phổ biến ở các nước Đông Nam Á. Mỗi loại trống hay cách chơi trống đều thể hiện những nét cá tính riêng trong âm nhạc của từng quốc gia.
Cuối cùng là nhạc cụ tự thân vang: loại nhạc cụ này chiếm ưu thế hơn hẳn so với các loại nhạc cụ khác cả về số lượng cũng như cách chế tác cho từng nhạc cụ. Dựa vào vật liệu chế tác có thể chia ra thành: nhạc cụ tự thân vang bằng đồng, bằng gỗ, bằng tre nứa hay bằng nhiều các vật liệu khác.
Mặt khác, yếu tố lịch sử và địa lý cũng làm cho âm nhạc truyền thống giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á trở nên gần gũi hơn. Thái Lan có liên quan đến âm nhạc Trung quốc, Miến Điện, Lào, Campuchia, Java và Bali ở Indonesia và Philippines. Các yếu tố trong âm nhạc truyền thống tồn tại đến ngày nay cho thấy một mối quan hệ mật thiết giữa âm nhạc Thaí Lan và âm nhạc miền Nam Trung Quốc, nơi có quê hương nguyên thủy của người Thái. Hay nói đến âm nhạc Campuchia, sẽ không khó nhận ra nhiều nét tương đồngvới các hình thức âm nhạc, nhạc cụ của: Trung Quốc, Thái Lan, Miến Điện, Lào,Việt Nam,...

3.   Nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam trong xu hướng hội nhập Đông Nam Á và         thế giới:
Hầu như chúng ta đều lo lắng rằng trước xu thế phát triển, hội nhập, những dòng nhạc hiện đại đang có một sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến đại bộ phận giới trẻ Việt Nam, và âm nhạc cổ truyền của dân tộc trở nên lỗi thời, cũ kĩ, không được ưa chuộng nữa. Chính vì thế, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng sẽ dần dần bị mai một rồi biến mất trong một ngày nào đó.
Một sự thật rõ ràng là cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các hình thức nghệ thuật khác trong xu thế hội nhập, giao lưu và tiếp biến văn hoá, thì những giá trị văn hoá truyền thống của chúng ta lại càng có sức sống mạnh mẽ, đã chứng minh được bản sắc của mình cùng với bạn bè thế giới. Những câu hò, câu hát ngọt ngào mang chất liệu dân ca, những âm thanh lúc réo rắt, lúc nỉ non, lúc rộn ràng, lúc dịu ngọt của những nhạc cụ dân tộc mang theo cả hình ảnh quê hương, đất nước, con người Việt Nam chân phương, mộc mạc không chỉ còn vang vọng ở những làng quê bé nhỏ nữa mà đã được bay bổng khắp mọi nơi, làm say lòng không biết nhiêu bạn bè trên khắp năm châu bốn bể.
Là người Việt Nam, chúng ta phải luôn biết tự hào về những bản sắc dân tộc mà ông cha để lại qua bao nhiêu đợt biến thiên của lịch sử, hơn nữa, để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống văn hoá của dân tộc và đem âm nhạc cổ truyền của chúng ta đến với bạn bè quốc tế, chúng ta cần phải có những chính sách sưu tầm, bảo lưu những giá trị âm nhạc cổ truyền đang có nguy cơ bị mai một. Mặc khác, chúng ta cũng cần phải có chính sách tạo điều kiện cho những nghệ nhân, nghệ sĩ phát huy tài năng cũng như lưu truyền lại cho thế hệ sau, có như thế thì mới không làm mất đi những giá trị tinh hoa của dân tộc mà chúng ta đã cất công gìn giữ suốt thời gian qua.






KẾT LUẬN
Âm nhạc truyền thống Việt Nam rất đa dạng và dung hợp, kết hợp những ảnh hưởng ngoại quốc với đặc tính bản xứ. Xét về lịch sử, Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều bởi âm nhạc truyền thống Trung Quốc, phát triển cùng với âm nhạc Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ. Vương quốc Champa cổ xưa cũng có ảnh hưởng nhất định đến âm nhạc truyền thống Việt Nam do các mối quan hệ với triều đình Việt Nam. Mặc dù có những ảnh hưởng ngoại lai, nhưng Việt Nam vẫn có được truyền thống âm nhạc đặc thù, độc đáo từ các dân tộc trên lãnh thổ này. Âm nhạc truyền thống Việt Nam có những loại chính: âm nhạc triều đình, dân ca, nhạc kịch và âm nhạc thính phòng. Nhã nhạc là một hình thức âm nhạc triều đình phổ biến nhất, đặc biệt được dùng trong triều đại Trần đến cuối đời Nguyễn, được các vua Nguyễn tổng hợp và phát triển đặc biệt. Loại âm nhạc này có nền tảng từ âm nhạc triều đình thời kỳ đầu, pha trộn với những ảnh hưởng từ triều đình nhà Minh và sau này là âm nhạc Champa. Dân ca Việt Nam được hát trong khi làm việc, tại tư gia hay các lễ hội. Ở miền Bắc Việt Nam có những hình thức phổ biến nhất là hát quan họ, hát chầu văn, hát ví dặm, hát ghẹo, và hát cò lả. Ở miền Trung và Nam Việt Nam có hình thức phổ biến nhất là hò và lý. Nhạc kịch cũng là một loại nghệ thuật ưu tiên ở Việt Nam. Trong hình thức này có hát chèo hay còn gọi đơn giản là chèo được coi là hình thức cổ xưa nhất trong các hình thức âm nhạc chính của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ba hình thức âm nhạc thính phòng tiêu biểu của âm nhạc truyền thống Việt Nam là: ca trù hay hát ả đào ở miền Bắc, ca Huế ở miền Trung và nhạc tài tử ở miền Nam. Việt Nam còn có nhiều hình thức dàn nhạc đa dạng. Mỗi hình thức đều có liên hệ gần với một loại nghệ thuật truyền thống đặc biệt, và có những đặc tính tiêu biểu bởi một loại nhạc cụ chính. Nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung đến nay vẫn luôn mang những giá trị nghệ thuật vô giá, tuy có rất nhiều điểm tương đồng về không gian, điều kiện tự nhiên hay khí hậu,… nhưng trong chính cái tương đồng lại tạo nên sự khác biệt cho mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Trịnh Công Sơn đã từng nói rằng: “ tình yêu cho phép những ca khúc ra đời. Nỗi đau và niềm hân hoan làm thành bào thai sinh nở ra âm nhạc. Âm nhạc như thế là tình yêu…”



TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.     https://vi.wikipedia.org/wiki/Âm_nhạc_tại_Đông_Nam_Á
10.             Lê Văn Chuông. Dân ca Việt Nam- những thành tố của chỉnh thể nguyên hợp. Nxb Khoa học xã hội.
11.             Nguyễn Bách. Hòa âm truyền thống (từ cổ điển đến hiện đại). Nxb âm nhạc.












văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn