Chỉ thị 06 ttg Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm


 Ngày 25-5, tại TP Hồ Chí Minh, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới.

Dự Hội nghị, có ông Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Tòng Thị Phóng, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; lãnh đạo MTTQ Việt Nam, các bộ, ban, ngành T.Ư,lãnh đạo 11 tỉnh, thành phố có đồng bào Chăm và một số cán bộ Chăm tiêu biểu.

Báo cáo tại Hội nghị đã nêu rõ, hai năm qua các địa phương có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống đã tập trung nhiều nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề truyền thống. Bộ mặt nông thôn vùng dân tộc Chăm thay đổi rõ rệt. Ðời sống của đồng bào được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm. Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Chăm được bảo tồn và phát triển. Tình hình an ninh nông thôn và an ninh tôn giáo được bảo đảm. Ðồng bào Chăm tin tưởng hơn vào đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước ta, tích cực hòa nhập và tham gia những phong trào chung ở địa phương, thắt chặt thêm tình đoàn kết với các dân tộc anh em trong địa bàn sinh sống.

Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, ông Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh: Dân tộc Chăm là một bộ phận trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đối với dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Chăm nói riêng, nhờ đó, đã tạo được bước phát triển mới trong vùng dân tộc Chăm.

Trong thời gian tới, cấp ủy và chính quyền các địa phương có đông đồng bào Chăm cần thống nhất nhận thức và hành động nhằm đề ra những chủ trương thích hợp tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm, gắn liền với bảo đảm an ninh - trật tự. Tôn trọng tự do tín ngưỡng, đồng thời cảnh giác đấu tranh với những ý đồ của bọn xấu lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc chống lại Nhà nước ta.

Trước mắt, các cấp ủy và chính quyền địa phương có trách nhiệm giải quyết đất ở cho đồng bào Chăm, không được để hộ nào thiếu đất ở. Ðiều chỉnh quy hoạch nhằm tạo thêm quỹ đất sản xuất cấp cho đồng bào Chăm, phát triển dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên Chăm, bố trí thêm một số dự án đầu tư và tạo nguồn vốn để thực hiện dự án trong vùng đồng bào Chăm. Ðầu tư phát triển giáo dục, y tế, bảo tồn văn hóa Chăm, tổ chức hội thảo về biên soạn bộ sách tiếng Chăm. Ðặc biệt, cần tạo sự chuyển biến rõ nét về công tác đào tạo, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ người Chăm, làm tốt công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên là người Chăm.


văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn